Các “mê lộ” tấn công của Trung Quốc

Tô Văn Trường

Phân tích các dữ kiện lịch sử cho thấy bành trướng Đại Hán là tư tưởng xuyên suốt các triều đại từ thời phong kiến đến Trung Hoa hiện đại ngày nay. Việt Nam là địa bàn cửa ngõ để triển khai sự bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á nhưng trong suốt hàng nghìn năm các triều đại phong kiến Trung Hoa tiến hành nhiều cuộc viễn chinh nhưng không chinh phục được, đó là lịch sử vẻ vang tự hào của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Từ giai đoạn sau thắng lợi cách mạng 1949 lập nên nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do tác động của các lực lượng và xu thế chính trị quốc tế, chiến lược bành trướng Trung Hoa có nhu cầu mạnh mẽ hơn, đồng thời có những thay đổi lớn về tư duy cũng như chính sách triển khai thực hiện rất tinh vi uyển chuyển được xây dựng trong ngắn hạn hay dài hạn tùy tình huống mà đối phương rất khó nhận biết, hoặc nhận biết được thì đã muộn không kịp ứng phó, tương tự “trận đồ bát quái” Khổng Minh lập ra thời Tam Quốc.

Ở giai đoạn này, Việt Nam lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn trước đây do cả vị trí địa lý cũng như vị thế chính trị. Nếu chi phối được Việt Nam theo ý đồ Trung Quốc thì chiến lược bành trướng Trung Hoa xuống phía Nam và làm chủ Biển Đông sẽ thực hiện được nhanh chóng nhất. Đây cũng chính là sự lo ngại nhất của các nước Đông Nam Á và lãnh đạo an ninh thế giới.

Cách đây hơn 5 năm, tôi viết bài “Mê lộ tám hướng tấn công của Trung Quốc”, đến hôm nay nếu có bổ sung và cập nhật thì hợp lý nhất đó là kiểm điểm lại trong các năm qua Trung Quốc đã tiến thêm như thế nào một cách cụ thể trên cả 8 hướng đó.

Còn ngoài 8 hướng phá Việt Nam ra, có thể thấy thêm gì nữa không? Đó là Trung Quốc đã và tiếp tục chia rẽ ASEAN, mua chuộc, ép buộc và đi đêm với các thế lực quốc tế nhằm cô lập Việt Nam về mọi mặt khiến tiếng nói của Việt Nam trở nên lạc lõng và yếu ớt khi có biến cố bất lợi trên Biển Đông hoặc các tranh chấp khác với Trung Quốc xảy ra.

Cũng nên "kiểm toán" lại xem chính Việt Nam đã ngu ngơ hay vô tình tiếp tay thực hiện các mũi tấn công đó trong thời gian qua ra sao. Có lẽ rõ ràng nhất là chính quyền đang đánh mất lòng tin của người dân khi nhiều hoạt động yêu nước chống ngoại xâm lại bị đàn áp, cố tình hiểu sai lệch, bóp méo và chụp cho cái mũ của con ngáo ộp Việt Tân.

Tám hướng cũng đã là quá đủ để Trung Quốc có thể hạ gục đối thủ nhỏ bé như Việt Nam. Hướng thứ tám là hướng thâm độc và là hướng quyết định thành công của mọi hướng khác.

Gần đây, người dân cả nước quan tâm, phản đối luật 3 đặc khu kinh tế và dự án đường cao tốc Bắc Nam (do một tập đoàn Trung Quốc đề xuất) vì thấy rõ bàn tay “lông lá” của Tàu và bài học về dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “tiền mất tật mang” đã nhãn tiền.

"Dùng người Việt để trị người Việt và đồng hóa người Việt …" xưa nay nhiều kẻ ngoại xâm đã làm, kể cả Tàu trước đây. Cuối cùng, hướng này vẫn cứ thất bại thảm hại. Có lẽ vận nước mình còn lớn lắm.

Sách lược "lấy bất biến ứng vạn biến "cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh" cứu nước khi nước còn chưa nguy "mới là thượng sách. Chỉ cần chống lại hướng thứ tám bằng nội lực vươn lên của chính mình, nỗ lực vượt lên chính mình để cải tổ thể chế và hòa giải dân tộc thì hướng thứ tám của Tàu sẽ trở nên vô dụng.

