Thường Sơn
(VNTB) – Nguồn cơn nào khiến chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đề nghị rút ra khỏi chương trình 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vì ‘các dự án luật cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện’?
Thông tin ‘rút ra’ đó được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4/2019.
Đấm
Không thể cho rằng những quan chức của chính phủ trực tiếp liên quan đến đất đai như Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng, Trương Hòa Bình – phó thủ tướng thường trực… và cả giới quan chức bên đảng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng không nằm lòng những bản báo cáo của các cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: đơn thư khiếu tố đất đai chiếm đến 85 – 90% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo, đưa chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam trở thành một trong những dẫn chứng chói lọi nhất trên bảng vàng tham nhũng đất đai và cưỡng đoạt nhân dân – theo thống kê của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Việt Nam – ‘cường quốc dân oan’
Đề nghị rút Luật Đất Đai của phía chính phủ – bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt, quan chức “vấy máu ăn phần” trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền TP.HCM đích danh thủ phạm vào giáp Tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.
Một lần nữa, đảng cầm quyền cố tình luồn lách nhằm kéo dài thời hạn trình ra Quốc hội Luật Đất Đai – bộ luật mà đã trở thành một trong những tội ác lớn nhất trong lịch sử đảng CSVN khi luôn mặc định ‘sở hữu đất đai toàn dân’ mà không chịu công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân và đã làm lợi cho vô số nhóm lợi ích – quan chức khi biến Đất thành Đô (dân gian đương đại Việt Nam thường gọi là ‘Hai Đê’), trong khi biến hàng triệu người dân Việt thành dân oan đất đai.
Xoa
Cùng với đấm là xoa.
Hãy nhìn lại lịch sử của Luật thuế Bảo vệ môi trường.
Vào năm 2017, trong lúc nền kinh tế Việt Nam lao vào năm suy thoái thứ 9 liên tiếp khiến rất nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng bởi thu nhập ngày càng eo hẹp và đồng tiền ngày càng mất giá, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng lên đến 8.000 đồng/lít của ‘Bộ Thắt Cổ’ (một hỗn danh mà dân gian đương đại dành cho Bộ Tài chính) đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội.
Đến năm 2018, do chưa thể tăng ngay được thuế “bảo vệ môi trường” lên 8.000 đồng/lít xăng, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất tăng sắc thuế này lên 4.000 đồng/lít xăng. Cách tăng dần, tăng từng bước này đã được một đại biểu quốc hội mớm ý “tăng thuế cứ như vặt lông vịt. Phải vặt từ từ để vịt khỏi kêu toáng lên”.
Việc chính phủ Việt Nam xin rút đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít tại dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã khiến dậy lên một dấu hỏi lớn: chính phủ này đang ‘hồi tâm’ và ‘vì dân’, hay lại một thủ đoạn ngoắt ngoéo theo kiểu ‘vặt lông vịt’ như cách tham mưu của một quan chức chuyên nghề thày dùi tăng thuế và bóp họng dân?
Hầu như chắc chắn, “chính phủ rút đề xuất tăng thuế xăng kịch khung 8.000 đồng/lít” chỉ là một thủ đoạn ‘lùi một bước để tiến nhiều bước’ của nhóm lợi ích xăng dầu trong mối quan hệ thông đồng với các quan chức bộ ngành và chính phủ.
Bằng chứng gần nhất là Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa bất ngờ phóng giá xăng dầu thêm 1.500 đồng/lít, trút lên đầu người dân gánh nặng của chế độ.
Chẳng cần hoài nghi rằng thủ đoạn trên nhằm xoa dịu phần nào phản ứng dữ dội của dư luận và cũng là một cách để ‘cân đối’ với việc rút Luật ‘Hai Đê’ khỏi chương trình pháp luật.
P.C.D.
Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2019/04/vntb-rut-2-du-luat-ra-khoi-chuong-trinh.html