Thư ngỏ: Gửi quý vị Đại biểu Quốc hội khoá 12

V/v: Quốc hội khoá 11 đã làm một việc bất nhân, thất đức khi Ban hành điều 116 luật đất đai 2003, Quốc hội khóa 12 nếu thấy sai không sửa thì cũng là đồng phạm.

Tôi là: Bùi Như­ Thủy

Hiện ở tại: Số nhà 18 gác 2 phố Phạm Bá Trực, phư­ờng Quang Trung, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Điện thoại số: 031.3745961

Nguyên quán: Xã Vũ Sơn, huyện Kiến X­ương, tỉnh Thái Bình.

Ngày 30/4/2010 tôi đã gửi lá đơn thứ 20 đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng Quốc hội vẫn im lặng, tôi vẫn nặng nề đợi chờ.

Hôm nay Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 20 của kỳ họp thứ 7, tôi gửi Thư ngỏ này đến Quốc hội, vừa là kiến nghị, vừa là lá đơn thứ 21, để nêu lại những vấn đề nổi cộm khi thực hiện Luật đất đai.

Tôi trân trọng kính nhờ Bauxite Việt Nam giúp đỡ chuyển tải đến quý vị đại biểu Quốc hội Thư ngỏ này.

Bốn vấn đề nổi cộm tôi sẽ nêu trong thư là:

– Siêu luật, loạn văn bản.

– Xé rào, phá rào, phá toang phên dậu.

– Bồi thường, giải tỏa mặt bằng và mượn đất của dân không trả.

– Lòng dân không thuận, khiếu kiện khắp nơi.

I. Siêu luật – Loạn văn bản

Lúc mới ban hành, Luật đất đai 2003 được tuyên truyền kéo dài và rầm rộ là một siêu luật. Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được biểu dương như một người hùng. Cuối năm 2005 và đầu năm 2006, ông lên truyền hình hai lần khoe với quốc dân đồng bào: Tuy có thành lập ban, bệ nhưng ông là người chấp bút viết ngày, viết đêm khoảng 4 tháng trời để đẻ ra một siêu luật, đưa ra Quốc hội khóa 11 thông qua một cách nhẹ nhàng, đơn giản, gọn ghẽ.

Hậu quả của Luật đất đai đẻ non này là Chính phủ phải ban hành tiếp 11 Nghị định (bình quân mỗi năm 2 Nghị định), Bộ TN & MT ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn thực hiện. Các loại văn bản lên tới gần 7.800 trang giấy: chỗ thì bãi bỏ, chỗ thì bổ sung, chỗ thì sửa đổi, chỗ thì quy định mới, văn bản này chống văn bản khác, rối như mớ bòng bong… Khi thực hiện thì tùy nghi vận dụng điều khoản mới cũng được, áp đặt điều khoản cũ cũng chẳng sao, nói ngược cũng được, nói xuôi cũng xong. Nên có tình trạng: Một thửa đất ở Nam Thái Sơn (Hòn Đất) được mang 8 sổ đỏ “ai cũng đúng”. Có 17 m2 đất ở số nhà 67A Yên Phụ, quận Tây Hồ từ năm 2002 đến năm 2010 đã qua 7 lần xét xử, 7 văn bản đá nhau “ai cũng giỏi”. Tất nhiên khi xét xử thì Tòa nào cũng căn cứ vào Luật… vào Nghị định… vào Điều… vào Khoản… Trâu bò đá nhau thì ruồi muỗi chết. Dân đen tìm đâu được hàng trăm văn bản luật mà đọc!

Luật đất đai ban hành năm 2003. Sau một năm Chính phủ mới ban hành một lúc 2 Nghị định 181 – 182 ngày 29/10/2004 để hướng dẫn thi hành.

Sau một tháng thực hiện Luật đất đai, nhiều rắc rối nảy sinh phải chữa cháy. Trong vòng 35 ngày, Chính phủ vội vã ban hành 3 Nghị định: 127/NĐCP ngày 16/11/2004, Nghị định 197/NĐCP và Nghị định 198/NĐCP ngày 3/12/2004.

Chính phủ ban hành Nghị định 17/2006, ông Mai Ái Trực – nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT – đã hí hửng hứa với Quốc hội “sẽ có bản giải quyết khiếu nại về đất đai vào giữa năm 2006”.

Đầu năm 2007 Chính phủ tiếp tục ban hành 2 Nghị định 84/NĐCP và 123/NĐCP, ông Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ tịch Quốc hội đã “kỳ vọng sẽ giải quyết hết vướng mắc về đất đai”.

Nhưng Chính phủ vẫn phải ban hành tiếp 4 nghị định nữa (123/2007; 69/2009; 88/2009; 19/2010)! Và tiếp theo sẽ là những văn bản nào nữa?!

