Trịnh Cung
Tự họa 1989, sơn dầu trên canvas, 25 x45cm. Sưu tập của Phan Nguyên.
1. Vẽ trong trại tù
Ngày đó, không chỉ mình tôi hoang mang, lơ láo mà hầu hết các bạn cùng thời ở trong hệ thống chính quyền Sài Gòn đều có chung tâm trạng.
Làm gì đây, sẽ ra sao? Trong lúc đó những người ủng hộ cách mạng đang ăn mừng, “ anh em ta về mừng như bão tố/ cờ bay trăm ngọn cờ bay”.
Rồi cái gì đến cũng phải đến, tôi cùng cả trăm ngàn sĩ quan và chức sắc hành chánh khăn gói đi tập trung cải tạo. Thế là giã từ nghiệp vẽ.
Nhưng số tôi, việc vẽ đã bị cột vào đời mình, chạy trời không khỏi. Tinh thần của một hàng binh như tôi là vừa sợ vừa chấp nhận, mất khả năng chiến đấu nên dễ tuân theo chủ trương của trại tù, bảo gì làm đó miễn không quá sức và không hại anh em.
Vì vậy mà anh em, cụ thể là bạn trưởng khối, giao vẽ chân dung “bác Hồ” để treo trước cổng của khối. Tôi đi tù, chỉ mang theo thuốc phòng bệnh, mùng mền và một ít mắm ruốc xào sả ớt để phòng không có thức ăn, làm gì có mang theo màu để vẽ, vậy làm sao bấy giờ? À, tôi nhớ ra mình đã từng vẽ guốc bằng bút lửa, vậy ở đây, chỗ chúng tôi bị nhốt nguyên là doanh trại của sư đoàn 25 (?) bỏ lại, rải rác chúng tôi thấy còn nhiều thùng đạn bằng gỗ và đạn còn nguyên thùng, tại sao không dùng những thanh gỗ thùng đạn ghép lại thành một bản vẽ và tháo đầu đạn ra lấy thuốc súng rắc lên đường vẽ bằng bút bic rồi bật quẹt cho cháy thay cho bút lửa, đường lửa cháy chạy theo nét vẽ sẽ để lại hình ông Hồ như đã vẽ trước bằng bút bíc.
Với cách này, một chân dung đầu tiên tôi đã vẽ trong hoàn cảnh những ngày đầu ở trại tù Trảng Lớn, Tây Ninh. Và đây cũng là tai nạn nghề nghiệp đầu tiên tôi gặp phải dưới sự cai quản của người cộng sản khi chỉ sau 15 phút bức vẽ được treo lên trên cổng chào của khối thì quản giáo và vệ binh kéo đến xỉ vả chúng tôi và bắt tháo xuống vì không được phép.
Sáu tháng sau, khối tôi phải chuyển trại về Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh. Đây cũng là một doanh trại của sư đoàn 18, tiểu tổ của tôi được chỉ định ăn ở tại dãy nhà tôn nằm dưới dốc cạnh con suối. Ở đây được vài tháng thì tôi lại lần nữa bị chỉ định vẽ chân dung “ông Hồ” cho tờ bích báo của trại nhân dịp chào mừng một lễ lạt gì đấy, lần này có sự đồng ý của quản giáo và được cấp giấy cùng màu, bút vẽ.
Chỉ vài ngày sau, tôi hoàn thành bức chân dung ấy bằng màu nước trên giấy canson dựa trên tài liệu lúc ông Hồ còn ở Việt Bắc, ốm và xương xẩu. Trong quá trình vẽ luôn có quản giáo ngồi bên cạnh để kiểm soát cách dùng màu và ẩn ý xấu nếu có. Đúng hẹn, tờ bích báo được treo trên hội trường trại tù Xuân Lộc để các tù nhân đến đọc và xem. Mọi người kéo đến xem rất đông và trầm trồ về bức chân dung, tôi cũng có mặt trong đám đông để nghe các lời bình phẩm. Và cũng chỉ một giờ sau, một tiểu đội vệ binh với súng có gắn lưỡi lê đi theo lối cơ bản thao diễn do một cán bộ chỉ huy tiến vào hội trường và tháo tờ bích báo xuống, cuốn lại rồi mang về bộ chỉ huy trại.. Sau đó chừng vài chục phút, trưởng khối bị gọi đi họp. Thế là cả trại nhao nhao lên với nhiều suy diễn như hình ông Hồ gầy và ốm đói, thế là có ý đồ bôi nhọ lãnh tụ, hoặc sao tôi vẽ ông Hồ lại rất giống… tôi, những suy diễn này khiến tôi mất tinh thần, thế nào cũng bị biệt giam!
