Thường khi chúng ta, những người thiện lương, nói với nhau “bảo tồn di sản” tức cùng nhau có ý thức về trân quý quá khứ (sử học, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng…). NHƯNG, nếu quý bạn chứng kiến những kẻ “ăn cháo đái bát” đối với lịch sử, hoặc nhẹ hơn là “quên béng” công lao tiền nhân, những kẻ đó mở miệng nói tới “bảo tồn di sản” thì quý bạn có tin vô miệng lưỡi của họ hay không?
Câu trả lời, tôi nghĩ, là KHÔNG.
Chớ dại mà tin những lời đầu môi chót lưỡi.
*&*
Đây nói chuyện tượng đài, bởi cách nào đó, tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân.
Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung những đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: không lẽ TP. HCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) … “từ trên trời rơi xuống” hay sao?
Sao không trân trọng dựng nên tượng đài Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng), người khởi lập Đàng Trong – mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam về sau?
Rồi những bực danh nhân làm tổng trấn Gia Định thành (mang danh “Gia Định thành” nhưng cai quản cả vùng Nam kỳ) như Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Đức – thảy đều có công trạng lỗi lạc làm cho vùng đất phương Nam trở nên trù phú. Sao không dựng nên tượng đài Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Đức?
Trên lãnh vực giáo dục, văn hóa tại đất Sài Gòn – Gia Định này, nổi bật với nho sư Võ Trường Toản đi tiên phong mở trường dạy học đào tạo bao nhân tài; với Trương Vĩnh Ký nhà bác học tài danh với công trạng phổ biến chữ Quốc ngữ. Quá xứng đáng để hậu bối chúng ta phải tạc tượng ghi ơn, đúng không?
Sao không dựng tượng đài Võ Trường Toản, thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo”?
Tệ hại hơn, đã có tượng đài rồi – như tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhưng sau năm 75 thì “bức tử”, dẹp bỏ!
*&*
Những giới chức có thẩm quyền đối với “bảo tồn di sản”, họ có niềm yêu quý lịch sử thực sự hay không, họ có biết ghi nhớ công lao tiền nhân hay không?
Trước hết, hãy thể hiện bằng cách xây dựng tượng đài trang nghiêm cho các danh nhân (ở trên, tôi chỉ nêu lên 6 vị nổi bật; dĩ nhiên, còn nhiều hơn nữa).
Làm đi, dựng tượng đi, sau đó nói mới tin!
Nếu không, khó mà tin vô não trạng (hiểu sử hay không, hiểu tới đâu) cũng như năng lực của những ban bệ đặt ra gọi là “bảo tồn di tích” (còn khó hơn so với việc dựng tượng đài).
Ảnh: Tượng đài nhà bác học Petrus Ký gần Nhà thờ Đức Bà đã bị “bức tử”, dẹp bỏ.
N.C.
Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/674494602984523