Một rừng văn bản ban hành nhằm chống đỡ với tình thế cố hà hơi, tiếp sức cho Luật đất đai 2003 thoi thóp sống thêm một thời gian nữa! Tất cả các kỳ họp Quốc hội gần đây, ngay trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 khai mạc ngày 20/5/2010, nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn lên tiếng đòi sửa đổi toàn diện Luật đất đai. Nhiều quan chức của Chính phủ cũng tỏ ra khó chịu với Luật đất đai.

Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói: “Luật đất đai có 140 điều thì có tới 40 điều với nội dung là làm theo quy định của Chính phủ hoặc Chính phủ hướng dẫn ban hành quy định này”.

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT nói: “Luật đất đai từ năm 1987 đến nay đã sửa 5 lần, trung bình 4 năm lại sửa nhưng tại sao vẫn không ổn? Sửa rồi mà vẫn ái nam, ái nữ lơ lửng không thực tiễn! Sửa luật đất đai như người sửa cày giữa đường, sửa rồi… lại sửa mà không có điểm dừng…”.

Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ đã từng phát biểu: “Trong lĩnh vực đất đai thanh tra ở đâu cũng thấy sai phạm, chừng nào Luật đất đai chưa được mổ xẻ kỹ càng để có chính sách chặt chẽ hơn thì đất công biến thành đất ông, đất của dân thành đất của cán bộ”.

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã nhiều lần hứa và đùa dai với Quốc hội: sẽ sửa đổi Luật đất đai vào năm 2008, lúc thì 2009 lúc thì 2010, lúc thì 2011. Đến nay lại hứa đến giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hoàn thiện bộ Luật đất đai đầy đủ. Chắc rằng Quốc hội khóa 12 này sẽ đùn cái rắc rối cho Quốc hội khoá 13. Nhưng có một điều rất lạ là Quốc hội không sửa đổi Luật đất đai, mà chỉ quan tâm, vội vã, mau chóng sửa Điều 121 Luật đất đai. Thử hỏi ai được lợi ở điều 121? Trên một năm qua Nhà nước ta kêu gọi, động viên mãi mới có bốn chục Việt Kiều đứng tên mua nhà mua đất.

Luật đất đai 2003 không đi vào cuộc sống, khấp khểnh, chắp vá, lộn xộn, rối rắm… Để càng lâu càng đục nước càng béo cò, trăm tội đổ vào đầu dân đen, kêu khóc mãi không thấu trời. Còn mục tiêu năm 2010 cấp xong sổ đỏ cũng là mục tiêu ảo.

II. Xé rào – Phá rào – Phá toang phên dậu

Bám vào sơ hở của Luật đất đai, các cấp quản lý đất đai đã thi nhau xé rào, phá rào và mở toang biên giới, đem đất đai của Tổ quốc biếu tặng người nước ngoài quản lý.

– Thời kỳ xé rào năm 2005 – 2006: Sau hơn một năm thi hành luật đất đai, năm 2006 đã có 30 tỉnh thành phố “xé rào” rải thảm đỏ rước các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh, ưu ái cho họ những vùng đất bờ xôi ruộng mật, thuận đường giao thông, giá rẻ, thủ tục đơn giản…  Riêng Quảng Nam đã thất thu một nghìn tỉ đồng.

– Thời kỳ phá rào từ năm 2007: Phá rào là tham nhũng xâu xé đất đai; nó diễn ra muôn hình vạn trạng và có mặt ở nhiều tầng, nhiều nấc trong bộ máy công quyền có liên quan đến quản lý đất đai. Các quan chức và doanh nghiệp móc ngoặc với nhau kiếm chác làm giàu trên lưng người dân.

Nhiều năm nay, trên mặt báo hầu như hàng ngày đều có bài về khiếu kiện đất đai: Loạn đất ở Phú Quốc; 300 suất đất ở Tam Đảo chia cho ai; Vua đất khét tiếng ở Tây Ninh; Cao Minh Huệ Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương bán vườn cao su 700 ha đất cho tư nhân; Chu Minh Tuấn Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng chiếm đất công chia chác cho vợ con, anh em và làm quà biếu

Nhà nước đã cấp phép cho 166 sân golf xấp xỉ 50.000 ha đất để phục vụ cho 2.000 người chơi golf. Mỗi tỉnh có từ 2 – 3 sân golf, 12 người một sân golf = 30 ha đất. Trong lúc đó thì mỗi lao động nông nghiệp được bình quân 0,15 ha đất canh tác!

Mỗi một quy hoạch công trình, một quy hoạch sân golf, các quan chức và doanh nghiệp mượn gió bẻ măng lồng ghép và mở rộng, chiếm dụng thêm đất đai. Họ vật lộn, xâu xé, chia chác, trao đổi, mua bán giữa các quan chức và doanh nghiệp để xây dựng cửa hàng, biệt thự, cao ốc…

Sân golf Long Thành – Đồng Nai được cấp giấy phép 204 ha đất, đã chiếm thêm được 1.000 ha đất nữa thành 1.200 ha. Xây gần 1.000 biệt thự cao cấp, bán 4 – 5 tỷ đồng một căn hộ, phân lô bán nền 400 – 500 USD/m2. Quan chức bật đèn xanh và đã có phần rồi!