Tôi chờ đợi trong căng thẳng chuyện gì sẽ xảy đến, ngày một ngày hai rồi một tuần trôi qua cũng không thấy gì, tôi hỏi trưởng khối, anh ấy lắc đầu bảo tôi rằng chưa nhận được lệnh của quản giáo. Và bình yên cho đến ngày tôi và một số bạn tù được chuyển về Hóc Môn.
Sau này, khi được trả về gia đình, qua người em trai, một cầu thủ đá banh của đội Phú Khánh, trong một dịp đến nhà cầu thủ bạn, con ông Đại tá Giám đốc Sở Công an tỉnh Phú Khánh, cậu ấy đã thấy trong phòng khách có treo bức chân dung được vẽ bằng màu nước với chữ ký Trịnh Cung, đã cho tôi biết là ba của bạn ấy được tặng trong một dịp đi họp nào đó.
Cũng tại trại Xuân Lộc, một tai nạn nghề nghiệp khác lại xảy ra sau vụ tờ bích báo ấy. Trong giờ nhàn rỗi, tôi có thói quen lấy bút bic vẽ caricature vài anh bạn, trong số này có dược sĩ Gia, nào ngờ đâu, tôi vẽ anh ngày hôm trước thì sáng hôm sau, anh em cùng lán trại phát hiện Gia đã tự tử bằng treo cổ trên xà nhà phía sau chỗ nằm. Tôi còn nhớ rõ, bức vẽ được anh em làm khung tạm để dựng trên ngực Gia. Vì chuyện này mà nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, cùng chung trại tù, đã viết trong hồi ký của anh là tôi vẽ ai người đó chết, cuốn hồi ký này được xuất bản ở California và sau đó, nhà báo cs Huy Đức đã trích dẫn câu này cho cuốn Bên Thắng Cuộc trong phần đề cập đến tôi. Chuyện này khiến tôi bị mặc cảm và làm cho tôi rất ngại khi có ai đó muốn tôi vẽ chân dung để làm kỷ niệm.
2. Vẽ, sau khi ra trại
Về sum họp với vợ và ba con thơ vào cuối năm 1978, tôi rơi vào hoàn cảnh trắng tay. Mất nhà, vợ con tụ về nhà ông bà ngoại sống qua ngày, không còn đồ đạc gì để bán, tôi hỏi vợ: “Tối rồi, sao không thấy nấu nướng gì để mừng chồng trở về sau ba năm xa cách?”
-“ Em đâu có tiền, ở đây phụ mẹ buôn bán vặt để ba đứa nhỏ được ăn cơm”.
Điều này hoàn toàn không có trong đầu tôi trước khi ra trại tù vì qua thư từ, tôi được biết là ở nhà mọi việc đều tốt đẹp. Thì ra, chỉ vì sợ chồng lo âu mà giấu đi sự khốn khổ của gia đình, tôi nói với Xinh Xinh: “Anh có tiền trại cấp 14 đồng (tiền cs) để đi đường, em và ba đứa nhỏ cùng đi ăn hủ tiếu ở ngã tư Phú Nhuận”. Đó là bữa tiệc đoàn tụ của gia đình tôi sau ba năm phân ly.
Từ đó tôi lao vào công việc giúp vợ sinh nhai, chẳng màng gì đến vẽ vời. Buổi sáng, tôi thức dậy trước 5 giờ để nổi lửa hông xôi, vợ tôi dọn bàn trước cửa nhà để bán xôi mặn cho công nhân viên đi làm. 7g đưa con đi học, 10g dẹp hàng xong tôi đạp xe lên chợ Cầu Ông Lãnh mua hành củ đi bỏ mối cho các bà bán ở chợ Bà Chiểu.
Công việc này đã khổ nhưng cũng đâu được kéo dài, chỉ ba tháng sau tôi nhận được giấy buộc đi kinh tế mới ở Long Định- Long An. Tôi đang lừng chừng, nấn ná, câu giờ vì không nỡ đem vợ con đi về nơi khắc nghiệt, nơi tiếp tục bị hành xác thì vào một buổi chiều khoảng 5g, một xe GMC do bộ đội lái đến đậu trước cửa nhà ba mẹ vợ tôi trên đường Hoàng Văn Thụ Q Phú Nhuận và mấy người bộ đội trẻ đã hốt tôi quăng lên thùng xe trước sự chứng kiến của hai người bạn, họa sĩ Tôn Thất Văn, họa sĩ Đinh Cường đang đến thăm tôi. Thế là tôi coi như đã tiêu đời họa sĩ.
