Vụ án Trịnh Vĩnh Bình: Phản ứng của Bộ Tư Pháp có hợp lý?

Trung Khang, RFA

Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa án Quốc tế năm 2017. (Ảnh minh họa) RFA PHOTO / Tường An

Mắt xích ít bí mật nhất là ai?

Tòa trọng tài quốc tế Paris – nơi xử vụ án doanh nhân người Hà Lan gốc Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình, là một tòa dân sự. Có nghĩa là việc công khai hay bảo đảm bí mật của phán quyết là do thỏa thuận của các đương sự. Khi một bên đương sự nhận thấy mình có thể thua, bên đương sự ấy ra lời đề nghị tất cả các bên phải bảo đảm bí mật của phán quyết. Dĩ nhiên, là phải chấp nhận trả thêm một số tiền cho đương sự khác.

Việc giữ bí mật là việc của các bên, còn việc săn tin là việc của các nhà báo. Và các nhà báo của Đài phát thanh quốc tế Hoa Kỳ đã làm rất tốt công việc săn tin và điều tra của họ. Một nhà báo giỏi, một cơ quan báo chí có uy tín là phá tan các bí mật.

Chính phủ Việt Nam không có chứng cứ về việc bên nào, ai đã cung cấp thông tin phán quyết cho VOA. Việc VOA loan tin phán quyết rõ ràng là một thất bại lớn đối với chính phủ Việt Nam, nhưng là một thành công lớn của VOA, đến độ VOA gắn bảng Tin Độc Quyền trước bản tin. Chính phủ Việt Nam nên kiện VOA ra một tòa quốc tế nào đó nếu tự tin chiến thắng. Ra khơi xa bôn ba bể lớn, hội nhập với luật pháp minh bạch và công tâm, tiến bộ của thế giới là việc mà Chính phủ Việt Nam nên làm. Nhưng, nếu khởi kiện, chính phủ Việt Nam nên nhớ rằng, các nhà báo, các tòa báo quốc tế sẽ không bao giờ công khai nguồn tin đã cung cấp thông tin cho họ. Và luật pháp quốc tế bảo đảm cho họ quyền ấy. Nó khác với luật pháp Việt Nam ở chỗ, ở Việt Nam Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân từ cấp tỉnh trở lên có quyền yêu cầu nhà báo, cơ quan báo chí cung khai nguồn tin đã cung cấp thông tin.

Xung quanh vụ án Trịnh Vĩnh Bình, hai nhà báo Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân từng làm việc ở báo Thanh Niên trên FB của mình đều viết rằng, chính các thế lực ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gây nên án oan này. Điều này hoàn toàn không đúng, điều này là vu khống đối với đa phần quan chức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm vụ án diễn ra.

Vào thời điểm diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, rất nhiều quan chức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cực lực phản đối việc bắt giữ ông Trịnh Vĩnh Bình, đặc biệt là Chủ tịch UNND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Trọng Minh. Chẳng lẽ, ông Nguyễn Trọng Minh, đường đường là chủ tịch tỉnh lại thua ông Ngô Chí Đan, một sĩ quan cấp trưởng phòng ở Công an tỉnh BR-VT? Trong vụ án này, ông Nguyễn Trọng Minh còn bị gán ghép nhận hối lộ của ông Trịnh Vĩnh Bình, dĩ nhiên là hoàn toàn không có chứng cứ. Chỉ riêng việc phó thủ tướng thường trực, phó chủ tịch nước, một bộ trưởng can ngăn đừng để vụ án xảy ra (nhưng không được) cũng đã đủ sức phản bác quan điểm của hai nhà báo Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân. Chẳng lẽ nào Phó chủ tịch nước, phó thủ tướng thường trực, bộ trưởng yêu cầu đình chỉ vụ án mà lãnh đạo BR-VT không nghe?

Hệ thống công an, viện kiểm sát, tòa án ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo các quan chức tỉnh BR-VT thời ấy, đã bị một thế lực cực kỳ bí mật thúc ép trong vụ Trịnh Vĩnh Bình. Bản thân họ không muốn. Một nhân vật tên là T, thường được các quan chức BR-VT gọi là T “thọt” là mắt xích ít bí ẩn nhất trong một hệ thống đầy bí ẩn.

