Nguyễn Vũ Bình
Câu hỏi: Xin hỏi về vấn đề lãnh tụ, Phong trào Dân chủ có cần lãnh tụ hay không? Tại sao trải qua một thời gian dài mà Phong trào Dân chủ chưa có lãnh tụ?
Trả lời: Trước hết cần hiểu thế nào là lãnh tụ? Lãnh tụ là người tập hợp và dẫn dắt một số đông quần chúng để đấu tranh và theo đuổi một mục tiêu nhất định. Có hai yêu cầu để một người trở thành lãnh tụ: Thứ nhất, đưa ra con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu được nhiều người tin tưởng và đi theo. Thứ hai, tập hợp được nhiều người đi theo con đường, giải pháp đã lựa chọn (khả năng đối nhân xử thế, thu phục nhân tâm). Như vậy, Phong trào dân chủ luôn cần lãnh tụ, trong thực tế, là khao khát lãnh tụ, ẩn chìm bên trong là khao khát một giải pháp khả thi để thay đổi chế độ.
Trải qua một thời gian dài nhưng Phong trào Dân chủ chưa có lãnh tụ, lý do quan trọng nhất, là chưa có ai đưa ra được giải pháp, con đường khả thi để thay đổi chế độ mà nhiều người tin tưởng, đi theo. Ngoài ra, khác với mục tiêu hồi đầu thế kỷ XX, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ nhận được đồng thuận cực cao, Phong trào dân chủ với mục tiêu thay đổi chế độ nhận được đồng thuận rất yếu trong bối cảnh độc tài toàn trị cộng sản (có người đấu tranh thậm chí không muốn chế độ thay đổi…). Sự đồng thuận yếu cho mục tiêu kết hợp của người dân đồng nghĩa với việc khó khăn trong xuất hiện lãnh tụ.
Câu hỏi: Xin làm rõ nghĩa của vấn đề giải pháp, hay giải pháp thay đổi chế độ?
Trả lời: Chúng ta cần làm rõ vấn đề giải pháp. Có người nói, đấu tranh có tổ chức, hàm ý người đấu tranh nên tham gia một tổ chức nào đó là giải pháp để thay đổi chế độ.
Điều này không đúng. Đấu tranh có tổ chức, tham gia vào tổ chức nào đó chỉ là phương pháp đấu tranh đúng, hiệu quả chứ hoàn toàn không phải là giải pháp để thay đổi chế độ.
Giải pháp là cách thức để giải quyết một vấn đề cụ thể, ở đây vấn đề cụ thể là thay đổi chế độ cộng sản. Có thể lấy một ví dụ, việc lập ra và duy trì Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan chính là giải pháp để thay đổi chế độ cộng sản ở Ba Lan. Việc lập ra một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản, được người dân ủng hộ, xây dựng lực lượng đối lập công khai trong lòng chế độ, và đấu tranh buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ, chấp nhận và thừa nhận lực lượng đối lập chính là giải pháp thay đổi chế độ ở Ba Lan. Và như chúng ta biết, ông Lech walesa đã trở thành lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết, cũng là lãnh tụ của người dân Ba Lan trong việc thay đổi chế độ cộng sản.
Trong số các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, duy nhất chỉ có Ba Lan là quốc gia mà người dân thành công trong việc kết hợp, đấu tranh để nhà cầm quyền nhượng bộ chấp nhận sự tồn tại của lực lượng đối lập, đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ một cách hòa bình. Tất cả các nước còn lại, sự thay đổi chế độ đều là quá trình tự sụp đổ hoặc sụp đổ dây chuyền.
Câu hỏi: Cuối cùng, đâu là các yếu tố cần thiết để xuất hiện và tạo lập lãnh tụ?