Tranh “Treo Trên Giá Vẽ”, sơn dầu trên canvas. 80 x100cm. Trịnh Cung vẽ tại Sài Gòn 1989. Hà Thúc Cần sưu tập.
Thế nhưng, đời lại đưa tôi đến một trang khác, sau sáu tháng không sống được nơi vùng kinh tế mới hoang dã, đồng chua, nước mặn, tôi trốn về Sài Gòn đúng vào lúc ông Võ Văn Kiệt ra nghị quyết không đưa thành phần có chuyên môn đi kinh tế mới, do đó tôi được ở lại và đi làm cho Sở Y tế tp HCM. Công việc của tôi ở đây là vẽ các bảng quảng cáo lớn bằng tôn về đề tài phòng chống sốt xuất huyết và sinh đẻ có kế hoạch tức đặt vòng tránh thai để dựng ở các ngã tư trong thành phố. Cùng làm công việc này với tôi còn có họa sĩ Nguyễn Phước.
Hằng ngày, ở Sở Y tế, tôi bò trên những tấm pa nô rộng để vẽ những con muỗi vằn, những cửa mình phụ nữ đặt vòng tránh thai để đánh đổi hộ khẩu và trường học cho các con. Ngoài ra tôi vẫn phụ vợ trong việc bán xôi mỗi sáng như thường lệ..
3. Quyết định bỏ vẽ
Tôi bị cuốn trong đời sống như thế nên không có đầu óc, thời gian đâu để sáng tác. Hơn nữa, tất cả họa sĩ Sài Gòn đều phải vẽ theo đường lối của nhà nước mới, tôi không thể vẽ như thế được, tôi quyết định gác cọ.
Và điều này kéo dài được 10 năm kể từ 1975.
4. Trở lại giá vẽ
Nhờ vào chủ trương mở cửa, Sài Gòn đón Việt kiều về thăm thân nhân và quê nhà vào năm 1985. Lớp về đầu tiên là những Việt kiều từ Pháp, trong số này có người tìm thăm tôi để mua tranh. Anh ấy còn trẻ, rất ái mộ tên tuổi của tôi và mua giúp tôi một cái tranh nhỏ được tôi vẽ hồi trước 1975 với giá 50usd. Trời ơi, số tiền to quá so với thời giá lúc bấy giờ, 50usd đủ nuôi cả nhà tôi được 3 tháng! Anh bạn trẻ còn hứa sẽ tiếp tục trở lại để mua tranh tôi vẽ!
Việc này làm tôi thức tỉnh. Tại sao không vẽ để vợ con khỏi nheo nhóc, vất vả. Để tránh bị săm soi chính trị thì mình vẽ thiếu nữ, tĩnh vật, hoặc tranh lãng mạn, thơ mộng,…
Vẽ trở lại, tôi đã mở ra một chương mới cho đời họa sĩ của tôi, trong đó tôi vẫn có những tác phẩm mang tinh thần của một số phận bị tước đoạt quyền con người như những bức Treo Trên Giá Vẽ, Cuộc Hoà Nhạc Trên Sa Mạc, Giấc Ngủ Của Nhà Thơ,… những bức này được một nhà sưu tập ở Singapore, ông Hà Thúc Cần mang ra khỏi VN ngay khi nó vừa hoàn thành bằng con đường hàng không sau khi đã làm thủ tục “bôi trơn” hải quan.
5. Hội họa hiện đại Miền Nam, nguồn cảm hứng cho giới nghệ sĩ thế hệ mới của Hà Nội.
Có hai lý do để hội họa phóng khoáng của Sài Gòn phục sinh từ chủ trương mở cửa:
– Thứ nhất là số khách Việt từ hải ngoại và quốc tế vào VN ngày càng đông, họ rất thích tìm mua tranh của những họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng và của nhóm Hội Hoạ sĩ Trẻ chúng tôi.
– Thứ hai, chính sách gần như thả nổi cho thứ hội họa hiện đại miễn không mang nội dung chống đảng.
