Vì sao nhóm lợi ích buộc phải từ bỏ sân golf Tân Sơn Nhất?

Phạm Chí Dũng

Sài Gòn: Động thái ‘lạ’ của Sở Quy hoạch – Kiến trúc

Bốn tháng sau quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT), vào đầu Tháng Mười Hai, 2018 Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc bỗng có một động thái lạ: cơ quan này gửi một văn bản cho Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố. Văn bản này lấy cơ sở là quyết định hồi Tháng Tám, 2018 của Bộ GTVT về điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phần diện tích sân golf sẽ được làm nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc có “dũng khí” đến thế khi dám nêu ra một đề xuất như vậy, dù cơ quan này bị coi là đã từng giấu biến nhiều tài liệu quy hoạch giải tỏa đất đai mà không thông báo cho người dân biết, đặc biệt cơ quan này còn dính dáng không nhỏ về trách nhiệm đối với phi vụ tấm bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị biến mất cực kỳ đáng nghi ngờ mà cho tới nay các cơ quan công quyền luôn “sẽ tìm kiếm” nhưng tìm mãi vẫn không ra.

Thậm chí đề xuất loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất còn được công khai cho báo chí và dư luận xã hội biết. Sẽ là một điều dối trá nếu cho rằng nhiều người tin là Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc, hoặc chính quyền ở Sài Gòn tự thân làm hoặc tự động chỉ đạo làm cái việc “nhạy cảm” còn hơn cả ăn gan trời đó, khi những cơ quan này đã câm lặng trong suốt hàng chục năm trờ, kể từ khi đại gia Dương Công Minh thẳng tay chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây ô nhiễm và gây nạn tắc kẹt kinh khủng cả dưới đất lẫn trên trời ở sân bay dân dụng hiện hữu.

Đề xuất loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất chỉ có thể được “cho phép” hiện ra với tín hiệu bật đèn xanh từ Bộ Quốc Phòng – cơ quan chủ quản của chính sách kinh tế quốc phòng kiêm hoạt động kinh doanh sân golf Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT – cơ quan được xem là tồn tại một nhóm lợi ích giao thông khổng lồ mà đã không ít lần ‘trùm mền’ cả Bộ Chính trị, cả chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc.

https://2.bp.blogspot.com/-iw62S3uYTpw/XCAd8G3G0yI/AAAAAAAAdHc/SGfbN8IFesE9E1yhxCduWClIU2XF31byQCLcBGAs/s640/PCD_San-bay-TSN_01.jpg

Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất. (Hình: baoxaydung.com.vn)

Sân bay của thời VNCH bị phá nát ra sao?

Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3,000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 diện tích sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.

Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh – người mà giờ đây đang ngự trị ở Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự TSN từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf TSN cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng… Theo nhà báo Nguyễn Đình Ấm, người có thâm niên trong ngành hàng không và hiện nay là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, thì thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm “đầu độc” người dân Sài Gòn bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf TSN mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.

Vào năm 2015, khi sân bay TSN bắt đầu rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là “thân Trung Quốc” Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay TSN.

Khi đó, Đại Tá Phùng Quang Hải chính là “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay TSN.

Quay quắt Nguyễn Xuân Phúc

Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “mở rộng phi trường TSN về cả phía Bắc và phía Nam.”

Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”.

Nhưng 8 tháng sau đó, ông Phúc đột ngột “trở cờ.”

Tháng Ba, 2018, không hiểu vì lý do “nể nang,” “nhạy cảm” hay còn là “nhiệm vụ chính trị,” cú “trở cờ” của ông Phúc té ra lại không khác gì cơ chế động não của Trương Quang Nghĩa khi “chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam,” cho dù rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay TSN về phía Nam, chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf TSN để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.

Quyết định “chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam” của Thủ Tướng Phúc vào Tháng Ba, 2018 như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf TSN là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của “con tin sân bay TSN.”

Nhưng dù vì lý do gì, quyết định trên của Thủ Tướng Phúc đang khiến ông ta bị nghi ngờ đã “bắt tay” với nhóm lợi ích sân golf TSN và cả nhóm lợi ích sân bay Long Thành.

Chưa hết, quyết định trên cũng “kiến tạo” một gót chân Asin toang hoác trên cung đường chính trị của ông Phúc – một tử huyệt mà rất dễ bị bất cứ đối thủ chính trị nào khoan chọc tung tóe vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai ngắn hạn hay cùng lắm là trung hạn của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bẵng đi một thời gian, vụ việc “sân golf trong sân bay” lắng dần theo lối nửa chìm xuồng nửa không. Tuy nhiên, vẫn có những phản ứng đáng kể xuất phát từ nội bộ đảng cầm quyền, để gần đây mới hiện ra động thái lạ của Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc khi cơ quan này gửi một văn bản cho Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố.

Đào đâu ra tiền để giải tỏa ‘phía Nam?’

Nhưng nhiều người hiểu rằng nguồn cơn thực chất mà đã khiến nhóm lợi ích phải đành từ bỏ sân golf TSN là những cuộc thỏa thuận ngầm giấu giữa các nhóm lợi ích đã không thể đạt được kết quả như “nguyện vọng”: sau một thời gian đủ dài tính toán nhiều phương án, sau vài ba lần thay đổi kế hoạch từ “chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam” đến “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc lẫn phía Nam,” rốt cuộc Thủ Tướng Phúc và dàn quan chức cấp tướng của “Bộ sân golf” đã có thể nhận ra là cho dù họ có thể, và trong thực tế là sẵn sàng vượt qua sức ép không đáng kể của dư luận xã hội, có thể dùng Ban Tuyên Giáo Trung Ương làm vòng kim cô để siết bức hơn 800 tờ báo nhà nước theo cách “cho sủa mới được sủa” và có thể giữ riệt sân golf Tân Sơn Nhất còn hơn giữ bàn thờ, nhưng phần chi phí dùng để ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam’ là cao như núi, cao đến mức không biết tìm đâu ra, và trong thực tế là vô phương tìm kiếm…

Rất nhiều khả năng là nếu chọn mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, chính quyền sẽ phải “đụng tường” khi đối mặt với một khu vực dân cư khổng lồ và các nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp… của nhiều đại gia, trong đó không thiếu đại gia quân đội thuộc các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.

Vào năm 2017, một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, kinh phí bồi thường có thể còn cao gấp nhiều lần so với con số đó. Một dấu hỏi cực lớn là trong bối cảnh cạn kiệt và hàng năm phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la, ngân sách sẽ tìm đâu ra số tiền đó để bồi thường?

Không thể kham nổi núi kinh phí giải tỏa khu vực phía Nam của sân bay TSN, đến lúc này Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đành phải từ bỏ một sân golf Tân Sơn Nhất, lời chưa thấy chỉ thấy lỗ để lấy đất “phát triển sân bay dân dụng” và cũng được tiếng là chính phủ “đã lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của nhân dân.”

P.C.D.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nhóm lợi ích. Bookmark the permalink.