Tương Lai
Như thường lệ, sáng mở tivi nghe đôi dòng thời sự, VTV1 nói nhiều về 26 tháng Ba, ngày thành lập Đoàn Thanh niên, tiếp đó là tin về chùa Ba Vàng, ngôi chùa quốc doanh buôn thần bán thánh kiếm tiền tỷ hàng ngày, tin về vụ bê bối chữa điểm ở tỉnh Hòa Bình, tin về tai nạn giao thông… Cũng chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên khi người ta cập nhật tin tức, mất công “chẻ sợi tóc là tư” làm chi thêm rách việc.
Biết vậy. Nhưng sao vẫn cứ thấy lướng vướng thế nào trong dòng mạch tư duy. Thì chẳng phải với kiến thức abc về phép biện chứng cũng hiểu được rằng, cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra đó sao? Những hiện tượng ngẫu nhiên ấy khuấy động dữ dội trong tôi những kỷ niệm riêng tư về ngày tôi gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc năm 1953 vào thập kỷ 50 thế kỷ trước.
Liệu có phải tư duy của tuổi quá “cổ lai hy” hơn một thập kỷ rồi như tôi, cứ thấy lướng vướng là vì thế? Lướng vướng, nhưng có lẩm cẩm và lạc điệu quá không? Chẳng phải ai đó đã nói rất hay rằng, những gì làm nên sự thành công của hôm qua có thể là một thất bại cho hôm nay đó sao. Dù biết rằng đó là lời nhắc nhở của nhà kinh tế Mỹ từng nhận giải Nobel về hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng chắc là không dừng lại ở các doanh nhân. Những suy nghĩ tuổi trẻ của 70 năm trước chắc chắn là khác xa với thời đại của công nghiệp 4.0 hôm nay.
Nghĩ thế để tự biện hộ cho việc khỏi phải ngồi vào máy tính mà mênh mông thế sự đôi dòng gửi gió cuốn đi về thế sự đang lướng vướng trong đầu khi mà sức khỏe đang xuống cấp chỉ muốn nằm vắt tay trên trán và nhìn lên trần nhà, thay vì hì hục vừa nghĩ vừa gõ bàn phím.
Thế nhưng tuổi già trong tôi lại thường thả hồn mình theo những hoài niệm. Mà “hoài niệm” với “hoài cổ” lại quá khăng khít với nhau. Nhưng những hoài niệm lại gợi nhớ những gì bản thân mình đã trải qua thường thức dậy trong tôi những cảm hứng dấn bước về những giấc mơ ở phía trước, cho dù lực bất tòng tâm. Nói vậy vì tôi hay suy ngẫm về một ý tưởng của Gabriel Marquez, tác giả Trăm năm cô đơn mà với tôi, đó là một mệnh đề mang tính triết lý “Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi. Người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ”. Thì chẳng phải tuổi của trái tim không được đo bằng tóc bạc, cũng một câu nói đậm chất triết lý đã tiếp thêm nguồn sinh lực cho những ai sớm chấp nhận cách sống theo kiểu “lão giả an chi” đó sao?
Nhưng cùng với những điều đó, để mình không lạc hậu và lạc điệu với những ứng xử và khát vọng của tuổi trẻ hiện nay, tôi vẫn tâm niệm một ý tưởng đã được viết ra mười năm trước để tự định hướng một phương châm hành động “nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau giẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn”.
Đúng, mọi dự đoán đều không chắc chắn. Nhưng có những nguyên lý lại có giá trị vĩnh hằng. Thì chẳng phải Einstein đã nói rõ điều ấy “chính trị chỉ cho hiện tại nhưng phương trình là mãi mãi” đó sao? Nếu mối liên hệ giữa một hay nhiều số chưa biết với những số được xem là biết rồi trong khoa học tự nhiên, đặc biệt là trong toán học và hóa học, được diễn đạt trong “phương trình” mà Einstein khẳng định là mãi mãi, thì trong khoa học xã hội khi triển khai nghiên cứu về các phương diện con người của thế giới thì liệu có bao nhiêu điều được xem như đã biết, vô vàn điều chưa biết trong cái “tiểu vũ trụ” này?
