Hòa Ái, RFA
2019-04-08
Nhà máy Alumin Tân Rai xảy ra sự cố vỡ đê quai hồ chứa thải quặng bauxite hồi tháng 10 năm 2014. Courtesy: Ảnh chụp màn hình nld.com.vn
Bộ Công Thương, vào những ngày đầu tháng 4 cho biết hai nhà máy sản xuất alumin Tân Rai, ở Lâm Đồng và Nhân Cơ, ở Đắk Nông bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế nên sẽ đề nghị với Chính phủ và Quốc hội tăng công suất của hai nhà máy này và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên.
Giới chuyên gia nói gì liên quan thông tin vừa nêu?
Dự án bị phản đối
Dự án Bauxite Tây Nguyên từ năm 2001 được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ IX và vào tháng 11/2007 được người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt.
Ngay từ đầu, dự án Bauxite Tây Nguyên đã gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia khoa học lẫn kinh tế cùng nhiều nhân sĩ trí thức cũng như các quan chức cấp cao, Đại biểu Quốc hội và cả người dân bản địa vì cho rằng không có lợi cho quốc gia về nhiều mặt, nhất là sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho môi trường của Việt Nam.
Chúng tôi trích dẫn lại ý kiến phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một trong rất nhiều ý kiến mà Đài RFA ghi nhận 10 năm về trước:
“Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của Việt Nam là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên do thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi và có nguy cơ làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.”
Mặc dù vậy, Chính phủ Hà Nội vẫn cương quyết tiến hành vì ‘là chính sách lớn của Việt Nam”, qua lời tuyên bố của ông Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2009.
Thu lãi ngoài dự định
Dự án Bauxit Tây Nguyên được triển khai thí điểm với hai nhà máy sản xuất, bao gồm Nhà máy Alumin Tân Rai, ở Lâm Đồng với tổng mức đầu tư hơn 15 ngàn tỷ đồng và có công suất thiết kế 650 ngàn tấn alumin/năm cùng với Nhà máy Alumin Nhân Cơ, ở Đắk Nông với mức đầu tư gần 17 ngàn tỷ đồng nhưng có công suất thiết kế tương đương với nhà máy còn lại. Tổng mức đầu tư cho các dự án này đến năm 2029 lên đến tối đa 250 ngàn tỷ đồng và hai nhà máy này được tính toán sẽ nộp ngân sách bình quân tầm 850 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho khoảng 3000 lao động.
Thông tin chỉ nói về con số mức lãi của nhà máy Tân Rai mà không nói về mức lãi của nhà máy Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ, sau 3 năm lỗ cho ra mức lời 1.700 tỷ năm đầu tiên, theo như tường thuật của báo giới, thì thực ra không có lời nếu tính thêm các chi phí khác. Thứ nhất, mức lời 1.700 tỷ đồng cho trên 15.000 tỷ đồng chỉ tương đương mức lợi nhuận 11% mỗi năm. Số tiền này xấp xỉ mức lãi suất trả tiền vay hàng năm. Thứ hai, mức lợi nhuận này còn phải tính đến giá trị của các quặng nhôm, chi phí phát sinh xử lý môi trường, chi phí hạ tầng, chi phí đền bù cho người dân… Và nếu tính đủ thêm các chi phí này vào dự án thì thực ra là lỗ chứ không có lời.
TS. Nguyễn Huy Vũ
Theo kế hoạch, Nhà máy Alumin Tân Rai sẽ có doanh thu 3 năm đầu bị lỗ và thời gian hoàn vốn là 12 năm. Còn Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ bị lỗ trong 5 năm đầu hoạt động và mất 13 năm để hoàn vốn.
Sau một thập niên xây dựng và hoạt động, tại buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 31/10/18, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hai nhà máy Alumin Tân Rai và Alumin Nhân Cơ sản xuất sản phẩm alumin đầu tiên vào năm 2016 và giữa năm 2017 đã vận hành thương mại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm sản phẩm sản xuất được bao nhiêu là bán bấy nhiêu, không đủ cho nhu cầu thị trường và theo kế hoạch trong năm 2018, hai nhà máy này đạt sản lượng 580 ngàn tấm alumin, còn trong năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế tối đa là 650 ngàn tấn alumin.
Thị trường nước ngoài tiêu thụ alumin/hydrat của Việt Nam gồm có các quốc gia ở Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan…
Trong những ngày đầu tháng 4 năm 2019, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị phụ trách hai nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ báo cáo với Bộ Công Thương rằng bắt đầu thu lợi nhuận. Cụ thể, Nhà máy Alumin Tân Rai có lãi từ năm 2017, sau 3 năm lỗ đúng theo kế hoạch và riêng trong năm 2018 đã đạt lợi nhuận trên 1.700 tỷ đồng. Còn Nhà máy Nhân Cơ, trong năm ngoái sản xuất gần 103% kế hoạch năm, tương đương 655 ngàn tấn alumin, doanh thu đạt trên 6.400 tỷ đồng; đặc biệt có lãi ngay năm đầu tiên mà không bị lỗ như dự kiến trong 5 năm đầu hoạt động.
