Vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi

Nguyễn Tường Thuỵ

Sau khi thấy báo chí được “mở miệng” dịp kỷ niệm 40 năm TC (Trung Cộng) xâm lược VN (Việt Nam), nhiều người nghĩ rằng việc cấm đoán các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chiến đấu chống quân TC xâm lược năm nay sẽ được nới lỏng nhưng cũng có nhiều người đầy cảnh giác. Thực tế những gì xảy ra vào ngày 17/2/2019 cho thấy những người cảnh giác đã đúng.

Chưa bao giờ, hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chống TC bị ngăn chặn ráo riết quyết liệt như dịp 40 năm Chiến tranh Biên giới 17/2.

Hà Nội đã huy động một lực lượng khổng lồ công an, từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã để ngăn chặn. Rất nhiều người bị canh chặn tại nhà. Riêng tôi cũng đã “tiêu tốn” trên dưới 10 cán bộ chiến sĩ công an. Ai thoát ra được chỉ cần mon men đến các nơi có thể đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ, lập tức bị tóm gọn đưa về câu lưu ở các đồn.

Câu chuyện cảm động nhất và cũng phẫn nộ nhất là chuyện của ba chị Đặng Bích Phượng, Hoàng Thị Hà và Nguyễn Hồng Hạnh. Suốt đêm trằn trọc không ngủ, vừa hồi hộp nghĩ đến giờ phút thiêng liêng bày tỏ lòng tri ân đến các liệt sĩ, vừa lo lắng cho công việc ngày mai. Các chị dậy từ lúc “gà chưa gáy sáng” bí mật liên lạc với nhau, lên tận Quảng Bá chọn mua 100 bông hoa đẹp nhất để gửi tới các liệt sĩ. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị từ nhiều hôm trước bị phá trong tích tắc. Ba chị mới mon men đến đài Liệt sĩ Bắc Sơn, chưa kịp đặt hoa thì bị tóm gọn. Công an khá hào phóng tiền thuế của dân, bố trí mỗi chị một xe riêng đưa về các đồn giam giữ.

https://4.bp.blogspot.com/-119QWFLEW5M/XGo7_KA56lI/AAAAAAAAKj4/xtHmbaVMJRwWS9S2v5A_cAkXpjAyLxGTwCLcBGAs/s640/h11.jpg

Công văn được cho là của Đảng bộ Tp. HCM. Ảnh Internet

Tại Thành Hồ, cũng vẫn là chuyện canh chặn nhà riêng của từng người. Một công văn được cho là của Đảng bộ thành phố này chỉ đạo việc ngăn chặn mọi hoạt động tưởng niệm ngày 17/2. Công văn này nêu đích danh Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, gọi họ là “đối tượng” và hồ đồ cho là Câu lạc bộ này “lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979”. Đây là một lối ăn nói bừa bãi, tùy tiện của những kẻ quen chụp mũ và coi thường quyền con người. Táo tợn hơn, chúng (gián điệp hoặc tay sai TC) cho xe chở rác xếp quanh Tượng đài Đức Thánh Trần nhằm cản trở và gây ra mùi khó chịu cho những ai đến tưởng niệm. Chưa hết, chúng còn đưa xe cẩu, cẩu lư hương ở tượng đài đi nơi khác. Thế là người yêu nước hết chỗ thắp hương. Phải chăng chúng căm thù Trần Hưng Đạo đã đánh cho tổ tiên chúng tháo chạy tơi bời cách đây hơn 7 trăm năm?

