Kết quả thăm dò ý kiến Quốc hội có ý nghĩa gì?

Thế là chỉ sau 2 ngày nói sẽ lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam (ĐSCT), Quốc hội đã soạn câu hỏi và 1 ngày sau đã có kết quả.  Chưa thấy nước nào trên thế giới làm thăm dò ý kiến về một vấn đề hệ trọng theo kiểu chớp nhoáng và chụp giựt như thế!  Câu hỏi được soạn theo kiểu “nhét chữ vào miệng người” (xem bài đi kèm ở dưới), thì kết quả cũng chẳng có giá trị gì.  Thật ra, kết quả thăm dò này lại sinh ra nhiều câu hỏi khác, hơn là có câu trả lời.

Trước khi bàn qua kết quả đó, tôi thấy có vài vấn đề về con số.  Theo báo chí thì người ta gửi hai câu hỏi thăm dò ý kiến đến 488 đại biểu.  Nhưng Quốc hội hiện nay có 493 đại biểu, vậy tại sao 5 đại biểu kia không được gửi câu hỏi?  Trong số 488 phiếu gửi đi, có 474 (tức là 97%) phiếu trả lời; như vậy cũng tốt vì tỷ lệ phản hồi (response rate) cao hơn nhiều so với các cuộc trưng cầu dân ý khác.

Diễn giải ý kiến của ĐBQH

Dựa vào con số trả lời qua cách thăm dò ý kiến của Quốc hội, mỗi báo diễn giải một cách khác nhau.  Trong khi Vietnamnet cho rằng kết quả trên có nghĩa là “Quốc hội đồng ý chủ trương làm đường sắt cao tốc”, thì Vnexpress hiểu rằng  “Có thể lùi thời gian làm đường sắt cao tốc”, còn Pháp Luật TP có cách hiểu ngược lại “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Gần 200 ĐBQH không ủng hộ”.  Theo tôi thì những kết quả này chẳng nói lên được điều gì cả, và nhất là chưa trả lời được câu hỏi có nên tiến hành hay không nên tiến hành dự án ĐSCT.

Để giải thích tại sao tôi nghĩ như vậy, cần phải đối chiếu phần trả lời với câu hỏi đặt ra (Bảng dưới đây).  Xin nói trước rằng tất cả những con số này tôi thu thập qua báo chí tường thuật, và rất rời rạc.

Tại sao trong câu 1 có 476 người trả lời, còn câu 2 chỉ có 349 người trả lời?

Điều khó diễn giải là trong câu hỏi đầu, có 271 người (tức 57% người được hỏi) thông qua dự án kỳ này (“theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo”), nhưng đến câu 2 thì chỉ có 148 người (31%) “Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ”. Tại sao số người trả lời câu 1 không nhất quán với câu 2?  Điều này chứng tỏ đại biểu cũng không biết mình trả lời cái gì.  Do đó, điều mâu thuẫn ở đây là câu đầu thì có 57% OK với phương án của Chính phủ, nhưng câu 2 thì chỉ có 31% tán thành tờ trình của Chính phủ!

Tình trạng lẫn lộn (confusion) này xuất phát từ cách đặt câu hỏi một cách… cực kỳ ngớ ngẩn.  Ngớ ngẩn là vì câu hỏi và câu trả lời đều mang tính nhập nhằng, chứ không tách biệt (mutually exclusive) – một điều “đại kỵ” trong các cuộc thăm dò ý kiến.

Ấy thế mà báo VNexpress.net cho biết “Một đại biểu hội bình luận, kết quả thăm dò này thể hiện sát tinh thần và nội dung thảo luận trong Quốc hội, và đúng với nguyện vọng cử tri về việc tiến hành dự án một cách thận trọng, từng bước”.  Lại một kiểu nhét chữ vào miệng dân!  Cuộc thăm dò này chỉ thực hiện trong các đại biểu Quốc hội, chứ có hỏi ý kiến người dân đâu.  Thật ra, kết quả thăm dò ý kiến dân của giới báo chí cho thấy 65% không đồng ý với siêu dự án này.

Tóm lại, những kết quả này không có ý nghĩa gì cả, bởi vì (i) cách đặt câu hỏi sai về mặt phương pháp, (ii) câu hỏi thiếu tính khách quan, và (iii) quần thể trả lời không đại diện người dân.

Một dự án với ngân sách 56 tỉ USD dài 33 trang.  Một cuộc thăm dò ý kiến với những câu hỏi được soạn trong vòng 1 ngày, không hề qua quy trình khoa học nào cả.  Làm sao chúng ta có thể đặt niềm tin vào những cách làm việc như thế.