Truyền thông trong nước dẫn lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thành báo cáo để trình Chính phủ và Quốc hội với đề xuất nâng công suất cho hai nhà máy và mở rộng đầu tư khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông bị xảy ra sự cố tràn hóa chất vào cuối tháng 7/2016. Courtesy: Ảnh chụp màn hình nld.com.vn
Sẽ mở rộng đầu tư?
Đài RFA nêu vấn đề với giới chuyên gia liệu rằng đề xuất này của Bộ Công Thương sẽ khả thi hay không, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ – Môi trường ENTCE cho rằng việc mở rộng đầu tư là hợp lý vì giá thành alumin trên thế giới đang có xu hướng tăng cao và việc sản xuất ở Việt Nam đang thu lãi, đồng thời hai nhà máy vận hành cũng bảo đảm về điều kiện an toàn.
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết:
“Các chuyên gia xưa kia có ý kiến chủ yếu sợ về môi trường bị tàn phá, bị gây ô nhiễm. Thế nhưng trong thực tế thời gian qua, kể từ khi các nhà máy hoạt động thì bảo vệ môi trường được. Các chuyên gia, trong đó có tôi, qua vài đợt đi xem và đánh giá thì thấy họ sản xuất tốt và bảo vệ môi trường cũng tốt. Nguy cơ gây sự cố thì cũng không lớn lắm đâu. Nỗi lo sợ vỡ hồ bùn đỏ… thì thật ra khả năng vỡ ít lắm vì hồ được làm chắc chắn. Cho nên khả năng mở rộng công suất thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì.”
Trong khi đó, từ Na-Uy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích với RFA rằng số liệu mà Tập đoàn TKV báo cáo có lãi là con số không chính xác. Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ghi rõ:
“Thông tin chỉ nói về con số mức lãi của nhà máy Tân Rai mà không nói về mức lãi của nhà máy Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai với tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ, sau 3 năm lỗ cho ra mức lời 1.700 tỷ năm đầu tiên, theo như tường thuật của báo giới, thì thực ra không có lời nếu tính thêm các chi phí khác. Thứ nhất, mức lời 1.700 tỷ đồng cho trên 15.000 tỷ đồng chỉ tương đương mức lợi nhuận 11% mỗi năm. Số tiền này xấp xỉ mức lãi suất trả tiền vay hàng năm. Thứ hai, mức lợi nhuận này còn phải tính đến giá trị của các quặng nhôm, chi phí phát sinh xử lý môi trường, chi phí hạ tầng, chi phí đền bù cho người dân… Và nếu tính đủ thêm các chi phí này vào dự án thì thực ra là lỗ chứ không có lời.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong hơn 10 vị nhân sĩ trí thức hồi năm 2010 viết thư gửi lên Bộ Chính trị và Nhà nước Việt Nam khẩn thiết yêu cầu tạm hủy dự án bauxite Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng con số báo cáo đạt lợi nhuận của Tập đoàn TKV rất đáng ngờ vực, vì ông cho rằng có thể vì mục đích chính trị ẩn phía sau.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Trong hai năm tới, sắp sửa Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra thì tôi nghĩ rằng những người điều hành đất nước sẽ rất muốn chạy theo số lượng để được những số liệu rất đẹp, bởi vì số liệu đẹp thì nó sẽ củng cố vị thế của người này người kia. Tôi nghĩ rằng ông Thủ tướng nên rất cần xóa đi những sự ngờ vực có thể có này bằng cách cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay chính những nhà máy đấy phải công bố chi tiết các thông tin ra, là đầu tư bao nhiêu, vay bao nhiêu, chi phí như thế nào, bán ra sao… Nếu có những dữ liệu đấy thì trong nửa tiếng đồng hồ mà một người không hiểu biết gì lắm như tôi cũng có thể tính toán ra một cách tương đối chính xác thực hư như thế nào.”
Một trong những nguyên nhân chính mà giới nhân sĩ trí thức kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần cân nhắc thận trọng là phải so sánh giữa hiệu quả kinh tế với hậu quả môi trường mà dự án này mang lại lâu dài cho quốc gia.
Giới chuyên gia từng cảnh báo tác hại khôn lường qua sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary hồi đầu tháng 10 năm 2010, được Chính phủ nước này cho là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử của Hungary.