Ở Phú Lộc – Thừa Thiên Huế họ còn đem bán 10.400 m2 đất hành lang an toàn đường sắt.

Tỉnh Bình Định coi như không có Luật đất đai, vì cả tỉnh có 147/159 xã (92% số xã) và 25.650 trường hợp vi phạm luật đất đai.

Các đơn vị Nhà nước kê khai 10.535 địa chỉ quản lý với 235.000.000 m2, bình quân hơn 22.000 m2 /một địa chỉ. Nhưng chỉ có 50% số đất đai được sử dụng hợp lệ.

Năm 2009, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm tra 9 tổ chức và cá nhân thì có 7 trường hợp vi phạm luật đất đai, chiếm tỷ lệ 77%.

Chuyện xé rào, phá rào – sân golf chưa tháo gỡ được. Bây giờ đến việc cho thuê đất rừng đầu nguồn biên giới và tài nguyên khoáng sản.

– Thời kỳ phá toang phên dậu:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước huy động cả một bộ máy chính trị từ Trung ương đến thôn xóm, tuyên truyền, giáo dục thuyết phục, cưỡng bức, bạo lực, đổ máu… cũng mới chỉ thu hồi được 500.000 ha đất. Trái lại 18 tỉnh (18/53 = 1/3 số tỉnh, thành phố) cho nước ngoài thuê 398.350 ha đất với thời hạn 50 năm thì lại quá đơn giản, nhẹ nhàng, êm ru, ngọt như mía lùi, kín như bưng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, lực lượng biên phòng cũng không biết? Đến khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng thì cả nước mới giật mình. Thực ra trước đây cũng đã có người nói rồi nhưng không thấy Trung ương phản ứng gì.

Báo Văn nghệ ngày 11/7/2009 đăng bút ký của tác giả Trần Triều có đoạn viết: “Doanh nghiệp Hải Ninh – Lợi Lai – Trung Quốc đầu tư vào (Móng Cái) 25 triệu USD làm sân golf. Bước tiếp theo là khách sạn 5 sao, khu resort cảng du lịch Mỏm Đá duy nhất ăn ra biển. Đặc biệt họ còn đề xuất thuê lâu dài một phần mặt biển 3 hải lý khép kín chiều dài sân golf 3 km.

Nóc tòa nhà điều phiếu sân golf là sân đáp máy bay...”.

Tác giả Trần Triều cảnh báo: “Nó sẽ chiếm gọn cả một vùng xung yếu bậc nhất miền Đông Bắc Việt Nam gồm cả đất liền và biển”.

Chỉ có Trung ương không lắng nghe, chứ dân đã có nói rồi: “Cả một vùng xung yếu bậc nhất của miền Đông Bắc Việt Nam gồm cả đất liền và biển” đã bị Quảng Ninh phá toang rồi.

Nhớ lại chuyện cũ, sự kiện ngày 17/2/1979 – Trung Quốc đem 20 sư đoàn ồ ạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc gây bao nhiêu tổn thất thảm họa cho nhân dân ta. Vết thương chưa hàn miệng, vết thương còn đang rỉ máu, chả lẽ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 18 tỉnh lại có trình độ thấp kém, dốt nát thế ư? Hay vì họ mờ mắt “với gói quà lại quả” mà rước nước ngoài vào cho thuê đất 50 năm? Có nơi không thu tiền thuê đất, có nơi tiền thuê đất 1m2/50 năm chỉ bằng tiền mua một mớ rau muống.

Đem 20 sư đoàn đánh vào biên giới; đánh từ ngoài đánh vào không được đành phải rút quân để tìm kế sách khác: đánh từ trong đánh ra, phải gài cắm người, phải xây dựng cơ sở bên trong…, hy vọng sẽ thực hiện chiến thuật quân sư “con ngựa thành TROY”. Trung Quốc còn nhiều tham vọng lắm, tham vọng cả biển Đông. Người ta đang kích động “… giết giặc Việt để làm vật tế trong trận chiến Nam Sa”. Những nơi thuê được đất họ rào dậu xung quanh, xây cột mốc to như cột mốc biên giới. Hàng rào, cột mốc đang chọc giữa trái tim chúng ta.

Trung ương mải lo diễn biến hoà bình ở đâu đâu? Có kẻ đâm dao sau lưng mà không biết.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 còn mải bàn công việc 50 năm sau. Còn vấn đề nóng bỏng mở toang biên giới là vấn đề chủ quyền, vấn đề danh dự, tự hào của Tổ quốc thì chắc là việc nhỏ. Không thấy Quốc hội đem lên bàn nghị sự mà bàn, hay là để Thủ tướng chính phủ lo?