Vậy thì điều là “mãi mãi”, là “chắc chắn” trong cuộc sống con người phải chăng chính là hành trình con người đi tìm chính mình để tự khẳng định mình. Trong suy nghĩ và tâm niệm của tôi phải cố gắng sao để tự khẳng định mình trong cuộc sống đầy biến động để không bị gục ngã, để mình được là chính mình mà tôi xem đó là một nguyên lý dẫn dắt cuộc sống mà tôi mong muốn. Và đó cũng là điều tôi mong mỏi ở các con tôi, cháu tôi.
Đấy cũng là hy vọng mãnh liệt của tôi hướng về tuổi trẻ, những người đang và sẽ đưa đất nước ta bứt lên khỏi cái thực trạng nhiễu nhương hiện nay. Trong thực trạng nhiễu nhương đó, cái đáng sợ nhất là sự băng hoại ý chí tự khẳng định mình của một bộ phận tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Đó là hệ lụy trực tiếp đã kéo dài nhiều thập kỷ của chế độ toàn trị phản dân chủ bị thao túng bởi chính sách thâm hiểm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.
Dùng khái niệm “truyền kiếp” không với ý định khoét sâu hận thù dân tộc mà là tôi muốn chỉ rõ dã tâm của lũ cầm quyền phương Bắc xuyên suốt mấy nghìn năm với nhiều triều đại kế tiếp tự xem mình là thiên triều đứng giữa, buộc các Man, Di, Nhung, Địch quây xung quanh phải cúi đầu khuất phục, cam phận chư hầu. Chẳng thế mà thời gian qua Trung Quốc tái bản nhiều lần hàng triệu bản cuốn tiểu thuyết Tô tem sói (nguyên bản tiếng Hoa là Lang Đồ Đằng – có ý kiến nên dịch là Căn tính sói) của Khương Nhung nhằm cổ vũ “tính chiến đấu”, tinh thần “quật cường” của người Trung Quốc hiện nay.
Trong cuốn tiểu thuyết mang tính khảo cứu đậm chất giả tưởng nhằm thể hiện một khát vọng mà xã hội cần hướng tới theo ý đồ của người viết này, tác giả chỉ ra phẩm chất thể hiện sâu sắc “căn tính” của người Trung Quốc là “sói tính”. Sói là con vật ranh mãnh, độc ác, thâm hiểm nhất sống trên thảo nguyên của một lãnh thổ rộng lớn có hơn 9,6 triệu km2. Người Trung Hoa đặt căn cước của mình khởi đi từ đó. Mấy năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc cho tái bản nhiều lần cuốn tiểu thuyết này để cổ vũ “khát vọng trỗi dậy” của người Trung Hoa nhằm thực hiện cái gọi là “Trung Quốc mộng” của Tập Cận Bình.
Theo Khương Nhung, phẩm chất quan trọng nhất của sói chính là khả năng không bao giờ bị thuần hóa và thuần dưỡng, phẩm chất không thể chung sống với dị chủng, không bao giờ bị lai tạp cho dù vẫn cùng một giống loài. Tác giả của cuốn tiểu thuyết thể hiện khát vọng mãnh liệt làm sao để tộc người Hán có “căn tính sói”, rũ bỏ tâm thế cừu, tâm thế ngựa (vì cừu là hình ảnh của sự thuần phục và dễ sai khiến, còn ngựa thì dễ bị bắt giữ và thuần hóa) nhằm biến “Trung Quốc mộng” thành hiện thực. Có điều đó vì Tập Cân Bình,“Chủ tịch của mọi thứ” (chairman of everything), vị “hoàng đế đỏ” của Trung Quốc hiện nay cho rằng thời kỳ “thao quang dưỡng hối”, náu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã qua rồi. Nay đã đến lúc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Đó là “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa – giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc trong thời kỳ cận đại sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049” mà Tập đã công khai tuyên bố tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18.10.2017.
