Bình luận một quyết định

Nguyễn Đình Cống

Chỉ có ở một thể chế như Việt Nam thì ông Thủ tướng mới phải ra một quyết định gọi là thực hành “văn hóa công vụ” mà thực chất là răn cấm cán bộ từ cao đến thấp của đảng không được cư xử những điều sơ đẳng ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách người công chức nơi công sở mà xét kỹ đó đều là những nội dung đã được dạy dỗ từ lứa tuổi học sinh cấp I ở bất cứ một nước nào. Thử xem, người dân hàng ngày phải tiếp xúc với loại cán bộ chưa qua cấp I về hành xử thì khốn khổ cho họ đến chừng nào.

Nhưng có một thứ đạo đức còn đáng răn dạy hơn vạn lần thì không hiểu sao từ ông Thủ tướng đến bà Quốc hội, cho đến tận ông Chủ bí đều im thin thít không hề mở mồm nói cho cán bộ hay: hãy chọn làm người chứ đừng làm thú vật. Nói thế chẳng phải là nói ngoa: Có ai đời giữa lúc năm hết Tết đến mà cả một bầy cán bộ đảng và chính quyền phường 6 Quận Tân Bình TP HCM đã bất thình lình nhâu nhâu kéo đến địa điểm Vườn rau Lộc Hưng đập phá tan tành nhà cửa đồ đạc của 120 hộ dân nơi đây, đẩy tất cả bà con trẻ già lớn bé ra nằm đường với hai bàn tay trắng đúng nghĩa đen. Mà đó là những người dân đã định cư tại đây từ năm 1954 đến bây giờ, không phải một xóm liều mới dựng chòi lên đâu chừng dăm bữa nửa tháng.

Vậy thì, nói làm gì đến mấy chữ “văn hóa công vụ” cho nó sang; còn có một chút nhân tính nào đâu đối với cái bầy thú dữ kia mà đòi chúng phải học “văn hóa công vụ”? Tuy nhiên, trước hành động trời không dung đất không tha như kia thì các ông bà tứ trụ lại hoàn toàn câm miệng. Rõ ràng là các ông bà đã để cho lũ súc sinh phường 6 Quận TB TP HCM bôi những vết nhọ đen ngòm lên mặt mình mà mặt mình cũng là đại diện của bộ mặt thể chế ở thời điểm này rồi. Chúng tôi không biết nói sao nữa nhưng dám chắc từ nay cái mặt của các ông bà có kỳ cọ đến đâu cũng không bao giờ sạch nổi. Các ông bà nhọ nhem thì chẳng ai cần đoái hoài, nhưng một thể chế nhọ nhem thì… xin bắt chước ông Trọng: phải có thế nào thì người ta mới nhìn vào mặt mình mà kêu lên oai oái như thế chứ (Xin xem: ‘Báo cáo Thế giới 2019’ lên án nhân quyền Việt Nam, chỉ trích Mỹ về vấn đề di dân)

Bauxite Việt Nam

Đó là Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, của Thủ tướng Chính phủ, VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VĂN HÓA CÔNG VỤ. Nội dung QĐ có 3 điều, tóm tắt như sau:

Điều 1- Phê duyệt Đề án với 6 tiểu mục: 1- Mục tiêu; 2- Phạm vi đối tượng áp dụng; 3- Quan điểm; 4- Nội dung;  5- Các giải pháp thực hiện; 6- Tổ chức thực hiện.

Điều 2- Hiệu lực thi hành. Có 2 tiểu mục : 1- Hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. 2- Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam… cơ quan của Quốc hội… xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Điều 3- Trách nhiệm thi hành.

Tôi phát hiện thấy vài điều có thể và nên bình luận. QĐ này được ban hành cùng với các QĐ của Đảng về nêu gương của cán bộ cấp cao, về xiết chặt kỷ luật, về tổ chức các đợt học tập đạo đức. Ra các QĐ như vậy chứng tỏ sự lúng túng của lãnh đạo trước thực trạng bi đát về đạo đức và năng lực của CB. Tình trạng đã quá rõ ràng. Nó là kết quả của một quá trình do kết hợp giữa 2 thứ: Nguyên nhân gốc và điều kiện môi trường. Nguyên nhân gốc là chủ thuyết Mác Lê với chuyên chính vô sản, độc tài toàn trị. Điều kiện môi trường được tạo nên từ mặt trái của nền kinh tế và văn hóa, là một số sai lầm hoặc thiếu sót trong chủ trương và luật pháp.

Muốn đưa ra được các giải pháp đúng nhằm khắc phục tình trạng bi đát cần có trí tuệ và lòng dũng cảm để phân tích nguyên nhân gốc. Thế nhưng vì lãnh đạo thiếu cả hai nên không thấy hoặc không dám tìm ra để loại bỏ mà chỉ dám nhìn đến vài điều kiện của môi trường rồi đưa ra giải pháp không căn bản. Ra các QĐ như trên là một dạng của việc làm hình thức và rất kém hiệu quả. Phải chăng để tự an ủi  là đã làm một việc gì đó và có cớ để thanh minh rằng đã biết và quan tâm.

