Tuấn Khanh
Trong các vụ nâng điểm gần đây (không chỉ năm 2019) có 3 điều đáng chú ý: Một. Con cái quan chức; Hai. Các vùng xa của miền Bắc; cuối cùng là việc nâng điểm thường dùng để học ở trường đào tạo cán bộ lãnh đạo hoặc chủ yếu là ngành công an.
Miền Bắc cũng là một trong nhưng nơi bùng phát nhiều, tình trạng mê đắm thi, xin học, mơ ước vào trường của ngành công an. Hiện tượng này cũng cho thấy quan điểm của giới phụ huynh về xã hội và quốc gia của mình không còn mưu cầu tìm kiếm cho con cái hành trang vào đời là khoa học hay tri thức tiến bộ, mà đi tìm kiếm một vị trí quyền lực xã hội.
Hoặc ở góc nhìn khác là tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị.
Đây không phải là một nhận định chủ quan. Mà trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 13/03/19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo tuyên bố tình trạng nhân quyền tồi tệ trong chế độ CSVN. Trong đó, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị.”
Nhưng cáo buộc này, khá chậm trễ so với các nhà bình luận thời sự quốc tế ghi nhận. từ năm 2013, giáo sư Adam Fford của Đại học Victoria, Australia đã từng phát đi nghiên cứu của mình về chính trị Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam ngày càng công an trị.
Năm 2017, giáo sư Carl Thayer cũng viết trên blog của mình, nhận định về sự bùng phát của ngành công an Việt Nam, với ước tính, cứ 15 người dân là có một công an.
Dĩ nhiên, trong việc bùng nổ về nhân lực và ngân sách của ngành công an, tác động không ít đến xã hội, kể cả trong suy nghĩ về giáo dục và tiến thân của giới trẻ hôm nay. Trên các chiếc xe đẩy bán trang phục vui chơi của trẻ em, nhiều năm nay người ta nhìn các bộ trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman… Giá trị anh hùng cá nhân trong trí tưởng tượng đang chuyển đổi qua các giá trị quyền lực thực tế mà trẻ em Việt Nam nhìn thấy hàng ngày, và thậm chí được nghe cha mẹ chúng trò chuyện. Bao gồm cả những chuyện người dân bị bắt và đồn công an và chết bất thường.
(ảnh: từ internet)
Những vụ nâng điểm để học, và trở thành công an, hay cán bộ ở các vùng xa Hà Nội, cho thấy tâm lý muốn đứng trên kẻ khác vẫn còn rất mạnh. Con cái của quan chức thi muốn tiếp tục cai trị, có quyền thế. Còn con cái của dân thường thì mang tâm lý quyết chí đổi đời, muốn không bị là kẻ thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên, trong các xu hướng thầm kín đó, kiểu nói hoặc suy nghĩ vô giáo dục như của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch HĐND TP Sài Gòn “Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc” cũng cổ vũ không ít tình trạng nối ngôi của các gia đình quan chức tỉnh.
Cần phải nói thêm, án oan, ép cung, đánh chết dân… trong ngành công an, cũng thường xuất phát từ giới ít học, ham hố vị trí và khen thưởng. Việc học dốt, chạy điểm, vốn có từ cả thập niên nay, ắt hẳn cũng đã tạo ra một tầng lớp cán bộ, đặc biệt là những công an viên không có thực lực và sẵn sàng tuân lệnh mù quáng vì bản thân luôn có tỳ vết là vô học, được nâng điểm. Và từ các yếu tố thiếu thực tế tri thức và tố chất văn minh tiến bộ trong người, tầng lớp ấy sẽ hủy hoại quốc gia, khi đứng trong guồng máy được coi là quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Đó là một phần của bộ mặt thế hệ mới của Việt Nam. Được gọi là hậu duệ của người Việt hôm nay và tương lai. Và trong đó, có không ít “hồng phúc của dân tộc”.
Chợt nhớ, Năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng có câu nói gây nhiều tranh cãi “Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu sẽ làm được”. Hãy tự hỏi, con cháu chúng ta là những kẻ nâng điểm, được cha mẹ là quan chức hậu thuẫn cho sự lừa dối. Những đứa trẻ lớn lên trong giấc mơ quyền hành và chạy theo danh lợi ấy sẽ làm được chuyện đòi Hoàng Sa?
Bài viết của tôi là câu trả lời phần mình. Còn bạn, bạn có tin vào điều ấy không?
T.K.
Nguồn: https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10156279752898181
Phụ lục:
Điểm danh lãnh đạo có con được nâng điểm
TTO – Những trường hợp thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La đang dần lộ diện. Hiện dư luận quan tâm phụ huynh các em là ai, họ sẽ bị xử lý thế nào – đặc biệt những trường hợp là cán bộ, đảng viên?
