Đỗ Thanh Nhân
Đỗ Thanh Nhân – tác giả gửi bài đến Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam
Luật An ninh mạng có hiệu lực rồi, bài viết này đưa tin hoàn toàn đúng sự thật. Tác giả mong nhận được sự phản biện, tranh luận với quan điểm thượng tôn pháp luật. Trên cơ sở Thủ tướng kêu gọi một chính phủ minh bạch, kiến tạo phát triển và muốn có được một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân chủ.
Như vậy, từ năm 2018 đến nay chưa đầy một năm đã có 3 vụ xôn xao dư luận về đất đai. Chính quyền minh bạch nên công khai hồ sơ nguồn gốc và tiến trình sử dụng đất cùng với quy định pháp luật về đất đai từng giai đoạn.
Thấy trên mạng xuất hiện vài tấm ảnh về hiện trạng đất đai của “Vườn rau Lộc Hưng” trước kia, từ đó có kẻ cho rằng người dân ở đây vi phạm pháp luật về đất đai (!). Tại sao họ không đưa ra cả một tiến trình sử dụng đất cho các vụ khác nữa?
Với góc độ người dân, tôi tìm hiểu về hiện trạng đất đai từng vụ qua ứng dụng Google Earth Pro (*), và đưa ra 3 clip gồm: “Biệt thự ca sỹ Mỹ Linh” (1), “Lăng mộ Chủ tịch Trần Đại Quang” (2) và “Vườn rau Lộc Hưng” (3) theo đúng hiện trạng qua từng giai đoạn mà hệ thống lưu trữ.
oOo
I. Hiện trạng sử dụng đất
Thực hiện nội dung các clip: nhập từ khóa (theo từng clip), hiện lên hiện trạng đất hiện tại dịch chuyển về thời gian trước đó cho đến khi không còn lưu trữ. Nội dung các clip bên dưới, chú ý ngày hiện trạng theo định dạng “tháng/ngày/năm” ở góc trên bên trái clip.
Clip 1: từ khóa “Biệt thự ca sỹ Mỹ Linh, Minh Phú, Sóc Sơn, Hanoi, Vietnam”.
Hình ảnh lưu trữ lần đầu, ngày 13/04/2002 (17 năm). Lúc đó vẫn là một khu rừng phủ kín cây cối.
Clip 2: từ khóa “Lăng mộ Chủ tịch Trần Đại Quang, Quang Thiện, Kim Sơn District, Ninh Bình Province, Vietnam”.
Hình ảnh lưu trữ lần đầu, ngày 21/07/2012 (7 năm).
Ngày 03/07/2015 khu đất này thuộc cánh đồng trồng lúa nước.
Clip 3. Tra theo từ khóa “Vườn rau Lộc Hưng, phường 6, Tan Binh, Ho Chi Minh City, Vietnam”.
Hình ảnh lưu trữ lần đầu, ngày 27/09/2000 (19 năm).
Đất trồng rau màu, đến năm 2013 mới xây dựng công trình trên đó.
Xem 3 clip này thấy có điểm chung sau:
Hiện trạng sử dụng đất biến động từ nhóm đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; đều không phải đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Nguồn gốc từ hiện trạng sử dụng đất ban đầu:
– Clip 1: từ đất rừng phòng hộ
– Clip 2: từ đất trồng lúa nước
– Clip 3: từ đất trồng cây hàng năm
Xét về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, kết hợp với các mục tiêu môi trường, bảo vệ rừng, an ninh lương thực thì đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa nước sẽ khó khăn, phức tạp hơn đất trồng cây hàng năm.
oOo
II. Các câu hỏi
Chỉ so sánh với 3 khu đất ở 3 clip nói trên, người dân có quyền đặt câu hỏi đến các cơ quan chức năng.
1. Căn cứ pháp lý để cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên các khu đất này?
2. Hồ sơ về quy hoạch đất đai 10 năm, 5 năm; kế hoạch sử dụng đất hàng năm để làm căn cứ pháp lý cho chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch?
3. Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, có thu hồi đất đã đúng trình tự thủ đầu tư chưa, có thông qua hội đồng nhân dân và lấy ý kiến cộng đồng dân cư chưa; đã có kiểm kê, lập – thẩm định phương án đền bù chưa? Trước khi cưỡng chế thu hồi đất.
