‘Luật về Hội’ ở Việt Nam có thoát kiếp ‘luật phản động’?

Phạm Chí Dũng

https://1.bp.blogspot.com/-RfQ-I6IVgxQ/XL2URV1nzVI/AAAAAAAAeMg/B-Di4QG0cN8-X3aJQ-kSl-WRcM83eQLPACLcBGAs/s640/Cong-Nhan-Binh-Duong.jpg

Công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương trong một lần đình công đòi tăng lương nhưng không được tổ chức công đoàn của nhà nước bảo vệ. (Hình: Getty Images)

Năm 2019 đang chứng kiến lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải chuyển dần từ cơ chế độc tài sang “mị dân chủ” – một giai đoạn bắt buộc phải xảy ra trước khi tiến đến thời kỳ “bán dân chủ” để hướng tới tương lai dân chủ hoàn toàn cho dải đất hình chữ S quằn quại áp bức – đó là buộc phải “lấp ló” Luật lập Hội sau 6 năm.

EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam) là chất xúc tác chính yếu cho giai đoạn chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang “mị dân chủ”, theo cách không thể nào cưỡng lại.

Không còn cách nào khác

“Luật về Hội” (tên gọi sau này của Luật lập Hội) là một trong những nhân tố kích thích dân chủ hóa, dù ngay vào lúc này và trong năm 2020 vẫn rất có thể chỉ là sắc thái mị dân mà nhà cầm quyền Việt Nam “kiến tạo” để đối phó với EU (Liên minh Châu Âu), liên quan đến số phận còn đang chuông treo mành chỉ của EVFTA.

“Dự án Luật về hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị” – được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  vào ngày 10 Tháng Tư, 2019 – là nhượng bộ tiếp theo của chính thể độc đảng Việt Nam trước EU.

Ngay trước đó, lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó đặc biệt là công ước quốc tế về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động (cách gọi của chính quyền Việt Nam là “công đoàn cơ sở”).

Những dấu hiệu nhượng bộ trên xuất hiện trong và ngay sau chuyến đi Châu Âu vào cuối Tháng Ba, năm 2019, của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Liên minh Châu Âu (EU) là Bernd Lange – một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trọng không kém Hội đồng Châu Âu.

Việc Luật về Hội đã được Ban Cán sự Chính phủ làm tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị cho thấy nhiều khả năng dự luật này, cùng 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, sẽ được “đảng quyết định tất cả” để sau đó đưa ra kỳ họp Quốc hội, Tháng Năm 2019, cho các đại biểu Quốc hội đồng loạt “gật”.

“Gật giả”

Vào cuối năm 2013, sau cuộc hội đàm của ông Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước) với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc với chủ đề chính về triển vọng người Mỹ chấp thuận cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam bắt đầu lấp ló trả tự do cho một ít tù nhân lương tâm và đưa dự thảo “Luật lập Hội” (tên của dự luật này vào thời điểm đó) ra hội thảo để “chuẩn bị thông qua và ban hành”.

Nhưng hứa hẹn và cam kết luôn là động tác đầu môi chót lưỡi của giới quan chức cao cấp Việt Nam. Có vẻ như ngay cả Tổng thống Obama cũng không biết rõ cách hứa hẹn như vậy thật ra chẳng có giá trị gì.

Trong thực tế, chính quyền Việt Nam chỉ thả hạn chế tù nhân lương tâm, trong số đó có những người bị tống xuất đi Mỹ mà không cho ở lại Việt Nam, còn Luật lập Hội thì chỉ làm vài động tác “hội thảo”, “lấy ý kiến”, “chuẩn bị thông qua”, nhưng đã chẳng có gì thực chất mà chỉ như một thể thống trí trá, giả dối và lưu manh.

Từ năm 2013 đến năm 2016, cứ mỗi cuối năm dự thảo Luật lập Hội lại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số hội đoàn nhà nước mang ra “xào lại” theo ý chỉ của Đảng.

Vào quý 4 năm 2016, Dự thảo Luật lập Hội được đổi thành dự thảo “Luật về Hội” và tiến gần nhất đến ranh giới thông qua vào đầu kỳ họp Quốc hội vào cuối Tháng Mười, 2016.

Nhưng ngay sau cuộc gặp giữa Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí thư – và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Washington, DC vào buổi sáng ngày 25 Tháng Mười, 2016, Dự Luật về Hội mới bất ngờ bị Quốc hội Việt Nam hoãn lại.

Đó cũng là bối cảnh Thượng viện Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng sẽ không họp hành gì về TPP trong năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa là TPP, nếu còn đôi chút tương lai để được xem xét và thông qua, sẽ phải bị treo lại thêm ít nhất một năm nữa. Ngay lập tức, tác động tiêu cực trên đã khiến chẳng cần đảng phải chỉ đạo, Quốc hội Việt Nam cũng mau mắn “hoãn bỏ phiếu thông qua TPP”.