Do đó mà hầu hết giới họa sĩ không còn vẽ theo chủ trương tuyên truyền, kể cả các họa sĩ được đào tạo từ lò mỹ thuật của đảng. Điều này còn mở rộng ra tận Hà Nội, mang lại sự thay đổi lớn lao cho bộ mặt hội họa thủ đô của một nước cộng sản từ chủ nghĩa hiện thực xhcn chuyển sang một thứ hội họa phóng khoáng và mới mẻ hơn, tình cảm cá nhân được phô bày được gửi gắm.
Sự kiện được biểu trưng nhất cho sự hồi sinh của thứ hội họa tự do ở Miền Bắc sau 1985 là “nhóm 5 người” (gang of 5) đã được thành lập gồm những họa sĩ trẻ Hà Nội, họ từng đi bộ đội trước đó hoặc được đi du học ở các nước cộng sản Đông Âu trước kia. Và chính tôi đã giới thiệu họ vào triển lãm ở Sài Gòn cũng như giới thiệu tranh họ cho Plum Blossom, một gallery lớn của Hồng Kông vào năm 1991.
Riêng ở Sài Gòn cùng thời điểm này, nhóm 10 người được thành lập với họa sĩ đầu đàn là Nguyễn Trung. Thành phần của nhóm này, trừ Nguyễn Trung, còn lại đều xuất thân từ mỹ thuật của đảng ở Hà Nội trước 1975 hoặc từ lớp đầu của trường đại học mỹ thuật tp HCM kể từ sau 1975.
Tất cả họ, nhóm 5 hay nhóm 10, cũng đều từ bỏ thứ hội họa phải làm theo chủ trương của đảng.
Thực ra, không chỉ có lớp họa sĩ trẻ như đã đề cập ở trên mà trước đó, ngay sau những ngày đầu hoà bình, nhiều họa sĩ nổi tiếng từng được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương hay Kháng Chiến như Bùi Xuân Phái, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân… cũng đã sớm vào Sài Gòn gặp gỡ chúng tôi và bạn cũ của họ như Nguyễn Gia Trí, Thái Tuấn… Tất cả các anh ấy đều thốt ra ngỡ ngàng, trầm trồ khi được chứng kiến một thứ hội họa hiện đại mà Hà Nội trước 1975 không hề có. Lưu Công Nhân đã từng sờ vào mặt tranh sơn dầu của Đinh Cường mà không hiểu vì sao nó quyến rũ đến phải dùng tay để chạm vào những lớp sơn dầu óng ánh và gợi cảm như đá cẩm thạch. Chúng tôi đã tặng cho các anh những tuýp sơn dầu cỡ lớn được sản xuất ở Pháp, Đức hoặc Anh để tỏ tình đồng nghiệp và chia sẻ.
Những gì đã xảy ra giữa giới làm nghệ thuật Việt Nam đích thực, dù trong Nam hay ngoài Bắc, trong chân tình, đều không có khác biệt trong phát triển sáng tạo và tình thân hữu. Sở dĩ nền nghệ thuật và cả các lãnh vực văn hoá khác của Việt Nam phải hứng chịu một bị kịch chính trị thù hận, kỳ thị và hủy diệt bởi chủ nghĩa cs từ khi nó được du nhập về kể từ 1945.
May thay, Miền Nam Việt Nam tự do và nhân bản từ 1954, đã làm tốt hơn rất nhiều cho giới làm văn học và nghệ thuật để họ được sống tự do trọn vẹn cho giấc mơ sáng tạo. Phải chăng, thượng đế đã dự phòng như thế để ngày nay dù nước Việt Nam Cộng hoà đã bị xoá sổ vẫn để lại một di sản văn hóa quí giá bù đắp lại những gì Miền Bắc đã sai lầm, đã một thời làm cho văn hoá dân tộc Việt lụn tàn, trong trường hợp này, mỹ thuật Sài Gòn là một trong những ví dụ điển hình.
Bây giờ, nhớ lại những ngày tháng cũ, 45 năm đã trôi qua với biết bao nhiêu chìm nổi, hụt hơi, mạt lộ, còn viết được, vẽ được đối với tôi, một họa sĩ đã qua tuổi 80, thật không hiểu được điều gì, phép lạ nào đã giúp mình hiện hữu đến hôm nay. Chỉ biết tạ ơn Trời Đất, tạ ơn Hội Hoạ.
Bolsa, Tháng Tư 2019
T.C.
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2019/04/trinh-cung-toi-ve-nhu-nao-sau-ngay-30.html#more