Với tham vọng ngông cuồng đó, Tập thực hành chiến lược “nhất đới nhất lộ” (Vành đai và Con đường, Belt and Road Initiative) và kế hoạch “Made in China 2025” (MC 2025) là một khâu then chốt trong cấu trúc và kế hoạch phức tạp của Bắc Kinh nhằm tạo ra sự phát triển mới, lấy đó làm vũ khí đi chinh phục thế giới.
Ở trong nước, Tập thực hành một đường lối toàn trị, kiểm soát ngặt nghèo hệ thống Internet với chủ trương xây dựng “hệ thống tín nhiệm xã hội” để theo dõi tư tưởng và mọi hoạt động của công dân, nhằm đánh giá độ tin cậy về chính trị và kinh tế của người dân, làm cơ sở để xếp loại và thưởng phạt từng người theo thang điểm đã quy định. “Hệ thống tín nhiệm” này đã vận dụng những khả năng mới không chỉ qua nhận diện, mà còn qua giọng nói, qua dáng đi. Cái chế độ toàn trị khủng khiếp này đã sử dụng công nghệ mới, một thành tựu của văn minh của loài người trong thế kỷ 21, thành một công cụ để thực hiện sự kiểm soát xã hội một cách ngặt nghèo, tạo ra khả năng giám sát chưa từng có, nhằm khống chế quyền của con người được sống theo mong muốn của họ.
Con người chỉ còn là công cụ trong bàn tay tàn bạo của kẻ đang thao túng quyền lực. Tầng lớp trí thức, bộ phận tinh hoa của đất nước là những người bị hệ thống tai ác này kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Vì, cũng như thời Mao, họ là đối tượng của sự hủy diệt trong cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản”, còn là vì họ là người hiểu sâu sắc cái thảm họa của thể chế toàn trị phản dân chủ của mọi chế độ độc tài.
Phải dài lời về những điều trên vì những gì mà Tập Cận Bình thực thi trên đất nước của gần một tỷ rưỡi dân sát cạnh nước ta, thì đau đớn thay, đang được từng bước sao y bản chính trên đất nước ta bởi một bộ phận chóp bu trong bộ máy quyền lực cam phận chư hầu để giữ được cái ghế đã rệu rã mà sự sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Biết vậy không phải để ngồi yên chờ đợi với sự nhẫn nhục chịu đựng. Cái “căn tính chó sói” của lũ bành trướng Đại Hán sẵn sàng nuốt sống bầy cừu. Các cuộc tàn sát và đồng hoá các sắc tộc Mông, Hồi, Mãn, Tạng đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ về sự tàn bạo của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” với Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông ta.
Bằng “chính sách gây ảnh hưởng”, rồi “tấn công quyến rũ” của các “Viện Khổng Tử” và các thủ đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn khó có thể hình dung nổi, đang hàng ngày hàng giờ tác động đến tận mọi ngõ ngách của nhiều quốc gia mà Trung Quốc đã đặt quan hệ, trong đó, trực tiếp nhất là nước láng giềng Việt Nam, nơi mà tình báo Trung Quốc đã được cài cắm rất sâu trên tất cả các lĩnh vực như Thiếu tướng công an Trương Giang Long đã hé lộ đôi điều trước khi bị cho nghỉ chế độ chuẩn bị về hưu sớm. Chuyện này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thì cũng như ở Mỹ, chính giám đốc FBI Christopher Wray tường trình trước Quốc hội rằng gián điệp Trung Quốc có mặt khắp cả năm tiểu bang của Hoa Kỳ.
