Ánh Liên
Không có nhiều người đủ sự can đảm để đối diện với áp đặt quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam khi án tù, bắt cóc, truy nã, thậm chí tăng nặng hình phạt gần đây đã gieo một nỗi lo sợ về thực thi quyền tự do ngôn luận.
Nhà nước Việt Nam dường như đang cố gắng sao chép mô hình kiểm soát internet của Trung Quốc vào Việt Nam, và điều này càng xác đáng hơn khi Facebook trở thành một ‘trận địa mới’, theo lời người đứng đầu Ban Tuyên giáo TW – ĐCSVN.
Cắt giảm quyền tự do, giữ chặt quyền độc tôncông lý đang khiến không gian xã hội dân sự Việt Nam trở nên ngột ngạt.
Livestream – tính năng truyền trực tiếp từ Facebook giúp không ít người dân ‘bóc phốt’ các quan chức, hoặc đội ngũ nhân viên nhà nước nhũng nhiễu, quan liêu. Nhưng đồng thời nó cũng là cái gai trong mắt không ít chủ thể này. Mới đây, Chính quyền Tp. Hà Nội cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm nơi tiếp dân khi chưa được cho phép (mặc dù sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng chỉnh đốn lại: Tiếp dân cũng phải ghi âm, ghi hình, hỏi cung cũng vậy, quy định như thế để đảm bảo quyền con người).
‘Quyền giám sát đang bị bóp nén lại, và nó sẽ tiếp tục bóp nén’, Thu Hương – một người hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy cải cách hành chính tại Hà Nội cho biết.
‘Sẽ khó tránh trạng thái quan liêu hay tham nhũng nếu như tước đoạt công cụ hỗ trợ quyền giám sát của người dân’, Thu Hương nhấn mạnh.
Câu chuyện của Tp. Hà Nội là một trong nhiều những hình thức ‘cấm’ mà phía chính quyền ban hành dưới lớp từ đẹp đẽ ‘bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, văn hóa ứng xử’.
Và cũng như vậy, ở cấp cao hơn – Quốc hội Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng, với khẳng định là nhằm chống khủng bố và gián điệp trên mạng internet. Nhưng ai cũng hiểu, là Hà Nội muốn kiềm soát con ngựa mà họ cho là bất kham, con ngựa thách thức tính chính danh, tính thiêng của chính thể – mạng xã hội.
Facebook, nơi có hơn ½ dân số Việt Nam đang sử dụng đã thoát ly từ chia sẻ cá nhân thành một diễn đàn bày tỏ quan điểm rộng lớn, nơi mà sự chỉ trích và phản biện đối với những chính sách, chủ trương Nhà nước Việt Nam nhảy theo từng giây một. Thậm chí vào năm 2014, Facebook trở thành một sàn đấu chính trị, nơi mà các nhóm ứng cử viên ĐBQH độc lập sử dụng để vận động cử tri. Một cử chỉ hiếm hoi ở các nước Cộng sản trong bầu cử.
Nhà nước Việt Nam còn kết hợp nhiều yếu tố khác, khi buộc Google và Facebook nội địa hóa dữ liệu người dùng để hỗ trợ Hà Nội xem lén dữ liệu, hoặc gỡ bỏ những nội dung mà chính quyền Việt Nam thấy độc hại. Họ còn đi xa hơn, khi mua dàn thiết bị giám sát trị giá 5 triệu bảng Anh, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có cả nghe – đọc – xem lén thông tin của người dân, những người mà họ dán nhãn ‘đối tượng phản động’.
Không có một hệ thống kỹ thuật lớn như Trung Quốc khi xây dựng được mạng xã hội riêng, hay một bức Vạn lý Trường thành trên Internet. Thế nhưng, Việt Nam đang tìm cách tách ra để trị, sử dụng nhiều phương pháp để dập tắt những tiếng nói mà họ cho là ‘nguy hại’ với chế độ. Đến mức, gần đây, Hà Nội còn sử dụng cả một Nghị định từ thời chiến tranh (1957) về hội họp để làm gián đoạn một hội thảo thường niên về xã hội dân sự.
Nhà tù vẫn là công cụ hữu hiệu để công khai răn đe những ai lớn tiếng về ‘tự do’. Bất kỳ ai đi ngược lại với chủ trương, đường lối được xác lập bởi ĐCSVN đều phải đối diện với án tù, thậm chí lên đến 20 năm. Theo thống kê của Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, năm 2018, có ít nhất 51 người đấu tranh ôn hòa, chủ yếu trên internet bị chính quyền bắt giam và khởi tố theo Điều 331 (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ), Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước), và Điều 79 (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân).
Cùng với một loạt các văn bản luật và văn bản hướng dẫn ứng xử được thông qua vừa qua, Hà Nội đang hy vọng xây dựng một xã hội đồng thuận 100% như trước đây, một xã hội với câu mở miệng: ơn Đảng và ơn Chính phủ.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2018 của Phóng viên Không Biên giới.
Trong một bài viết có liên quan, The National cho biết, tự do ngôn luận tại Việt Nam có ảnh hưởng qua lại với tự do ngôn luận tại Phương tây. Điều này có vẻ là có lý, bởi sự im lặng hay thông đồng, thậm chí ôn hòa quá mức của giới nước Phương Tây càng khiến cho chính quyền Hà Nội tăng cường thủ đoạn để chà đạp nhân quyền.
Khi phương Tây còn ‘dĩ hòa vi quý’ (nhất là chỉ chú trọng lĩnh vực nhân quyền ít nhạy cảm như LGBT), thì nhân quyền càng bị bóp méo, tiếng nói càng bị thắt chặt. Hay xói mòi liên tục của quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam càng làm cho niềm tin và hy vọng về một lý tưởng nhân quyền tại Tây Phương đang dần chuyển thành màu đen.
Nguyễn V. một thành viên tham gia hội thảo XHDS thường niên Hà Nội cho hay: trong mắt chính quyền Việt Nam, những khuyến nghị phương Tây không có nghĩa địa (ý nghĩa) gì cả! Bởi phương Tây thừa chia sẻ, thuyết phục nhưng thiếu sự chế tài.
A.L.
VNTB gửi BVN