March 15, 2019
Biểu tình phản đối dự Luật Đặc Khu gần Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hôm 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) đề cập đến nhiều trường hợp các nhà hoạt động và blogger Việt Nam bị bắt vì biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật Đặc Khu trong thông cáo mới nhất hôm Thứ Năm, 14 Tháng Ba.
Thông cáo cho biết: “Tính đến Tháng Ba, 2019, có ít nhất 142 người đã bị kết án với các tội danh bắt nguồn từ các cuộc biểu tình hồi Tháng Sáu, 2018, để phản đối tuyên bố của chính phủ về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Nhiều người trong số đó đã bị xử từ nhiều tháng đến nhiều năm tù giam về tội ‘Gây rối trật tự công cộng.’”
HRW nêu trường hợp của ông Lê Minh Thể, 56 tuổi, thành viên của nhóm Hiến Pháp, người sẽ bị xét xử ở tòa án quận Bình Thủy, Cần Thơ, ngày 20 Tháng Ba về các bài đăng trên Facebook. Ông bị bắt vào Tháng Mười, 2018. Báo trong nước thời điểm đó cho biết ông bị cáo buộc các tội danh như kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng”.
Trường hợp khác là bà Đoàn Thị Hồng, trú tại Hàm Tân, Bình Thuận, bị nhà cầm quyền bắt cóc và giam giữ nhiều tháng không xét xử vì “tội” đi biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn hôm hôm 10 Tháng Sáu, 2018. Bà Hồng bị giam trong lúc đang là mẹ của một bé gái chưa đầy 36 tháng tuổi.
Trường hợp cô Hồng không phải là cá biệt. Hồi đầu Tháng Ba, blogger Võ Hồng Ly tiết lộ trên trang cá nhân rằng ngoài cô Hồng, còn có thêm ít nhất hai người khác là anh Ngô Văn Dũng (Facebooker Biển Mặn) và anh Trần Thanh Phương cũng đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu từ Tháng Chín, 2018, đến nay vì “đi biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng”.
Biểu tình chống Luật Đặc Khu diễn ra ở Sài Gòn ngày 10/3/2018. (Hình: Kao Nguyen/AFP/Getty Images)
Ngoài ra, HRW còn đề cập đến 6 nhà hoạt động và blogger Việt Nam đang phải đối mặt với các mức án tù kéo dài vì hành vi bất đồng ôn hòa của họ. Thông cáo kêu gọi: “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích 6 người này; họ bị truy tố vì các hoạt động chính trị ôn hòa, như lập hội, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, và tham gia nhóm họp đông người”.
Năm người trong số đó (Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung và Từ Công Nghĩa) đã bị đưa ra xét xử vào Tháng Mười, 2018, vì tham gia một nhóm dân chủ và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù.
Ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ sẽ ra tòa phúc thẩm ngày 18 Tháng 3, 2019. (Hình: HRW)
Vào ngày 18 Tháng Ba sắp tới, phiên tòa phúc thẩm nhóm người này sẽ diễn ra tại Sài Gòn.
Cũng theo HRW, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ là các nhà hoạt động nhân quyền đã tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường từ trước đó. Họ cùng với ba người còn lại đã bị bắt vào Tháng Mười Một, 2016, vì bị cho là có liên quan tới Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết, một nhóm chính trị độc lập. Công an cáo buộc họ theo Điều 79 của Bộ Luật Hình sự 1999 với tội danh “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền, cho biết: “Chính sách đàn áp ngày càng sâu rộng của Việt Nam nhằm vào các tổ chức chính trị độc lập và cá nhân các nhà hoạt động – những người dám đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền và phục hồi nền dân chủ”.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo. (Hình: Reuters/Yuri Gripas)
Bộ Ngoại Giao Việt Nam: “Sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ”
Cũng liên quan đến nhân quyền, ngày 13 Tháng Ba, trong bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo nói về Việt Nam và gọi đây là “đất nước công an trị;” chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở quốc gia độc đảng này.
Đáp lại nội dung trong bản phúc trình này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong thông cáo đăng tải trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao ngày 14 Tháng Ba nêu rõ: “Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam”.
Bà cho rằng bản phúc trình “vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan” và “sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ”.
Bản Phúc Trình Thực Thi Nhân Quyền Thế Giới năm 2018 của Hoa Kỳ cho hay, tính đến cuối Tháng Mười Một, 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an Việt Nam mà phần lớn phía chính quyền Việt Nam không đưa ra nguyên nhân xác tính hoặc thông báo là nạn chết chết do tự tử. (T.K.)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-bat-142-nguoi-chong-luat-dac-khu/