Quách Hạo Nhiên
“…Xứ sở thật thà
sao lại lắm thứ điếm
Điếm biệt thự, điếm chợ, điếm vườn…
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn…!”
(Nguyễn Duy – Nhìn từ xa… Tổ quốc)
Bàn về đất nước và con người Việt Nam hôm nay, ông Nguyễn Phú Trọng – đương kim Tổng Bí thư và Chủ tịch nước – đã không dưới một lần lặp đi lặp lại cái điệp khúc: “chưa bao giờ quê hương ta đẹp và có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định như hôm nay; “mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, tham nhũng khắp nơi nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”. Tương tự như thế là: “giáo dục nước nhà chưa bao giờ được như bây giờ”; hay “cơ đồ dân tộc chưa bao giờ được như hôm nay?”…
Là người làm chính trị lại nắm quyền hành tuyệt đối nên những điều ông Trọng nói ở trên kể ra cũng không có gì lạ. Âu cũng là lẽ tất nhiên vì “miệng nhà quan có gan có thép”. Tuy vậy, trong tư cách một công dân và trên hết là một Con Người, tôi cho rằng mình có đầy đủ quyền và trách nhiệm phải nghĩ khác và nói khác ông Trọng. Trong ý nghĩa này và nhìn ở giác độ văn hóa, với những gì đã và đang xảy ra hiện nay, tôi cho rằng xã hội và con người Việt Nam hôm nay đang bị hoành hành và tàn phá bởi căn bệnh “ung thư văn hóa”, “ung thư nhân cách”. Thời gian gần đây bệnh ngày một nặng hơn vì đã chuyển sang thời kỳ cuối nên bắt đầu di căn ra khắp cơ thể; không khó để mọi người có thể nhận ra những mảng lỡ loét, thối rữa và bong tróc rất đáng sợ này.
1. Nói dối không biết ngượng mồm
Làm người phải biết tôn trọng sự thật, dám nói lên sự thật dù đó là những điều tồi tệ nhất. Người không biết tôn trọng sự thật là người không có lòng tự trọng. Mà tự trọng chính là cái thẻ “căn cước” chứng nhận sự trưởng thành về nhận thức và hoàn thiện về phẩm cách của mỗi cá nhân.
Đáng tiếc thay, người Việt hôm nay đa phần đều nói dối không hề biết chớp mắt. Từ quan cho đến dân, từ trí thức cho đến bình dân, thất học… tất thảy đều nói dối như một thói quen và không còn biết ngượng mồm.
Trong một khảo sát được công bố mới đây của mình, ông Trần Ngọc Thêm cho ràng “bệnh giả dối” đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22%, học sinh trung học cơ sở là 50%, học sinh trung học phổ thông là 64% và sinh viên đại học là 80%! [1].
Thực ra, cũng không cần ông Trần Ngọc Thêm và các cộng sự phải dày công khảo sát, nghiên cứu, chỉ cần nhìn sự thối nát, bầy hầy của nền giáo dục (thầy không ra thầy, trò không ra trò, gian lận thi cử, mua bán bằng cấp, học hàm học vị diễn ra khắp nơi nhưng không một kẻ nào đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi dân chúng) cùng vấn nạn tham nhũng của tầng lớp quan chức trong bộ máy công quyền (dù rằng mỗi ngày đều “học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM…”) sẽ cho thấy sự giả trá, thiếu trung thực của người Việt hôm nay khủng khiếp đến mức nào.
Một đất nước mà tham nhũng trở thành “quốc nạn”, quan tham thì nhung nhúc như giòi bọ (vậy mà lắm kẻ lại nói tiền xây biệt thự, mua xe sang hay đưa con cái đi tị nạn giáo dục và an dưỡng tuổi già ở các nước “tư bản giãy chết” là nhờ bán chổi đót, chạy xe ôm…) thì trên thế giới này có lẽ chỉ có miệng lưỡi của “Đảng ta” mới nói được câu: “tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”!?