Thủ tướng đã cho đình chỉ việc cho thuê đất biên giới, chắc còn phải lo việc thu thêm thuế của dân lấy tiền đền bù cho đối phương khi đã đơn phương phá vỡ hợp đồng. Các quan đầu tỉnh thì lấy kinh phí đâu mà đền bù? Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội với thái độ lúng túng, quanh co và nghi ngờ Chính phủ: “Có thông tin thiếu chính xác là Chính phủ đã cho thuê 305.353 ha đất…”!

Thế mà các tỉnh cho nước ngoài thuê đất đang biện minh với nhân dân cả nước là “Họ làm đúng luật đất đai”.

III. Đền bù, giải phóng mặt bằng và mượn đất của dân không trả

–          Việc đền bù giải phóng mặt bằng:

Đất đai đối với người Việt Nam, nhất là người Việt thuần nông là cuộc sống, là bữa ăn hàng ngày, là nguồn cội, là tâm linh, “mất đất, là mất tất cả”, mất vĩnh viễn, mất cuộc sống, mất bữa cơm hàng ngày, mất nguồn cội, mất cả tâm linh, gia đình tan nát.

Nhà nước lấy đất để công nghiệp hóa, để xây trường học, bệnh viện… thì nhân dân chấp nhận hy sinh được. Nhà nước lấy đất cho doanh nghiệp, cho sân golf…, phục vụ cho những ông bà nhiều tiền lắm bạc lại là vấn đề khác. Lòng tham của người dân thì có hạn. Lòng tham và lợi nhuận của doanh nghiệp thì vô hạn.

Nhà nước tham, doanh nghiệp càng tham hơn, quy định giá tiền đền bù đất bị thu hồi bèo bọt quá. Điều chỉnh nhiều lần mà vẫn ở mức 50% giá trị thật. Có lúc 4 m2 đất trồng cà phê giá bằng một tô hủ tiếu. Bốn mét vuông đất vẫn là cái cần câu nhỏ. Một tô hủ tiếu ăn buổi sáng, buổi chiều ra bã. Số phận người dân bị giải tỏa ngày mai ra sao? Ngay thời điểm này, hôm nay một mét vuông đất ở Tràng Duệ – Hải Phòng được giá đền bù 38.000 đồng/m2 thấp hơn giá 1 m2 vải! Những người trước đây giao đất nhận tiền đền bù với giá bèo bọt nay có ai được đền bù thêm không?

Khốn khổ cho những người có đất bị giải tỏa. Tuyệt đại đa số không ai muốn rời bỏ quê hương, ruộng đất thân thương, mồ mả tổ tiên, cầm số tiền đền bù ít ỏi đi đến nơi khác. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Họ khóc lóc kêu than, van lạy, khiếu kiện, đổ mồ hôi, sôi nước mắt…; kể cả bị giam cầm, bị bi thương, bị tàn phế, bị chết cũng chỉ cầu mong được thêm vài chục ngàn, vài trăm ngàn/m2 đất. Khi đã rời khỏi mảnh đất là mất tất cả, mất vĩnh viễn. Muốn lập lại cái cơ ngơi nho nhỏ cuộc sống tương đối ổn định cũng phải mất từ 5 đến 10 năm sau.

Người nông dân Việt Nam đi chợ mua mớ rau, mớ tép cũng phải mặc cả đi mặc cả lại vài ba lần, từ vài chục đồng đến một trăm đồng, chứ đâu phải một nghìn đồng. Huống chi việc bán đất, giá đền bù của Nhà nước và doanh nghiệp nó bèo bọt quá thì dân phải phản ứng là việc tự nhiên.

Điều đáng tiếc là giải tỏa mặt bằng đang có xu hướng gia tăng bạo lực bằng tất cả mọi thủ đoạn tàn ác và hèn hạ nhằm triệt hạ đối phương.

Ngày 17/3/2009, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu đem 40 vệ sĩ và 113 công an đến đánh gục nhiều người, nhiều người bị thương, có người bị thương nặng, còng tay 4 người mang đi, gọi họ là “những người chống đối giải tỏa”.

Ngày 11/12/2009, UBND huyện Thanh Liêm huy động 200 người, có cả cảnh sát, công binh để giải phóng mặt bằng: phá trạm biến thế, đập máy móc, phá nhà cửa, bàn thờ và bát hương của dân.

Ngày 5/1/2010, chỉ sau vụ Thanh Liêm 25 ngày, UBND quận Hoàng Mai huy động 500 người mặc sắc phục không đeo phù hiệu, với 20 máy ủi cày xới hoa màu, cây ăn quả… trên diện tích 44 ha, làm mất nguồn sống của 285 hộ dân (trên 1.000 nhân khẩu) của cụm dân cư Bằng A.

Bà Rịa Vũng Tàu, Thanh Liêm, Hoàng Mai – có chính quyền trong tay – thì huy động cảnh sát công binh đi giải phóng mặt bằng, kẻ không có chính quyền trong tay thì thuê côn đồ đi giải phóng mặt bằng.

