Tiếc cho biển Việt Nam

Tôi là người Pháp nhưng lại rất mê những bãi biển VN, vì vậy trong những lần tới đây du lịch, công tác… tôi thường tranh thủ thời gian để đi tham quan tất cả bãi biển từ Nam ra Bắc.

Nhưng trái với cảm xúc những lần đầu hăm hở, hạnh phúc, càng về sau tôi càng thất vọng, chán nản…

Rác tràn ngập bãi tắm Dinh Cậu ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) - Ảnh:  Tấn Thái
Rác tràn ngập bãi tắm Dinh Cậu ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) – Ảnh: Tấn Thái

VN trong mắt chúng tôi là vùng đất nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, vì có cả biển xanh lẫn non cao. Dễ gì kiếm được một nơi có bờ biển trải dài khắp cả nước như tại đây và khá nhiều trong số đó được công nhận là đẹp nhất thế giới! Nhiều bạn bè tôi thậm chí không giấu nổi vẻ ganh tị khi nói về điều này.

Vậy tại sao cảm giác của tôi hiện tại là thất vọng, chán nản?

Tôi nghĩ nhiều du khách nước ngoài khác cũng có suy nghĩ tương tự. Hầu như ai cũng biết chuyện số lượng du khách quay trở lại VN rất thấp. Phần nhiều trong số đó thừa nhận đến VN chỉ vì danh tiếng của những bãi biển.

Hầu hết bãi biển VN mà tôi từng đặt chân đến hiện đang bị ô nhiễm và khai thác một cách tràn lan. Có những khu vực người dân xả thẳng rác thải, chất xú uế ra biển, nhiều nhà hàng trên biển không xử lý rác theo yêu cầu, nhiều con kênh, mương bốc mùi kinh khủng được vô tư dẫn ra biển… Dường như mọi người nghĩ rằng biển rộng lớn và trong xanh thế kia thì chắc hẳn số lượng chất thải nhỏ nhoi này đâu ảnh hưởng gì nhiều!

Sự sai lầm trong nhận thức đó rất nghiêm trọng, nhất là khi chúng khiến bất kỳ ai cũng xem nhẹ hành động vứt rác xuống biển của mình. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ở bờ biển Nha Trang thay vì chạy 20m để tới thùng rác, thì chúng vô tư vứt ngay xuống chân mình vỏ bao kem vì tin rằng “rồi sóng cũng sẽ cuốn mất và bờ cát lại sạch mà thôi!”. Chính vì vậy bên cạnh việc phạt nặng các cá nhân bị phát hiện đang làm ô nhiễm môi trường, việc giáo dục ý thức trong học đường cũng không kém phần quan trọng.

Ở Pháp, chúng tôi thường nâng niu những vật thể thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng và vì thế rất nghiêm khắc trong việc bảo tồn chúng. Bạn có thể là khách quý từ nơi xa đến ở tại nhà tôi, nhưng chúng tôi không chắc sẽ để bạn lấy những viên sỏi, những vỏ sò vô giá trị trên bãi biển đem về nhà… Nhiều người cho rằng đó là sự ích kỷ không cần thiết, nhưng chúng tôi lại cho rằng đó là hành động cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã và đang bị tàn phá quá nhiều.

Ở trường học, chúng tôi thường chiếu những bộ phim về các bãi biển đẹp và cả những bãi biển đang chết dần bởi sự nhúng tay thô bạo của con người kèm theo hậu quả của chúng. Có như vậy các em nhỏ – những người chủ tương lai của đất nước – mới biết được rằng biển tuy chiếm 3/4 thế giới nhưng không phải là thứ tồn tại khỏe mạnh vĩnh viễn. Chúng sẽ mất đi hoặc chuyển sang một dạng khác có khả năng gây nguy hại cho con người nếu mọi người cứ tiếp tục đà khai thác thế này.

Bản thân tôi là một người từng tham gia nhiều chuyến khám phá các vùng biển ở các cực, tôi đã quay được nhiều đoạn phim từ những nơi đẹp và yên ả đến những khu vực ảm đạm, đầy chết chóc… Tôi tin rằng những thước phim này có giá trị hơn rất nhiều lần so với lời kêu gọi suông bởi có câu “trăm nghe không bằng một thấy”.

Nhiều em học sinh tại Pháp thú nhận với chúng tôi là vô cùng hối hận cũng như sửng sốt khi thấy những việc tưởng nhỏ của mình không ngờ lại ảnh hưởng đến đại dương bao la kia đến vậy. Không ít người thừa nhận từng nghe thuật ngữ “sự ấm lên của Trái đất” nhưng lại lầm tưởng việc ô nhiễm nước biển không dính dáng gì tới hiện tượng này… cho đến khi xem được những cảnh tượng hãi hùng trong phim. Tôi luôn tìm cách phổ biến những thước phim này đến càng nhiều người càng tốt, và sẵn sàng chia sẻ với các bạn nếu nhận được yêu cầu.

Hãy nghiêm khắc và thận trọng hơn nữa trong việc gìn giữ nguồn nước, vùng biển của VN trước khi quá trễ! Tôi tin rằng đó không phải là nguyện vọng của một mình tôi mà còn của nhiều du khách khác.

NR
(người Pháp, 68 tuổi, từng là thành viên tàu thám hiểm Calypso)

Nguồn: tuoitre.vn

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.