Bàn về dạy, học và làm theo

Nguyễn Đình Cống

Gọi Thầy  là người dạy bảo, bao gồm cả cha mẹ, ông bà, anh chị, cấp trên, Trò  là người học, được dạy bảo, bao gồm cả con cháu, em út, cấp dưới.

Trong việc dạy có câu sau cần được thảo luận: “Thầy dạy cho Trò những điều hay, điều đúng”. Mới nghe tưởng đó là triết lý giáo dục, là nguyên tắc phải triệt để tuân theo. Nhưng nghĩ kỹ lại thấy nó vi phạm nguyên lý sư phạm tiến bộ.

Trước hết là DẠY.  Đó là việc chỉ bảo, truyền đạt kiến thức, kỹ năng, có tính chất áp đặt từ người thầy. Mà mọi sự áp đặt đều không nên dùng cho con người lương thiện, con người tự do, có trí tuệ, đặc biệt là trẻ em. Thứ đến là điều hay, điều đúng. Các điều đó từ đâu ra? Phải chăng nó ở trong kiến thức của thầy, do tích lũy được theo một quan niệm nào đó hợp với thầy? Liệu điều mà thầy cho là đúng có phải là chân lý phổ quát, là điều người học cần đến hay không? Đã từng có nhiều dẫn chứng rằng thầy rất tin vào một điều, đem dạy cho trò, không ngờ trò phát hiện ra sai và cãi lại. Đã từng có bao nhiêu điều sai trái, thầy tin hoặc không tin, vẫn được đem ra dạy, và  trò cứ thế mà học rồi nhầm tưởng nó là chân lý.

Thế thì như thế nào là phù hợp?

Đó là mệnh đề sau: “Thầy hướng dẫn để trò tìm học được điều hay, điều đúng”.

Thấm nhuần câu đó nên khi vào các lớp cao học để trình bày môn Phương pháp luận NCKH và sáng tạo, tôi chỉ nhận làm người hướng dẫn mà không dạy.  Tôi thường nói với học viên: “Không ai có thể dạy được các anh chị khi các anh chị không muốn học, không biết cách học”.

Phật giáo có từ PHÁP, diễn đạt một khái niệm khá rộng, trong đó bao gồm những điều được truyền dạy hoặc hướng dẫn. Có quy tắc “Y Pháp bất y nhân”. Nghĩa là người học cần học Pháp, theo Pháp chứ không cần học và theo người dạy. (Ngoài ra còn: Y nghĩa bất y ngữ,  Y Trí bất y thức, Y Liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, thành qui tắc Tứ Y).

Quy tắc Y Pháp bất y nhân là một cách học hiệu quả.

Người ta thường yêu cầu Thầy phải có đạo đức, phải gương mẫu, ngoài kiến thức phải có phương pháp sư phạm tốt. Yêu cầu đó là chính đáng, là nêu ra cho người thầy. Nhưng nếu người học đòi hỏi người thầy phải có đủ các đức tính tốt mới theo học, còn nhất định không nghe những lời giảng pháp của một thầy, có gì đó mình không ưa, mặc dầu pháp rất hay,  thì đó là sai lầm.

Thí dụ 1 –  Bạn đang rất muốn học kỹ thuật trồng nấm và bạn ghét người uống nhiều rượu. Bạn tìm được chuyên gia giỏi về trồng nấm để học, nhưng phát hiện ông ta thích uống rượu nên bạn không chịu học với ông ta.

Thí dụ 2 – Môn học rất cần và khó. Thầy dạy khó hiểu và thỉnh thoảng cáu gắt. Bạn không ưa gì thầy và vì thế chán luôn môn học, không chịu khó học để nắm được nội dung mà chỉ tìm cách đối phó.

Y Pháp bất y nhân. Là lời dặn người học. Khi học phải tập trung tiếp nhận nội dung (Pháp)  mà có thể không chú ý đến hình thức, thái độ người truyền đạt, hướng dẫn, không quan tâm nhiều đến người nào đã tìm ra Pháp ấy. Ngược lại, đối với người thầy, người hướng dẫn thì không được dựa vào câu đó để bỏ qua hình thức và thái độ. Pháp đã hay rồi mà người truyền có hình thức và thái độ hấp dẫn thì càng tốt hơn. Việc biết được ai đã tìm ra Pháp ấy, là rất cần đối với người nghiên cứu, nhưng ít quan trọng đối với người vận dụng.

Y Pháp bất y nhân. Với mỗi vấn đề Pháp thường chỉ có một, nhưng người truyền đạt có nhiều, với các phong thái khác nhau. Nội dung của Pháp có thể từ 2 nguồn: Cá nhân và cộng đồng. Thuộc vế cá nhân là các kiến thức được công nhận, được bảo hộ từ phát minh, sáng chế, từ bí mật gia truyền. Thuộc về cộng đồng là những kiến thức phổ quát, trở thành của chung, không cần chỉ ra nó được bắt đầu từ ai và vào lúc nào. Thí dụ những phép toán sơ cấp, những khoa học thường thức, những  đức tính tốt như trung thực, lòng yêu nước, cần kiệm liêm chính… Tư tưởng dân chủ với tam quyền phân lập là do Montesquieu đề xướng đầu tiên, nhưng nó đã được phổ biến thành của chung nhân loại. Khi nói tam quyền phân lập thì mọi người đều nói là vì nền dân chủ, không thấy ai nói là học tập và làm theo tư tưởng của Montesquieu.

Thế mà có những thứ như lòng yêu nước, như đức tính cần kiệm liêm chính, yêu lao động, như tình cảm thương già, mến trẻ… rõ ràng là của chung, nhưng người ta cố gán cho người này người nọ để học tập và làm theo! Làm như thế hơi ngược với  qui tắc Y Pháp bất y nhân, là cách suy nghĩ của những đầu óc thiển cận. Làm như thế phạm phải một số điều cần tránh, là lợi bất cập hại.

Hướng dẫn cho trò tìm học điều hay lẽ phải thì tốt nhất là từ những điều thực tế trong cuộc sống, xung quanh ta. Học đức tính thương yêu và kính trọng con người, học lòng yêu nước, học đức tính cần kiệm liêm chính… thì tại sao không học ngay từ ông bà cha mẹ  và những người gần gũi, mà phải học từ một con người xa lạ?

Khi gắn các đức tính tốt là của chung nhân loại cho một con người nhằm sùng bái cá nhân phải chăng đã biến của chung thành của riêng. Phải chăng chỉ người ấy mới có đức tính tốt ấy để cho ta học, còn đức tính tốt của nhân loại không đáng quan tâm.

Học những cái tốt của nhân loại thì đó là công việc thường ngày, còn khi học và làm theo người nào đó thì còn phải phát động phong trào, còn tổ chức các đợt thi, còn sơ kết, tổng kết, tuyên dương, phát phần thưởng. Toàn là những việc khua chiêng , gõ trống, gây ra rất nhiều lãng phí mà thực chất chẳng thu được mấy kết quả. Xem ra những báo cáo, những tổng kết về phong trào học tập và làm theo phần lớn là dối trá, là bịa đặt.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.