NVT

TB. Xin kể các bạn nghe một chuyện ngoài lề, nhưng có liên quan đến tầm quan trọng của việc soạn câu hỏi.  Một đồng nghiệp tôi đi thi lý thuyết trong một phần của chương trình lấy bằng hành nghề y bên Úc.  Phần thi lý thuyết gồm một bộ câu hỏi 300 câu (chỉ có 240 câu thật sự tính điểm, và 60 câu để nhờ thí sinh đánh giá giúp — không tính điểm, mà thí sinh cũng không biết 60 câu đó là câu nào), vốn đã được soạn thảo cẩn thận cả 5 năm trời.  Soạn xong, họ cho thi thử, để đánh giá tính khả thi, độ tin cậy, tính chính xác, và thời gian trả lời.  Sau vài lần thi thử, họ phải chỉnh sửa lại câu hỏi một vài lần nữa.  Phải tốn thêm vài tháng, thậm chí năm để đem những câu hỏi này ứng dụng vào thực tế (tức cho thi thật).  Mỗi câu hỏi như thế tốn 18,000 đôla trước khi cho ra thi chính thức. Đó chỉ là một kỳ thi cử, chứ chẳng phải chuyện quốc gia đại sự gì mà người ta còn làm cẩn thận như thế.  Còn ở VN thì Quốc hội làm cứ như là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa” (ad hoc), hay là họ không nhận thức tầm quan trọng của việc họ làm?

Nguồn: http://nguyenvantuan.net/news/6-news/922-ket-qua-tham-do-y-kien-quoc-hoi-co-y-nghia-gi

Nhét chữ vào miệng đại biểu Quốc hội

Quốc hội vừa tuyên bố rằng sẽ lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) qua hình thức thăm dò ý kiến.  Tuy nhiên, đọc qua 2 câu hỏi sẽ sử dụng trong cuộc thăm dò ý kiến, tôi nghĩ họ phạm phải vài sai lầm cơ bản về nghiên cứu.

Ai cũng biết cách đặt câu hỏi trong các cuộc thăm dò ý kiến rất quan trọng.  Người ta có thể đạt được kết quả mong đợi bằng cách đặt câu hỏi thiếu tính khách quan, và dùng các mẹo ngụy biện để đặt chữ vào miệng người trả lời. Người Anh có câu “garbage in, garbage out” – đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác, ý nói nếu các đặt câu hỏi sai lầm thì kết quả cũng sai.  Giới xã hội học có hẳn một môn học về “questionnaire design” (thiết kế bộ câu hỏi) mà bất cứ ai làm/học về xã hội học cũng đều biết qua.  Trong môn học này, người ta dạy một số nguyên tắc căn bản về cách đặt câu hỏi sao cho khách quan, có độ tin cậy cao, và đảm bảo tính chính xác của thông tin thu thập được.  Do đó, quá trình đi đến một câu hỏi đòi hỏi thời gian khá dài, chứ không phải làm một sớm một chiều được.

Chúng ta thử xem Quốc hội đặt những câu hỏi gì.  Có hai câu hỏi chính và mỗi câu hỏi có 3 câu trả lời (có điều kiện) như sau:

Câu 1: Việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM:

–  Theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo.

–  Phương  án khác: Quốc hội chưa thông qua  Nghị quyết tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau.

–  Ý kiến khác:

Câu 2: Nếu Quốc hội đồng ý ra Nghị quyết tại kỳ họp về dự án này, thì nội dung Nghị quyết sẽ thể hiện theo các hướng sau đây:

– Phương án 1: Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ.  Sau đó nghiên cứu lập dự án đầu tư toàn tuyến Hà Nội – TP HCM. Đầu tư trước hai đoạn Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang, bắt đầu khởi công từ năm 2014, đưa vào sử dụng năm 2025. Thông qua toàn tuyến vào năm 2035.

– Phương án 2: Tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng và lựa chọn 1 lộ trình phù hợp. Theo đó:

– Giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án.

– Đồng thời trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến, hoặc Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020.

– Tiến hành đánh giá tổng kết việc đầu tư khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo QH xem xét triển khai các bước tiếp theo.

