Venezuela

1. RFI: Hoa kỳ trừng phạt tập đoàn dầu hỏa Venezuela

2. RFI: Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực

3. VOA: Vì sao ông Maduro ‘không dám’ đụng tới tổng thống tự phong?

4. BBC: Juan Guaido, người được Donald Trump công nhận, là ai?

***

1. Hoa kỳ trừng phạt tập đoàn dầu hỏa Venezuela

Tú Anh

Ảnh tư liệu. Một tàu chở dầu tại một cảng ở Venezuela. REUTERS/Jorge Silva

Năm ngày sau khi tuyên bố ủng hộ tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido, Washington phong tỏa nguồn tài chính của Caracas.

Tập đoàn dầu hỏa quốc gia PDVSA không được phép hưởng lợi nhuận bán dầu hỏa sang Mỹ, tài sản ở nước ngoài của công ty cũng bị phong tỏa. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng, chính quyền Maduro phá giá đồng nội tệ 35% cho phù hợp với giá chợ đen.

Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille cho biết thêm thông tin:

«Kể từ thứ Hai, 28/01/2019, theo tỉ giá chính thức, 3200 bolivar ăn một đô la Mỹ, tức là gần tương đương với tỉ giá chợ đen. Trong những tháng gần đây, đổi tiền ở chợ đen có lợi hơn 30 lần so với tỉ giá chính thức, do việc kiểm soát hối đoái chặt chẽ được áp dụng tại Venezuela.

Cơ chế kiểm soát tỉ giá nói trên được thiết lập năm 2003 trong thời kỳ huy hoàng của xuất khẩu dầu lửa, nhằm hạn chế người dân và các doanh nghiệp chuyển đổi sang đô la, qua đó, buộc họ phải dùng đồng bolivar nhiều hơn. Thế nhưng, do khủng hoảng kinh tế và siêu lạm phát, tất cả người dân Venezuela đều thông qua chợ đen để tống tháo đồng bolivar đang bị mất giá hàng ngày và giữ đồng đô la Mỹ có giá trị ổn định hơn.

Do vậy, cơ chế kiểm soát, vốn bị phản đối, đã bị tháo dỡ, nhưng đã quá muộn, theo như nhận định đăng trên mạng xã hội Twitter của kinh tế gia Asdrubal Oliveros, thuộc công ty Ecoanalytica. Do tỉ lệ lạm phát khủng khiếp, 10.000.000 %, theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), người dân Venezuela không còn tin tưởng vào đồng tiền quốc gia nữa. Nếu không có lòng tin, thì đồng bolivar sẽ còn tiếp tục được chuyển đổi sang đô la và lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng mạnh».

Nguồn:

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190129-venezuela-hoa-ky-trung-phat-tap-doan-dau-hoa-venezuela

***

2. Venezuela: Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực

Thụy My

Lãnh tụ đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaido phát biểu với những người ủng hộ tại Caracas ngày 26/01/2019. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido hôm nay 27/01/2019 kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường, đồng thời đề nghị ân xá cho tất cả các quân nhân quay lưng với chế độ Nicolas Maduro.

Từ hôm qua, ông Guaido đã khởi động các cuộc tham vấn nhân dân trên toàn quốc, nhằm phổ biến đường lối của đối lập trong khi toàn bộ báo chí đã bị chính quyền Nicolas Maduro khống chế. Thông tín viên RFI Benjamin Delille đã đến quảng trường Alfredo Sadell ở Caracas, nơi thủ lãnh đối lập thu thập ý kiến về luật ân xá, tường thuật:

Trong suốt buổi sáng, các dân biểu thay nhau lên diễn đàn để giải thích về nội dung luật ân xá. Đến trưa, luật này được công chúng bỏ phiếu tượng trưng.

Vanessa, 34 tuổi đứng vào một hàng dài người đang xếp thứ tự. Cô nói: «Chúng tôi xếp hàng để ký tên đồng ý với luật ân xá do Quốc hội thông qua». Cô đến tham gia vì sợ rằng đạo luật sẽ khoan hồng cho tất cả những tội mà một số thành viên chính phủ đã phạm trong những năm gần đây. Tuy nhiên Vanessa nhìn nhận các dân biểu đã nói rõ đối tượng của luật là những ai bị cầm tù, truy nã hoặc lưu vong vì lý do chính trị.

Dân biểu Leonardo Regnault giải thích các nguyên tắc của luật: «Chính phủ tiếm quyền Maduro đã bỏ tù nhiều người qua việc sáng tác ra đủ loại tội phạm để gán cho họ. Sắp tới khi khôi phục nền dân chủ, các nhà tù sẽ mở cửa để kết thúc tình trạng vô nhân đạo này».

Các cuộc tham vấn tương tự diễn ra khắp nước, và mỗi người tham gia được phát tài liệu chi tiết về luật để về phổ biến cho người thân».

Tùy viên quân sự tại Mỹ quay lưng lại với Maduro

Đó là ân xá đối với các nhà hoạt động chính trị, còn với quân đội, ngay từ đầu thủ lãnh đối lập đã đề nghị khoan hồng cho các quân nhân rời bỏ hàng ngũ, ngưng phục vụ chế độ Maduro. Ông Juan Guaido cho biết cũng đã gặp gỡ một số thành viên chính phủ Maduro nhằm thuyết phục tổ chức bầu cử.