Có chăng là ở Việt Nam điều này thuộc diện “tối mật” để khỏi làm phật lòng “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” với Nguyễn Phú Trọng nhằm níu kéo thiên triều không dứt bỏ cái phao cứu sinh. Vừa đây Bloomberg phát giác Trung Quốc cấy những con chip nhỏ hơn hạt gạo vào 30 công ty Mỹ bao gồm cả Amazon, Apple, các ngân hàng lớn và các nhà thầu lớn… Các con chip nhỏ ấy cho phép tạo ra một cánh cửa tàng hình để xâm nhập bất kỳ mạng máy tính nào.
Những thủ đoạn tinh vi và nham hiểm ấy đang bị thế giới vạch trần. Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu đã nghiêm khắc cảnh báo và tẩy chay công nghệ 5G của tập đoàn Huawei. Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị cảnh sát Canada bắt và quản thúc tại gia chờ dẫn độ sang Mỹ. Tháng 1/2019, một quan chức của Huawei đã bị bắt tại Ba Lan với tội danh gián điệp. Hoạt động của Huawei là cực kỳ nguy hiểm với an ninh quốc gia, đặc biệt là trên mặt trận an toàn thông tin, mối nguy hàng đầu trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão.
Ấy vậy mà vừa rồi, báo Đầu tư đăng tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Huawei hợp tác với các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực an toàn thông tin. Bài báo viết: “Thủ tướng đã đánh giá cao và chúc mừng những thành công của Tập đoàn Huawei trên toàn thế giới cũng như tại khu vực châu Á và tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. …hiện kim ngạch thương mại song phương hai nước đã vượt mức 100 tỷ USD, đây là cơ sở thuận lợi để xúc tiến nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Huawei đang tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam; đồng thời ghi nhận sự đóng góp của Huawei đối với sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam… và khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác này trong thời gian tới”. Thì cũng là vẫn phải gửi trứng cho ác nhằm bám chặt cái phao cứu sinh để giữ con tàu “kiến tạo” đang chao đảo trước những con sóng dữ ngày một lớn có nguy cơ lật nhào.
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, một lão tướng từng có mặt trên các trận địa quân sự, chính trị, ngoại giao trước khi về hưu với 75 năm tuổi Đảng đã đặt ra câu hỏi: “Đất nước có bao giờ bi đát thế này không” khi bác bỏ phát biểu ngông cuồng của Nguyễn Phú Trọng: “Nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không”. Trong câu chuyện nhân dịp tôi đến thăm, Cụ cười và giải thích: “Tôi nói vậy họ không bác bỏ được đâu. Họ phải ngậm miệng lặng im thôi, vì thực tế nó như thế, ai cũng thấy được, chỉ là họ không nói hay chưa nói ra mà thôi”.
Tôi đã thưa lại với Cụ: “Chính vì họ không nói hay chưa nói mà chúng ta phải biết cách làm cho họ nói ra”. Cụ lại cười: “Thì tôi đã làm theo cách của tôi, các anh hãy làm theo cách của các anh. Nhưng quan trọng hơn cả là phải làm cho các cháu thanh niên biết tìm cách phù hợp với họ, vì chính họ mới là lực lượng quyết định đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng bi đát này mà bứt lên”.
Vâng, thanh niên. Họ phải nhận ra sự bi đát của cái môi trường đang bị đầu độc bởi sự lừa bịp và dối trá mà họ đang sống. Họ phải nhận ra cội nguồn của sự bi đát ấy chính là đất nước đang đối diện với “sói tính” của Tập Cận Bình. Đừng quên rằng, trong cuồng vọng của “cuộc đua maratông 100 năm”, cái “sói tính” ấy được hối hả đẩy tới một cách tàn bạo. M. Pillbury, tác giả quyển sách cùng tên The Hundred -Year Marathon đã phơi trần những âm mưu trong chiến lược dài hạn 100 năm của Trung Quốc từ 1949 đến 2049 nhằm trở thành một siêu cường soán ngôi Mỹ! Chặng đường 69 năm đã qua, bằng các mưu mô xảo huyệt, các thủ đoạn gian manh, những trí trá lừa đảo trong các bước tiến thoái, những đòn gián điệp và phản gián, những mỹ nhân kế, khổ nhục kế, những thủ pháp “ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao phong bì” cùng với nhiều thủ đoạn được xem là bí kíp cổ truyền của người Trung Hoa đang được hiện đại hóa với các “bẫy nợ ngoại giao” ([Debt-Trap Diplomacy) cái “siêu cường hung đồ” này đã lộ diện trước thế giới!
