Khoa Duy
Hôm qua, chở đứa cháu đi học, trên đường đi, cháu nhìn tấm băng rôn treo với những câu khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/3019)”, rồi hỏi tôi: “Ngày Giải phóng” là ngày gì vậy chú?
Nghe cháu hỏi, tôi thấy mình phải có trách nhiệm giải thích cho cháu hiểu. Nhưng nó còn quá nhỏ, mới học lớp 6, nên nếu có cố gắng cũng không thể giúp cháu hiểu ngay được, nên tôi không trả lời thẳng vấn đề, mà nói: “Cái câu khẩu hiệu đó, người ta đã cố tình viết sai chính tả cháu à, hoặc người viết cũng như cháu, chưa đủ nhận thức đúng về cái gọi là ‘Giải phóng miền Nam’! Lẽ ra, phải dùng từ ‘tưởng niệm’ thay cho từ ‘chào mừng’, trong trường hợp này”. Sau đó, tôi hẹn cháu rằng, sẽ giải thích cho nó hiểu vấn đề này sau.
***
Cứ đến những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm, trên khắp đất nước này, từ những con đường làng heo hút, đến những đại lộ được đặt tên những người có công lớn khi có thể giết hại nhiều đồng bào của mình, đâu đâu cũng thấy giăng mắc những băng rôn, áp phích với các khẩu hiệu đại loại như trên. Rồi đến ngày 30/4, rất nhiều cơ quan nhà nước, công ty tư nhân, hộ gia đình và cá nhân tổ chức tiệc tùng, du lịch, ca hát, nhảy múa để “chào mừng” cho cái ngày mà dân tộc lẽ ra phải “tưởng niệm”!
Ngày 21/4/2019, người dân Long Khánh chạy trốn cộng sản. Nguồn: Corbis
Khi Cha tôi còn sống, cứ mỗi khi đến ngày ấy, ông luôn nhắc nhở anh em chúng tôi, làm con người đừng quá khốn nạn đến độ hò reo vui mừng khi nhìn đồng bào vô tội của mình bị giết chết hàng loạt. Đã vậy thủ phạm lại chính là những người đồng bào khác, thì nỗi đau càng bị nhân lên gấp bội.
Trong đám đông tiệc tùng, nhảy múa “chào mừng” ngày 30/4 kia, có thể chia ra làm hai nửa. Một nửa có nhận thức và hiểu biết được bản chất thật của câu chuyện, nhưng họ vẫn cứ “chào mừng”. Thật tởm lợm cho những người này, khi mà họ có thể “hát trên những xác người” lại là chính đồng bào của mình. Nửa còn lại, thì bị nửa kia tuyên truyền, nhồi sọ, thành ra họ có nhận thức lệch lạc vấn đề. Những con người thuộc về nửa bị nhồi sọ chính là nạn nhân, nên họ không đáng trách.
Khoan nói về những hậu quả kinh hoàng bởi những di hại trên tất cả phương diện mà dân tộc này phải gánh chịu kể từ sau ngày 30/4/1975, là ngày thống nhất về mặt địa lý. Chúng ta hãy nói về bản chất của câu chuyện, xem thử có gì đáng để vui, đáng để hò reo, chào mừng cho cái ngày 30/4 tang tóc ấy?!
Trong cuộc sống, có những sự trùng hợp đến lạ kỳ, mà chính nhờ những điều như vậy, đã khiến cho nhân loại phải trăn trở khôn nguôi. Có hai câu chuyện, mà tôi hay kể cho mọi người nghe, mỗi khi có dịp.
Câu chuyện thứ nhất: Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Leonardo Da Vinci là bức vẽ “Bữa tối cuối cùng” – The last Supper. Bức tranh nổi tiếng không chỉ vì sự tinh xảo hay giá trị nghệ thuật trong bức tranh. Không chỉ vì hình ảnh chúa Jesus và 12 vị tông đồ được thể hiện rõ nét cảm xúc hay hệ tư tưởng thể hiện trong tranh. “Bữa tối cuối cùng” còn nổi tiếng vì những câu chuyện xung quanh bức tranh này.