– Ý kiến khác:

Bình luận chung

Đối chiếu với các nguyên tắc căn bản đó, tôi thấy cách đặt câu hỏi của Quốc hội chẳng những tối nghĩa về mặt ngôn ngữ và hành văn, mà còn phạm phải nhiều sai lầm về nguyên tắc đặt câu hỏi.  Ở đây chỉ nhân cơ hội bàn vài sai lầm chính mà thôi, để xem như là một buổi thể dục trí óc.

Sai lầm thứ nhất là ngụy biện “bỏ chữ vào miệng người ta” (put words in people’s mouth).  Câu hỏi thứ nhất bắt đầu bằng câu văn “Việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc” là một cách bỏ chữ vào miệng ĐBQH.  Bốn chữ “quyết định thông qua” là một cách viết/nói thiếu khách quan.  Trong thực tế Quốc hội chưa quyết định nhưng tại sao lại có câu văn đó.  Khi viết “Nghị quyết về chủ trương” có lẽ người soạn câu hỏi muốn nhắc nhở đại biểu rằng đây là một chủ trương của Đảng chăng (hàm ý đe dọa), và nếu như thế thì lại phạm lỗi thiếu khách quan khác (tức nhắc bài).

Trong 3 câu trả lời cho câu hỏi số 1, có câu chưa thông qua lần này, “đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau”, cũng là một cách đặt chữ vào miệng người ta.  Đây là một cách nói trước sau gì thì cũng thông qua!

Sai lầm thứ hai có liên quan đến nguyên tắc giả định tương lai.  Một nguyên tắc về cách đặt câu hỏi trong các kỳ thăm dò ý kiến là không nên hỏi về tương lai với điều kiện (kiểu như “nếu trong tương lai đường sắt sẽ xây…”).  Ấy thế mà câu hỏi thứ hai lại viết “Nếu Quốc hội đồng ý ra Nghị quyết tại kỳ họp về dự án này…”!  Điều khôi hài của câu hỏi này là những gợi ý trả lời hoàn toàn chuyển sang một đề tài khác.  Chẳng hạn như “tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng lùi thời gian”.

Sai lầm thứ ba là câu trả lời bỏ ngỏ kiểu “ý kiến khác”.  Người ta phải hỏi ý kiến khác là ý kiến gì?  Làm sao có thể thống kê hay định lượng cái-gọi-là ý kiến khác?

Nói tóm lại, trong 2 câu hỏi, không có câu nào đi thẳng vào vấn đề cực kỳ đơn giản mà công chúng đang quan tâm là: “tán thành” hay là “không tán thành” dự án ĐSCT.  Ngược lại, người soạn câu hỏi có vẻ cố tình né tránh vấn đề, làm cho vấn đề thêm phức tạp, bằng cách đặt những câu hỏi chỉ có thể mô tả là quá phiến diện.  Thật vậy, không có lựa chọn “không thông qua” trong cả 2 câu hỏi.  Đó là một cách soạn câu hỏi chẳng những thể hiện sự thấp kém về mặt kiến thức của người soạn thảo, mà còn thể hiện sự khinh thường người trả lời.

Một nguyên tắc khác trong thăm dò ý kiến là phải thể hiện tính đại diện.  Đáng lẽ Quốc hội phải tổ chức lấy ý kiến người dân, bởi vì họ là những người phải gánh món nợ quốc gia trong tương lai.  Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu QH chịu khó soạn lại câu hỏi và đem đi hỏi người dân, vì kết quả chắc sẽ rất khác với kết quả thu thập từ các đại biểu Quốc hội.

Nhưng cuộc thăm dò ý kiến này chắc chắn không cho ra kết quả khách quan.  Lý do đơn giản vì cuộc thăm dò chỉ thực hiện trong các đại biểu Quốc hội, mà 90% họ là đảng viên.  Là đảng viên, họ có xu hướng bỏ phiếu theo chủ trương của đảng (cũng bình thường), và lá phiếu đó có thể không thể hiện ý kiến và nguyện vọng của người dân.

Nói tóm lại, kết quả thăm dò có thể đoán trước được là đa số sẽ ủng hộ dự án đường sắt cao tốc, bởi vì cách đặt câu hỏi quá sai lầm, và cách “lấy mẫu” trong đại biểu Quốc hội quá thiếu tính đại diện.  Kết quả thăm dò này không phản ảnh ý kiến người dân, và do đó không có giá trị cộng đồng nào cả.

NVT

Nguồn: http://nguyenvantuan.net/news/6-news/919-nhet-chu-vao-mieng-dai-bieu-quoc-hoi

This entry was posted in giao thông, quốc hội. Bookmark the permalink.