An Viên
Trong không khí sặc mùi chiến tranh, Trung Quốc bằng sức mạnh kinh tế của mình đã ra các yêu sách để phân ly nhóm nước trong cộng đồng ASEAN. Từ việc Brunei tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tài chính và thương mại. Đến Philippines đã hợp tác với Trung Quốc sau khi bị lôi vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa 21/04/2017.
Mới đây, trong một phản ứng được cho là “có phần mạnh mẽ” liên quan đến vấn đề Biển Đông, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã trao công hàm phản đối và đề nghị Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Đồng thời, liên quan đến những thông tin khác nhau về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết đã cứu hộ một tàu cá Việt Nam, trong khi cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam cho biết tàu cá này đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Những phản ứng có liên quan này là chuỗi phản ứng vượt ra khỏi thông lệ “nước lạ, quan ngại” của Bộ ngoại giao Việt Nam trước sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Mới đây, trang The Diplomat đã đăng tải bài viết của Tiến sĩ Scott N. Romaniuk, một Nghiên cứu sinh tại Viện Trung Quốc, Đại học Alberta. Theo ông Scott N. Romaniuk, Bắc Kinh đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo về quân sự hóa trên Biển Đông (với sự mở rộng 1,35 triệu dặm vuông trên vùng biển tranh chấp này), đưa Biển Đông trở thành một ngòi nổ về tranh chấp an ninh trong tương lai.
Và vào năm 2019, Bắc Kinh có thể sẽ củng cố mạnh hơn lợi ích của mình ở Biển Đông thông qua việc sử dụng các sức mạnh quân sự và chính trị song song với việc duy trì sự đe dọa, đến từ các cuộc tuần tra quân sự và triển khai máy bay giám sát, tàu khu trục tên lửa dẫn đường,…
Bắc Kinh đang muốn thống trị Biển Đông, điều này rõ ràng là như thế. Và khi lợi ích của Trung Quốc vẫn bị coi là đe dọa bởi các quốc gia như Mỹ, thì sự tăng cường quân sự Biển Đông sẽ tiếp tục là xu hướng then chốt trong thời kỳ tới.
Trung Quốc đã mở rộng căn cứ quân sự, thiết lập đồn trú trên các bãi cạn chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cán cân chiến lược quân sự tại vùng Biển Đông. Và điều này hoàn toàn không phải là trò đùa, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Vũ khí, máy bay chiến đấu, lực lượng bộ binh, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, radar gây nhiễu,.. tiếp tục được huy động về Biển Đông như một cách thể hiện sức mạnh quân sự của nước này.
Trong không khí sặc mùi chiến tranh, Trung Quốc bằng sức mạnh kinh tế của mình đã ra các yêu sách để phân ly nhóm nước trong cộng đồng ASEAN. Từ việc Brunei tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua các thỏa thuận tài chính và thương mại. Đến Philippines đã hợp tác với Trung Quốc sau khi bị lôi vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Và Việt Nam, quốc gia nhiều năm tìm cách hòa hiếu với Trung Quốc, với sức ép liên tục từ năm 2008 đến nay, và là quốc gia tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Bắc Kinh trở thành một đối tượng chính trong hiện trạng bị cô lập tại Biển Đông. Điều duy nhất mà Việt Nam có thể phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề này chính là việc tiến hành hợp tác quân sự đối với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ,… điều mà Hà Nội tiến hành một cách dè dặt.
Hà Nội hay bất kỳ quốc gia nào khác trong ASEAN luôn bị chế ngự bởi quan điểm rằng, bất kỳ quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nào dám chế ngự tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với chiến tranh với Trung Quốc.
Nhưng nếu không chế ngự tham vọng kiểm soát của Trung Quốc, thì không chỉ Hà Nội hay nhóm ASEAN bị thương tổn, mà ngay cả giá trị của các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Mỹ và các quốc gia Tây Âu cũng bị đe dọa. Bởi nó khóa chặt “quyền tự do hàng hải” trên con đường được cho là tuyến hàng hải thương mại có giá trị lớn trên thế giới. Và giờ đây, trước sự “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh, Biển Đông trở thành nơi có nguy cơ tiềm tàng đối đầu quân sự mở; một tình huống sẽ dẫn đến một tác động tàn phá trên thị trường tài chính và hội nhập kinh tế của khu vực, theo quan điểm của ông Panos Mourdoukoutas, giảng viên tại ĐH Columbia trên Forbes.
Điều này cho thấy rằng, việc Hà Nội mạnh mẽ lên tiếng trong thời kỳ gần đây không chỉ đến từ nhu cầu nội tại trong nước, mà Hà Nội cảm nhận rõ ràng về nguy cơ mất chủ quyền quốc gia trước sức nóng của Bắc Kinh, trong bối cảnh thờ ơ của các nước ASEAN. Một nguy cơ mà có thể khiến cho chính ĐCSVN có thể mất đi việc họp Hội nghị Đảng trong tương lai.
Ở phương diện khác, sự lớn tiếng làm rõ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông về mặt ngoại giao cũng cho thấy xu hướng gần gũi hơn với các nước Tây phương, trong khía cạnh hợp tác quân sự, trong tương lai của Hà Nội? Và nguy cơ chiến tranh có thể hỗ trợ hình thành một liên minh trong tương lai, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao bấy lâu nay của Việt Nam?
A.V.
VNTB gửi BVN.