Theo câu chuyện được kể lại, danh hoạ Leonardo Da Vinci đã phải mất 7 năm để hoàn thành bức tranh. Khi bắt đầu vẽ, Da Vinci đã vẽ chúa Jesus đầu tiên. Giữa hàng trăm ngàn người, một người đã được chọn để làm hình tượng chúa Jesus. Thời gian sau đó, ông lần lượt hoàn thành hình ảnh của 11 vị tông đồ trong bức tranh. Tuy nhiên, còn 1 người cuối cùng vẫn chưa được vẽ. Đó chính là kẻ phản bội: Judas Iscariot.
Leonardo Da Vinci muốn tìm một mẫu người đê tiện, hèn hạ tận đáy của xã hội để vẽ Judas. Sau hơn 6 năm tìm kiếm, tưởng chừng như vô vọng, cuối cùng, một ngày kia, ông đã tìm thấy hình mẫu của Judas tại nhà ngục của Roma. Được phép của nhà vua, tên tội phạm được hoãn ngày thi hành án để đến làm mẫu cho Da Vinci. Sau 6 tháng ròng rã vẽ Judas, bức tranh đã hoàn thành, tên tử tù phải bị đưa đi hành quyết. Lúc này, hắn mới khóc lớn, lao đến Leonardo Da Vinci, rồi hỏi ông rằng, có còn nhớ hắn không? Danh hoạ trả lời, ông chưa bao giờ gặp hắn, trước khi hắn ngồi mẫu để ông vẽ Judas. Nghe danh hoạ trả lời, hắn càng khóc to hơn: “Tôi chính là người, mà gần 7 năm trước, làm mẫu cho ông vẽ Chúa Jesus!”
Mỗi khi kể xong câu chuyện này, tôi thường thì chép miệng ca thán với người nghe rằng, nếu danh hoạ sinh ở Việt Nam sau ngày 30/4/1975, thì ông không phải mất đến 6 năm để tìm hình mẫu vẽ Judas. Bởi ông chỉ cần bước ra khỏi nhà, đến ngã tư đường đầu tiên, nếu có người mặc sắc phục đứng ở đó, là có thể vẽ được rồi. Nhiều lắm! Có khoảng 5 – 7 triệu đứa như thế, hoặc hơn, trên đất nước này! Vậy, có gì đáng để ăn mừng cho cái ngày 30/4 nhỉ?!
Câu chuyện thứ hai, tôi được nghe từ Cha tôi và những người bạn của ông, cũng như những người cao niên đã từng sống trước năm 1975 và trải qua cuộc chiến. Chuyện kể rằng, năm 1954, có một cuộc di dân cho người của hai miền đất nước, mà ranh giới phân định là vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải). Sự phân định này được Liên Hiệp quốc công nhận. Những người miền Bắc, không theo chế độ cộng sản thì đường đường chính chính, lên tàu há mồm vào miền Nam làm công dân của chính thể VNCH. Còn những người miền Nam, theo lý tưởng cộng sản, hoặc bị lừa gạt theo lý tưởng này, thì “tập kết” ra miền Bắc mà sống.
Nhưng, như bản chất hắc ám của chủ nghĩa cộng sản, nên hầu hết những người miền Nam “tập kết” ra Bắc đi trong bóng tối và thường là đàn ông. Nếu như đã có vợ con, họ sẽ bỏ lại cả gia đình, hoặc chỉ dẫn rất ít con cái đi theo, đúng nghĩa “cuộc chia ly đầy sắc máu”. Có lẽ lý do họ không mang theo vợ, con là để “học tập và làm theo tấm gương đạo đức” của ông Hồ Chí Minh, mà họ được tuyên truyền rằng ông Hồ cả đời không vợ, không con. Thế nhưng, những người “tập kết” thì làm ngược lại. Họ bỏ vợ, con ở trong Nam, rồi ra ngoài Bắc có thêm vợ hai, có người còn có tới ba, bốn vợ.
Trong số những người “tập kết” ấy, có một người có vợ và hai con trai, đứa 15, đứa 17 tuổi. Vợ thì ông ta quyết định bỏ lại rồi, chỉ mang theo hai người con. Đến ngày ra đi, người con lớn bị bệnh, sốt cao, nằm liệt giường. Đường xá xa xôi, nếu đưa người con này đi cùng, trong lúc bệnh tật như vậy, trong khi điều kiện chăm sóc y tế thiếu thốn, thì chẳng khác nào người cha tự tay giết con mình. Vì lẽ đó, người cha quyết định chỉ dẫn theo cậu con trai nhỏ ra Bắc.
