Phạm Quang Tuấn
Việc Trump nổi hứng rút quân ở Syria và Afghanistan chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến Jim Mattis từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Vị tướng lãnh này thường được coi là người cuối cùng cầm lái giữ cho chính sách quân sự – ngoại giao của Mỹ đỡ chao đảo trước những hành động và tuyên bố tùy ứng của Trump, sau khi những quan chức cao cấp khác như tướng John Kelly và Rex Tillerson đã bỏ đi hay bị cách chức. (Ba người này thường được gọi là “ba người lớn” – the three adults – trông chừng cậu bé Trump.) Trong khi Trump dùng tweets để gây hấn hay gieo ngờ vực ở các đồng minh từ Âu sang Á: Canada, Pháp, Đức, Hàn, Úc…, nhắm mắt làm lơ cho những hành động xâm lược phá hoại của Nga, thì Jim Mattis, với chức BT Quốc phòng và uy thế cá nhân của một vị tướng được quân lính Mỹ và cả hai đảng lớn kính nể, đã không ngừng đi vòng vòng thăm các đồng minh để trấn an họ rằng Mỹ sẽ giữ vững các cam kết của mình. Đối với Tàu, Mattis có chính sách cứng rắn, gửi nhiều tàu chiến Mỹ “diễu võ dương oai” dưới hình thức FONOP (tự do hải hành) trên biển Đông. Các nước khác, chán nản và lo lắng với những tuyên bố bất nhất tùy hứng của Trump, đặt tin tưởng vào Mattis là tiếng nói đích thực của chính phủ Mỹ.
Trump có định “diệt Trung Cộng” không?
Việc Trump quá nhũn với Nga và đặc biệt là với Putin thì ai cũng biết. Tuy nhiên, nhiều người Việt hiểu lầm là chính sách quân sự cứng rắn của Mỹ với Trung Cộng là ý của Trump. Thực ra, Trump hoàn toàn không lưu tâm đến những hành động của Tàu ở Á châu, cũng như của Nga ở Âu châu. Vấn đề Biển Đông có thể hiện ra vài câu trong những diễn văn chính thức của Trump, nhưng những bài đó chỉ là người khác viết cho ông ta đọc. Những vấn đề mà chính Trump để ý là những gì Trump tự viết ra trên twitter hoặc trả lời ngẫu hứng. Trong suốt hai năm và mấy ngàn tweets, hầu như không bao giờ Trump nói về Biển Đông, hoặc có nói thì cũng rất sơ sài, lướt qua nhân nói về chuyện khác.
Sau khi mới đắc cử, khi Trump tiếp TT Đài Loan và Trung Cộng phản đối. Trump tweets:
“Did China ask us if it was OK to devalue their currency (making it hard for our companies to compete), heavily tax our products going into their country (the U.S. doesn’t tax them) or to build a massive military complex in the middle of the South China Sea? I don’t think so!”
(“Trung Quốc có hỏi chúng ta có bằng lòng không khi họ phá giá đồng tiền của họ (khiến các công ty của chúng ta khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hoặc xây dựng một căn cứ quân sự lớn giữa biển Nam Trung Hoa? Không!”)
Câu này chỉ có ý là “mỗi bên cứ tự do làm gì thì làm, Mỹ tiếp TT Đài Loan thì cũng như TQ xây căn cứ ở BĐ thôi”, nó không có gì chứng tỏ một thái độ cương quyết chống TC.
Trump ngây thơ về các vấn đề ở Biển Đông đến nỗi trong chuyến thăm Hà Nội tháng 11/2017, ông ta nói với Chủ tịch VN Trần Đại Quang: “Nếu tôi có thể giúp làm trung gian điều đình (về biển đảo) xin cho tôi biết , tôi là một người rất giỏi về điều đình” ("If I can help mediate or arbitrate, please let me know. I’m a very good mediator and arbitrator") (https://news.abs-cbn.com/overseas/11/12/17/trump-offers-to-mediate-in-south-china-sea-dispute)
Gần đây hơn (2/6/2018), khi bộ trưởng Jim Mattis đọc diễn văn ở Singapore trách cứ Tàu đặt (thêm) vũ khí ở các đảo BĐ để hăm dọa các nước, Trump nhắc lại lời cáo buộc của Mattis rồi tweet:
“Very surprised that China would be doing this?”
(Tôi rất ngạc nhiên khi TQ làm vậy?)
(Ghi chú thêm: chữ "would" cũng như dấu hỏi cho thấy là người viết ngờ vực, không tin hẳn. Muốn dịch cho sát ý thì phải thêm vào mấy chữ: "Có thật không vậy?") Câu này chẳng có vẻ gì là từ một lãnh đạo nắm vững tình hình và hiểu rõ mưu toan của TC!
