Tường trình ngày 22 tháng 01, hình như là ngày Đồng dao Thế giới
Nhân vật
… Trước hết có một con chim được bà con trong Rừng coi là chim đầu đàn. Đầu đàn không vì xác to lực khỏe mà cũng chẳng vì ăn sấm nói chớp. Đầu đàn chỉ vì trẻ em khắp nơi đều kháo nhau rằng con chim đó buồn tười.
“Buồn tười” nhất là cách cho con ăn, nó kết hợp ăn và học, gọi là ăn-học, theo cách rất thi vị như sau.
Nó mở nhạc gọi con về, sau đó nó lấy ngón tay như những cái mỏ gõ gõ chữ “lương thực” chẳng hạn, gõ tới đâu con cái nhặt lương thực mà ăn, bụng lưng lửng thì cũng vừa nhớ mặt chữ.
Bữa sau nó gõ chữ “ngũ cốc”, con cái vừa no bụng vừa học cách viết tên các loại hạt. Muốn gọi con về uống nước thì gõ gõ chữ “thủy” hoặc “trà”. Bạn đến, muốn đãi cốc rượu vang thì gõ gõ thành thơ Bồ đào mỹ tửu … liền có ngay chai vang đỏ và mấy cái ly.
Thấy con mình ăn hạt mãi cũng nhạt nhẽo, nó liền gõ chữ “điền kê”, các con ăn vào thấy khoái lắm, hỏi món gì, hóa ra đó là món “gà đồng” hoặc món “thịt ếch”. “Điền kê” thì có một loại chữ để gõ gõ, còn “gà đồng” và “thịt ếch” thì không có chữ, nó liền dùng thứ chữ khác nôm na hơn mà gõ gõ…
Cứ thế chẳng bao lâu nó có biệt danh là con chim Buồn Tười. Có một cái ủy ban nào đó muốn mời nó đến dạy chuyện ăn-học, nhưng thư lại đề nhầm tên, vì thấy nó khéo nuôi con nên tưởng nó là con chim cái, thành ra thư không bao giờ đến nơi, và cái ủy ban nọ đành chịu mù chữ.
Nhập cuộc
Con chim Buồn Tười ở một cánh rừng gần rừng Liễu. Gọi là rừng liễu, nhưng có còn cây nào đâu, rừng bị chặt xơ xác cả, nay chỉ còn mấy hàng liễu trong tưởng tượng thơ mộng, họ nhà chim liền gọi đó là “rừng” Liễu Giai, kỳ tinh rừng mà chỉ có đường nhựa, Ngân hàng cổ phần, hàng bún nem và rất nhiều hoạt động xanh đỏ lòe loẹt khác.
Đi qua “rừng” Liễu Giai thì đến cánh rừng của chim Buồn Tười. Tên của cánh rừng này cũng đáng để bạn đọc theo dõi.
Thoạt kỳ thủy, cánh rừng của chim Buồn Tười không có tên. Một hôm có người sứ giả đến xin ý kiến chim Buồn Tười chuyện đặt tên khu rừng này. Chim Buồn Tười khi đó đang mải làm cái gì đó, miệng cứ lẩm nhẩm Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, sơn hà thiên cổ điện kim âu … Sứ giả về, đề nghị gọi tên khu rừng này là Kim Âu, nhưng vì dốt nên viết tờ sớ nhầm Kim Âu thành Kim Mã, có điều là, vì đã quen vênh váo và thích “tư duy mới và tạo đột phá”, nên tên rừng này bỗng thành Kim Mã Thượng.
Tên rừng như thế cũng hay ho, nhưng rừng chẳng còn cây. Chính vì suy ngẫm về cánh rừng xác xơ mình đang sống nên chim Buồn Tười rất thương dân ở vùng Rừng Chít.
Bà con ta biết rằng ở vùng núi có cây chít quanh năm mọc xanh rờn. Lá chít để gói bánh. Hoa chít dùng làm chổi xuất khẩu, đem được tiền về mà rừng thì vẫn còn nguyên vẹn. Bỗng nẩy nòi một lão hàng Than thuộc nòi cờ bạc, nổi tiếng vì luôn luôn dùng công quỹ đặt cửa năm mươi năm mươi. Lão này quen bán than thổ phỉ sang một nước khác cho họ chôn xuống đất thành mỏ than nhân tạo dùng trong nhiều năm. Bây giờ được thái thú Thập Lục Kim Tự chỉ đạo, lão lại gợi ý quan thầy đem bán Rừng Chít.
Chim Buồn Tười giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha, liền cùng anh chị em trí thức tổ chức ra một bản tin mạng có tên là Bảo vệ Chít, chủ trương chống khai thác tài nguyên bừa bãi, chống bán nước bán rừng, chống bán ngư dân và bán lưỡi bò, chống cả việc phá nhà rông và gây ô nhiễm đất đai và ô nhiễm văn hóa cho muôn đời con cháu.