Hôm qua tùy viên quân sự của Venezuela tại Washington, đại tá José Luis Silva tuyên bố không nhìn nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp, và kêu gọi «các anh em quân nhân» ủng hộ ông Juan Guaido.

Về phía ông Maduro loan báo mở đàm phán với Hoa Kỳ để duy trì liên lạc tối thiểu giữa hai nước, sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao. Cuba và Mỹ từng giữ quan hệ loại này cho đến tháng 7/2015, khi mở lại đại sứ quán.

Nguồn:

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190127-venezuela-duoc-quoc-te-ung-ho-guaido-gia-tang-ap-luc

***

3. Venezuela: Vì sao ông Maduro ‘không dám’ đụng tới tổng thống tự phong?

Ông Juan Guaido và người ủng hộ trong một cuộc biểu tình hôm 23/1

Hơn 700 người chống đối Tổng thống Nicolas Maduro mới bị bắt giữ trong khi phe đối lập tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo AP, đáng chú ý các lực lượng an ninh nhà nước không đụng tới một nhà hoạt động chống chính phủ nổi bật, ông Juan Guaido, nhà lập pháp tự xưng là tổng thống lâm thời.

Hãng tin Mỹ nhận định rằng việc ông Maduro tới nay vẫn chưa hạ lệnh bắt ông Guaido cho thấy sự thiếu tin tưởng trong chính lực lượng an ninh của tổng thống đang vấp phải áp lực từ nhiều phía.

Một lý do khác đó là việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng bất kỳ một sự gây hại nào đối với nhân vật mà Mỹ coi là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sẽ là hành động vượt qua lằn ranh đỏ.

Quan chức Mỹ hôm 28/1 lại lặp lại cảnh báo trên khi công bố các biện pháp từng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước Venezuela.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Bolton, nói rằng bất kỳ hành động nào đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, ông Guaido hay Quốc hội mà ông hiện lãnh đạo, sẽ bị coi là một “sự tấn công nghiêm trọng” và “sẽ bị đáp trả bằng phản ứng lớn”.

Trong khi không đề cập cụ thể tới các hành động Mỹ có thể tiến hành, ông Bolton lặp lại rằng tất cả các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng Venezuela vẫn trên bàn thảo luận, kể cả biện pháp quân sự, theo AP.

Hãng tin này dẫn lời ông Jose Miguel Vivanco, Giám đốc phụ trách khu vực châu Mỹ của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng “họ sẽ không dám đụng tới ông Guaido” vì ông nhận được “sự ủng hộ lớn từ quốc tế”.

Chính quyền của ông Maduro đã nhiều lần dọa bắt nhà lập pháp 35 tuổi, cáo buộc ông vi phạm hiến pháp và làm “con rối” trong âm mưu đảo chính của Mỹ.

Nhưng theo AP, ông Guaido hàng ngày vẫn được tự do đi lại khắp thủ đô Caracas, tổ chức các cuộc tuần hành và thiết lập một chính quyền song song.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-vì-sao-ông-maduro-không-dám-đụng-tới-tổng-thống-tự-phong-/4763057.html

***

4. Venezuela: Juan Guaido, người được Donald Trump công nhận, là ai?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa công khai tuyên bố thừa nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống tạm quyền. Bản quyền hình ảnh AFP/GETTY

Juan Guaido, chủ tịch quốc hội Venezuela, vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận là tổng thống lâm thời.

Nhưng Juan Guaido là ai?

Việc ông này trở thành lãnh đạo quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã phục hồi sinh khí cho sự chống đối tổng thống Nicolas Maduro, tại một đất nước đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Nhưng ông Guaido chỉ mới là chủ tịch quốc hội ba tuần trước đây.

Trước đó, ít ai biết tới ông.

Khi ông 15 tuổi, cũng là lúc Hugo Chavez trở thành tổng thống Venezuela năm 1999.

Juan Guaidó. Bản quyền hình ảnh AFP/GETTY

Ông học ngành kỹ sư công nghiệp tại đại học, rồi học thêm ở Đại học George Washington, Hoa Kỳ, và một trường kinh doanh ở Venezuela.

Khi còn là sinh viên, ông phản đối sự kiểm soát truyền thông của ông Chavez khi tổng thống không gia hạn giấy phép cho Radio Caracas Television.

Năm 2009, ông là thành viên sáng lập đảng Ý chí Nhân dân, cùng lãnh đạo đối lập Leopoldo Lopez.

Ông Lopez hiện đang bị quản thúc tại gia.

Bang quê nhà của ông, Vargas là một trong những bang nghèo nhất của Venezuela.

Leopoldo López đang bị quản thúc. Bản quyền hình ảnh REUTERS

Ông Guaido vào quốc hội với tư cách đại biểu dự khuyết năm 2010 và chính thức là nghị sĩ từ 2015.

Tuổi trẻ của Guaido và quê nhà nghèo nàn của ông khiến chính phủ Maduro khó mô tả ông thuộc thành phần cai trị giàu có xa hoa.

Guaido mới chỉ là chủ tịch quốc hội từ hôm 5/1.

Lãnh đạo trước của phe đối lập, Leopoldo Lopez, đã bị quản thúc.

Người lẽ ra kế vị, Freddy Guevara, thì đã chạy vào sứ quán Chile sau khi bị cáo buộc kích động bạo lực năm 2017.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-46978852

This entry was posted in Venezuela. Bookmark the permalink.