Tại sao Mỹ cứng rắn với Trung Cộng và Nga?
Trump chỉ biết lo chuyện buôn bán. Những hành động cứng rắn của Mỹ với Trung Cộng trong hai năm qua về Biển Đông, cũng như những biện pháp trừng phạt Nga, thực ra là do chính sách của “establishment” (giới lãnh đạo truyền thống) của Mỹ, gồm hai thành phần:
1. Thượng Viện Mỹ, nhất là Ủy ban Quân Đội (Senate Armed Services Committee) mà cố TNS John McCain đã làm chủ tịch, và Ủy ban Đối Ngoại (Senate Foreign Relation Committee) mà TNS Bob Corker làm chủ tịch. Cả hai chủ tịch này đều thuộc đảng Cộng Hòa, nhưng đều bất đồng ý kiến mạnh mẽ với Trump (https://thehill.com/homenews/senate/422641-corker-trump-making-devastating-decisions-on-foreign-policy). Chính UB Quân Đội đã soạn thảo và Thượng Viện đã thông qua đạo luật “John S. McCain National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2019” (Luật Ủy Quyền Quốc Phòng John S. McCain cho năm tài chính 2019) buộc chính phủ Trump phải cứng rắn hơn với Nga và TQ trong những năm tới (chứ không phải là luật này của Trump như nhiều người Việt lầm tưởng).
2. Các Bộ trưởng như Rex Tillerson (Ngoại giao) và đặc biệt là Jim Mattis (Quốc phòng), tuy nhận làm việc dưới Trump nhưng luôn luôn cố gắng lèo lái đường lối của Mỹ theo chính sách lâu dài sẵn có, cố gắng khuyên can khi Trump làm bậy, hoặc dùng quyền lực của mình để “ngâm tôm” những quyết định của Trump mà họ cho là trái luật hay quá tai hại. Những người này nhậm chức không phải để phục vụ Trump, mà để phục vụ lợi ích quốc gia.
Trump dĩ nhiên là không ưa thích gì hai người này cũng như nhiều người khác có ý hướng tương tự, bực mình vì bị chèn ép, dẫn đến việc từ chức hay đuổi việc của cả hai trong vài tuần qua. Phần hai người này thì cũng đã nhiều lần tỏ ra rất bực mình trước sự ngu dốt của Trump về luật pháp và tình hình quốc tế.
Lá thư từ chức của Mattis tuy dùng lời lẽ lịch sự nhưng nội dung là một cái tát vào mặt Trump. Mattis viết:
“Quan điểm của tôi, phải đối xử với các đồng minh với sự tôn trọng và cảnh giác trước những kẻ xấu xa và các đối thủ cạnh tranh chiến lược, là điều tôi tin một cách mạnh mẽ sau bốn thập niên đắm mình trong những vấn đề này. […] Vì ngài có quyền có một Bộ trưởng Quốc phòng với quan điểm giống ngài hơn, nên tôi thấy là tôi phải từ chức”.
Rõ ràng là Mattis đã dạy Trump một bài học về đối ngoại, và nhắc đi nhắc lại chữ “quan điểm” để nhấn mạnh rằng Trump không tin rằng Mỹ cần phải tôn trọng đồng minh và cảnh giác với kẻ địch!
Trump có vẻ không hiểu ý lá thư nên cũng lịch sự khen ngợi Mattis vài tiếng trên tweet. Nhưng hôm sau, sau khi đọc báo và hiểu ra là Mattis công kích mình, Trump nổi cáu và cử phụ tá của Mattis tạm thay thế ông ta ngay, dù Mattis hứa là sẽ ở lại điều hành công việc cho đến tháng hai.
Tóm lại
Đối ngoại, Trump chỉ quan tâm về thương mại còn chính sách ngoại giao, quân sự đã do các Bộ trưởng, các chuyên viên Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cùng Thượng viện Mỹ chăm lo. Họ đã cố gắng tiếp tục chính sách giao hảo với các đồng minh và cảnh giác đối đầu các kẻ địch của Mỹ.
Bây giờ, với Mattis, Tillerson đã ra đi, cùng với Chánh Văn phòng Nhà Trắng tướng Jim Kelly, tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ra sao? Liệu những người thay thế có đủ lương tâm và uy tín để tiếp tục phục vụ cho lợi ích quốc gia, hay Trump sẽ thay thế họ bằng những kẻ biết cong lưng hơn? Nước Mỹ và thế giới (có lẽ trừ Putin) đang hồi hộp chờ đợi.
P. Q. T.
Tác giả gửi BVN