Chỉ đến cuối năm 2017 khi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho Hiệp định TPP) được các nước chính thức thông qua, trong đó có nội dung bắt buộc về công đoàn độc lập và quyền tự do lập công đoàn tự do của người lao động, chính quyền Việt Nam mới một lần nữa lấp ló Luật về Hội, nhưng cũng chỉ treo ở đó để chờ tín hiệu từ cuộc mặc cả về EVFTA và cả “thẻ vàng hải sản” từ phía EU.

Có còn là “luật phản động”?

Dự thảo Luật về Hội của chính quyền Việt Nam – được “kế thừa” từ nghị định số 45 của chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn – thực chất là thế nào?

Vào Tháng Mười,  năm 2016, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy nghị định số 45 có nhiều vết tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối tượng quản lý ở Trung Quốc. Sau đó, một bàn tay bí mật nào đó ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định của Trung Quốc vào dự thảo mới nhất của luật về Hội để trình cho Quốc hội.

Khi đó, nhiều người nghĩ ngay bàn tay bí mật trên chính là Bộ Công an, cơ quan chưa bao giờ có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân. Hầu như chắc chắn là như thế.

Nhiều thông tin cho biết bộ này, mặc dù không có vai trò chủ trì soạn thảo Dự luật về Hội như Bộ Nội vụ, nhưng lại là tổng đạo diễn đối với những kịch bản phân loại các tổ chức xã hội dân sự độc lập vào loại “đối kháng” hay “đối lập ôn hòa”, cùng những bổ sung vào luật mang màu sắc đặc trưng của áp chế độc tài.

Dự luật về Hội cũng bởi thế tựa như một loại quả táo tẩm thuốc độc. Dự luật này được tung ra với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước mà còn để lộ quá rõ ràng ý đồ “siết” đối với xã hội dân sự, trong đó có những quy định “Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài”, “Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập hội”, “Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn”. Điều 4 dự thảo này còn quy định mọi hội đoàn phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”.

Thậm chí quy định về việc không cho người nước ngoài được lập hội lại khá giống với quy định tương tự ở Trung Quốc và gần giống với nước Nga thời Putin.

Trong một cuộc tọa đàm về Dự luật về Hội tại Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật ở Hà Nội, một luật sư nhân quyền đã phải tố cáo Dự luật về Hội là “luật phản động”.

Sẽ “gật thật”?

Từ đầu năm 2017, trong khi TPP vẫn ngổn ngang mà không có Mỹ, EVFTA đã xuất hiện trong bối cảnh “thế nước đang lên” – điều được giới tuyên giáo Việt Nam ca tụng, nhưng cũng là bối cảnh một nền ngân sách đang nhanh chóng vì cạn kiệt, một nền kinh tế đang lao vào năm suy thoái thứ 10 liên tiếp kể từ năm 2008, một xã hội nhiều mầm mống phản kháng và khủng hoảng, một nền chính trị xung đột tứ bề và nạn sứ quân hoành hành khắp nơi, chưa kể hàng năm Việt Nam phải trả hàng chục tỷ đô la nợ nước ngoài…

Giờ đây chưa có gì để hy vọng vào TPP, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến $25 tỷ mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến $30 tỷ hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng $20 tỷ nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Cũng như TPP, việc ban hành Luật về Hội, ký 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, công nhận Công đoàn độc lập và công nhận Xã hội Dân sự là những điều kiện quan trọng của EU mà chính quyền Việt Nam phải đáp ứng để được tham gia vào EVFTA.

Bởi thế sẽ khác khá nhiều với quá khứ “gật giả”, vào lần này có thể là “gật thật”.

Vào năm 2019, việc giới quan chức Việt Nam phải cam kết với EU về những điều kiện cải thiện nhân quyền liên quan EVFTA, cùng lúc ở trong nước đảng chỉ đạo cho tái hiện Luật về Hội phát ra ít nhất 2 chỉ dấu quan trọng.

– Thế và lực hiện nay của chính quyền Việt Nam là yếu hơn khá nhiều so với 6 năm trước.

– Trong bối cảnh “vận nước đang lên” như thế, một lực đẩy bình thường của EU vẫn có thể khiến tảng đá bảo thủ phải dịch chuyển.

Vấn đề còn lại là lực đẩy trên sẽ được duy trì trong bao lâu, hoặc gia tăng đến mức độ nào để có thể bẩy hẳn tảng đá bảo thủ khỏi sức ì không còn quá lớn của nó, mang lại chí ít kết quả về một Luật về Hội cởi mở, tiến bộ, công nhận Xã hội Dân sự và Công đoàn Độc lập chứ không bị xem là “luật phản động”!

P.C.D.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in EVFTA, Lỗ hổng pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.