Đàn áp
Bản tin mạng Bảo vệ Chít ra đời giữa tháng 4-2009, đến tháng 12-2009 đã có 17 triệu rưỡi lượt người đọc.
Dân thì mừng, còn Quan thì đần mặt ra nghĩ mẹo chống phá.
Có điều là trong chiếu Quan có ba phe.
Một phe theo thái thú Thập Lục Kim Tự đến cùng đường mãn kiếp. Phe này sáng nào ngủ dậy cũng đứng trước hình chiếc xe tăng và chàng trai áo trắng chặn xe tăng. Họ đứng đó lầm nhầm cầu kinh “Van xuây van xuây… cầu cho Dân không bao giờ có Dân Trí … van xuây van xuây”. Cầu kinh thế nào, hành vi thế ấy. Phe này chủ trương bắt chim Buồn Tười bỏ ngục ngay tắp lự. Buồn Tười mà vào ngục thì bản tin mạng Bảo vệ Chít cũng toi.
Một phe cương quyết không theo thái thú Thập Lục Kim Tự, vì họ biết rằng, nếu quân đội của họ mà thực hiện hảo bằng hữu, hảo lân bang, hảo đồng chí và nếu đợi họ đến giải phóng cho thì chỉ có mà toi đời! Đừng tưởng bọn thái thú đó sẽ giết dân! Chúng cần dân để sản xuất. Chúng sẽ tiêu diệt bằng hết những ai mang súng. Mà nếu chưa bị tiêu diệt nhưng mang súng mà đẻ giặc tràn vào nhà thì mang nỗi nhục càng khó sống, đành theo gương Từ Hải thôi. Phe này trì hoãn bằng chủ trương nếu có bắt chim Buồn Tười bỏ ngục thì cũng phải làm đúng thủ tục tố tụng. Nhưng xin hiểu, đó không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật nhé, mà vẫn là cái đầu óc con buôn, thắng thua gì cũng lấy bản thân mình làm mục đích.
Còn một phe trẻ trung, có khi là trẻ về tuổi, có khi tuổi không còn trẻ nhưng tâm hồn vẫn trẻ, gọi gộp là phe Trẻ, phe này nghĩ đến trách nhiệm lâu dài, cương quyết xây dựng nền pháp chế. Nhưng phe này không mạnh, có thể nói là yếu nữa, nên nó chỉ có thể làm ăn theo lối cầm cự (hoặc còn gọi là cầm chừng, chờ thời). Dẫu sao thì trước sau phe này đều có thiện cảm với chim Buồn Tười và thiện cảm ăn theo luôn cả với bản tin mạng Bảo vệ Chít của loài chim trời ưa tự do, quý độc lập, nhất là tự do và độc lập trong tư duy.
Và thế là có cuộc khám nhà chim Buồn Tười. Việc khám nhà khi chưa có lệnh khởi tố là sai bét. Nhưng tại sao họ vẫn liều lĩnh khám nhà chim Buồn Tười? Rất dễ hiểu. Nếu sau khi “làm việc thân mật” và lục lọi ổ cứng mà tìm ra những bằng chứng phản loạn, thì họ đúng là “vô cùng sáng suốt”, lúc đó ký giấy khởi tố cũng còn kịp.
Tiếc thay, hai tuần lễ làm việc lại chẳng moi ra nổi tí tẹo tì teo gì phản loạn. Chỉ có hai lỗi nhỏ như con kiến: một lỗi biên tập và một lỗi bị gán cho là chưa đúng thủ tục. Cái lỗi con kiến này nếu đem so với lỗi bán nước to như con voi thì quả là … đáng tuyên dương công tích. Chim Buồn Tười đúng là có nghề biên tập. Đó là lý do chim Buồn Tười được cho “ngừng làm việc” mà cái sự “thất nghiệp” đó lại thành niềm vui cho tất cả những ai vô cùng yêu lao động.
Vĩ thanh
Người viết lại câu chuyện này cũng là một con chim, nhưng do tài không cao đức không nặng nên vẫn bị bà con đặt tên là con chim Vô Tích Sự.
Chim Buồn Tười ngừng làm việc trở về, thấy nhà cửa vẫn gọn gàng, bản tin mạng ra đều đều và đúng đắn, liền mang ra một be rượu vang đỏ, phán rằng:
– Uống đi uống đi … Từ nay xóa cho cái tên Vô Tích Sự, chỉ còn gọi bằng Vô Tích, bằng lòng không?
– Tên này lại gợi đến câu khi Vô Tích, khi Lâm Truy … hãm lắm.
– Thì Vô Sự vậy.
– Vô Sự thì lại bị động và lười quá… vô sự sinh hữu sự!
– Thế chọn tên gì, nói ngay.
– Xin cho một chữ Vô là đủ.
– Vô?
– Vô! Mà xin cho gọi tên Vô theo tiếng Latin cho có nhạc tính: Nihilo Nihilissimo Nihil.
– Thế … thế … Hán Nôm viết ra sao?
Hà Nội sáng 23 tháng 01-2010
Phạm Toàn