RFA
Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. AFP
Trong số 13 dự án thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì có đến 11 dự án không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại cho phía nước ngoài.
Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Báo cáo của Bộ Công Thương gởi Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, loan tin vừa nói hôm 12/3/2019.
Các dự án không hiệu quả điển hình như: Dự án Junin 2 ở Venezuela, dự án lô 67, lô 39 ở Peru đang chuyển nhượng cho đối tác, dự án thăm dò lô Marine XI ở Conggo đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp, thăm dò lô Danan ở Iran góp vốn 82,07 triệu USD xin tạm dừng, lô M2 ở Myanmar dừng vì rủi ro và dự án ở Campuchia, v.v.
Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. Cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc đầu tư thua lỗ lớn, kéo dài và tiềm ẩn rủi ro tài chính tại PVEP.
Liên quan đến PVEP, ngày 8/1 vừa qua, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc PVEP về tội lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản trong vụ án liên quan OceanBank. Bà Lan giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PVEP từ tháng 1 năm 2009.
Cũng tin liên quan kinh tế, trong ngày 12/3, Công ty Núi Pháo đã gởi đơn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên ‘kêu cứu’ vì tiêu thụ tinh quặng đồng gặp khó khăn.
Cụ thể, việc không tiêu thụ được tinh quặng đồng đã khiến Công ty Núi Pháo gặp khó khăn trong thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất cũng như tăng chi phí bảo quản sản phẩm lưu kho.
Theo công ty Núi Pháo, kể từ khi có thay đổi về chính sách xuất khẩu cho sản phẩm tinh quặng đồng, công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, nhưng do không tìm được đối tác tin cậy và có năng lực nên việc tiêu thụ tinh quặng đồng của công ty đang gặp nhiều khó khăn.
Tin cho biết, ước tính đến hết năm 2018, lượng tinh quặng đồng tồn kho của công ty vào khoảng trên 35.000 tấn.
Công ty Núi Pháo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, sau đó có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho công ty được tạm xuất, gia công tinh quặng đồng ở nước ngoài sau đó tái nhập lại.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo hiện thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Masan, sau khi tập đoàn này mua lại từ Dragon Capital vào cuối năm 2013.
Dự án Núi Pháo từng bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 6 năm 2016, nhiều người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tập trung phản đối sau quá trình khiếu kiện về nạn ô nhiễm do dự án gây nên.
Tin cho biết có chừng 3 ngàn hộ dân bị di dời để giao mặt bằng cho dự án.