Thế nào là đình công có kích động xúi giục?

Thảo Vy

Giai cấp công nhân ở Việt Nam vì sao lại sút kém trình độ chính trị để có thể dễ dàng bị kích động xúi giục trong đình công?

Chiều ngày 21-12, tại TP.HCM đã diễn ra Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM và các LĐLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh.

“Nếu suy diễn, tôi nghĩ rằng các ông, bà chủ tịch các LĐLĐ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và TP.HCM đã công khai tự diễn biến, khi ngờ vực vào khả năng lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

https://4.bp.blogspot.com/-9cGQNfTgaFA/XB-o6xGOnaI/AAAAAAAADgY/S7syLywqjP02Bq32AsGn-mFAuG8pWTapwCLcBGAs/s640/574C4BE375D7B9F110E302ED53AB9124.jpg

Ảnh minh họa.

Điều 4.1, Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Chỉ trong một câu, có đến 2 lần nhắc tới ‘công nhân’ và ‘nhân dân lao động’. Dưới sự lãnh đạo chuyên chính như vậy, thử hỏi ai có thể xúi giục hay kích động công nhân, người lao động đình công?. Một thân hữu luật gia, hiện là giám đốc doanh nghiệp ngành dệt may đã chia sẻ kiểu ‘trà dư tửu hậu’ với người viết.

Phóng viên dự để đưa tin về buổi lễ hôm chiều 21-12 tại LĐLĐ TP.HCM, kể là các vị trong LĐLĐ đã không ngại giấu vẻ lo lắng vài hôm nữa đây khi Luật An ninh mạng hiệu lực, và dự luật về đặc khu hành chính sẽ được xới lại trước kỳ họp Quốc hội, khả năng người dân lại xuống đường biểu tình phản đối. Do đó các quan chức của LĐLĐ 5 địa phương đã bàn nhau phối hợp để có thể ngăn chặn biểu tình ngay trong giai đoạn manh nha.

Một báo cáo trình bày vào chiều 21-12 tại LĐLĐ TP.HCM có đoạn viết: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trở nên căng thẳng trong thời điểm Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng. Các thế lực phản động đã có những hành động kích động, xúi giục lợi dụng người công nhân, người lao động ngưng việc tập thể, diễu hành thành từng đoàn, từng nhóm trên đường phố gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông. Đồng thời có những hành động phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó tình hình có diễn biến phức tạp khi đối tượng kéo vào các nhà máy, xí nghiệp ở ngoại thành TP.HCM và khu vực giáp ranh nhằm lôi kéo, xúi giục những công nhân đang làm việc phải cúp điện, ngừng làm việc tạo thành một nhóm lớn để biểu tình, gây rối trật tự xã hội, kích động và xúi giục công nhân đình công…”.

Từ góc nhìn nói trên, xem ra việc công nhân đình công đã được chính ngành công đoàn mặc định là mang màu sắc của chính trị, chứ không phải xuất phát từ quyền lợi vật chất như quy định ở Bộ Luật Lao động.

“Nhận định này của cả 5 tổ chức LĐLĐ tỉnh, thành là không phù hợp pháp luật. Hiến pháp có bảo hộ quyền biểu tình, không giới hạn quyền này trong thành phần nào của xã hội. Hiến pháp cũng bảo hộ quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng xác lập quyền công dân về chính trị, đó là cơ sở để đảng cộng sản mạnh miệng cam kết rằng mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Ở bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, lẽ ra ngành công đoàn cần hiểu mình phải làm gì cho các quyền lợi vật chất lẫn quyền lợi chính trị của người lao động. Đàng này họ lại hè nhau tìm mọi cách chụp mũ người lao động. Tôi nghĩ rằng đây chính là đòn đánh dưới thắt lưng đối với tất cả các nghiệp đoàn độc lập sẽ hình thành trong tương lai. Bởi họ phải đối mặt với sự chụp mũ chính trị hóa trong các hoạt động, đặc biệt là về đình công”. Luật sư Trần Thành dự báo.

“Đúng lý, ở buổi Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa LĐLĐ TP.HCM và các LĐLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, các quan chức đứng đầu 5 tổ chức công đoàn này phải đưa ra kiến nghị Quốc hội Việt Nam sớm ban hành Luật về quyền biểu tình. Bởi có bao nhiêu hội nghị liên tịch kiểu vầy đi nữa về chuyện biểu tình, mà vẫn chưa có luật biểu tình thì vẫn là những hình thức đối phó trong sợ hãi về một quyền hiến định.

Doanh nghiệp tụi tôi mới là những người sợ công nhân đình công nhất, sợ công nhân biểu tình nhất…, mà tụi tôi còn thấy xấu hổ cho kiểu họ bàn nhau chụp mũ biểu tình, vu tiếng xấu cho công nhân trong đòi hỏi quyền công dân của mình…”. Vị thân hữu là doanh nhân (kể ở trên), chia sẻ.

T.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đình công. Bookmark the permalink.