4. Lý do cưỡng chế, phá dỡ do xây dựng trái phép;
Xem clip 3, quá trình xây dựng các công trình trên “Vườn rau Lộc Hưng” từ năm 2013, lúc đó chính quyền ở đâu? Để cưỡng chế hủy hoại tài sản của người dân, cơ quan thực hiện cưỡng chế đã có đủ hồ sơ vi phạm hành chính, quyết định xử lý theo đúng quy định pháp luật?
5. Trường hợp cưỡng chế, phá hoại tài sản vì sử dụng dụng không đúng mục đích; sau khi phá dỡ xong có giao đất lại cho người dân sử dụng theo mục đích trước đó hay không? v.v.
oOo
III. Gởi đến cộng đồng
Mạng xã hội và báo chí thông tin nhiều chiều về vụ “Vườn rau Lộc Hưng”.
Đối với đám dư luận viên che mặt nói leo, chửi theo định hướng tuyên giáo không nói làm gì.
Nhưng với những nhà báo, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng; các vị cũng biết là: tất cả các chủ trương chính sách của Đảng thì người dân lao động là đối tượng chịu tác động và dễ bị tổn thương nhất; nên đề nghị các vị: nếu không bảo vệ được người dân thì cũng nên bảo vệ cho được sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật.
Trong khi giữa người dân sử dụng đất và chính quyền chưa thống nhất nhau về quyền sử dụng đất; tại sao nhà báo không tìm hiểu kỹ rồi đưa tin hoặc đề nghị hai bên đối thoại và đưa ra chứng cứ xác tín.
Thiên chức của người làm báo là đưa tin trung thực chứ không phải bảo vệ tà quyền.
Ngoài pháp lý, còn đạo lý nữa.
Theo hiện trạng sử dụng đất clip 3 thì việc xây dựng công trình ở “Vườn rau Lộc Hưng” đã có từ năm 2013 đến nay. Cứ cho là người dân vi phạm, thì cũng đã vi phạm trong một thời gian dài; nhưng chính quyền lại chọn thời điểm đập phá vào những ngày cận Tết Nguyên đán, đẩy cả hàng trăm hộ gia đình; có cả trẻ em, người già, tàn tật vào hoàn cảnh không chốn dung thân; chẳng khác gì chính quyền xem họ là kẻ thù phải truy cùng diệt tận.
Các vị có biết ngày Tết thiêng liêng như thế nào không? Ai cũng cần một nơi để gia đình sum họp, ai cũng cần có chỗ để thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên.
Có thể theo cộng sản phải vô thần, nhưng chắc chắn người cộng sản nào cũng có cha mẹ, ông bà! Tất nhiên trừ những kẻ như Karl Marx nói: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”.
Viết thêm từ gia đình tôi:
Mặc dù “chế độ Mỹ Ngụy tàn ác đến mức giết người ăn gan”, nhưng những người dân tản cư như gia đình tôi đến ở các khu đất công thuộc đô thị của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn được “Quốc gia” cấp tôn lợp nhà, cấp gạo để ăn; ngày Tết còn được cấp thêm sữa, đường, bột, thịt nữa.
Đ.T.N.
______
Ghi chú:
(*) Google Earth Pro phải cài đặt trên máy tính với cấu hình tương đối mạnh mới chạy được. Phần mềm này lưu trữ ảnh chụp trên cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chọn chức năng Historical Imagery để thể hiện lịch sử hiện trạng sử dụng đất qua các mốc thời gian lưu trữ trước đó.
(1) “Biệt thự ca sỹ Mỹ Linh”:
https://www.facebook.com/dotnhanvn/videos/pcb.2405844449638727/2405836216306217/?type=3&theater
(2) “Lăng mộ Chủ tịch Trần Đại Quang”:
https://www.facebook.com/dotnhanvn/videos/pcb.2405844449638727/2405836282972877/?type=3&theater
(3) “Vườn rau Lộc Hưng”:
https://www.facebook.com/dotnhanvn/videos/pcb.2405844449638727/2405836412972864/?type=3&theater
Tác giả gửi BVN