Điều đáng nói hơn cả là những thủ đọan ấy đã được thực thi hữu hiệu ở một đất nước đã sập bẫy “Thành Đô” với mười sáu chữ mùi mẫn “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai). Để rồi sau đó Giang Trạch Dân rót thêm vào tai Nông Đức Mạnh vào tháng 11.2000 một chế biến mới, cũng với thực đơn mười sáu chữ mùi mẫn và bịp bợm hơn: “Trường kỳ ổn định, Diện hướng vị lai, Mục lân hữu hảo, Toàn diện hợp tác” (Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, hữu nghị láng giềng, hợp tác toàn diện) để “Mạnh mượt” hí hửng mang về “chỉ đạo dựng xây đất nước”.
Nên nhớ là Mạnh đã tọa lạc trên ghế Tổng bí thư đến hai nhiệm kỳ sau khi đã có mười năm là Chủ tịch Quốc hội. Và sự chỉ đạo nổi bật nhất là “chỉ đạo” đưa Đỗ Thị Huyền Tâm, cô bồ của con trai mình từng được Mạnh nhận làm con nuôi vào ghế đại biểu Quốc hội, để rồi sau đó chuyển bồ của con trai thành vợ mới của mình sau khi bà vợ cũ chết chưa đầy năm. “Mạnh mượt” đúng là mẫu sản phẩm tuyệt chiêu của các thầy Tàu dày công nhào nặn. Một con tốt đã sang sông trên bàn cờ Đại Hán mà sự vô liêm sỉ quá mọi giới hạn đã dẫn dắt y theo sát từng đường đi nước bước của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” mà cái “sói tính” của chúng đang nhe nanh trước bầy cừu mà chúng muốn dẫn dắt.
Lý do khiến tôi dừng hơi lâu với trường hợp Nông Đức Mạnh vì cái “bản lai diện mục” tởm lợm của y đã đầu độc môi trường sống của tuổi trẻ hôm nay một cách lộ liễu và điển hình. Không chỉ lộ liễu đập vào mắt với hình ảnh Mạnh ngồi trên chiếc ghế chạm trổ đầu rồng nói chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi Trung ương Đoàn đến chúc mừng lãnh đạo nhân Tết Ất Mùi từng dậy sóng phẫn nộ trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Sự lộ liễu tệ hại nhất còn đáng nói hơn là một nhân cách như y mà đã trụ vững 16 năm trên ghế Chủ tịch Quốc hội, rồi trèo lên ghế Tổng bí thư, chỉ thua Tổng Trọng khi quyết ngồi thêm trên ghế Chủ tịch nước.
Tôi còn nhớ như in câu chuyện của Mạnh khi hạ lệnh giải tán cho bằng được “Viện Nghiên cứu Phát triển” (IDS), cái “think tank” đầu tiên được thành lập với sáng kiến và sự thúc đẩy của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với nhà khoa học được trong nước và thế giới kính trọng là giáo sư Hoàng Tụy làm Chủ tịch.
Khi Mạnh hỏi Hà Nội rằng ai cho phép IDS thành lập và hoạt động và nhận được trả lời đó là theo Luật Khoa học và Công nghệ thì y đã ráo hoảnh phán rằng “nếu là do Luật thì phải thay đổi Luật”! Quả thật sự ngu dốt ngự trị trên cái ghế quyền lực thật đáng sợ. Càng đáng sợ hơn khi nó kéo quá dài và lại được “kế thừa và phát triển” bởi cái cơ chế toàn trị phản dân chủ để cho kẻ tiếp bước càng trí trá gian hiểm hơn, thủ đoạn càng tinh vi xảo quyệt hơn, nhờ học được các bí kíp cổ truyền được hiện đại hóa của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán với Tập Cận Bình.