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng) – phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La – Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp
Ngày 17-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tỉnh ủy Sơn La xác nhận việc các cán bộ, đảng viên ở địa phương dính đến vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ phải bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Trong đó, ngoài những trường hợp là cán bộ ngành GD-ĐT, ngành công an đã bị khởi tố điều tra, còn có những trường hợp là phụ huynh của các thí sinh có tên trong danh sách 44 thí sinh được “nâng điểm” sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, việc xem xét xử lý đối với các trường hợp phụ huynh là cán bộ, đảng viên sẽ diễn ra sau khi các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Sơn La hoàn tất việc xử lý vụ án gian lận thi cử.
Trước mắt, với những trường hợp cán bộ, đảng viên là phụ huynh có liên quan đến vụ gian lận thi cử, chủ trương của tỉnh là tạm ngưng mọi việc liên quan tới khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm… cho đến khi mọi việc rõ ràng.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã tìm hiểu nhiều ngày để nhận diện phụ huynh 44 thí sinh trong danh sách “nâng điểm” là ai, hay nói cách khác các thí sinh này là “con đồng chí nào” ở địa phương.
Trường hợp đầu tiên là thí sinh mang số báo danh 14000430. Em này có 5 môn được sửa nâng điểm với tổng điểm chênh lệch giữa hai lần chấm là 25 điểm, trong đó cá biệt toán từ 2,6 điểm nâng thành 9,4 điểm, vật lý từ 2,75 điểm lên 9,5 điểm. Thí sinh này có bố là một cán bộ cấp phòng Công an tỉnh Sơn La.
Trường hợp thứ hai là thí sinh mang số báo danh 14000764, có 5 môn được sửa nâng điểm, tổng điểm chênh lệch giữa hai lần chấm là 23,35. Thí sinh có điểm ngoại ngữ là 3 được sửa nâng lên thành 9,6, điểm vật lý từ 3 lên 9,5. Bố của thí sinh này là ông P.H.S. – cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La, mẹ là một trưởng phòng của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.
Thí sinh số báo danh 14001279 có ba môn được sửa điểm, trong đó toán từ 4,8 lên 9,2 điểm, vật lý từ 6 lên 9 điểm, ngoại ngữ từ 5 lên 9,6 điểm, tổng chênh lệch giữa hai lần chấm là 12 điểm. Thí sinh là con ông N.Q.V. – cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La và bà Đ.T.T.H. – phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Sơn La.
Thí sinh số báo danh 14001557 có hai môn được sửa điểm, trong đó toán từ 5,8 nâng lên 9,8 điểm, ngoại ngữ từ 2,8 lên 9,8 điểm, tổng chênh lệch giữa hai lần chấm là 11 điểm. Thí sinh có bố là ông N.T.D. – phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai – và mẹ là một cán bộ cấp phòng của Công an tỉnh Sơn La.
Trường hợp tiếp theo là thí sinh số báo danh 14001602, em này điểm toán được nâng từ 6,6 lên 9,6 và điểm ngoại ngữ từ 5,2 lên 10, tổng điểm chênh lệch là 7,8. Bố của thí sinh là ông L.T.B. – phó chủ tịch UBND TP Sơn La – và mẹ là bà T.T.KN. – cán bộ UBND tỉnh Sơn La.
Thí sinh mang số báo danh 14001480 được nâng tổng cộng 4,45 điểm, trong đó toán từ 7,4 lên 8,6 điểm, vật lý từ 8,5 lên 9,5 điểm và hóa học từ 6,5 lên 8,75 điểm. Đây là trường hợp con của ông Đ.V.Q. – phó chủ tịch UBND TP Sơn La.
Trường hợp nữa là thí sinh số báo danh 14001293, có điểm toán từ 7 nâng lên 9,6 và điểm ngoại ngữ từ 7,2 lên 9,6 (nâng tổng cộng 5 điểm). Thí sinh này có bố là ông T.M.T. – phó chánh Thanh tra tỉnh Sơn La.
Đáng chú ý, trong các trường hợp thí sinh là con em cán bộ công chức, đảng viên tỉnh Sơn La, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.
Đó là trường hợp thí sinh số báo danh 14001319 – là con ông Nguyễn Duy Hoàng – phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La. Em này được nâng tổng cộng 3 điểm.
Thí sinh số báo danh 14001415 là con ông Phan Ngọc Sơn – chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Sơn La. Em này được nâng tổng cộng 8,7 điểm.
Thí sinh số báo danh 14001479 là con ông Nguyễn Ngọc Hà – trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Sơn La. Em này được nâng tổng cộng 4,8 điểm.
Bảng điểm chi tiết của 21 thí sinh trong số 44 thí sinh là con em cán bộ, công chức gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-danh-lanh-dao-co-con-duoc-nang-diem-20190417185906389.htm