Vậy nên nhìn về hướng nào để xác định lực lượng bí ẩn? Đó chính là thế lực không chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình mà còn thực hiện nghiệp vụ an ninh của công an.

Chu Vĩnh Hải

***

TIỀN TỪ NGUỒN NÀO TRẢ CHO ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH

Sau sự phát tán thông tin về vụ kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, mà theo đó, số tiền mà chính phủ Việt Nam bị thiệt hại trong vụ kiện lên đến 45 triệu USD. Nhiều người đã ta thán rằng mình phải đưa vai gánh chịu một phần thiệt hại này cho dù mình không có liên quan và cũng chẳng làm gì hại đến ông Trịnh Vĩnh Bình. Rất nhanh nhẩu, công chúng đã chia đều số tiền mà chính phủ thua kiện cho từng đầu dân, từ ông cụ chân đi run lẩy bẩy cho đến cháu bé mới oe oe chào đời chưa từng biết đến mặt ngang mày dọc tờ VND, đều phải gánh chịu ngang nhau số tiền là 11.500 đồng/dân.

Thật ra, lời ta thán này sai mà lại đúng!

SAI:

Sai vì lẽ, theo nguyên tắc chung thì công chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Theo đó, dù nhân danh công sở hay nhân danh quốc gia, nhưng nếu họ thực hiện hành vi trái pháp luật gây nên sự tổn thất cho công chúng, phát sinh trách nhiệm bồi thường thì họ phải gánh chịu phần bồi thường ấy.

Thế nhưng, như thông lệ quốc tế, thì luật pháp nước ta cũng quy định sự bồi thường thiệt hại sẽ được công sở đứng ra đảm nhận chi trả cho người bị thiệt hại bằng nguồn tài chính từ công quỹ. Sau đó, buộc công chức có lỗi bồi hoàn lại.

Như trong trường hợp vụ ông Trịnh Vĩnh Bình chẳng hạn. Tuy sự thiệt hại vật chất, tinh thần của ông là do công chức thuộc các cơ quan tố tụng, thi hành án, UBND tỉnh ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM gây nên. Nhưng bằng bản án của cơ quan tài phán quốc tế thì chính phủ đã phải đứng ra gánh lấy trách nhiệm bồi thường vì lẽ đã không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ông ấy theo hiệp ước bảo hộ thương mại giữa hai chính phủ Hà Lan-VN.

Sau đó, việc truy trách nhiệm và phân định lỗi của các công chức của các cơ quan kể trên sẽ phải được tiến hành. Nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng thì có thể phải khởi tố hình sự vụ án. Số tiền 45 triệu USD mà chính phủ VN phải trả không chỉ là tiền, mà còn bao gồm cả uy tín quốc gia thì quá thừa để gọi là cực kỳ nghiêm trọng. Theo đó, khi xử lý trách nhiệm hình sự, sẽ phải xử lý cả trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền mà chính phủ đã ứng ra thi hành án chi trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Điều đó cho thấy về lời ta thán rằng công chúng phải gánh chung với nhau về số nợ là sai về phương diện pháp lý. 90 triệu dân VN sẽ không phải mất một đồng bạc nào để góp trả cho khoản thi hành án ấy cả! Mà số tiền ấy phải do số cá nhân công chức thuộc các công sở hữu quan có trách nhiệm chi trả.

ĐÚNG:

Tuy vậy, xét về phương diện thực tế, lời ta thán của công chúng cũng không phải là không có cơ sở, nếu không nói rằng họ đúng.

Bởi lẽ, đã từng có nhiều vụ việc công sở phải đứng ra bồi thường thiệt hại cho người bị kết tội oan sai. Cũng theo đó, đã từng có công chức phải ngồi tù vì đã có hành vi trái pháp luật tác động vào những vụ việc oan sai như vậy. Nhưng điều đáng nói nhất là công chúng chưa từng nghe vụ nào có công chức phải móc hầu bao của mình để bồi hoàn lại cho công sở khoản bồi thường mà công sở đã ứng trả cho người bị thiệt hại.

Trách nhiệm của công chức, từ nguyên tắc do pháp luật quy định đến thực tiễn áp dụng vẫn còn khoảng cách xa diệu vợi và cứ thế, công chúng vốn vô can với những hành vi trái pháp luật của công chức nhưng vẫn cứ phải góp thuế để bồi thường cho những khoản thiệt hại không phải do lỗi của mình.

