Tham nhũng chính sách tại liên Bộ NN&PTNT – Bộ KH&CN

Minh Châu

Tham nhũng chính sách được chính phủ Việt Nam gọi là “lợi ích nhóm”. Đó là khi những người có quyền lực (chủ yếu là tiền) sử dụng nó để điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho họ trong tương lai. Tất nhiên, quá trình “điều chỉnh” này đồng thời tước đoạt lợi ích của những người yếu thế hơn. Người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo đi.

Nước mắm nhỉ

Chiều ngày 8-3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn [NN&PTNT]) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ [KH&CN]) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Lợi ích nhóm được tái xác nhận tại buổi họp báo này.

Gần 24 tiếng sau cuộc họp báo đó, gần như không thấy các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ, Nhân Dân đưa tin về một người đàn bà đã bị đuổi thô bạo khỏi phòng họp báo ngay chiều 8 tháng 3, [ngày] Quốc tế Phụ nữ.

“Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”

Người phụ nữ đã thảng thốt ‘la làng’ như vậy tại buổi họp báo vào chiều ngày 8-3, đã bị chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo TCVN 1260: 2019) ‘mời’ ra khỏi phòng, và còn lệnh cho bảo vệ phải đuổi bà này khỏi hẳn trụ sở của Bộ NN&PTNT.

Người phụ nữ ấy chính là TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác “nhiễm asen” cách đây hơn 2 năm về trước.

Báo Giao thông, tính đến đầu giờ trưa ngày 9-3, là tờ duy nhất đưa tin về vụ TS Dung bị đuổi khỏi phòng họp báo.

“Cả hai lần TS Trần Thị Dung giơ tay phát biểu về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm song đều bị từ chối phũ phàng. Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”. Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin”. Báo Giao thông đưa tin trong bài báo trên trang điện tử lúc 21g31 ngày 8-3.

Theo bà Dung, có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)… Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

“Mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc nhưng sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý làm việc. Tôi lo ngại đang có sự dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Đây cũng cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất chế biến nước mắm truyền thống. Họ chỉ muốn được trả lại tên nước mắm cho nước mắm truyền thống”. TS Trần Thị Dung, nói với báo chí ở bên ngoài phòng họp báo.

Đã có địa chỉ rõ ràng lợi ích nhóm là những ai!

Nhà báo Thảo Vy, nguyên Trưởng ban Kinh tế – Chính trị của tạp chí Tiếp Thị Việt Nam, nguyên trợ lý pháp luật của Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tại TP.HCM, cho biết đang có ngờ vực về trục lợi ích nhóm ở đây, gồm có tập đoàn Masan – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

“Vì những hợp đồng quảng cáo mà báo chí chùn tay trước các vấn đề lùm xùm có liên quan đến Masan. Những thương hiệu chủ chốt của Masan trong lãnh vực thực phẩm chế biến có Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi, Vĩnh Hảo, bia Sư Tử Trắng. Họ còn là chủ nhà băng Techcombank, chủ dự án mỏ đa kim Núi Pháo”. Nhà báo Thảo Vy nhận định.

Câu hỏi đặt ra: Masan lợi ích gì nếu Dự thảo TCVN 1260: 2019 ‘Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm’ được thông qua?

Theo phân tích của nhà báo Thảo Vy, dự thảo có đoạn viết “Mọi bề mặt tiếp xúc với cá phải làm bằng vật liệu có màu sáng”. Thực tế là các thùng ủ chượp cá làm bằng gỗ, hoặc lu sành, hoặc bể xi măng… những vật liệu này làm sao mà có màu sáng được. Chỉ có thể là sản xuất trong nhà máy công nghiệp như Chin-su, Nam Ngư.

Nội dung khiến nhiều người phản đối nhất là việc dự thảo chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, còn gọi là nước chấm. Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.

Phía soạn thảo nói rằng đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng. TS. Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thuỷ sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nói rằng theo luật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc, còn quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng.

Nếu Dự thảo TCVN 1260: 2019 thông qua?

Giả dụ như Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thông qua, và không bắt buộc áp dụng. Khi ấy, trên tất các phương tiện truyền thông, sẽ có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ về Chin-su, Nam Ngư không bị nhiễm các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, được chế biến trong các thiết bị inox theo đúng TCVN 1260: 2019. Điều này lặp lại kịch bản tương tự vụ truyền thông nước mắm nhiễm thạch tín (asen).

Trong tiếp thị, người ta gọi đó là công thức tăng trưởng dựa trên “nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng. Năm 2005 – 2007 xảy ra vụ nước chấm có chất gây ung thư 3-MCPD do nước ngoài phát hiện qua xét nghiệm một sản phẩm của nhóm Masan tại thị trường Đông Âu. Sau đó, Masan tung ra nước tương Tam Thái Tử và tuyên bố trao thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy chất 3-MCPD trong nước tương. Tương tự, hàng loạt slogan “nước mắm không cặn” của Nam Ngư và Chinsu đã lập lờ giữa nước mắm truyền thống, và nước mắm chế biến công nghiệp.

Năm 2017, nghi vấn bàn tay của Masan trong kịch bản nước mắm nhiễm asen (thạch tín).

Sự việc bắt đầu vào ngày 17-10-2017, Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy đã thông qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, công bố kết quả một cuộc kiểm nghiệm về thị trường nước mắm, trong đó có đến 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Các loại nước mắm bị nhiễm asen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao.

T&A Ogilvy là một doanh nghiệp có vốn nước ngoài, khá tên tuổi trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Rất nhanh sau đó, Masan mở chiến dịch về nước mắm không asen. Trước phản ứng mạnh mẽ của các nhà thùng nước mắm truyền thống, phía Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mới nói thêm rằng 67% mẫu nước mắm có hàm lượng asen vượt chuẩn đó, đều là asen hữu cơ. Trong lúc đó, asen vô cơ mới là kim loại độc hại.

Với cách thông tin chung chung rằng nước mắm nhiễm asen đã tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng về độ an toàn của nước mắm. Nhóm thương hiệu nước mắm công nghiệp của Masan đã kịp thắng rất đậm trong chiến dịch truyền thông dựa trên “nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng.

Nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối chượp ra trong khung thời gian từ 6 tháng đến trên một năm. Phụ thuộc vào lựa chọn loại cá, muối của các vùng miền mà cho ra những loại nước mắm đặc trưng giữa các địa phương. Nước mắm công nghiệp là pha loãng nước mắm truyền thống, cho thêm hương liệu nhân tạo, phẩm màu…, và có thể sản xuất với số lượng tùy thích, không chịu sự giới hạn của thời gian kỹ thuật ủ chượp như kỹ thuật truyền thống.

Như vậy, nếu Dự thảo TCVN 1260: 2019 được thông qua, sẽ đồng nghĩa dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp. Nếu không gọi đó là ‘tham nhũng chính sách’, thì phải gọi là gì?

M.C.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tham nhũng chính sách. Bookmark the permalink.