Thử hỏi cái logic nào đã đẩy tới sự oái oăm đáng xấu hổ này. Đây mới chính là vấn đề của vấn đề! Sự bảo kê của “thiên triều” đối với những kẻ đã cúi đầu cam phận chư hầu để bảo vệ cái ghế quyền lực của bản thân và phe lũ, quay lưng lại với nhân dân khi chỉ xem họ là vật lót đường cho cho sự giành quyền, lộng quyền bất chấp mọi thủ đoạn lừa bịp và bạo lực, chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên thảm họa mà dân ta, đặc biệt là tuổi trẻ và đội ngũ trí thức, phải gánh chịu.
Càng thấm thía lời cảnh báo của Albert Camus: “Cái ác trên thế gian này hầu như thường đến từ sự ngu muội”. Thật ra thì đó là một chân lý mà Platon, nhà triết học cổ đại, đã từng chỉ ra rất rạch ròi: “Sự ngu dốt, đó là gốc và thân của mọi cái ác”. Khi sự ngu muội ngự trị trên cái ghế quyền lực thì cái ác sẽ là sự tàn khốc kéo dài triền miên. Dẫn ra những điều này để nói rằng, lịch sử đã trải nghiệm những tàn hại không sao kể xiết của bạo quyền gắn liền với sự ngu dốt của kẻ ngồi trên ghế thống trị qua mọi triều đại kế tiếp nhau, trồi lên rồi tàn lụi, sụp đổ. Nguyên nhân sụp đổ thì có nhiều, nhưng cái quyết định cuối cùng hoặc mạnh mẽ nhất là sự quật khởi của quần chúng theo quy luật “tức nước vỡ bờ”. Mà có sự quật khởi là do đã nhìn ra sự lừa mỵ đi liền với bạo lực ngày càng tăng của lũ thống trị giáng xuống đầu những người từng cam chịu và nhẫn nhục.
Vượt qua sự sợ hãi là chỉ báo của tinh thần quật khởi đó. Và chỉ báo đó đã trở nên rõ ràng và mạnh mẽ khi các thủ đoạn lừa mị đi liền với bạo lực đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh của những mâu thuẫn nội bộ các thế lực cầm quyền thanh toán lẫn nhau đang bung bét phơi ra. Trong một bài viết trước đây tôi đã lý giải điều này bằng một ý khá phũ phàng nhưng lại rất giàu tính phê phán của ai đó “Các chính trị gia đều giống như tã lót. Cả hai đều cần thay thường xuyên và vì lý do giống nhau”. Chỉ có điều là, thường thì những nhân vật chỉ còn là những thây ma chính trị đã bốc mùi nhưng người ta lại chưa chịu chôn, không thể vội chôn mà vẫn lưu giữ trên cái ghế đã lung lay, vì người ta buộc phải nương theo ý đồ của quan thầy đã dựng họ lên nhằm thực thi những vai diễn của một kịch bản mà họ thấy chưa cần thay đổi hoặc điều kiện thuận lợi để thay ngựa giữa dòng chưa đến.
Với một bộ máy cầm quyền như thế thì những bung bét phơi ra trên mọi lĩnh vực của đời sống, hệ thống giá trị bị hỗn loạn, đạo lý xã hội bị băng hoại là điều dễ hiểu. Câu chuyện chùa Ba Vàng chỉ là một hiện tượng nổi trội ở một ngôi chùa từng được khua chuông đánh trống tung hô bởi cả một hệ thống những quan chức và giới truyền thông nhà nước, chứ còn chuyện buôn thần bán thánh của nhiều “sư quốc doanh” thì đầy rẫy ngoài Bắc trong Nam. Vấn đề tâm linh đang là một ẩn số chưa được giải mã thật rành rẽ, đấy là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Song không vì thế mà trở thành một dư địa cho những hoạt động mê tín xằng bậy tìm được nơi trú ngụ và loan truyền từ sự ngu muội. Tôi nghĩ không cần phải dài lời thêm về hiện tượng tồi tệ này khi mà đã có nhiều bài lên án.
