An Viên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham gia Hội nghị phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên ngày 16.2 nhấn mạnh, tài nguyên du lịch của miền Trung-Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng.
Quan điểm của Thủ tướng một lần nữa phải trở về và xét: liệu rằng có nên tiếp tục mài giũa viên ngọc thô dưới cơ chế hiện nay?
Cơ chế hiện nay là gì? Là tận thu triệt để bằng cách san lấp, đào bới, phá hoại cảnh quan nhằm mục đích phát triển du lịch.
Một bãi rêu, bãi đá 7 màu ở Tuy Phong (Bình Thuận) bị san lấp, dưới sự bảo trợ của ông Chủ tịch huyện Tuy Phong, xâm hại nghiêm trọng hành lang bảo vệ bờ biển (theo Khoản 1-2, Điều 79 Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo).
Tại miền Bắc, một con đèo mang tên đèo Mã Pí Lèng thuộc tỉnh Hà Giang, đây là con đèo đẹp, một tứ đại đỉnh đèo thu hút hàng triệu lượt khách. Thế nhưng, mới đây, một nhà hàng đã xuất hiện trên đèo, mở màn cho sự biến dạng đèo bởi các nhà hàng – khách sạn trong tương lai (tương tự như thị trấn Sa Pa).
Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một khu du lịch sinh thái nguyên sơ đang đối diện trước cảnh bị ‘bê-tông hóa’, khi mới đây, một dự án xây khu nghĩ dưỡng cao cấp giữa vùng lõi của khu sinh thái quốc gia (Tam Đảo II) với tổng diện tích 300 ha của Sun group đang đe dọa xóa hệ sinh thái nơi đây, khi quy trình báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ hiện diện cho có. Điều đáng nói, trong lễ khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo vào tháng 12.2016, có cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
‘Chúng ta để lại gì cho thế hệ tương lai?’, đây là câu hỏi đặt ra bởi những người còn tồn tại sự lương tri và lo lắng cho thế hệ con-cháu. Bởi dựa trên sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên hiện tại dưới lớp bọc ‘phát triển kinh tế-xã hội’, thì những nhà lãnh đạo hiện tại đã ‘ăn hết phần’ của con cháu với lợi ích được chia cho một nhóm nhỏ người, trong khi lại bắt thế hệ tương lai và cộng đồng xã hội phải ‘giải quyết hậu quả’.
Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gây nức lòng dư luận và những người yêu môi trường khi tuyên bố: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Theo đó, Chính phủ kiến tạo sẽ bảo vệ môi trường tốt hơn, và Nhà nước đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, với nghị quyết không làm tổn hại môi trường để đổi lấy lợi nhuận ban đầu. Bảo vệ môi trường phải được xem xét trong toàn bộ quá trình phát triển, và Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi cách, sẽ chú ý đến các tiêu chí môi trường khi lựa chọn các dự án đầu tư.
Nếu như chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều tuân thủ yếu tố ‘phát triển bền vững’ trên cơ sở chỉ đạo như trên, thì có lẽ, môi trường và bảo vệ bền vững tài nguyên-thiên nhiên-sinh thái ở Việt Nam sẽ không nóng như hiện nay. Rõ ràng, có một khoản cách khá xa giữa nói và làm trong bộ máy chính quyền Việt Nam, và lợi nhuận vẫn là một tiêu chí hàng đầu hướng tới ở cả phía đầu tư lẫn chính quyền địa phương (lẫn Trung ương).
Có một thực tế, không ít quan điểm cho rằng, các công ty nước ngoài đang hủy hoại môi trường Việt Nam. Nhưng thực tế, những doanh nghiệp nội địa mới là những chủ thể tàn phá môi trường kinh khủng nhất, vì họ biết dựa vào cơ chế để phát sinh ra mối quan hệ mang tính lợi nhuận dựa trên khai phá môi trường rộng rãi.
Sơn Trà, Tam Đảo, núi Bà Đen,… hay nhiều những địa danh sinh thái khác đã và đang bị hủy hoại bởi những chủ đầu tư người Việt. Và nếu không có sự lên tiếng của cộng đồng, thì có lẽ Việt Nam giờ chỉ còn lại hoang mạc?
Mới đây, một nghiên cứu mới do NASA thực hiện cho biết, phần lớn cây xanh xuất hiện trên đất Ấn Độ và Trung Quốc, hay chính Trung Quốc và Ấn Độ đang làm hành tinh chúng ta xanh hơn. Và một hình ảnh ghi nhận ‘lượng màu xanh’ trên trái đất đã cho thấy, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ được phủ bởi lớp xanh, thì Việt Nam lại phủ bởi phần lớn là lớp trắng, vàng hoặc vàng đậm.
Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng ở vùng Tây Nguyên, chỉ trong 10 năm trở lại đây, đã có 80.000 ha đất lâm nghiệp đã bị chặt phá để nhường chỗ cho 50 nhà máy thủy điện, hàng trăm ngàn ha rừng đã được giao cho các doanh nghiệp để phát triển các dự án trồng cao su, chăn nuôi và trồng rừng, và gần đây nhất là 4.000 cây thông và những ngọn đồi cỏ đỏ nguyên bản ở Gia Lai sẽ bị chặt để nhường chỗ cho các dự án sân golf.
Việt Nam, ‘rừng vàng, biển bạc’ đang biến mất bởi tư duy ‘đào, xới, múc, bán’, và quy trình này chưa có dấu hiệu dừng lại. Và liệu rằng, chúng ta cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn trước thực trạng mài dũa những viên ngọc thô quá mức tại Việt Nam hiện nay, ngay trong tư duy của những nhà lãnh đạo Trung ương? Rằng, hãy giữ lại cho con cháu những viên ngọc thô, đừng cố mài dũa một cách thô kệch và phá hoại, bởi nếu cứ tiếp tục mài dũa như hiện tại, thì chúng ta sẽ để lại cho thế hệ con cháu những gì?
A.V.
VNTB gửi BVN