Đẩy cái khó cho dân – Tư duy muôn thuở

Nguyễn Tuấn Anh

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: mất bằng lái phải thi lại.

Ông Khuất Việt Hùng: không cần chứng minh vi phạm, cứ xử phạt trước rồi người dân nếu thấy sai, có thể kiện ra toà.

Hai câu nói của hai người làm giao thông cùng cho thấy một cách nghĩ giống nhau. Tư duy đẩy việc khó cho người dân luôn túc trực trong đầu những người quản lý với thói quen ăn trên ngồi chốc vô cùng tệ hại.

Công nghệ thông tin phát triển nhanh, cho phép con người tận dụng nó như 1 công cụ để giải quyết công việc của mình một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần.

Công nghệ cho phép tra cứu, giải quyết ngay lập tức những khiếu kiện, vướng mắc, những đúng sai mà không phải tốn quá nhiều công sức, thời gian và thủ tục rườm rà. Camera hành trình trên xe là một điển hình, người dân đã tự trang bị để dàn xếp khi va chạm với nhau, nói chuyện phải trái với CSGT khi họ bị gài bẫy.

Người dân họ tự hiểu và trang bị được như vậy? Còn những người thi hành công vụ (xử phạt) đã làm được gì?

Lập luận “cứ phạt rồi hậu xét” là một kiểu áp đặt độc đoán. Là sự tư duy một chiều mặc định đáng phải loại bỏ. Là một trí thức, một người quản lý, không ai có lối suy nghĩ kiểu tụt hậu như vậy.

Sao ông không nghĩ ngược lại rằng khi xử phạt, nếu cảnh sát cho rằng họ hoàn toàn đúng, họ không cần giữ giấy tờ hay phương tiện vi phạm mà chỉ cần lưu biển số xe, chụp ảnh người lái rồi kiện thẳng người đó ra toà?

Điều này hoàn toàn hợp lý và không mất thời gian của công dân. Toà sẽ triệu tập nghi phạm để làm rõ, cảnh sát sẽ đưa bằng chứng, nếu vi phạm sẽ xử đúng luật. Sao cứ mặc định: nhà nước ôm tiền phạt cái đã, rồi đẩy sự phiền nhiễu cho dân?

Niềm tin của người dân đang bị suy giảm nghiêm trọng khi nhắc tới lực lượng cảnh sát giao thông nhũng nhiễu, vòi vĩnh tài xế. Vấn đề này, các báo đăng quá nhiều. Nó đê tiện tới mức mở cả ví của người dân để lấy tiền mà báo chí đã phanh phui tại TP.HCM năm nào.

Tư duy đẩy phần thiệt thòi cho người dân thấp cổ bé họng, ít quyền lợi từ hệ thống chính trị, như được định khung trong đầu những con người giữ vị trí chủ chốt. Còn tư duy kiểu này, không bao giờ có một quốc gia phát triển khi những người đứng mũi chịu sào không gánh phần việc nặng nhất về mình.

Không phải kẹt xe, tai nạn. Cũng không phải sự bức xúc quá mức với BOT của người dân hay nhiều vấn đề khác… Tư duy một chiều và cách làm việc chậm chạp của những con người quản lý như vậy mới là nguyên nhân chính, khiến giao thông quốc gia vỡ trận.

Làm giao thông phải ưu tiên để dòng chảy vận tải được thông suốt không phải chăm chăm mỗi việc xử phạt. Làm quản lý nhà nước phải tạo điều kiện để người dân có thời gian làm ăn, phải kiến tạo và tương tác dựa trên sự hỗ trợ bởi khoa học & kỹ thuật.

Điều cần hướng tới thì không áp dụng, luôn nghĩ theo kiểu cổ hủ, lạc hậu, nặng về thủ tục. Quản lý tư duy thế, hỏi lúc nào có thể khá lên?

N.T.A.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn Anh

This entry was posted in Tư duy quan chức. Bookmark the permalink.