Đỗ Trọng Khơi
Thấy các báo Nhà nước bình nhộn, tôi cũng leo theo bình xét 10 sự kiện trong năm xem Tư bình có nghĩa lý khác Công bình không. Xin trình anh chị em xem vui nhé: 8 BẠI + 2 THÀNH = 10 SỰ KIỆN 2018.
1. Sự kiện Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc Hội bầu làm Chủ tịch nước. Kể từ năm 1969, Chủ Tịch Hồ Chí Minh qua đời, tới năm 2018 hai chức vị lớn nhất này lại do một người nắm giữ. Điều này dân quen gọi là nhất thể hóa.
2. Thành công của các đội tuyển bóng đá U23 và tuyển Quốc gia trong thời Huấn luyện viên Park Hang Seo. Đây là những thành công đã nhận được sự cổ vũ hào hùng của hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong và ngoài nước. Thầy trò HLV Park Hang Seo xứng đáng được vinh danh.
3. Vụ tiêu cực đất ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh sau 16 năm người dân ở đây đã phải chịu bao bất công khốn khó mới bị phanh phui ra trước công luận, đòi được giải quyết thỏa đáng, và hệ quả kèm theo là đề án xây Nhà hát giao hưởng cũng đã gây sóng gió lớn trong dư luận mạng.
4. Vụ tiêu cực chấn động trong thi cử năm học 2017-2018, cũng như nhiều sự việc tiêu cực xẩy ra ở các trường trong toàn quốc, đã cho thấy sự xuống cấp thê thảm của ngành giáo dục. Kỳ lạ là những chiếc ghế lớn nhỏ trong Bộ Giáo dục vẫn nguyên vị vững vàng.
5. Sự kiện ra đời Luật An ninh mạng, và sự kiện Luật Đặc khu gây nổi sóng dư luận về mối lo an nguy tới chủ quyền lãnh thổ, quyền tự do về thông tin cá nhân, gây ra biểu tình phản đối rộng khắp trong nhiều tỉnh thành.
6. Vụ án Đinh La Thăng + Trịnh Xuân Thanh. Lần đầu tiên, một Ủy viên Bộ Chính Trị phải ra tòa và chịu án nặng. Có thể gọi đây là vụ án “2 trong 1” – chính trị và kinh tế, song nặng chính trị nhẹ kinh tế. Vì sao? Vì danh án hai ông đều có liên quan “ẩn mật” tới quan hệ Quốc tế. Ông Đinh La Thăng bị xử tù 31 năm, đền bù 600 tỷ đồng trong khi không hề có kết luận tội tham nhũng. Về chính trị, ông Thăng đã nhiều lần công khai phản đối các nhà thầu Trung Quốc, vì thế (rất có thể) TQ đã gây sức ép để loại trừ ông?!
Vụ xử Trịnh Xuân Thanh không chính trị cũng thành ra chính trị, vì nó đã gây phương hại không nhỏ trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước Đức và Séc.
7. Vụ ông Võ Kim Cự. Tội ông Cự cao như núi Hồng Lĩnh, đầy như nước sông Lam, nhưng “tốt đẹp thay” không những thoát tội, ông lại được lên chức và rồi hạ cánh an toàn, xuất ngoại – định cư ở nước ngoài (sau khi với cương vị Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh Hà Tĩnh ông đã cho xây dựng Nhà máy thép Formosa, gây thảm họa môi trường lâu dài cho dân cư sinh sống trong vùng biển này). Vậy sao ông Cự không bị đưa ra xét xử? Thật dễ hiểu là đưa ông Cự ra xử thì sao có thể dung thứ Formosa cùng các vị quan trên dây với ông ? Từ góc độ Formosa quy chiếu lại vụ án Đinh La Thăng, thêm thấy rõ hơn yếu tố chính trị, “nước lạ”, cũng như kiểu xử ‘án bỏ túi’, ‘có án mà không rõ tội’, ‘có tội mà thoát án’ của tòa án xứ ta xưa nay.
8. Vụ án đánh bạc nghìn tỷ, xử Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và đồng bọn là các tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Hóa, kèm theo vụ án này là hàng loạt các tướng từ cấp Thứ trưởng, Tổng cục trưởng phải mất chức, giáng quân hàm và bị truy tố. Đây là lần đầu tiên cơ quan quyền lực khủng khiếp này bị đánh tận gốc rễ.
9. Vụ án Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm”, Đinh Ngọc Hệ, tức “Út Trọc”, chức nhỏ mà quyền lớn. và nó đã góp phần làm rung chuyển cả hai Bộ mà các ông đầu quân. Qua vụ án xử mấy ông giời con này thêm thấy lỗ hổng to lớn của hệ thống quản lý nhà nước trong việc quản lý con người, đất đai, ngân hàng và doanh nghiệp công sản.
10. Cuộc sống làm việc đầy ám ảnh trong những ngày cuối đời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng như việc sử dụng đất xây lăng mộ cho ông với mối lo tạo một tiền lệ lãng phí đất nông lâm nghiệp.
Đ. Tr. Kh.
Nguồn: FB Đỗ Trọng Khơi