Tôi chỉ nhắc lại những tính toán của các chuyên gia từ 10 năm về trước, nếu tính đến những chi phí về môi trường; có nghĩa là phải tính đến 50 năm, 100 năm nữa thì sẽ thế nào mà lúc đó mình sẽ chiết khấu về chi phí của ngày hôm nay. Rất đáng tiếc là những khoản đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nhất là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hủy hoại và sẽ còn hủy hoại môi trường của Việt Nam một cách khủng khiếp và tôi nghĩ rằng khi tính đến những tác động về môi trường có thể ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta thì những dự án kiểu khai thác tài nguyên như thế là phải chấm dứt.
TS. Nguyễn Quang A
Qua một thập niên vận hành tại vùng Tây Nguyên Việt Nam, truyền thông trong nước loan tin Nhà máy Alumin Tân Rai xảy ra sự cố vỡ đê quai hồ chứa thải quặng bauxite hồi tháng 10 năm 2014, khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng và mãi hai năm vẫn còn bỏ hoang vì chưa khắc phục hết ô nhiễm. Bên cạnh đó, Công ty Nhôm Lâm Đồng, trong báo cáo tháng 3 năm 2016, cho biết nguồn nước quanh hồ bùn đỏ bauxite Tân Rai, ở huyện Bảo Lâm bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương và họ phải bỏ tiền hàng triệu đồng để mua máy lọc nước về sử dụng. Cũng trong năm 2016, vào cuối tháng 7, Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông bị xảy ra sự cố tràn hóa chất, dẫn đến cá chết và người dân bị bệnh ngoài da khi tiếp xúc với nước ở suối Đắk Dao.
Hồi đầu tháng 3 năm 2018, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường công bố một báo cáo đánh giá hiệu quả thí điểm dự án bauxite tại hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, trong đó ghi nhận dự án Tân Rai xảy ra 3 lần sự cố và dự án Nhân Cơ xảy ra 4 lần sự cố với nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật, thiết bị xuống cấp nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường phức tạp.
Bộ Tài Nguyên-Môi Trường trong báo cáo vừa nêu còn cảnh báo nhà đầu tư là Tập đoàn TKV phải lưu ý chất lượng thiết bị do nhà thầu Trung Quốc cung cấp.
Mới đây nhất, một cư dân ở Lâm Đồng, tu sĩ Thích Ngộ Chánh nói với RFA tình trạng rừng bị tàn phá kể từ khi Nhà máy Alumin Tân Rai được xây dựng:
“Trên đường đi vô khu vực bauxite ở Bảo Lâm, Lâm Đồng thì cái mảng rừng trong đó bị phá rất nhiều. Có một đợt đi qua đó thấy tình trạng phá rừng rất là khủng khiếp”.
Ngoài ra, Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã nhiều năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, cũng từng bày tỏ lo ngại về văn hóa Tây Nguyên bị xáo trộn do dự án:
“Tôi lo lắng về mặt văn hóa xã hội ở Tây Nguyên. Đây là một vùng văn hóa rất đặc sắc và độc đáo. Tây Nguyên trước hết là rừng. Văn hóa Tây Nguyên có thể nói là văn hóa rừng, là tinh hoa của sự gắn bó của con người với tự nhiên. Một xã hội, một dân tộc mà văn hóa bị tan đi, thì xã hội không thể ổn định, và thậm chí các dân tộc không thể tồn tại.”
10 năm sau khi triển khai dự án bauxite Tây Nguyên và trước đề xuất cần mở rộng dự án này của Bộ Công Thương, một lần nữa giới chuyên gia cũng khẳng định Chính phủ và Quốc hội cần phải tính toán kỹ lưỡng và sáng suốt để đưa ra quyết định thật đúng đắn trong thời đại công nghiệp 4.0.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng không thể tiếp tục những dự án hủy hoại môi trường của Việt Nam:
“Tôi chỉ nhắc lại những tính toán của các chuyên gia từ 10 năm về trước, nếu tính đến những chi phí về môi trường; có nghĩa là phải tính đến 50 năm, 100 năm nữa thì sẽ thế nào mà lúc đó mình sẽ chiết khấu về chi phí của ngày hôm nay. Rất đáng tiếc là những khoản đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nhất là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã hủy hoại và sẽ còn hủy hoại môi trường của Việt Nam một cách khủng khiếp và tôi nghĩ rằng khi tính đến những tác động về môi trường có thể ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta thì những dự án kiểu khai thác tài nguyên như thế là phải chấm dứt.”
Còn tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kêu gọi Việt Nam thay vì đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nặng ảnh hưởng mạnh đến môi trường thì nên dành số tiền đó đầu tư vào những dự án của các ngành công nghiệp thông minh, cần nhiều chất xám hiện nay, nếu muốn nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
H.A.