Điều cần, chính là phải nói thêm rằng “Ý tốt cũng có thể gây hại nhiều như ác ý nếu nó thiếu đi sự thấu hiểu”. Đấy cũng là khuyến cáo của A. Camus nối thêm vào sau lời cảnh báo về sự ngu muội vừa dẫn ở trên. Vấn đề đặt ra là phải thay đổi cách ứng xử với con người, đặc biệt là với tuổi trẻ. Những lời rao giảng nhàm chán về những giáo điều đã mốc meo cần vứt bỏ chính là chất axit gặm nhấm, xói mòn khối óc và loạn nhịp trái tim của tuổi trẻ. Khi Einstein ngao ngán thốt lên rằng “Không thể chống lại những thằng ngu vì chúng quá đông” mà tôi đã từng nhiều lần dẫn ra với suy nghĩ rằng, những thực thể gây nên sự ngao ngán cho nhà bác học thiên tài ấy không chỉ là những người cần và phải chịu sự giáo huấn, mà quan trong hơn gấp nhiều lần là những kẻ đang giáo huấn họ. Chúng đang ngày ngày trưng ra sự lì lợm của ngu xuẩn và huênh hoang với những gì mà chúng tranh đoạt được, mua được.
Tư Mã Quang đời Bắc Tống, tác giả của Tư trị thông giám đã viết một câu chí lý rằng “Phù biểu khúc giả cảnh tất tà, nguyên thanh giả lưu tất khiết” (Người dáng cong vẹo thì cái bóng ắt xiêu vẹo, nguồn suối trong lành thì dòng suối ắt thanh khiết). Sẽ hiểu sâu độ tin cậy của câu trên nếu biết thêm rằng đây là bộ sách “không thể thiếu trong trời đất, bộ sách mà học giả không thể không đọc” như lời bình của Vương Minh Thịnh đời Thanh!
Khi mà suối đã đục dòng thì những gì chúng ta đang chứng kiến là một thực trạng đáng buồn của những tiếng ồn ào khoác lác và sự trơ trẽn vượt quá cái ngưỡng thường thấy. Tất cả đang trôi theo dòng giá trị bị đảo lộn với những kẻ cơ hội, hoạt đầu, vụ lợi và bè phái chiếm thế thượng phong, lại được xưng tụng là “tinh hoa của những tinh hoa” được in đậm trên trang báo chính thống. Vậy thì trách gì những số đông thiếu hiểu biết đang cam chịu thân phận bầy cừu trước nanh vuốt của những con sói.
Chính trong cảm nhận đó mà tôi đã đắm mình trong hoài niệm, lùi về quảng thời gian những năm 50 của thế kỷ trước, khi tôi gia nhập Đoàn Thanh Niên Cứu quốc. Trong hoài niệm, tôi càng thấm thía quy luật nghiệt ngã của thời gian: thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, lớn lên, chết đi và cũng với thời gian, những niềm tin đạt được sức mạnh rồi cũng theo thời gian, những niềm tin mất đi sức mạnh của nó. Vậy thì nếu cuộc sống là hành trình con người đi tìm chính mình và tự khẳng định mình như tôi viết ở trên thì cố gắng sống như chính mình trong một môi trường ô nhiễm của chế độ toàn trị muốn buộc mình phải thành người khác không phải là mình cũng là một thách thức phải vượt qua trên dòng chảy của cuộc sống. Tôi nghĩ điều ấy cho tôi, và cũng là cho những người trẻ tuổi mà tôi đặt hy vọng vào họ. Dòng chảy ấy vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ.
Miệt mài không ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính, mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính. Đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi nếu không tự làm mới mình để tự khẳng định mình trước mọi áp lực.
Ngày 2.3.2019
T. L.
Tác giả gửi BVN