Tiếng nói của Tuổi trẻ – Tôi muốn giúp đất nước thì tôi nên bắt đầu từ đâu? (I)

Lương thị Huyền.

05.05.2019

Tôi đã viết về vài tổ chức, vài nhóm xã hội dân sự đang làm trong việc dân chủ hoá đất nước, tôi đoán chừng một số người đọc xong lại dường như bế tắc hơn, bởi thấy những việc mà mấy tổ chức kia đang làm, sao mà khó quá, ngoài khả năng mình quá!

Cho nên tôi viết thêm bài này để trả lời cho câu hỏi: Nếu tôi chỉ là một người bình thường mà lại muốn làm gì đó cho đất nước thì tôi phải bắt đầu từ đâu?

Chúng ta lại quay trở về những điều đơn giản nhất.

Khởi đi từ những việc nhỏ

– như về nhà, nói với gia đình, họ hàng, làng xóm của mình rằng việc tiêu thụ hàng hoá TQ là tiếp tay cho họ thao túng nền kinh tế nước ta, là làm giàu cho cái lũ luôn nhòm ngó và đang từng bước tiến sâu hơn vào xâm lấn nước mình bằng nhiều thủ đoạn, chưa kể là nhiều loại hàng hoá của TQ rất kém chất lượng, cho nên hãy dứt khoát tẩy chay hàng TQ.

– như chỉ cách cho gia đình mình chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Nếu điều kiện cho phép, có thể tự trồng rau củ, ăn không hết thì mang cho hàng xóm, nhân tiện nhắc họ là mua thực phẩm bẩn là vừa tự hại sức khoẻ của mình vừa tiếp tay cho bọn bất nhân…

– như trồng một cái cây lâu năm trước sân nhà, rồi thuyết phục người khác cũng làm như thế…

– như chuẩn bị sẵn một cái túi khi đi mua đồ và luôn nhắc nhở người thân trong gia đình rằng: “Em ạ, trăm năm sau, thân xác chúng ta đều đã hoá thành tro bụi, nhưng cái túi nilon này vẫn chưa phân huỷ, nó sẽ làm ô nhiễm đất, nguồn nước, và người chịu hậu quả sẽ là cháu con mình đấy”, hãy hạn chế rác thải nhựa và túi nilon. (Nếu mỗi siêu thị hay cửa hàng đều biết nhắc nhở khách hàng bằng một tấm sticker nhỏ xinh thì hay biết mấy!)

– giải thích lý do gì khiến giá điện, giá xăng tăng phi mã, thuyết phục gia đình chi tiêu tiết kiệm để bớt tiền nuôi bọn quan tham…

– như vận động gia đình mình lên tiếng chống bất công xã hội…

Ôi những việc tương tự như thế còn nhiều vô kể, hãy khởi đi từ gia đình của mình, trước khi ôm tham vọng thay đổi xã hội hay đất nước.

Rồi khi ta đã bắt đầu làm gì đó, ta sẽ từ từ phát hiện ra nhiều cách khác để làm nó một cách hiệu quả hơn, giúp được nhiều người hơn. Khi ta bắt tay vào làm thì ta sẽ thấy một mình ta ko làm hết được tất cả các việc, ta có thể tác động lên 10 người chứ muốn thay đổi nhận thức hay thói quen cho 1000 người thì cần người khác phải chung sức.

Và như vậy, hội nhóm sẽ ra đời.

Đừng nghĩ gì cao siêu, đừng tham vọng giải cứu thế giới khi mà việc nhỏ ta chưa làm…Đọc bài này xong đừng ai lại hỏi chủ thớt đã làm được chưa hay chỉ nói lý thuyết nhé. Gia đình chủ thớt từ những người “không quan tâm chính trị” mà bước xuống đường biểu tình, sau vài phen tranh luận với đứa con gái bé nhỏ nhãi ranh đấy. Cho nên hãy bắt tay từ việc nhỏ thiết thực và kiên trì, có khó khăn nhưng không gì là không làm được cả.

“Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân…”

Nếu ta nhận thấy ta giỏi giang hơn, ta có thể làm được những việc lớn lao hơn, thì xin hãy tham khảo một vài gợi ý trong những bài sau.

(Tôi sẽ còn trở lại)

06.05.2019                                                                                                                                    

Tôi tiếp tục trả lời câu hỏi: Chúng ta làm được gì cho đất nước?

Những việc giản đơn và trong tầm tay nhất tôi đã viết hôm qua. Bây giờ tới cấp độ khó hơn. Nếu bạn là người có tri thức và tấm lòng, và bạn khát khao được đóng góp nhiều hơn…

Chịu trách nhiệm từng lời ăn tiếng nói                                                                               

Thông thường chúng ta không biết phải làm gì hơn ngoài việc lên FB phê phán và thể hiện nỗi bất bình, ta thường nghĩ đó là cách duy nhất và hiệu quả nhất để “khai dân trí”, và yên tâm rằng một cuộc cách mạng rồi sẽ diễn ra.

Tôi không cho rằng thay đổi một nền tảng dân trí của xã hội theo hướng từ dưới lên, ta xây dựng lại cả một hệ giá trị văn minh hơn sự mông muội của cộng sản, mà lại giản đơn như thế. Chưa kể là trong quá trình bày tỏ quan điểm, cơn bức xúc và cách phản biện kém văn minh (cái này nhiều lắm, dạo một vòng quanh fb sẽ thấy ngay), nó làm chúng ta vô tình đi ngược lại những giá trị mà chúng ta theo đuổi và mong muốn dựng xây cho xã hội này.

Ta hạ nhục, mạt sát, chà đạp lên nhân phẩm của nhau, của người khác trong cơn tức giận, để rồi cảm thấy hả hê, đâu hay rằng nếu ta cấp tiến theo cách đó thì xã hội này đâu cần? Những giá trị nhân văn nhân bản nào mà chúng ta đang cổ vũ và ủng hộ, ta quên rồi sao?

Ta không thể bài trừ cái xấu bằng một cách xấu hơn, bằng cách ta lăng mạ người khác là đồ ngu, đồ con lợn, con bò, đồ rác rưởi, đồ hạ đẳng…

Chửi bới và hạ nhục không làm người ta thông minh lên và nể mình hơn, nó chỉ càng đẩy lui những điều tốt đẹp. Xin chúng ta bắt đầu từ những việc nhỏ này, chịu trách nhiệm với từng lời ăn tiếng nói, trước khi gọi đó là đi khai trí cho người khác. Bởi xã hội này vốn đã có dư những thứ lệch chuẩn rồi.

L.T.H.

(Còn tiếp)

Nguồn: FB Lương Thị Huyền

This entry was posted in Tiếng nói của Tuổi trẻ. Bookmark the permalink.