Chưa hết, một đất nước mà biển đảo thiêng liêng do cha ông bao đời đổ máu xương gìn giữ nhưng cứ mất dần vào tay người “bạn vàng” “4 tốt” thì rõ ràng chỉ có “Đảng ta” mới đủ lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng để thốt ra câu: “chúng ta phải vì đại cục” và “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”!?
Chỉ riêng những điều trên thôi đã cho thấy con đường tiến lên CNXH của dân tộc này không thể là con đường nào khác ngoài con đường mang tên lừa mị và hoang tưởng. Và đây cũng chính là sự thật đã kéo dài hơn 40 năm nhưng dĩ nhiên cũng chỉ có “Đảng ta” là đủ dũng khí để thốt lên những lời dối gian trắng trợn: “tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”!?
2. Sân hận, chia rẽ, vô cảm, vô trách nhiệm…
Người Việt lâu nay vốn tự hào là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, nhân hậu, lúc nào cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Và có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới có ngày kỉ niệm “Đại đoàn kết dân tộc” (ngày 18/11 hàng năm).
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hôm nay, tôi cho rằng nếu tất cả không phải là sự huyễn hoặc thì chính người Việt đang chà đạp và phản bội lại những giá trị tốt đẹp của cha ông mình. Giờ đây, nhìn cách người Việt hành xử, ứng xử tôi không thể không nói rằng Việt Nam hiện tại là một dân tộc rất rời rạc và đầy sân hận; lúc nào nghi kỵ và chẳng biết tương kính, nhường nhịn và yêu thương nhau thật lòng. Đây cũng có thể xem là hệ lụy kéo dài của căn bệnh giả dối từ đó làm cho người Việt ngày một trở nên vô cảm và vô trách nhiệm. Đó cũng là lý do “nội lực quốc gia” ngày một suy yếu, kẻ thù ngoại bang lợi dụng. Có hai vấn đề lớn cho thấy sự sân hận, chia rẽ và vô cảm, vô trách nhiệm của người Việt hôm nay như sau:
Thứ nhất, dù đã nói rất nhiều lần nhưng sau hơn 40 năm giang sơn đã thu về một mối nhưng sự sân hận và nghi kỵ của người Việt liên quan đến cuộc chiến tranh 20 năm ở thế kỷ trước vẫn nguyên vẹn, chẳng biết bao giờ mới có thể hòa hợp, hòa giải.
Thứ hai, dù đất nước đang hòa bình nhưng hàng năm số người Việt chết vì tai nạn giao thông và bệnh ung thư còn hơn cả trong thời chiến. Nếu tai nạn giao thông làm khoảng 8.000 người Việt chết mỗi năm (theo số liệu “đếm xác người” chết thuần túy tại hiện trường của cảnh sát giao thông, còn theo số liệu của Bộ Y tế thì là khoảng 15.000 người, thậm chí theo Tổ chức y tế thế giới thì con số này lên đến hơn 22.000 người) [2] thì con số người Việt tử vong vì bệnh ung thư còn kinh hoàng hơn: trung bình có khoảng hơn 94.000 người tử vong mỗi năm [3].
“Những con số chết chóc” trên cho thấy điều gì? Về tai nạn giao thông, nói cho cùng tất cả là do sự kém ý thức, coi thường pháp luật và nhất là coi thường mạng sống của chính mình và người khác mà ra.
Còn với căn bệnh ung thư, ngoài nguyên nhân trực tiếp là vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành thì môi trường sống của người dân đang bị ô nhiễm nặng nề là nguyên nhân chính yếu nhất. Cả hai nguyên nhân này đều cho thấy sự băng hoại và suy đồi đạo đức, văn hóa của người Việt hôm nay (từ quan cho đến dân). Đặc biệt tất cả đều cho thấy sự tham lam, ngu dốt, vô cảm và vô trách nhiệm của tầng lớp quan chức, lãnh đạo trong bộ máy công quyền; chỉ vì những mối lợi trước mắt mà cấu kết với bọn gian thương sẵn sàng đánh đổi môi trường sinh thái bình yên và tươi đẹp của đất nước.