Đọc Tam Quốc, trong lịch sử  trận đồ bát quái do Khổng Minh sáng tạo ra chỉ có hai người có thể phá nổi: Người thứ nhất là Hoàng Thừa Ngạn (bố vợ Khổng Minh) và người thứ hai là Khương Duy (học trò và là người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh). Tướng Ngô là Lục Tốn nếu không có Hoàng Thừa  Ngạn chỉ đường chắc chắn sẽ chết tại trận đồ Bát Quái này của Khổng Minh.

Từ lâu, các thế hệ cầm quyền bành trướng Trung Hoa đã bày trận Bát quái này với người "đồng chí” Việt Nam. Ai sẽ là người Việt Nam có đủ tài năng, trí tuệ và bản lãnh phá trận này đây?

Người ta, thường vẫn hay dùng hình ảnh của tảng băng nổi trên mặt biển để nói về phần  NỔI  (ý là phần lộ diện : nhỏ) và phần CHÌM  (ý là phần tiềm tàng : lớn) – đó là theo lý thông thường, nhưng ở ta thì cái tảng băng (cũng hình chóp) đó lại lộn ngược lềnh bềnh nên rất khó đảo lại nhưng lại rất dễ tan, mau tan chảy! Cái hệ thống “lộn tùng phèo” này có vô số thứ để bàn theo kiểu “hội đồng chuột” (bàn cách treo chuông vào cổ mèo) nếu chưa đảo ngược lại được!

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhau điểm lại việc Trung Quốc dã tâm tấn công một cách có hệ thống như “mê lộ” tám hướng vào nước ta.

Hướng thứ nhất

Bằng mọi cách ngăn chặn mọi cơ hội Việt Nam độc lập tiếp xúc với văn minh thế giới, luôn tạo ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc dưới chiêu bài phe XHCN. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã dùng viện trợ quân sự và kinh tế để VN thắng Pháp ở mức loại bỏ ảnh hưởng của Pháp, không để Mỹ tiếp xúc với VN mà dùng biện pháp hòa bình nửa vời chia đôi 2 miền Bắc – Nam VN thực chất là gây tình trạng dẫn đến đối đầu Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ (không chỉ 2 miền VN mà cả nước Mỹ cũng bị rơi vào “bẫy” này).

Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc (trong khi Mỹ đang lúng túng, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Sa). Việt Nam thống nhất (thực chất không theo mong muốn của Trung Quốc) mặc dù Mỹ tích cực vận động bình thường hóa quan hệ 2 nước giúp VN phát triển mong muốn của thế giới và Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc tiếp tục xúi giục (bẫy tiếp) VN thực hiện ý đồ / tham vọng thiết lập Liên bang Đông Dương, tiếp theo là đem quân sang Campuchia thực chất là các bẫy để thế giới nhận thấy VN rất hiếu chiến và mưu đồ bành trướng khó hợp tác!

Đến 1979 gây chiến tranh biên giới nói là cho VN, nhưng thực chất là cho cả thế giới bài học: “Chỉ Trung Quốc có thể dạy được VN mà thôi”, lãnh đạo CS VN không muốn sụp đổ hãy đến Thành Đô.

Từ đó đến nay, VN cứ từ bẫy này sang bẫy khác trong cái vòng luẩn quẩn hay “mê lộ” này, lãnh đạo VN chưa dám dù chỉ nghĩ tới thoát bẫy, đó là và chỉ là: độc lập tiếp thu văn minh nhân loại, mà lịch sử VN đã ghi nhận người khởi xướng đúng đắn (nhà trí thức Phan Châu Trinh) hơn 100 năm trước mà chưa thực hiện: “Khai dân trí, hậu dân túy, vị dân sinh” chứ không phải cố níu và phát triển các chương trình “câu giờ với lịch sử”: “đổi toàn vẹn lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông”! Ngoài các hướng của mê lộ sau đây, theo thời gian nếu VN vẫn không có được tầng lớp tinh hoa, thì cái mê lộ này sẽ ngày càng phát triển có khi còn ngoài mong đợi của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Sáu tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt “gặm nhấm”. Ngày nay, các địa danh Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc v.v… chỉ còn là hoài niệm trong sách giáo khoa và những câu ca dao của dân Việt. Chúng ta phải mất 6 năm điều đình, nhún nhường, phân định để xây được hơn 1500 cọc mốc bê tông biên giới Việt Trung cao 10-15 m, sâu trung bình 20 m nhưng vẫn chưa phải là bình yên vì đổ cho dân tại chỗ có “quậy phá” chỉ vì cho rằng mồ mả của người dân Trung Quốc vẫn còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam!