Ngày 18/5/2010, Nguyễn Thanh Long – Phó Ban giải phóng mặt bằng thuê 50 côn đồ đến đàn áp nhân dân Tràng Duệ (Hải Phòng). Long hô hét: “Đánh chết hết chúng nó đi”. Đã có 8 người bị thương, một bà cụ 74 tuổi bị đập nát bàn tay.

Chính quyền Cam nghĩa (Khánh Hòa) đã cướp của ông Nguyễn Văn Long trên 3000 m2, còn lại một căn nhà trên diện tích 230 m2. Đợi cho gia đình ông Long đi vắng, ngày 2/11/2006, Lê Văn Bình – Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa đem theo 30 người, trong vòng một giờ phá nát ngôi nhà. Trên 3.000 m2 đất cũ và 230 m2 đất mới, họ làm trụ sở Ủy ban phường, chia cho cán bộ và phân lô bán nền.

Chính quyền Cà Mau cùng với Ngân hàng, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… bài binh bố trận sẵn, hôm trước bắt bà Phạm Kim Luân đường Nguyễn Tất Thành tống vào ngục tối, hôm sau bắt mẹ trói vào gốc cây, đẩy chồng con ra đường, niêm phong, bán rẻ tài sản. Đất thì cấp cho bè bạn của quan chức. Sự việc  mở màn cũng nhanh. Kết thúc cũng nhanh như diễn vở kịch trên sân khấu.

Thành ủy Cần Thơ muốn cướp trắng 6.924 ha đất đai hoa màu của nông trường Sông Hậu, đã giao cho thuộc hạ phải bới lông, tìm vết kết án bà Trần Thị Ngọc Sương 8 năm tù. May mà có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc lên tiếng, vụ án được xét xử lại từ đầu. Vụ án chắc còn kéo dài để các cấp còn dàn xếp nội bộ, để gỡ tội cho Tỉnh ủy Cần Thơ.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã nói: “Bất cứ vụ Thanh tra nào, vụ án nào cũng đều có chạy tội, có thể chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều hay ít là tùy theo việc cụ thể”.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã giúp bà Sương là một nghĩa cử đẹp, nhưng còn hàng ngàn… hàng ngàn việc cụ thể về đất đai của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh, các nhân sĩ trí thức yêu nước… thì Mặt trận cũng không giúp được bao nhiêu.

Người ta lợi dụng việc giải phóng mặt bằng lấy đất để chia chác cho nhau và lập dự án treo bỏ hoang. Hiện nay cả nước có 500 dự án treo, chiếm 33.143 ha đất. Bình quân mỗi tỉnh thành phố có 8 dự án treo. Trong lúc đó, người ta vẫn nỏ mồm nói bỏ đất hoang là có tội.

Việc mượn đất của dân không trả:

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm chống Mỹ xâm lược, các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang rút về nông thôn, rừng núi lập căn cứ kháng chiến, chỉ đạo chiến tranh; từ khi giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc các cơ quan, xí nghiệp ở nội thành đều phải chia đôi: một nửa ở lại, một nửa sơ tán ra ngoại thành, các tài sản quý và tài liệu quan trọng thì mang đi sơ tán để tránh tổn thất. Mọi việc từ nhà cửa, bàn ghế làm việc, bếp ăn, hầm hào tránh máy bay, đất đai làm trụ sở tất tần tật là dựa vào dân. Người dân giúp Nhà nước rất nhiệt tình, vô tư và chân thành.

Chiến tranh kết thúc rồi, đất đai phải trả lại cho dân. Đất đai là cuộc sống, là cần câu cơm, là của hương hỏa, là tâm linh… bắt buộc phải trả. Các quan chức đang cai trị đất nước phải hiểu minh bạch điều đó. Trước đây làm công tác dân vận để mượn đất của dân, nay cũng phải làm công tác dân vận để trả lại đất cho dân, ít nhất thì cũng tỏ ra là con người biết điều, biết cảm ơn tấm lòng của dân đối với Nhà nước lúc khó khăn, loạn lạc.

Người dân không có tội mà có công, đừng lấy quyền Nhà nước mà trịch thượng, xúc phạm đến dân, chơi cái trò ăn cháo đái bát…

Ủy ban nhân dân xã Vũ Sơn huyện Kiến Xương Thái Bình mượn của chị em ông Bùi Như Thủy 540 m2 đất thổ cư làm trụ sở đã trên 50 năm.

Sở Bưu điện Hải Phòng mượn nhà và đất của nhân sĩ, trí thức yêu nước Vũ Thế Thọ. Nhà để làm việc, đất để dây cáp và vật tư bưu điện. Hai bên có viết cam kết đến ngày hòa bình sẽ trả, nay đã 39 năm.

