Thư ngỏ gửi tác giả giấu tên bài viết đăng trên mạng Trung Quốc 9/1/2010 “Việt Nam, vật tế cho trận chiến Nam Sa” (tức Trường Sa của Việt Nam)

Những năm gần đây, nhất là từ năm ngoái đến nay, trên nhiều báo mạng Trung Quốc China.com, milchia.com;.. và có cả vài tờ nhật báo đã cho đăng nhiều bài viết sặc mùi Đại Hán, hiếu chiến, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phát động chiến tranh chống Việt Nam, trong đó có bài viết của ngươi mang tiêu đề trên.

Khiến cho ta, một người lính già đầu bạc Việt Nam tưởng đã có thể “rửa tay gác kiếm”, đành phải mượn lời hình như của Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông: “Mi đã không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến mi. Mi đã đụng đến ta thì ta sẽ phải đụng đến mi” để có lá thư ngỏ này gửi cho ngươi và cả bè lũ nhà ngươi. (Mi đã gọi chúng ta là “lũ giặc Việt”, tức là kẻ thù, ta cũng phải dùng cách xưng hô này để gọi lại các ngươi vậy).

1. Tại sao mi lại cố tình giấu tên một cách hèn hạ như vậy? Đâu phải là cách ứng xử đàng hoàng của “người quân tử” như Khổng Phu Tử đã dạy.

2. Chẳng phải là qua lời lẽ huênh hoang ngông cuồng của bài viết, ngươi đã hiện nguyên hình là nạn nhân cuồng tín tội nghiệp của tư tưởng Đại Hán bành trướng bá quyền đã lỗi thời, đang có âm mưu thâm độc nham hiểm bắn một mũi tên nhằm hai đích: vừa trắng trợn khiêu khích, đe dọa, uy hiếp nhân dân Việt Nam, vừa lừa dối, kích động lòng hận thù Việt Nam trong nhân dân, thanh niên và quân đội Trung Quốc và lừa dối dư luận thế giới???

– Và chẳng phải là qua những lập luận huênh hoang: nào là 10 lý do phải tấn công Việt Nam, nào là 4 mục tiêu cần phải đạt tới… ngươi đang muốn khoác áo của một “chiến lược gia cỡ lớn” (tầm quốc gia, khu vực và quốc tế) bài binh bố trận đâu vào đấy để kêu gọi, thuyết phục, cổ vũ… “xúi dại” các tầng lớp nhân dân, thanh niên và quân đội Trung Quốc, cứ vào trận đi, cứ xông lên đi “hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa” đi, mọi việc khác ta đã lo liệu, tính toán đầy đủ, đã có ta sắp xếp hết rồi???

3. Trong vấn đề Biển Đông, có nhiều vấn đề do lịch sử để lại, riêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, Tây Sa) thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay Trung Quốc chưa hề đưa ra được (từ thời nhà Thanh, thời Trung Hoa Dân quốc đến thời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) bất kì một cứ liệu lịch sử, khoa học, pháp lý nào về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với 2 quần đảo đó!! Không hề có cái gọi là “tranh chấp” theo ngôn ngữ pháp lý ở đây. Chỉ có một sự thật là Trung Quốc đã ngang ngược, lợi dụng bối cảnh phức tạp của khu vực và thế giới lúc đó, dùng vũ lực đánh chiếm, chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam.

4. Vì ngươi đã cố tình quên nên ta cần phải nhắc lại với người mấy điều hệ trọng:

– Sau khi Việt Nam và Trung Quốc lập lại quan hệ bình thường năm 1991, chính các thế hệ lãnh đạo đương đại Trung Quốc từ Hồ Diệu Bang, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đã chủ động đề xuất 12 chữ rồi 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị – Đoàn kết ổn định – Hợp tác toàn diện – Hướng tới tương lai” rồi được bổ sung thêm Bốn tốt “Láng giềng tốt – Bạn bè tốt – Đối tác tốt – Đồng chí tốt“, lấy đó làm phương châm xử thế cơ bản trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Nhờ tinh thần hiểu biết lẫn nhau và quyết tâm của cả hai phía, Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn thành việc phân định vịnh Bắc Bộ, và phân giới cắm mốc xong toàn bộ giải biên giới trên đất liền.

– Gần đây nhất trong dịp khai mạc Hội chợ quốc tế Thượng Hải vào ngày 30/4/2010 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều cho rằng: “Hai bên cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình ổn định, hợp tác khu vực và trên thế giới, hai bên cần tiếp tục kiên trì đàm phán trên tinh thần láng giềng hữu nghị, cùng quyết tâm đặt lợi ích của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại và hợp tác“.

– Tiến lên một bước nữa, tại Hội nghị An ninh Châu Á – Thái Bình Dương 18 nước có cả Trung Quốc tham dự và cùng ký kết tháng 6/2010 vừa qua (đối thoại SANGRI-LA) đã tuyên bố: “để giải quyết vấn đề này (vấn đề Biển Đông) cần thông qua đàm phán hòa bình, tuân thủ “Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) do AESAN và Trung Quốc ký cam kết năm 2002, Luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc và cùng nhấn mạnh: Phải sáng suốt khôn ngoan, không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không bị các lực lượng chia rẽ trong nội bộ về vấn đề Biển Đông. Tại đây, đại biểu Trung Quốc còn nói rõ: “Trung Quốc tuyên bố không bá quyền, không bành trướng, luôn luôn xây dựng khu vực hài hòa, giữ môi trường hòa bình ổn định, phát triển đất nước…”

5. Ngươi và cả bè lũ các ngươi hãy trả lời ta:

Các ngươi đã nhân danh ai để cùng tung ra những lời lẽ ngông cuồng trong các bài viết xằng bậy của các người??? Hay các ngươi chính là những lực lượng chia rẽ trong nội bộ (Trung Quốc) về vấn đề Biển Đông như Hội nghị An ninh Châu Á – Thái Bình Dương đã từng cảnh báo???

Ta nghĩ rằng luật pháp chính thống của Nhà nước Trung Quốc luôn luôn bảo vệ nghiêm ngặt đường lối chính sách đối nội, đối ngoại và các cơ quan luật pháp Trung Quốc đã có đủ chứng cớ buộc tội và truy tố ngươi và bè lũ về tội chống phá Chính sách luật pháp Nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực quan hệ hai nước Trung Quốc – Việt Nam. Trước sau, các ngươi không thể tránh khỏi lưới trời lồng lộng đâu. Ta muốn nói đến cả lưới trời luật pháp của Nhà nước Trung Quốc nhất là lưới trời lồng lộng của nhân dân Trung Quốc.

“Hãy dừng cương trước vực thẳm !!!”.

6. Nhân đây, tôi muốn nhắn đôi lời với các nhà cầm quyền Trung Quốc:

Trên cơ sở 16 chữ và Bốn tốt do chính các vị đã đề xuất, với kinh nghiệm lãnh đạo đầy mình: “Chính trị thống soái”,” tư tưởng dẫn đầu“, tôi tin các vị biết cần phải xử lý thế nào trước hiện tượng rất không vui kể trên, vì sự nghiệp tăng cường củng cố tình hữu nghị Việt – Trung, vì chính lợi ích của dân tộc Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình.

Xin miễn cho thân già này phải “mách nước” thêm cho quí vị.

Thư bất tận ngôn.

Người lính già đầu bạc Việt Nam

PXP

Đại tá – Cựu chiến binh: Phạm Xuân Phương

Địa chỉ: 312 – C7 – Nghĩa Tân – Cầu Giấy – Hà Nội.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in biên giới, Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa. Bookmark the permalink.