Tôi thấy phần lớn các QĐ dài dòng là tập hợp của một đống ngôn từ và khẩu hiệu, rườm rà, chất lượng thấp, được viết ra một cách dễ dãi. Riêng QĐ 1847-QĐ/TTg chứa đựng một số điều hơi lạ.

Thứ nhất là đối tượng áp dụng. Tiểu mục 2 điều 1 ghi: Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;  b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Điều 3: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Các tiêu chí về văn hóa, đạo đức cũng như luật pháp là cho mọi người. Thế nhưng QĐ về văn hóa công vụ này chỉ áp dụng cho từ Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh trở xuống. Phải chăng cấp cao hơn được đặt ra ngoài? Phải chăng họ đã có đủ văn hóa hoặc không cần thực hành văn hóa.

Thứ hai là quan điểm. Xem ra quan điểm chẳng có gì khác so với mục tiêu. Cả hai chỉ là để CB làm tốt chức trách. Thế mà tiểu mục 3 (điều 1) về quan điểm được viết thành 4 đoạn a; b; c; d khá dài dòng, hình như người ta cố viết dài để phô trương kiến thức.

Thứ ba là một số qui định cụ thế. Văn hóa, đạo đức bao gồm những điều chung cho mọi người, Khi đề cập văn hóa công vụ là đã khu biệt, đã nâng cao trên mức của người lương thiện bình thường, chỉ phải nêu những điều mà công vụ  mới cần, còn dân thường không có dịp thực hành. Những điều mà mỗi công dân lương thiện cần có thì bắt buộc cán bộ phải có, chỉ cần viết 1 câu để mọi người hiểu và thực hiện đúng. Vậy không cần nêu ra cụ thể các điều như là: ý thức về bổn phận, có ý thức tổ chức, kỷ luật, không gây khó khăn, không vô cảm, không ích kỷ, không ghen ghét, không nịnh bợ, phải biết tôn trọng, biết lắng nghe người khác, phải cần kiệm, phải trung thực, hút thuốc lá đúng nơi quy định, v.v… Trong các quy định cụ thể  tôi dị ứng với 3 điều: Bốn xin, đi dép có quai hậu và nịnh bợ vì động cơ không trong sáng.

Bốn xin là xin chào, xin lỗi, xin cám ơn và xin phép. Khi mở mồm nói lời xin người ta thường đã tự đặt mình vào thế yếu. Trừ việc xin chào, có thể dùng theo thói quen, nhưng chỉ nên hạn chế trong một số trường hợp cần thiết. Các thứ xin khác cần phải học để dùng cho đúng, nhưng dùng càng ít càng tốt, đặc biệt là xin lỗi. Nếu bạn gây ra lỗi thì phải biết để không những phải xin lỗi chân thành mà còn phải làm nghĩa vụ liên quan. Nhưng mỗi tuần hoặc mỗi ngày bạn phải xin lỗi vài lần thì bạn là loại người gì vậy, sao mắc nhiều lỗi thế. Còn nếu thật sự không có lỗi mà cứ xoen xoét xin lỗi thì bạn là loại giả dối có hạng.

Về việc đi dày dép. QĐ ghi rõ ràng là phải “đi giày hoặc dép có quai hậu”, nghĩa là cấm đi dép không có quai hậu. Qui định như thế này là quá vụn vặt.

Về nịnh bợ. QĐ ghi: “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Đọc câu vừa rồi có thể suy ra, có loại nịnh bợ vì động cơ trong sáng, và loại đó không bị cấm.

Thứ tư là tiểu mục 2 của điều 2: Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; các cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã áp dụng các nội dung của Đề án để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ phù hợp với đặc thù trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc được văn bản mà Thủ tướng Chính phủ quy định cho các cơ quan Đảng và Quốc hội. Oai ghê, quyền to ghê. Không biết điều này tự ông Thủ tướng nghĩ ra hay có quân sư nào mách nước. Không biết ngài Tổng bí thư và các vị trong Bộ chính trị, các vị ở Thường vụ Quốc hội có ý kiến gì không, còn tôi cho rằng các vị đã bị qua mặt.

Thứ năm là ba nội dung có chỗ trùng lặp và mâu thuẩn. Đó là điều 2- Hiệu lực thi hành, điều 3- Trách nhiệm thi hành và tiểu mục 6 của điều 1- Tổ chức thực hiện.

Viết vài lời bình luận để thấy rằng QĐ 1847 là một văn bản chất lượng thấp và người soạn thảo có trình độ chưa xứng tầm với công việc.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in quan chức. Bookmark the permalink.