Đây là hành động vô cùng hỗn láo, xấc xược với tiền nhân sẽ bị muôn đời nguyền rủa. Chắc chắn bọn này sẽ bị quả báo bởi luật nhân quả. Danh sách những kẻ gây tội ác với dân, xúc phạm Chúa, Phật, Thánh bị quả báo, do giới xã hội dân sự thống kê ngày càng dài thêm.

https://4.bp.blogspot.com/-K8N2OsKjTb4/XGo8K4QR-oI/AAAAAAAAKj8/xBXdhheLOrEwFQRFHM6kaar71edwAPfnwCLcBGAs/s640/h12.jpg

Cẩu lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo (SG). Ảnh Internet

Kể từ năm 2011, mọi hoạt động tưởng niệm các liệt sĩ chống TQ đều được cố gắng tổ chức hàng năm. Mỗi năm có 3 lần vào các dịp 19/1 (TC cướp Hoàng Sa), 17/2 (TC xâm lược VN trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) và 14/3 (TC cướp đảo Gạc Ma). Tất cả những hoạt động tưởng niệm này đều bị nhà cầm quyền tìm mọi cách cản phá, nhưng dịp kỷ niệm 40 năm TC xâm lược VN bị ngăn chặn ráo riết, triệt để nhất.

Tại sao tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc bị cấm, không cho người dân tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”?

Tại sao không dám gọi TC là kẻ thù xâm lược?

Tại sao lại gọi những người chống kẻ thù là phản động. Tại sao lại theo dõi, ngăn cản và cho họ là “đối tượng”, ghi vào “sổ đen”? Họ vi phạm điều khoản pháp luật nào?

Đảng CSVN trả lời ra sao về những câu hỏi này?

Càng cấm đoán bao nhiêu, người dân càng nghi ngờ lòng trung thành với Tổ quốc của họ (Đảng CSVN) bấy nhiêu?

Không bao giờ họ hỏi, tại sao người dân VN căm thù TQ nhưng không căm thù Pháp và Mỹ. Thậm chí chế độ Pol Pot người dân cũng không nhắc đến nữa.

Vì Trung Cộng vẫn còn nguyên dã tâm xâm lược VN. Chúng luôn luôn dòm ngó, chỉ chờ cơ hội là thôn tính tiếp lãnh thổ còn lại của người VN, lăm le đồng hóa người VN. Vì chúng luôn chơi bẩn, tìm mọi cách hại người VN bằng các con đường du lịch, thương mại, và nguy hiểm hơn là chúng đã cài cắm rất nhiều gián điệp vào bộ máy điều hành ở VN. Điều này người dân không tưởng tượng ra mà hãy hỏi ông Trương Giang Long, nguyên Thiếu tướng Giám đốc Học viện Chính trị công an thì biết.

Đảng CSVN có thể nhớ ơn TC đã giúp họ chiến thắng Pháp, Mỹ và chiến thắng đồng bào miền Nam nhưng việc nào ra việc đó. Không phải vì ân huệ mà đem giang sơn đi cầm cố. Còn người VN chẳng việc gì phải nhớ ơn chúng. Ơn đối với ĐCS mà bắt người dân phải nhớ là sao? Nếu TC không can thiệp vào VN thì đất nước và số phận người dân VN bây giờ đã khác. Với TC, người VN chỉ có sự căm ghét. Ghi nhớ tội ác mà TC đã gây ra cho nhân dân VN không phải là để khơi lại hận thù, kích động chiến tranh mà là để nhắc nhở nhau hãy cảnh giác. Người dân VN biết phân biệt tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh với nhân dân Trung Quốc.

Ai sợ thì cứ việc sợ, nhưng người VN không hề sợ TC. Nếu sợ thì đã không có hàng vạn quân xâm lược TC phơi thây ở chiến trường VN cách đây 40 năm.

Giới lãnh đạo hiện nay có bao giờ biết xấu hổ với giới lãnh đạo thời Lê Duẩn và xa hơn là tiền nhân thời phong kiến về tinh thần chống Trung Quốc?

Chưa bao giờ, lòng dân và ý nhà cầm quyền khác biệt tới mức như bây giờ.

Nếu TC đem quân xâm lược VN lần nữa, có thể họ không dám kháng cự, có thể có một hòa ước nào đó đáp ứng tham vọng lãnh thổ của kẻ thù nhưng chắc chắn sẽ có những cuộc khởi nghĩa trong nhân dân nổ ra. Đó là tinh thần Trương Công Định: “Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm”.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in 40 năm Chiến tranh biên giới. Bookmark the permalink.