Không khó để nhận ra dọc chiều dài đất nước hiện nay là những dự án khủng (như: Bauxite – Tây Nguyên, Formosa – Hà Tĩnh, nhiệt điện Vĩnh Tân – Ninh Thuận, Lee & Man -Hậu Giang…) chẳng khác gì những quả bom nổ chậm đang treo lơ lửng trên đầu người dân. Dù vậy, tất cả đều được hợp pháp hóa dưới danh nghĩa phát triển kinh tế với mục tiêu “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” đất nước theo “đúng quy trình” từ Bộ Chính trị cho đến các Sở, Ban, Ngành… Những cá nhân nào dám lên tiếng trao đổi, phản biện thì cái mũ “phản động”, “chống đối”, “nói xấu Đảng và Nhà nước” ngay lập tức sẽ được chụp lên!
3. Vô pháp, vô thiên, vô đạo
Nhờ sự phát triển của công nghệ, người Việt hôm nay tuy có nhiều điều kiện để học tập, trau dồi, mở mang kiến thức cũng như dễ dàng tiếp cận thông tin so với trước đó nhưng tiếc thay, nhiều người lại không đủ khả năng để tự nhìn nhận, soi rọi và điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình. Đây có thể nói là một nghịch lý trong sự phát triển về xã hội và văn hóa ở Việt Nam thời gian qua. Và cái nghịch lý này đã nói lên tất cả sự khủng hoảng, mất phương hướng và rối loạn niềm tin của người Việt hôm nay. Vì khủng hoảng và mất phương hướng nên người Việt giờ đây chỉ biết hành xử theo bản năng, cảm tính và tâm lý đám đông, bầy đàn hơn là dùng lý trí để phân tích, đánh giá nhìn nhận các vấn đề diễn ra trong cuộc sống. Từ đó làm cho xã hội ngày một loạn lạc, rối ren hay nói khác đi, xã hội và con người Việt Nam hôm nay nhìn bề ngoài tưởng rất trật tự, nề nếp, êm ấm nhưng kỳ thực bên trong là một xã hội hoang dã, vô pháp, vô thiên và vô đạo.
Có thể thấy, vì mất niềm tin vào bản thân cũng như các mối quan hệ xã hội khác nên giờ đây người Việt gần như chỉ biết bấu víu vào những trò mê tín của những kẻ “buôn thần, bán thánh”. Đó là lý do tại sao, có không ít người tuy ngoài miệng thì nói tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của “Đảng ta” nhưng trên thực tế thì tìm các vị “sư hổ mang” đang ẩn náu trá hình trong các đền, chùa, thiền viện hoành tráng, bề thế khắp mọi miền đất nước để cúng sao giải hạn và cầu xin ơn trên ban cho phước lành.
Từ quan tới dân, giờ đây đang tranh nhau tìm đến các cơ sở tôn giáo nhưng không phải để củng cố và trau dồi đức tin trong sự hiểu biết và chân thành hướng thiện mà là để trình diễn, phơi bày tất cả sự tham lam và ngu dốt của mình. Cũng vì lẽ ấy, nên các cơ sở tôn giáo giờ đây nếu không phải là chỗ để họ “hối lộ”, ra giá với “thần thánh” thì cũng là tấm bình phong để che đậy những âm mưu, thủ đoạn mượn thần thánh để “kinh doanh niềm tin”, lừa gạt kiếm chác từ sự mê muội của đồng bào mình.
