Đã từ lâu ở nước ta việc Chính trị hoá mọi sự vật hiện tượng hay bất cứ câu chuyện gì đã như một bức tường thành ngăn cản cho sự minh bạch, ngăn cản sự phát triển tiến bộ và thượng tôn pháp luật của Thời đại 4.0.
Từ những vụ việc mang tính pháp luật – hình sự rõ rệt như ấu dâm hay quấy rối tình dục hay gian lận thi cử cũng bị bức tường mang tên Chính trị ngăn cản lại. Bất cứ ai đưa ra những ý kiến hay phản biện lại những điều đó đều bị hai chữ Chính trị chặn ngay lại, và bằng cách nào đó với hệ thống ngầm rải rác khắp nơi để đưa câu chuyện về tính chất Chính trị để nhiều người ngại và nản với bức tường vô hình mà buông phím dừng lời.
Tôi là người chưa am hiểu về Chính trị và nói thật là không bận tâm về Chính trị. Những điều tôi viết tôi nói đơn giản là cảm nhận của một công dân được sống bằng những đồng lương từ mồ hôi nước mắt của nhiều người mà thành. Việc trách nhiệm với xã hội là một phần tất yếu không chỉ riêng tôi mà ngay cả các bạn nữa. Bức tường Chính trị bao phủ mọi sự thật và rõ ràng và với Chính trị thì sự minh bạch là một điều gì đó không tưởng.
Xăng lên – nếu bạn phản đối bạn sẽ bị quy là phản động bởi đó là Chính trị!?
Điện lên – nếu bạn phản đối, bạn là ba que, là phản động.
Xuống đường biểu tình ấu dâm – bạn theo nhóm phản động.
Than tự múc ra bán mà lỗ hàng chục nghìn hàng trăm tỷ – đừng nói! Đó là Chính trị nói là phản động đó!
Gang thép Thái Nguyên – đầu tư gần chục nghìn tỷ mua máy móc cũ hỏng từ Trung Quốc và giờ là mất trắng vì không làm được, thất thoát hàng nghìn tỷ – Đừng nói nhé! Đó là Chính trị. Nói là phản động.
Rồi AVG giao lưu với Mobifone thất thoát hàng nghìn tỷ – Đừng nói. Chuyện Chính trị đấy! Nói là phản động.
Đầu tư sang Velezuela mất hàng nghìn tỷ – Chính trị đấy. Đừng nói. Nói là Phản động.
Ngành điện lấy tiền của dân để đi đầu tư xiên xẹo trái ngành như đất cát, xây dựng rồi lỗ – thu thêm tiền điện để bù vào – đừng nói nhé dù đó là chúng đang cướp trắng của mình – Nhưng đó là Chính trị. Nói là phản động!
Bất cứ chuyện gì cũng bị quy về Chính trị dù luật pháp, kinh tế hay thất thoát tham ô tham nhũng!? Và cũng ngại chữ Chính trị mà nhiều người đang sinh sống trên đất nước tôi đã tự bỏ trách nhiệm là một người con Việt. Họ bàng quan trước những gì diễn ra bởi với họ, tiền xăng có lên họ vẫn thừa để trả, thu phí bậy bạ bừa bãi cũng chả ảnh hưởng, điện cao nữa chả sao vì họ giàu!? Nhưng họ đâu biết thu nhập bình quân đầu người của ta có người ở quê thậm chí khó có được 5 triệu/1 năm!? Điều này chắc chắn.
Nhưng ngày đêm chúng ta là những con vịt ngoan ngoãn để cho bọn chúng vặt lông, thậm chí vặt rồi ra lông măng lại vặt tiếp. Thuế chồng thuế. Tận thu tất tật mục đích đơn giản chỉ để cố kiếm mảnh vải vá vào chỗ rách. Kiếm thật nhiều để bù vào chỗ tham ô thất thoát thua lỗ.
Đó là Chính trị ư!? Với tôi không quan tâm! Tôi chỉ quan tâm cần một sự minh bạch rõ nét – nhưng đó là Chính trị nên đợi đấy sẽ rõ.
Có thể tôi hay các bạn đều có cuộc sống tạm ổn hơn một số người. Nhưng lúc tĩnh lặng tôi và các bạn có tự hỏi vì sao nhiều người nghèo thế và vì sao nhiều nguồn thu bất minh như thế không!? Hay đó là Chính trị nên chúng ta không quan tâm, không bận tâm!?
Với Thời đại 4.0 và cuộc sống thay đổi hàng ngày tôi nghĩ sự văn minh sẽ đi liền với trách nhiệm, đi liền với ý thức đóng góp xây dựng của toàn thể chúng ta. Chúng ta có thể dọn dẹp vệ sinh (nếu có thể) không phải chỉ nơi ta ở mà bất cứ nơi nào ta thấy ô nhiễm, chúng ta có thể trồng một cái cây không phải trước của nhà mình để lấy bóng mát cho mọi người, chúng ta có thể nói những điều Luật pháp và bản thân chúng ta coi là đúng.
Đừng sợ hai chữ Chính trị. Hãy làm người văn minh và là một công dân đúng nghĩa có trách nhiệm với chính bản thân gia đình và xã hội.
Hãy xem từ Chính trị là một từ như Văn hóa, Thể thao và đương nhiên nó cũng như Văn hóa Thể thao thôi, chúng ta hú hét vỗ tay khi trận bóng hay vở diễn hay, chúng ta la ó phẫn nộ khi trận đấu tệ thì Chính trị cũng thế thôi! Chúng ta hãy phá vỡ bức tường vô hình ấy đi để sống một cuộc sống có trách nhiệm hơn!
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2184166968316758&set=a.543603949039743&type=3