Liên lạc gia đình của họ bị cắt đứt từ đó. Người anh khi đến tuổi quân dịch, đã tự nguyện gia nhập quân đội VNCH. Dù không muốn, nhưng những người lính VNCH buộc phải cầm súng chiến đấu với quân đội cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam, để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ gia đình, người thân và bảo vệ chính họ.
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Trong cuộc phản công chiếm lại Thành cổ Quảng Trị, người anh trai và đồng đội Thủy quân Lục chiến của anh đã đánh bật quân đội cộng sản Bắc Việt. Một cứ điểm ẩn núp của giặc đã bị tiêu diệt bởi chính làn đạn được bắn ra từ nòng súng của người anh. Lúc chiếm lại cứ điểm này, trong những xác người ngổn ngang kia, cũng như bao lần trước đó, tâm trạng của người anh luôn đắng ngắt, bởi những con người vừa nằm xuống, mà tuổi đời còn rất trẻ kia cũng là đồng bào của anh, những người Việt cùng dòng máu đỏ, da vàng.
Và lần này, giữa những xác người còn nóng kia, anh chú ý đến một khuôn mặt trông hao hao giống anh, mặc dù đã bị bụi đất, khói súng dính đầy. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, người lính Thủy quân Lục chiến ngồi xuống, nhẹ nhàng lau sạch khuôn mặt người vừa tử trận. Anh run lên, dù khuôn mặt ấy vẫn còn lấm lem. Không còn nghi ngờ gì nữa, người bộ đội cộng sản Bắc Việt vừa bị anh bắn chết, chính là người em trai ruột của mình.
Anh nhận diện được bởi cái nốt ruồi to phía màng tang bên phải. Để chắc chắn, người anh vén áo người bộ đội lên để tìm vết thẹo dưới rún mà một lần hai anh em đùa giỡn khiến người em bị té ngã cầu dừa. Khẩu súng vừa khạc đạn kia, cùng thân thể người anh đổ gục lên thân thể em khi lớp áo được kéo lên…
Viết đến đây, tôi lại tự hỏi câu hỏi mà nhiều năm qua đeo bám mình: Người quân nhân kia là người chiến thắng trong cuộc tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, bằng cách bắn chết người em trai của mình. Là người chiến thắng nhưng anh quân nhân ấy đã đổ gục vì nỗi đau, chứ sao có thể “nhiệt liệt chào mừng”? Loài vật, chúng cũng không vui mừng trước xác chết của đồng loại, huống chi loài Người.
Tháng Tư năm nay, nếu có vui mừng, thì cá nhân tôi sẽ vui mừng về những sự kiện như tập đoàn Masan dùng mô hình Lăng ông Hồ để quảng cáo cho sản phẩm mà người Nhật họ cấm tiệt. Hay chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố rằng, anh ta là “vùng cấm”!
Người ta chửi tập đoàn Masan về những sản phẩm giả nước mắm, điều này thì hẳn nhiên rồi. Masan cần phải có một lời xin lỗi với người tiêu dùng về sự giả trá này, chứ không cần xin lỗi khách hàng về việc dùng mô hình Lăng ông Hồ quảng cáo cho sản phẩm bỏ đi của họ. Điều này, xét cho cùng, là hoàn toàn đúng, chứ đâu có gì sai.
Rồi người ta chửi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vì anh ta ngạo mạn tuyên bố mình là “vùng cấm”! Oan cho anh ta rồi! Thực sự câu nói của anh ta là muốn gởi đến ông Nguyễn Phú Trọng. Một ca sĩ như anh ta mà còn có “vùng cấm”, thì lời nói trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng rằng “sẽ không có vùng cấm” chỉ là một câu nói của bọn hề.
Tôi chỉ vui trong tháng Tư nhờ những điều nho nhỏ như vậy. Chỉ thế thôi. Còn bạn, bạn thấy có gì đáng vui không?!
K.D.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/04/24/thang-tu-tan-man-nhung-chuyen-vui-buon/