‘Chế độ này không còn chừa cho dân đường sống nào!’

Phạm Chí Dũng

Người đàn bà luống tuổi bạc trắng hai thái dương thốt lên uất ức và căm phẫn như thế. Đã sáu mươi lăm tuổi nhưng bà vẫn phải hàng ngày oằn lưng bán quán nước vỉa hè ở Sài Gòn để nuôi hai đứa cháu ăn học, trong khi cha mẹ chúng phải đi làm công nhân trong một khu công nghiệp ở tận Đồng Nai.

https://3.bp.blogspot.com/-Bek3ISAHmN0/XB7nOsA-rOI/AAAAAAAAdHQ/ZWVterGtwfQx76m1yKiar0XobIhn7OkNACLcBGAs/s640/face285.jpg

Ảnh minh họa.

“Xe ôm, quán vỉa hè sẽ vào diện quản lý thuế” – bà vừa đọc thấy cái tin đang kinh sợ đó trên mặt báo nhà nước.

Một lần nữa trong không ít lần, ‘Bộ Thắt Cổ’ – một hỗn danh mà dân gian dùng để gọi Bộ Tài chính – cùng với Tổng cục Thống kê chuẩn bị cái phần việc ‘chôn sống’ những gia cảnh còn thoi thóp trên mặt đất mà chưa chịu chết.

Có đến gần 600.000 hộ gia đình buôn bán nhỏ quán cóc vỉa hè và chạy xe ôm sẽ bị các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của một chính quyền đang lao vào thời kỳ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ truy lùng tróc nã.

Khoảng một chục năm về trước, ‘Bộ Thắt Cổ’ cũng đã ‘kiến tạo’ sắc thuế bổ đầu xe ôm, nhưng bị dư luận phản ứng ghê gớm nên đành phải rút lại. Tuy thế, ngân sách nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân’ vào thời gian đó vẫn còn khá dồi dào nên chưa đến mức phải đè đầu dân để tróc thuế.

Nhưng còn bây giờ, tình thế đã khác hẳn. Ngân sách vào thời cạn kiệt. Còn muốn lúc nào cũng đầy ắp tiền thì chỉ còn cách in tiền, in tiền ồ ạt. Song làm như thế thì chẳng khác nào nhấn đầu cả xã hội Việt Nam vào cái thùng nước độc của Zimbabwe và Venezuela – những nơi mà tỷ lệ lạm phát trờ nên không tưởng: hàng triệu đến hàng tỷ phần trăm!

Vào tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố vào đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán đầu năm 39,2 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán – nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.

Nỗi lo lắng của cơ quan Kiểm toán Nhà nước về nguồn thu từ nhà đất và dầu thô “không ổn định” (hay còn được xem là “cấu trúc thu không bền vững”) cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam: nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn “không ổn định” theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?

Trong khi đó, kết quả thu ngân sách năm 2018 đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị giảm thu từ hơn 2% đến gần 3% so với dự toán, trong khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – còn tồi tệ hơn nhiều: giảm thu đến 15% so với dự toán.

Vào tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã cắm mặt gật đầu với dự toán thu ngân sách năm 2019 với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho số chi ngân sách, trong đó có hơn 70% chi thường xuyên cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức chỉ tăng không giảm với 30% trong số đó ‘sáng cắp ô đi tối cắp ô về’ – lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng.

Các mưu đồ tăng thuế và cả thu thuế quán cóc, xe ôm xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…

Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức chính quyền đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.

Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.

Thật trớ trêu và cay đắng tận cùng, lời tố cáo ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ của ông Hồ Chí Minh thời Việt Nam trăm năm Pháp thuộc lại ứng nghiệm với một Đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.

P.C.D.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Dân oan. Bookmark the permalink.