Mạc Văn Trang
Kg Ban Biên tập trang nhà,
Tôi là một độc giả thường xuyên, hôm nay vào đọc bài của tác giả Mạc văn Trang thấy ông phân tích rất có lý, nên chỉ muốn góp thêm là:
Chính cái bọn mà được dân nuôi bằng tiền thuế bây giờ có chức có quyền lại bức bách đàn áp nhân dân, tham nhũng, đánh tráo khái niệm chủ tớ, mới đích thực là bọn ĂN CHÁO ĐÁ BÁT!
Kính,
Minh Ha
Xin không dài dòng, nói ngay vào cái “lý sự” này của mấy người “còn đảng còn mình”, lên án những người có thái độ phê phán chế độ hiện nay. Họ cho rằng những người đã học hành, thành đạt từ chế độ này thì phải tuyệt đối phục vụ chế độ này; phải trung thành tuyệt đối, phải ca ngợi chế độ chứ không được phê phán chế độ; thậm chí không được phê phán những sai lầm, tội lỗi của những người cai quản chế độ này. Lý sự của họ là: “Đảng và Nhà nước đã cho ăn học”; “Đảng và nhà nước đã gửi anh ra nước ngoài đào tạo”; “Đảng và nhà nước đã quy hoạch, bồi dưỡng anh”… Thế mà bây giờ anh quay lại phê phán Đảng và chế độ này?
Với cái não trạng như vậy, nên năm trước GS Ngô Bảo Châu có viết một câu gì đó, mà một số người cho là đụng chạm đến vong linh của chế độ, liền bị đám dư luận viên xúm vào phê phán là “vong ân, bội nghĩa”, nhiếc móc là đồ “ăn cháo, đá bát”(?)… Nhưng đối với đám DLV, chả chấp làm gì!
Năm vừa qua, khi GS Chu Hảo bị Đảng CS phê phán, kỷ luật khai trừ đảng, nhiều người bày tỏ sự bất bình với quyết định ấy, thì mấy ông già cũng lên tivi phê phán GS Chu Hảo với ý là “Đảng và Nhà nước đã ưu ái cho đi đào tạo…, bố trí anh vào vị trí này nọ, thế mà bây giờ anh lại quay ra phê phán lại chế độ…”.
Xin có mấy ý kiến thế này:
1. Nếu những ai được đào tạo từ chế độ đó mà không trung thành với nó, là “ăn cháo đá bát”, thì thử hỏi, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 là gì, khi tất cả các thành viên của nó đều được đào tạo, nuôi dưỡng từ chế độ thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn?
2. Lâu nay nhiều người trong bộ máy cai trị xã hội này rất láu cá, luôn đem “Đảng Bác”, “Đảng, Nhà nước”, “Xương máu của bao liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh”… để che chắn cho họ và mượn uy danh đó để ra oai dọa dẫm thiên hạ. Vừa rồi, ở cấp trung ương quản lý, mấy chục “đồng chí bị lộ”, té ra , các “đồng chí” này toàn là loại tham nhũng, cướp bóc, hại dân, hại nước, vô đạo đức… Thế mà mới trước đó họ vẫn nhân danh cho “Đảng, Nhà nước, chế độ…”, lên mặt hăm dọa, dạy bảo nhân dân! Rõ ràng, khi có quyền, họ đã đánh tráo vai trò, vị thế, từ “đầy tớ” thành “ông chủ” để tác oai tác quái.
Họ luôn mồm nói học tập làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng họ không nhớ, năm 1946, Cụ Hồ đã nói: Cán bộ từ Chính phủ trung ương đến các làng đều là đầy tớ của dân, phục vụ dân, chứ không phải đè đầu cưỡi cổ dân; “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”… Vậy đó, cái Đảng này, Nhà nước này đều ăn cơm dân, mặc áo dân; những món quà họ đem tặng cho người này, người kia, cũng là tiền của dân cả. Đáng lẽ họ có nhiệm vụ phục vụ dân, thì lại đi tiếm quyền của dân, rồi lấy quyền đó, thành ông chủ để ban ơn và kể công với dân…
Vậy những người thành đạt trong xã hội này, nếu mang ơn thì mang ơn cha mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng; mang ơn nhân dân bao đời đã xây đắp nên xã hội này, chứ đâu phải lo đền ơn, đáp nghĩa mấy người “đầy tớ” ngồi văn phòng, ăn lương, hưởng bổng lộc của dân, rồi ký tên, đóng dấu và kể công.
Người thành đạt ấy có nghĩa vụ trung thành và đền đáp ân nghĩa của nhân dân, phục vụ xã hội, phụng sự Tổ quốc, chứ không phải mù quáng trung thành phục vụ cho một nhóm lợi ích nào, nhất là khi nó đã thối nát.
3. Chỉ trong các băng đảng xã hội đen thì các “đại ca” mới lo tuyển chọn tay sai tuyệt đối trung thành với mình (chứ không phải trung thành với nhân dân); và khi cất nhắc giao việc cho đàn em thì chú mày phải tuyệt đối trung thành với “đại ca” với tổ chức. Khi anh nghỉ, chú mày lên thay, phải ra sức giữ cho cái băng đảng này tồn tại càng lâu càng tốt, và cấm không được bới móc lại sai lầm của các tiền bối…
Không biết cái cơ chế “tuyển chọn, quy hoạch, bố trí cán bộ” của chế độ ta có giống gì với ví dụ trên không, nhưng những người kế tục, thường bao che cho những sai lầm trước, bao nhiêu sai lầm cứ lùng bùng, kéo dài mãi. Vụ Thủ Thiêm mới đây là một ví dụ. Qua 4 nhiệm kỳ, 20 năm, bao sai trái, oan khuất bị vùi lấp đi, cuối cùng mới bung bét ra… Như vậy là người sau trung thành với người trước, với tổ chức của họ, chứ đâu có trung thành với dân, phục vụ dân. Rồi cả cái băng đảng trung thành với nhau ấy sẽ phải chịu tội trước nhân dân.
Tóm lại, mỗi người đủ trưởng thành, có ý thức rõ về bản thân và xã hội, sẽ tự biết mình phải làm gì và như thế nào là đền ơn Nhân dân, phục vụ xã hội, trung thành với Dân tộc, phụng sự Tổ quốc.
15/1/2019
M.V.T.
Nguồn: FB Mạc Văn Trang