Trả lời: Có ba yếu tố cần thiết để xuất hiện và tạo lập lãnh tụ:
– Một đồng thuận cao về mục tiêu kết hợp. Một khối đông người tập hợp lại với nhau bao giờ cũng có mục tiêu chung. Mục tiêu chung càng rõ ràng, giản dị thì số người tham gia càng lớn. Không phải vô cớ mà phần lớn lãnh tụ xuất hiện trong lịch sử đều là những người dẫn dắt nhân dân đấu tranh, khởi nghĩa để thay đổi một triều đại, chính phủ hay một chế độ nào đó. Đồng thuận cao và mạnh mẽ nhất cho mục tiêu kết hợp của một dân tộc đó là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì khi một con người được sinh ra trong một đất nước bị đô hộ, chiếm đóng thì mong muốn và nhu cầu thường trực của người dân từ nhỏ tới khi trưởng thành là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, chiếm đóng. Việt Nam trước năm 1945 chính là ví dụ sinh động, dễ hiểu nhất cho sự đồng thuận cao mục tiêu kết hợp để giải phóng dân tộc. Như vậy, mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng và mạnh mẽ bao nhiêu thì sự đồng thuận trong kết hợp sẽ càng lớn bấy nhiêu. Điều đó đồng nghĩa với sự thuận lợi cho việc xuất hiện người tập hợp, dẫn dắt quần chúng, hay xuất hiện lãnh tụ bấy nhiêu.
– Yếu tố quan trọng của lãnh tụ: Đưa ra con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu được nhiều người tin tưởng và đi theo. Đây là mấu chốt, cốt lõi của cá nhân để trở thành lãnh tụ. Chúng ta đều biết rằng, với mục tiêu có đồng thuận cao, có nhiều người có chủ trương, đường lối và giải pháp khác nhau, nhưng chỉ có người có con đường và giải pháp được nhiều người ủng hộ, tin tưởng và đi theo mới trở thành lãnh tụ. Yếu tố này rất dễ bị nhầm lẫn với khả năng đối nhân xử thế, thu phục nhân tâm của người đứng đầu tổ chức, mặc dù đối nhân xử thế, thu phục nhân tâm là một phẩm chất quan trọng của lãnh tụ. Nhưng chúng ta cần hình dung, nếu một người rất có khả năng thu phục nhân tâm, nhưng không có con đường và giải pháp rõ ràng để thực hiện mục tiêu của tổ chức, thì liệu người đó có thể tập hợp được đông đảo quần chúng hay không? Ở đây chúng ta cần hiểu thêm một vài khía cạnh nữa.
+ Người đưa con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu không nhất thiết phải là người nghĩ ra con đường và giải pháp đó. Có thể là người bạn, đồng chí hay quân sư nghĩ ra con đường và giải pháp mà lãnh tụ chỉ là người đưa ra và chịu trách nhiệm để tập hợp quần chúng. Trong một số trường hợp, lãnh tụ là người có sáng kiến, nghĩ và đưa ra con đường và giải pháp.
+ Chúng ta không loại trừ, có một số người, vì yêu mến, tin tưởng và quý trọng người đứng đầu và đi theo lãnh tụ chứ không nhất thiết phải đồng ý về con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, đó không thể là số đông, có tính chất quyết định mà chỉ là số ít mà thôi.
Như vậy, chúng ta cần hiểu, yêu cầu quan trọng nhất đối với lãnh tụ, đó là đưa ra con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu của tổ chức, thực hiện khát vọng của đông đảo nhân dân được nhiều người tin tưởng và đi theo. Cốt lõi của lãnh tụ chính là giải pháp.
– Ý thức xây dựng hình tượng lãnh tụ của tổ chức. Khi đã có điều kiện cần và đủ nêu trên, thì một yếu tố không thể thiếu để tạo lập lãnh tụ, đó là ý thức xây dựng hình tượng lãnh tụ trong tổ chức và quần chúng nhân dân. Việc xây dựng hình tượng lãnh tụ gắn với việc phổ biến, tuyên truyền và giải thích con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu chung của tổ chức, nhân dân. Đồng thời kết hợp với kỹ thuật tuyên truyền và xây dựng hình ảnh, hình tượng cá nhân của lãnh tụ. Một tổ chức đứng đắn xây dựng hình tượng lãnh tụ cần kết hợp hai yếu tố này, nếu thiếu hoặc thiên về một trong hai yếu tố sẽ dẫn tới hạn chế số người tham gia, ủng hộ hoặc trở thành tổ chức thiếu trung thực, không bền vững.
Hà Nội, ngày 12/12/2018
N.V.B.
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4892