Người dân có được quyền phản đối những hành vi không minh bạch của chính quyền?

Thảo Vy

Câu trả lời quen thuộc từ cơ quan chức năng: “Được, nhưng phải theo đúng trình tự của pháp luật!”.

https://1.bp.blogspot.com/-3ElgOGcLn34/XEfyRY8udeI/AAAAAAAAdXs/qx72WlG5hTcH50r96vutznG8TLT7kGOJQCLcBGAs/s640/49551478_1004594319743360_1783311240668381184_n.jpg

Nước mắt Lộc Hưng

Cũng vì ‘đúng trình tự’, nên lâu nay không thể có một cuộc đình công nào của người lao động được nhìn nhận là ‘đúng pháp luật’. Thắc mắc khác: nếu chính quyền đã bất chấp ‘trình tự pháp luật’, thì tại sao lại buộc người dân phải theo ‘đúng trình tự’?

“Trong trường hợp xảy ra vừa rồi ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn, tôi cho rằng một loạt hành vi trong cưỡng chế nhà xây dựng không giấy phép, tự ý cắm ranh trên đất của người dân sử dụng hợp pháp được pháp luật dân sự bảo hộ mà chính quyền đã dùng lực lượng vũ trang để trấn áp thực hiện, bất chấp Luật Đất đai cùng các quy định của pháp luật về vấn đề này, thì việc người dân tức khắc phản ứng bằng những hành động, lời nói để bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình là phù hợp pháp luật của phản ứng tự vệ.

Việc hình sự hóa một giao dịch dân sự, cho thấy thêm lần nữa chính quyền quận Tân Bình đã tự cho mình quyền đứng trên pháp luật; điều mà chính quyền quận 2 từng đối xử với cư dân Thủ Thiêm, khiến khoét sâu thêm sự xa cách, mất lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền”. Luật gia Lê Đức Du, Hội Luật gia Việt Nam, nhận định.

Theo bài báo phát hành hôm Chủ nhật 20-1 trên tờ Công an TP.HCM, thì trung tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an quận Tân Bình nói rằng có “5 đối tượng gồm: Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, Trần Quốc Tiến, Vũ Văn Bảo, Trần Minh Thoa là những người cầm đầu, kích động, xúi giục người dân chống đối” khi chính quyền thực hiện việc cưỡng chế nhà cửa của người dân khu vườn rau Lộc Hưng. Bài báo có đưa ra lời hăm dọa về khả năng cáo buộc hình sự đối với các công dân đó. [http://bit.ly/2R6Lyov]

Vẫn theo bài trên báo Công an, công an quận Tân Bình xác định “có 151 người thuộc 38 hộ gia đình có liên quan đến 61 thửa đất trong khu vực vườn rau, trong đó có 10 trường hợp người đã chết nhưng vẫn có tên và chữ ký trong danh sách khiếu kiện tập thể và có nhiều trường hợp cùng một người nhưng ký tên nhiều lần, cá biệt có 1 trường hợp 1 người nhưng ký tên đến 8 lần”.

Như vậy có thể thấy rằng Văn phòng chuyên trách tiếp công dân của UBND TP.HCM đã cố tình hình sự hóa vụ việc, khi chuyển toàn bộ nội dung đơn khiếu kiện tập thể của những nạn nhân bị chính quyền quận Tân Bình đập phá tài sản nhà cửa ở khu vườn rau Lộc Hưng, đến tận địa chỉ những cơ quan công quyền đang bị tố cáo sai phạm.

Nếu thật sự tôn trọng pháp luật và trình tự pháp luật liên quan về khiếu nại tố cáo, Văn phòng tiếp công dân phải phát hành một công văn yêu cầu UBND quận Tân Bình giải trình chi tiết từng nội dung mà người dân khiếu nại, những hành vi bị dân tố cáo là vi phạm pháp luật về đất đai trong giải tỏa, đền bù. Còn tên tuổi cụ thể, của người dân khiếu nại, tố cáo cần phải được bảo mật nhằm tránh việc chính quyền địa phương lợi dụng để sách nhiễu, đe dọa các người dân này phải rút đơn khiếu nại, tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 đã quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm của người tố cáo…

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp: Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp. Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo…

Dường như đang có một bộ phận nào đó trong bộ máy đảng cầm quyền ở TP.HCM, đang cố tình gây nhiễu loạn lòng tin còn sót lại của người dân Sài Gòn vào tính thượng tôn pháp luật, đúng như điều lo ngại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước – ông Nguyễn Phú Trọng, rằng “chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, mà lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo…”, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính đảng, diễn ra hôm 22-1 ở Hà Nội. [http://bit.ly/2sHkRx2]

T.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Dân quyền, Lộc Hưng. Bookmark the permalink.