Người Sài Gòn với hậu thượng đỉnh Mỹ – Triều

Nguyễn Hồng Phúc

Ghi nhanh một số chia sẻ của người dân ở Sài Gòn quanh đổ vỡ thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội.

* Ông Dương Hữu Danh, biên tập viên báo Thanh Niên: Mỹ: Kết thúc đàm phán lúc 13 giờ 30, họp báo lúc 14 giờ. Tổng thống và Ngoại trưởng trả lời một loạt câu hỏi trong khoảng 30 phút, sau đó nhanh chóng ra sân bay về nước.

Triều Tiên: Đàm phán xong im lặng, họp báo lúc 23 giờ 30 khi nhiều báo Việt Nam đã đi… ngủ. Kiểm tra an ninh gần 1 tiếng, sau đó Ngoại trưởng chủ trì thông báo kết quả bằng cách đọc một tờ giấy A4 soạn sẵn bằng tiếng Hàn trong hơn 10 phút và nhanh chóng rời khỏi phòng họp lúc rạng sáng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Hai quốc gia, hai phong cách khác biệt. Sự khác biệt này phần nào cho kết quả khác biệt về văn minh và kinh tế.

* Ông Nguyễn Hữu Đức, bảo vệ chợ Tân Chánh Hiệp, Hóc Môn: Tôi trực ca từ chiều tối 28-2 đến sáng 1-3. Tôi có đọc báo trên mạng hồi nửa đêm thấy tường thuật chuyện đoàn Triều Tiên họp báo. Họ ngồi trên bàn kiểu chủ tọa giống như thường thấy ở các cuộc họp chi bộ đảng tại Việt Nam. Nhà báo ngồi ở dưới thưa thớt nếu so cuộc họp báo lúc trưa 28-2 của đoàn Mỹ, do đích thân ngài tổng thống trao đổi và trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí. Họp báo này của đoàn Mỹ được tất cả các báo ở Việt Nam lập đường truyền trực tiếp kéo dài từ 13g30 đến 14g45, khi ngài tổng thống rời cuộc họp.

Hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau trước cơ quan truyền thông. Thế nhưng cái bất ngờ với tôi chính là nội dung ở cuộc họp báo của tổng thống Trump. Còn với đoàn Triều Tiên thì quá quen thuộc, bởi những hình ảnh này thường thấy, khi một quan chức nào đó vào cuộc họp là cầm tờ giấy đọc. Sau đó có thể trả lời vài câu, hoặc khất lại xin trả lời sau bằng văn bản.

Tôi tin vào những gì mà ông tổng thống Mỹ nói hơn.

* Bà Lê Nguyễn Phương Trâm, giáo viên cấp 1, Gò Vấp: Tôi là người ủng hộ các giá trị dân chủ. Do đó tôi chào đón và tin tưởng những gì ông Donald Trump nói, bởi vì đó là cái gương mặt đại diện cho tự do, cho dân chủ. Tôi không ủng hộ những nhà độc tài, nên tôi không tin những gì mà họ biện minh trước các sự việc như thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua.

Dù vậy, tôi cũng hiểu chính trị không hề đơn giản. Bắc Hàn có cái lý riêng của họ khi đưa ra các yêu sách với phía Mỹ, bởi họ vẫn là quốc gia theo chủ nghĩa độc tài dưới nhãn mác xã hội chủ nghĩa.

* Ông Nguyễn Tuấn, nhà báo tự do, quận 8: Tôi đồng ý với nhận định là ông Trump đã tự đặt mình vào thế khó khi đồng ý đến gặp ông Kim một lần nữa, với không có gì hơn là một lời hứa từ phía Bình Nhưỡng, rằng họ sẽ bắt đầu thu gọn chương trình hạt nhân của họ.

Tuy nhiên những gì mà Trump đã mất về phương diện uy tín, thời gian và công sức, sẽ chẳng thấm tháp so với những gì mà bản thân ông và nước Mỹ có thể sẽ mất, nếu như ông nhượng bộ ông Kim chỉ để đạt được một thỏa thuận để cho phép ông tuyên bố hội nghị thành công, và giữ thể diện khi về nước. Đây chính là điều khác biệt so với Hà Nội, khi trong tất cả những cuộc hội nghị, họ đều tuyên bố là thành công, rồi vỗ tay hoan hô tự sướng với nhau.

Trong họp báo vào đầu giờ chiều 28-2 được nhiều đài nước ngoài trực tiếp, tôi có nghe nhiều phóng viên ngoại quốc đặt câu hỏi với ông Trump, về khả năng có bàn tay Trung Quốc đàng sau ông chủ của Bình Nhưỡng giựt dây. Hình như ông Trump đã phủ nhận nghi vấn đó. Có thể đây là cách trả lời mang tính ngoại giao của ngài tổng thống, khi ông nói rằng Trung Quốc đã giúp Mỹ trong chuyện thực thi các lệnh cấm vận Triều Tiên.

Có tình tiết cần quan tâm, ngay khi đoàn Mỹ đang tổ chức họp báo ở Hà Nội, thì đoàn của Triều Tiên đã nhanh chóng rời Hà Nội để sang Trung Quốc. Điều này khiến tôi nghi ngờ phải chăng ông chủ của Bình Nhưỡng đang lo sẽ có cuộc đảo chính, khi mà đoàn của ông Kim Jong Un theo lịch làm việc còn ở thêm 2 ngày nữa tại Việt Nam?

Phía Trung Quốc từng được đồn đoán toan tính ‘phò’ ông Kim Jong Nam, con trai cả của Kim Nhật Thành làm lãnh đạo tiếp theo của Bắc Hàn. Thế nhưng bất ngờ sau đó ông Nam đã bị ám sát, và một trong những nghi phạm ‘sát thủ’ là cô gái đến từ Hà Nội.

* Linh mục Trương Hoàng Vũ, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn: Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ với Bắc Hàn, với Hà Nội thì mọi cuộc gặp gỡ tổng thống Donald Trump, đều phải nằm trong kịch bản soạn trước của anh Cả Đỏ Bắc Kinh.

Những ngày diễn ra thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội, tại Sài Gòn đã có lệnh cấm xe cộ suốt tuyến đường Lê Duẩn, quận 1. Nhiều nhà của những người hoạt động xã hội dân sự đối kháng chủ nghĩa độc tài, được lực lượng an ninh thường phục canh giữ. Một số người bị lực lượng này ‘hộ tống’ khi đi ra ngoài. Một số người bị ngăn trở không cho ra khỏi khu nhà họ đang ở.

Trước thực tế đó, tôi nghĩ rằng sẽ khó lòng thay đổi sự độc tài của chủ nghĩa cộng sản bằng những đàm phán tay đôi kiểu như canh bạc ở thượng đỉnh vừa rồi.

* Ông Trần Hùng Cường, tiểu thương chợ Bà Chiểu: Anh Un ngồi đàm phán tại Hà Nội mà tâm lại ở Bắc Kinh. Vừa đàm phán vừa nghe chỉ đạo của Tập. Thực chất là Un cũng không tự quyết định được tương lai của Bắc Triều Tiên, hơn nữa không bao giờ Un từ bỏ quyền lực của mình và gia đình vì nó gắn với quyền lợi. Dân có chết đói, nghèo khốn thì lãnh đạo vẫn giàu có xa hoa.

N.H.P.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Thượng đỉnh Trump - Kim. Bookmark the permalink.