Có thể thấy, người Việt hôm nay tuy rất nhạy bén trước những vấn đề của xã hội và đất nước nhưng trong cách cư xử, ứng xử thì rất hoang dã, bản năng, và đặc biệt rất hung hăng và “máu me chiến trận…”. Nhiều người giờ đây sẵn sàng lao vào chửi bới, miệt thị, ném đá nhau đến toét đầu chảy máu về mọi chuyện lớn nhỏ trên không gian mạng chỉ với một mục đích duy nhất là: chứng tỏ bản thân đang nắm trong tay nhiều “bí mật” động trời và một chân lý “độc quyền”, đứa nào cãi lại hay nói khác đi đều là ngu muội, phản động…
Đó là trên không gian mạng, còn ngoài đời thực thì các vấn nạn xã hội như cướp, hiếp, giết, ấu dâm, quấy rối tình dục, xì ke ma túy, ngáo đá… đang có xu hướng diễn ra ngày một công khai và tràn lan hơn. Trong khi đó hệ thống pháp luật Nhà nước tuy dày đặc nhưng đa lại phần chồng chéo do bị thao túng bởi các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là những kẻ thực thi và thừa hành pháp luật lại ít khi xài luật Nhà nước mà chỉ thích dùng “luật ngầm” hay “luật rừng” để “trao đổi” và “xử lý” cho mau lẹ… Và đương nhiên tất cả đều được bảo hộ bởi câu thần chú “đúng quy trình” hay “nghiêm minh”, “không có vùng cấm”…
4. Thay lời kết
Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về xã hội và con người Việt Nam hôm nay tôi lại nhớ đến những câu thơ trong bài “Nhìn từ xa… Tổ quốc” của nhà thơ Nguyễn Duy. Những lúc như thế tôi lại càng thán phục tài năng, tầm vóc và tài “tiên tri” của Nguyễn Duy hơn. Đã hơn 30 năm rồi nhưng những điều ông khái quát và dự báo về xã hội và con người Việt Nam hôm nay không một chi tiết nào sai. Nhưng có lẽ điều đáng quý hơn cả chính là tâm thế và thái độ phản tỉnh trong sự cầu thị của ông đằng sau những con chữ trong bài thơ này. Tới đây tôi lại liên tưởng và muốn trở lại những điều ông Trọng đã nói ở phần thượng dẫn.
Ông Trọng vốn là người xuất thân từ dân “văn chương chữ nghĩa” nên tôi không nghĩ ông không hiểu những điều nhà thơ Nguyễn Duy đã tiên tri. Vấn đề là phải chăng kể từ khi bước vào con đường quan trường và để đến hôm nay trở thành người nắm quyền hành tuyệt đối ở xứ này ông ấy nghĩ rằng cái tấm bằng “Cử nhân Văn chương” – cái bước đệm đầu tiên để ông có được vị trí như ngày hôm nay – là thứ phù phiếm, cần phải vứt đi? Bởi nếu không, ở giác độ văn hóa, tôi nghĩ nếu đã đọc “Nhìn từ xa… Tổ quốc” thì với trình độ “Cử nhân văn chương” ông Trọng trước hết phải biết rung cảm – dù là sự rung cảm của một Đảng viên, một nhà chính trị nhưng suy cho cùng tất cả đều là con người bằng xương bằng thịt – để từ đó nhìn nhận một cách khách quan, trung thực tất cả những gì đang xảy ra trên mảnh đất hình chữ S này suốt mấy mươi năm qua.
Một xã hội, một đất nước mà cái nền tảng văn hóa bị sụp đổ, nhân cách, nhân tính con người bị tàn phá thì dù anh có nắm trong tay cái “công nghệ 4000 chấm” đi nữa cũng không bao giờ có thể làm cho đất nước “hóa rồng” hay “cất cánh”, nhất là được bạn bè thế giới nể trọng [4]!
Vậy nên, xin hãy tự tỉnh thức, con người không ai có thể tự nắm tóc mình để nhấc lên khỏi mặt đất huống hồ trên đầu mình vốn chỉ còn mấy sợi loe hoe, trụi lủi và trơn tuột thế kia!
CT, 12/05/2019
Q.H.N
——-
Nguồn tham khảo:
[1]: “Người Việt nói dối: con số và viễn cảnh”. Xem tại: https://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Nguoi-Viet-noi-doi-Con-so-va-vien-canh-post173179.gd
[2]: “Bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông”? Xem tại: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bao-nhieu-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-1077411.html
[3]: “94000 người chết mỗi năm vì do ung thư”. Xem tại: https://laodong.vn/suc-khoe/94000-nguoi-viet-chet-moi-nam-vi-ung-thu-574005.ldo
[4]: “Công nghệ là hạt nhân thực hiện khát vọng “hóa rồng”. Xem tại; https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cong-nghe-la-hat-nhan-thuc-hien-khat-vong-hoa-rong-1080061.html
Nguồn: http://viet-studies.net/kinhte/QuachHaoNhien_UngThuVanHoa.html