Hướng thứ hai

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!

Hướng thứ ba

Phía Tây – Nam, ‘phiên dậu” của nước ta ở Campuchia và Lào nhiều vùng đất rộng lớn đã được Trung Quốc đầu tư, mua bán. Trước đây, các du học sinh người Lào còn thích sang Việt Nam học tập nhưng ngày nay địa điểm đến của họ là Trung Quốc vì học bổng cao gấp 30 lần so với Việt Nam, lại còn được cho về phép v.v… Sau tầng lớp cán bộ trung kiên gắn bó với Việt Nam già mất đi, dễ hiểu “đòn xoay trục” của Tàu sẽ như thế nào với tầng lớp kế cận ở các nước phía Tây Nam của nước ta.

Hướng thứ tư

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa (gần 100% là liên quan đến nước). Hằng năm, nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 – 2013) ở nước ta, thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Hai nguồn nước chính tác động đén Việt Nam là sông Hồng và sông Mekong đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quản lý nước là phải quản lý lưu vực sông nhưng Trung Quốc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn bất chấp đến các hậu quả phải hứng chịu của Việt Nam ở hạ lưu. Tệ hơn, họ còn không cho ta biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng lưu, đây là nguy cơ không nhỏ về “chiến tranh nguồn nước” trong tương lai.

Hướng thứ năm

Hàng hóa từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam qua các con đường từ nhập khẩu, tiểu ngạch đến buôn lậu. Chất lượng các sản phẩm qua những hàng hóa đã kiểm nghiệm hầu hết đều vượt mức báo động cho phép, gây tổn hại sức khỏe của nhân dân ta. Người Trung Quốc đi khắp nơi thu mua các sản phẩm không giống ai như lá điều khô, đỉa, móng trâu, hoa thanh long, lá khoai non, thảo quả, cây culi, cây long khỉ, v.v… giá cao bất thường rồi đồng loạt rút bỏ gây điêu đứng cho bà con nông dân thiếu thông tin, nhẹ dạ, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả năng lượng, giao thông đều rơi vào tay Trung Quốc do bỏ giá thầu rẻ, và giỏi “đi đêm”, nhưng lúc thực thi lại đưa công nghệ lạc hậu, thi công kéo dài, dùng đủ phép để đội giá đầu tư so với được duyệt để lại hậu quả “tiền mất – tật mang” cho Việt Nam.

Hướng thứ sáu

Xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, tự vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Sự kiện giàn khoan HD 981 càng lột tả bộ mặt thật về thủ đoạn trắng trợn, dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa thêm các giàn khoan khác đến Biển Đông chứng tỏ Việt Nam không còn đường lùi, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Mời xem bài “Phải kiện nhưng kiện cái gì, như thế nào, khi nào?” và bài “Hôn nhân ý thức hệ món quà trớ trêu của số phận” (tác giả Tô Văn Trường).

Hướng thứ bảy

Vịnh Hạ Long đã có đường ranh giới Việt – Trung từ thời người Pháp ông Mac Mohon ký kết với nhà Mãn Thanh. Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng tìm cách lấn lướt sang ta đến khoảng 50 km2 và thường xuyên gây khó cho hoạt động của ngư dân Việt Nam vì họ người đông lại có tàu to.

Hướng thứ tám

Đất nước muốn phát triển cần có những người lãnh đạo có phẩm hạnh, trí tuệ và tài năng. Từ lâu, Trung Quốc đã can thiệp vào công tác nhân sự của ta. Thủ đoạn truyền thống của Trung Quốc là “cấy mối thân tình”, mua chuộc bằng mọi cách kể cả hù dọa người yếu bóng vía, tạo nên ân tình từ cấp trung ương đến địa phương. Đối với nhân dân ta không thể mua chuộc được thì họ tuyên truyền thất thiệt gây chia rẽ giữa lãnh đạo Nhà nước và nhân dân. Ngày nay, có thể nói “tai mắt” của Trung Quốc len lỏi khắp nơi, tác động khôn lường đến cả chính trị và kinh tế xã hội của Việt Nam.