Năm 1976, Công an huyện Dak Nông, Dak Lak mượn của cụ Mai Thị Điệp 89 tuổi ba sào đất để làm trại tạm giam, rồi đem chia cho nhau hết. Trước đó, Cụ Điệp đã hiến hàng nghìn m2 để làm trường học.

Ủy ban nhân dân xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phú mượn của gia đình cụ Nguyễn Thị Tốn – lão thành cách mạng, cùng con trai Nguyễn Đình Cừ 305 m2 đất.

Công ty Vật liệu kiến thiết Hà Nội mượn của ông Nguyễn Văn Chất 247 Thụy Khuê 2.387m2 đất. Khi mượn thì tử tế, khi trả thì phải kéo nhau ra tòa! Ngày 25/12/2008 Tòa án quận Tây Hồ buộc Công ty trả lại đất cho ông Chất, nhưng UBND thành phố Hà Nội không cho trả.

Ủy ban nhân dân xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, Sóc Trăng làm giấy cam kết ngày 4/2/1990 mượn của ông Nguyễn Công Khanh 7.000 m2 đất có 300 gốc dừa đang thu hoa lợi. Đã 20 năm rồi, đòi mãi; cả ba cấp xã, huyện, tỉnh đều quay quắt không trả.

Năm 1975, Ủy ban quân quản Hàm Tân, Bình Thuận mượn đất và nhà của ông Vũ Tam để làm việc. Nay UBND huyện Hàm Tân chấp nhận trả lại, nhưng Viện Kiểm sát không cho trả.

Ngày 29/4/1975, Trung đoàn Trinh sát 209 thuộc quân đoàn 4 mượn đất của bà Trần Thị Liên 120 đường Trần Phú để đóng quân. Năm 1992 đơn vị bàn giao trả lại đất cho bà Liên nhưng UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bác bỏ quyền sở hữu của bà Liên.

Những trường hợp trên đây không nằm trong quy định của Điều 10 Luật đất đai 2003.

Những sự việc rắc rối trên không phải là cơ quan mượn đất của dân không trả. Mà rắc rối là do Điều 116 Luật đất đai 2003 mà Quốc hội khóa 11 ban hành gây ra.

Điều 116 luật đất đai 2003 nói là “bánh vẽ” cũng được, nhưng về bản chất thì đó là loại “luật rừng”. Luật của những người có quyền lực ăn hiếp dân đen. Nó hoàn toàn không có đạo lý và pháp lý, xa lạ với quan hệ mượn và trả, thô bạo, thách đố, cửa quyền đối với dân.

Tôi đã có lá đơn thứ 20 ngày 30/4/2010 gửi Quốc hội phân tích rõ Khoản 1 Điều 116 Luật đất đai chỉ có 4 câu, 96 từ mà có đến 12 vấn đề sai, nhưng Quốc hội không trả lời. Nay tôi xin nói thêm một vài ý nữa.

Điều 116 Luật đất đai 2003 có 3 khoản gồm 10 câu, 210 từ, chỉ nói đến hai đối tượng:

Một bên là Hộ gia đình, cá nhân trước đây cho cơ quan Nhà nước mượn đất.

Một bên là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi có đất cho mượn.

Không có một câu một chữ nào nói đến cơ quan đi mượn đất của nhân dân.

Đó là hình ảnh gồm một bên là người cho mượn đất – các cụ già đã 70, 80 tuổi, có người xấp xỉ 90 tuổi, mắt lòa chân chậm, tai điếc, vừa nói vừa thở, phát âm không chuẩn, lếch thếch đi 40 – 50 chục cây số lên UBND tỉnh để xin lại quyền sử dụng đất. Một bên là các quan chức đầu tỉnh, đầu thành phố trực thuộc T.Ư được Quốc hội ban cho cái quyền cao nhất và duy nhất để xét xử việc trả hay không trả đất cho dân. Họ không trực tiếp nhận đơn của dân mà cũng không tiếp dân.

Nhà nước đang thực hiện chính sách “để lâu cứt trâu hóa bùn”: Đợi vài năm nữa các ông bà già ấy chết đi thì Nhà nước sẽ nuốt gọn đất đai của họ.

Mượn thì phải trả. Không trả thì người cho mượn có quyền đòi người đi mượn. Điều này trẻ em tiểu học cũng biết, có đâu phải chờ đến Quốc hội! Thế mà Quốc hội khóa 11 lại quy định người cho cơ quan Nhà nước mượn đất không được đi đòi người mượn đất, mà phải làm đơn xin UBND tỉnh, thành phố giải quyết!

Mượn thì phải trả, mượn chưa trả thì mãi mãi vẫn còn nợ. Tại sao Chính phủ lại ngang ngược quy định: “đến ngày 31/12/2010 thì Điều 116 Luật đất đai 2003 hết hiệu lực thi hành”?

Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Khi ban hành điều 116 luật đất đai năm 2003, Quốc hội khoá 11 đã làm một việc bất nhân, thất đức, Quốc hội khoá 12 nếu thấy sai không sửa thì cũng là đồng phạm.

