Tin vui: Quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc

Quốc hội ‘bác’ dự án đường sắt cao tốc.  Đó là một tin mà bạn đọc báo cho biết.  Chưa bao giờ các vấn đề “quốc gia đại sự” được quan tâm như dự án đường sắt cao tốc.  Chưa bao giờ tôi nhận được nhiều thư phản hồi, với phần lớn là đồng tình với quan điểm phản biện trong trang web này.  Xin thành thật cám ơn các bạn đọc đã quan tâm, cũng như người viết những dòng này rất quan tâm đến tình hình bên nhà, dù sống xa quê cả chục ngàn cây số.

Tôi vẫn không hiểu tại sao chữ “bác” lại để trong ngoặc kép?  Rõ ràng là đa số đại biểu Quốc hội không tán thành dự án, tức là họ đã bác.  Chẳng có lý do gì để động từ đó trong ngoặc kép cả, nếu không muốn nói là một cách viết khinh thường hay mỉa mai đại biểu Quốc hội.

Nhưng dù sao đi nữa thì Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc.  Kết quả này cũng cho thấy cách thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội không có giá trị. Với cách làm việc (ra câu hỏi) một cách chụp giật, vừa mang tính áp đặt vừa khinh thường đại biểu Quốc hội, thì hệ quả là đa số đại biểu phải bày tỏ ý kiến qua lá phiếu.

Theo như bản tin dưới đây, 37% Đại biểu QH tán thành, 42% không tán thành.  Như vậy là vẫn còn 21% không bày tỏ ý kiến, hay không quyết định được.  Theo tôi, con số 21% này mới là thú vị.  Thật ra, trong lần thăm dò đại biểu Quốc hội lần trước, tôi có nhận xét rằng “chỉ có 148 người (31%) tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ”, và con số 37% đại biểu Quốc hội tán thành dự án có thể là những người trong số 31% trong lần thăm dò ý kiến đó.

Nhưng con số này còn nói lên rằng có thể một số đại biểu Quốc hội đã thay đổi ý kiến trong thời gian tranh luận.  Nếu giả thuyết này đúng thì nó nói lên rằng những phản biện của các diễn đàn “lề trái”, các trang blog và website (chắc kể cả website này), các phản biện của các chuyên gia và người dân đã có tác động đáng kể đến sự quyết định của các đại biểu Quốc hội.  Nếu thế thì Nhà nước nên nhân cơ hội này cho phép các tổ chức phi chính phủ có quyền làm báo.

Bây giờ thì có thể xem như chuyện đã xong. Không có người thua kẻ thắng ở đây, vì ai cũng thắng cho đại cuộc, hiểu theo nghĩa kết cục tốt cho đất nước và dân tộc. Các đại biểu nhấn nút “tán thành” đã bày tỏ quan điểm và ý kiến của họ, và họ phải chấp nhận thực tế là họ là nhóm thiểu số. Cũng như trong bầu cử, người đắc cử vẫn phải cám ơn những cử tri không bầu cho họ, ở đây chúng ta – những người phản biện và không tán thành dự án này – cũng phải cám ơn những người có ý kiến ngược lại. Tôi nghĩ bây giờ là lúc chúng ta tập trung trí lực và công sức nhìn về và bảo vệ tương lai (như nhìn về Trường Sa và Hoàng Sa và kẻ thù – phải nói thẳng là kẻ thù – đang diễu võ dương oai), chứ không phải truy tìm nhau những lí giải có thể xem là ngớ ngẩn hay thông thái trong thời gian qua.

Kết quả này cho thấy đại biểu Quốc hội không phải chỉ là những “nghị gật” như nhiều người mỉa mai nói bấy lâu nay. Hoan hô các đại biểu Quốc hội!

NVT

Nguồn: http://nguyenvantuan.net/online-news/931-tin-vui-quoc-hoi-bac-bo-du-an-duong-sat-cao-toc

This entry was posted in quốc hội, xây dựng. Bookmark the permalink.