Mù mờ

Trong bối cảnh mù mờ, Nhà nước chỉ cho cán bộ và nhân dân biết một phần về những việc làm với tư cách đại diện cho cả một dân tộc, đây là một sự bất công đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết những gì cho ông Chu Ân Lai về biển đảo, lãnh hải của Việt Nam năm 1958, một điều mà chỉ những ai chú ý tìm hiểu lắm mới biết! Hội nghị Thành Đô năm 1990 có những nội dung gì, ngoài những điều mà báo chí đã đưa? Nội dung của việc trao khu khai thác bauxite cho Trung Quốc ở Tây Nguyên là gì, trong bao nhiêu năm, nội dung của việc cho thuê rừng phòng hộ ở biên giới Việt-Trung là thế nào? Rất nhiều người Việt Nam không được biết rõ, và khi đọc từng đoạn trong tin tức từ báo chí "lề trái", người ta không còn biết tin vào đâu nữa!

Tại sao trước kia công an giải tán các đoàn biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại các biển đảo của Việt Nam, bắt, giết ngư dân, thậm chí còn theo dõi, bắt người Việt Nam vô tội chỉ vì đã có những biểu cảm của lòng yêu nước, và gần đây lúc lại nới lỏng, lúc thắt chặt? Vậy thì phải đợi Trung Quốc hung dữ hơn thì dân ta mới được phép phản đối chăng? Tại sao nhiều vị chóp bu của Việt nam hầu như không nói gì trước những sự việc trọng đại như Trung Quốc hạ dàn khoan trái phép HD 981, hay những vụ lộn xộn ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thái Bình, Cần Thơ v.v…?

Vĩ Thanh

Dân tộc đã có không chỉ các ngoại xâm hiện thực mà ta đã chiến thắng, mà còn ngoại xâm và nội xâm không lộ diện mà ta chưa thắng, nên dân tộc ta vẫn cứ nghèo so với thế giới. Nước nhà đã độc lập nhưng toàn vẹn lãnh thổ thì chưa và nguy cơ ngày càng lớn. Mỗi người dân, đặc biệt là trí thức nghĩ gì?

Đến lúc này, mà người ta vẫn còn gọi nhau là đồng chí. Thực chất chỉ còn là đồng chí “bán phần”, hay là “bán phần đồng chí” như văn phạm Tàu vì  chỉ có nửa phần “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ vàng là đồng. Chưa có lúc nào người dân và chính quyền lại sống trong ngờ vực như ngày nay vì Nhà nước không minh bạch với dân. Trước hết, Ban chấp hành Trung ương và các vị đại biểu Quốc hội có quyền được biết các ý kiến của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư về quan điểm và các đối sách đối với Trung Quốc.

Phương ngôn có câu im hơi, lặng tiếng là một đức hay. Nếu danh dự bắt buộc phải lên tiếng mà lặng im thì  là một sự hèn nhát (La Cordaire). Ta căm ghét thái độ dửng dưng  chỉ cần thêm một bước là dẫn tới phản bội và một bước nữa đã là tội ác trước lương tâm (I.V. Bodarev).

Một lần Byron, thi hào Anh sau khi đứng làm mẫu cho người bạn là nhà điêu khắc Torvansen tạc tượng chân dung của mình, bỗng nhiên ông kêu lên : “không, bạn không tạc hình tôi mà là hình hài của một anh chàng yên ổn nào đó! Tôi hoàn toàn không giống bức tượng này !”. Torvansen hỏi lại : “Thế, có gì là xấu nếu ta sung sướng?”.

Khuôn mặt  Byron vụt tái đi vì tức giận và ông la lớn: “Torvansen! Hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa cương và đất sét vậy . Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỷ chúng ta . Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự cay đắng, lòng can đảm và nỗi đau khổ của suy tư?”

Theo TS Phạm Gia Minh, Đảng chỉ có được khi đất nước còn, mất nước thì Đảng như cá không có nước. Thật đáng thương và đáng giận cho những ai lú lẫn, không ý thức được rằng, nước trong đó họ bơi đang cạn dần và nóng lên nhanh chóng!

Dù cho kẻ bán nước có “thẻ xanh” nhưng dân nước Việt không bao giờ quên lời dạy của Vua Lê Thánh Tông (1473) : “Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

T.V.T.

Tác gả gửi BVN

This entry was posted in Hữu nghị Việt - Trung, Mặt thật Tàu cộng. Bookmark the permalink.