IV. Lòng dân không thuận khiếu kiện khắp nơi

Từ khi nước ta thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa đến nay thì đây là cuộc khiếu kiện kéo dài, quyết liệt, phức tạp… của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của dân đối với Nhà nước.

Ngày 1/11/2006, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 11, Tổng Thanh tra Chính phủ đã cảnh báo trước Quốc hội: “Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn cả nước diễn biến không bình thường. Khiếu kiện nói chung tăng, đặc biệt khiếu kiện đông người, vượt cấp tăng cao. Nội dung các vụ việc khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai chiếm 80% có nơi 90%”. Câu nói cách đây 5 năm đến nay vẫn hoàn toàn còn nguyên giá trị.

Tháng 8/2007, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đi thị sát tình hình khiếu kiện nhiều nơi, khi trả lời Thông tấn xã đã nêu lên 4 vấn đề:

– “Đáng chú ý là các vụ khiếu kiện gần đây đã có tính chất tổ chức và liên kết lẫn nhau giữa các địa phương”.

– “Phải tích cực tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân. Khi xem xét giải quyết khiếu kiện không nên truy xét xem ai khiếu nại tố cáo hoặc ai cầm đầu các vụ khiếu nại tố cáo, mà quan trọng là nghiên cứu kỹ nội dung khiếu tố đúng hay sai”.

– Về phía người dân khiếu kiện, tố cáo họ cũng rất cực, rất vất vả, không phải bà con có ý xấu muốn chống lại chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cực chẳng đã vì quá bức xúc nên họ phải đội nắng, đội mưa đi khiếu nại thế này”.

– “Trong số các giải pháp thì đối thoại với dân là cực kỳ quan trọng”.

Ông Trương Vĩnh Trọng nói cũng đúng, cũng hay, cũng có vẻ khách quan.

Nhưng ai làm? Ai tiếp dân? Ai đối thoại? Ai lắng nghe…?

Có một câu chuyện cũ nhưng cũng còn rất mới, nhà báo lão thành Hữu Thọ nói: “Nếu lắng nghe bài: Cái đêm hôm ấy hôm gì của Phùng Gia Lộc thì có thể tránh được cái vụ rắc rối ở Thái Bình”.

Chắc nhiều người biết, họ có nghe nhưng họ nghe để đe dọa: “Phùng Gia ơi hỡi Phùng Gia/Viết lách như thế bỏ cha có ngày!”.

Điều đáng buồn là đến nay Nhà nước ta vẫn chưa có biện pháp nào thiết thực nhằm giải quyết việc khiếu kiện về đất đai. Trái lại, người ta cả vú lấp miệng em, nói nguyên nhân khiếu kiện là do: “dân trí thấp”, “quá khích”, “không am hiểu pháp luật”, “bị kẻ xấu xúi giục”, “do bàn tay của địch”…

Nhà báo Dương Tiến đã mạnh dạn viết bài: “Nguyên nhân nào một số công dân khiếu kiện gay gắt”, cũng là một gợi ý nhằm giúp các cơ quan chức năng tìm ra bản chất sự việc. Nhưng họ không lắng nghe ông Tiến nói, mà ban cho ông Tiến một bản án 17 tháng 5 ngày tù giam! Cũng là một đòn phủ đầu răn đe các phóng viên, coi chừng đừng nhòm ngó vào nội vụ của các cơ quan Nhà nước, bởi vì đã thu thẻ nhà báo của Nguyễn Quốc Phong, Huỳnh Kim Sánh (Báo Thanh niên) Bùi Văn Thanh, Dương Đức Đà Trang (Báo Tuổi trẻ) cũng chưa đủ sức răn đe, nên phải bỏ tù.

Đất nước Việt Nam, một tấc đất một giọt máu đỏ. Đất là cần câu cơm, mất đất là mất tất cả. Đến nay đã có 2 triệu 60 vạn người bị giải tỏa, thu hồi đất, 87,5% số người bị mất đất đều bị giảm thu nhập, rất nhiều người không có việc làm, không có chỗ định cư, vẫn màn trời chiếu đất. Ở nhiều khu vực định cư cuộc sống đày đọa, nhà cửa chật chội, không nước, không nhà vệ sinh, không đất canh tác, chết không có chỗ chôn… Đời sống vốn dĩ đã khó khăn rồi nay còn khó khăn hơn, nợ nần chồng chất, tệ nạn xã hội phát triển, gia đình lục đục, con cái không được chăm sóc… chênh lệch giàu nghèo ngày càng cách biệt.

Nước đầy thì tràn ly. Tức nước thì vỡ bờ. Con giun xéo lắm phải quằn. Cực chẳng đã vì quá bức xúc nên họ phải đội nắng, đội mưa đi khiếu kiện, không phải bà con có ý xấu chống lại chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là khách quan, là quy luật, vì vậy khiếu kiện khắp nơi, khiếu kiện dài ngày, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, mít tinh, biểu tình, bạo lực, đổ máu… đã từng xảy ra mà nguy cơ tiềm ẩn xấu vẫn còn.