Suy cho cùng, điều đó cũng đáng khi mà phần đông công chúng xứ này vẫn vô tư chấp nhận những công chức tham lam, bất tài … ngồi trên đầu, cưỡi trên cổ của mình như bao nhiêu năm qua.

Riêng đối với ông Trịnh Vĩnh Bình. Công lý đã mỉm cười với ông khi cơ quan tài phán quốc tế tuyên ông thắng kiện. Điều đó là tất nhiên khi ông đã chọn khởi kiện tại một nơi chỉ biết tôn trọng lẽ công bằng. Ông đã thắng trong vụ kiện đòi bồi thường với tư cách là người tự do. Nhưng trớ trêu, tại quê hương ông, thì luật pháp vẫn xem ông là tội phạm nợ hình phạt 11 năm tù giam, mà trong đó, ông chỉ mới thụ án 18 tháng nếu như bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa bị hủy.

Có vẻ như món nợ 11.500 đồng/dân góp trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình khó tránh khỏi. Nhưng xem ra, tuy phàn nàn, nhưng công chúng lại rất sẵn sàng hả hê cất lời chúc mừng cho ông ấy.

Tôi đoán, bạn biết rõ lý do của sự hả hê ấy nhỉ

Manh Dang

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2019, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam, mà theo đó ông Trịnh Vĩnh Bình đã chiến thắng trong vụ kiện.

Đây là vụ kiện được mệnh danh là vụ kiện “thế kỷ” giữa triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, công dân Hà Lan, với chính phủ Việt Nam.

Ông Bình kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Hà Lan và Việt Nam, cũng như bắt giam ông bất hợp pháp. Theo đơn kiện, ông đòi chính phủ Việt Nam phải trả tiền bồi thường là 1,25 tỷ đô la.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần.

Vào ngày12/4/2019, Bộ Tư pháp ra thông báo chính thức liên quan vụ kiện này. Bộ Tư pháp Việt Nam cho rằng, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.

Trong thông cáo của mình, Bộ Tư pháp cũng cho biết, theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.

Bộ Tư Pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định:

“Bộ Tư pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác, và họ có nói thêm một số thông tin khác nữa như đảm bảo bí mật giữa các bên thêm gia vụ kiện, rồi các xu thế khác nhau. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế”.

Sau thông cáo của Bộ Tư pháp, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn khẳng định thông tin ông chiến thắng là đúng và cũng khẳng định rằng ông không cung cấp số tiền phải bồi thường cũng như giấy tờ liên quan đến phán quyết của tòa cho bất cứ ai.

Theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội… trên một nền pháp lý hoàn thiện hơn, vì vậy, Việt Nam nên có một cách cởi mở, thân thiện, công bằng hơn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ tất cả các phía, để làm sao Việt Nam là một đất nước hưởng lợi bởi đầu tư nước ngoài có một hình ảnh tích cực về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Còn theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập thì vụ kiện này đáng lý ra là chính phủ Việt Nam phải biết trước là họ thua, có lẽ là trước đây họ quá chủ quan, không đề phòng chuyện này, và cuối cùng ông Trịnh Vĩnh Bình đã thắng. Theo ông, đây có thể nói đây là một tiền đề, khi Việt Nam ra quốc tế hay đi vào các vụ kiện quốc tế, thì khả năng rất lớn là chính phủ Việt Nam sẽ thua.

“Đó là bài học rất lớn đối với chính phủ Việt Nam, họ không thể hành xử ở quốc tế giống như ở trong nước được. Ở trong nước thì luôn luôn có những cái án bỏ túi, đặc biệt là những cái án chính trị xử lý những người đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến, phản biện, bằng án bỏ túi. Nhưng mà ra quốc tế thì mọi chuyện phải bình đẳng, sòng phẳng, và không thể có chuyện Việt Nam đi cửa trong cửa ngoài, đi đêm, thỏa thuận ngầm… để có những bản án bỏ túi như vậy”.

Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu. Photo courtesy of Trịnh Vĩnh Bình

Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Năm 2000 ông trốn tù, vượt biên lần nữa trở lại Hà Lan. Năm 2003 ông kiện chính phủ Việt Nam tại một tòa án ở Thụy Điển. Để tránh vụ kiện này chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với ông ở Singapore vào năm 2006, theo đó thì ông sẽ giữ bí mật thỏa thuận này, không kiện nữa, và đổi lại chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền là 15 triệu đô la Mỹ, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu của ông. Nhưng ông nói với thông tín viên Tường An của đài RFA tại châu Âu rằng chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa nên một lần nữa ông đã kiện chính phủ Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:

“Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc. Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình xảy ra vào khoảng thời gian Việt Nam còn mới mở cửa, hệ thống văn bản pháp luật còn kém:

“Chính phủ chỉ có một văn bản nhỏ, một văn bản mập mờ. Cũng may là vào năm 1994 Việt Nam có ký một thỏa thuận liên quan đầu tư với chính phủ Hà Lan. Thì bây giờ trên cơ sở ấy Tòa quốc tế phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện”.

Đổi mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 1980. Đổi mới về kinh tế được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam năm 1987 được xây dựng từ văn bản pháp quy đầu tiên quy định về đầu tư nước ngoài 1977. Được sửa đổi, bổ sung vào năm 1990 và năm 1992; và đến năm 1996 Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng trong những năm này, Việt Nam bắt đầu ký các hiệp định khuyến khích đầu tư với các nước, trong số đó có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan được ký kết năm 1994.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2018, tại Việt Nam có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Trong giai đoạn 1994-2000 đầu tư nước ngoài đóng góp vào nguồn thu ngân sách 1,8 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2011 – 2015, thu ngân sách từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 23,7 tỷ USD.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình cho thấy một thất bại chính trị và ngoại giao của chính phủ Việt Nam, và cảnh báo nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ còn phải nhận thêm các vụ tương tự:

Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

“Qua vụ này thì có thể thấy thêm một thất bại chính trị, thất bại ngoại giao của chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi không nghĩ sau vụ này thì môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nhiều, chỉ có điều sau vụ Trịnh Vĩnh Bình thì sẽ có một số vụ kiện ở trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam, kiện chính quyền địa phương ở Việt Nam, đem ra tòa quốc tế thay vì đem ra tòa ở Việt Nam. Thì lúc đó Việt Nam sẽ phải lãnh nhận hàng loạt các vụ thất bại mới”.

Ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, trang tin The Guardian hôm 15/8/2018, trích thông tin điều tra của Finance Uncovered cho biết, hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia là ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn lên tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc để được phân xử không phải trả thuế cho Chính phủ Việt Nam trong thương vụ giao dịch của hai công ty này theo Luật Thương mại Quốc tế.

Tin cho biết ConocoPhillips đã bán hai công ty con nằm ở Việt Nam cho Tập đoàn Perenco. Thương vụ được bán với giá 1,3 tỷ đô la Mỹ và ConocoPhillips thu về lợi nhuận 896 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thu khoảng 179 triệu USD tiền thuế lợi nhuận trong thương vụ này.

Người phát ngôn của ConocoPhillips giải thích rằng việc mua bán giữa hai công ty cư trú ở Anh nên không phải trả tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam, và ConocoPhillips sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp pháp lý để chống lại việc thu thuế của Chính phủ Việt Nam trong giao dịch đó.

Cho đến nay, phía Tập đoàn ConocoPhillips và Hội đồng trọng tài vẫn chưa cung cấp các thông tin về địa điểm và thời gian phiên tòa sẽ diễn ra.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn. Ví dụ như Việt Nam muốn kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế The Hague, về vấn đề biển Đông. Ngay cả có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nếu Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về pháp lý cần thiết thì vẫn có thể thua như thường. Mặc dù về lý là Việt Nam đúng nếu kiện về vấn đề chủ quyền biển Đông thuộc về Việt Nam. Do quá trình chuẩn bị quá tồi tệ nên Việt Nam vẫn có thể thua như thường”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, phía Việt Nam phải có sự chuẩn bị để có thể đáp ứng các yêu cầu kiện cáo, điều quan trọng phải chuẩn bị hồ sơ và có các luật sư am hiểu luật quốc tế, am hiểu tình tiết để tránh lập lại các trường hợp như vụ Trịnh Vĩnh Bình.

T.K.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trinh-vinh-binh-case-and-the-behavior-of-the-vietnamese-government-04122019143747.html

This entry was posted in Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều về xây dựng đất nước. Bookmark the permalink.