11 tháng đầu năm 2006, mới có 1.872 lượt người đi khiếu kiện đất đai, trong đó có 73 đoàn đông người. Đến năm 2007 thì đột biến nhảy lên con số kinh hoàng: 240.584 lượt người đi khiếu kiện, có 44 tỉnh thành phố có khiếu kiện đông người. Hộp thư Đài Truyền hình có năm nhận được 200.000 lá đơn khiếu kiện. Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng báo cáo với Quốc hội 12 kỳ họp thứ 6: “khiếu nại đông người năm 2009 tăng hơn năm 2008”.

Các cuộc khiếu kiện đất đai từ tự phát dần dần dẫn đến chỗ có tổ chức, liên kết với nhau giữa các địa phương, từ vài người đến vài chục người. Đoàn biểu tình Hoàng Mai Hà Nội 200 người, đoàn biểu tình Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương 366 người. Bà con các tỉnh phía Nam lặn lội trên 2.000 cây số “đi xe dù, ăn cơm tù” ra Hà Nội khiếu kiện. Họ thuê nhà trọ từng năm một để thay nhau đi khiếu kiện. Vì bức xúc quá, họ biểu tình, bao vây trụ sở tiếp dân của Quốc hội làm cả nước lo lắng. Thành phố Hà Nội phải xin Chính phủ thêm cán bộ và lập 2 trụ sở tiếp dân đi khiếu kiện. Ngày 13/7/2007, Chính phủ phải vội vàng ký Quyết định 883, phải chi bổ sung 1 tỷ rưỡi để nâng cấp và mở rộng trụ sở tiếp dân của Đảng, Quốc hội và Chính phủ ở Cầu Giấy – Hà Nội. Công an các tỉnh thường xuyên phải đem ô tô đến thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm và đón dân đi khiếu kiện trở về địa phương.

Những người đi khiếu kiện đất đai không chỉ là nông dân mà có đủ các tầng lớp nhân dân trong xã hội, có cả Đại biểu Quốc Hội, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu chiến binh, cán bộ Đảng viên 50-60 năm tuổi Đảng. Một đại biểu Quốc hội cũng phải khiếu kiện 10 năm trời mới giành lại được 28 m2 đất. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đủ cùng con trai ở thôn Hiền Lương, tỉnh Khánh Hòa in 500 cuốn sách, mỗi cuốn 300 trang giấy gọi là “Phóng sự 25 năm đi đòi công bằng cho mẹ”.

Khiếu kiện chán không được thì bà con cũng phải làm liều để tỏ rõ thái độ bất bình, quyết liệt của mình.

Đêm 18/1/2008, 700 người dân chia nhau đi tấn công, đánh dằn mặt cán bộ thôn Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Trưởng thôn đã bị gẫy xương đùi. Hôm sau dân họp lại cử ông Trần Viết Soạn đầu đơn đi kiện.

Hàng trăm người dân dùng dao gậy đón tấn công phá hủy 13 xe ô tô, 6 xe ủi khi đoàn xe này đi vào Thanh Hà, Vụ Bổn, Đắc lắc để giải tỏa đất đai.

Khu du lịch sân golf Tuần Châu, huyện Quốc Oai được cấp 200 ha đất nông nghiệp và đã bỏ hoang nhiều năm. Nhân dân lập trạm gác không cho doanh nghiệp vào, ruộng đất bỏ hoang thì dân cấy lúa ăn. Sắp tới đây chính quyền đem cảnh sát đến giải tỏa giúp doanh nghiệp hay doanh nghiệp tự thuê côn đồ về giải phóng mặt bằng? Thật là một bài toán khó giải.

Suốt 3 ngày đêm, trên 200 dân già trẻ, trai gái xã Tĩnh Hải, Thanh Hóa đấu tranh đòi công bằng giá đền bù giải tỏa. Ngày 25/6/2010, Chủ tịch xã Tĩnh Hải tuyên bố: “Ai cản trở thi công thì cứ bắn, tôi chịu trách nhiệm”. Hai phát đạn xuyên táo – hai người chết, một người bị thương. Trên 100 người kéo đến đập phá và hỏi “trách nhiệm của Chủ tịch”, may mà chủ tịch trốn thoát được.

***

Viết lá đơn lần thứ 21 gửi Quốc hội tôi vô cùng bức xúc. Xin Quốc hội  xem xét lại Luật đất đai, thực hiện đúng điều 37 Luật khiếu nại tố cáo 2005 mà Quốc hội đã ban hành.

Tôi xin cảm ơn Quốc hội!

Ký tên:

Bùi Như Thủy

This entry was posted in Pháp Luật, quốc hội. Bookmark the permalink.