Chu Mộng Long
Thật ngạc nhiên là một sản phẩm ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, việc biên soạn Thơ văn Lý-Trần và Nhật ký trong tù của Viện Văn học, lại bị một số người xới lại gây ra thị phi cho học giả Nguyễn Huệ Chi.
GS. Nguyễn Huệ Chi không là thầy của tôi, tôi cũng chẳng quen thân hay nằm trong hội nhóm gì của ông. Nếu xét về quan hệ thì trên FB, tôi đã từng tranh luận nảy lửa với ông về ngôn ngữ, về một quan điểm chính trị nào đó. Những lúc đó, tôi có ghét ông ở sự lịch lãm đến ba phải, nhưng rồi tôi vẫn kính phục ông, một trí thức có trình độ và tâm huyết đối với quốc gia, dân tộc.
Với tôi, việc nào ra việc đó. Người ta có xem Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là bọn trí thức bồi bút cho Tây, các văn gia của Tự lực văn đoàn là bọn Quốc dân đảng phản động, những Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt và nhóm Nhân văn giai phẩm là quân chống đảng, hay những Chu Hảo, Nguyên Ngọc là thành phần suy thoái, tự diễn biến thì là việc của đấu đá chính trị. Năng lực và nhân cách cùng với những gì người ta đóng góp cho dân trí đều phải được ghi nhận trân trọng.
Trước khi đọc loạt bài trả lời của GS. Nguyễn Huệ Chi, thú thật tôi cũng hoang mang khi nghe chính bạn bè tôi xì xào bàn tán về sự gian lận trong quá trình làm bộ sách Thơ văn Lý-Trần. Trong khoảng thời gian dài ấy, không thấy ông Nguyễn Huệ Chi lên tiếng, tôi càng hoang mang. Tất nhiên, tôi vẫn nghĩ, việc lên tiếng thanh minh cho một việc làm cách đây hơn nửa thế kỷ là bất khả: chứng cứ, tài liệu có thể không còn, nhân chứng thì già nua hoặc đã chết. Vả lại, có luật nào bắt người ta phải tự chứng minh mình vô tội hay trong sạch nếu những người tố cáo ông Huệ Chi cố tình ngụy tạo để vu khống, bôi nhọ?
Từ đó, tôi vẫn luôn đặt câu hỏi, vì sao trong thời điểm đó và suốt thời gian quyển Thơ văn Lý-Trần xuất bản và lưu hành, những ngài khoa bảng danh giá kia lại không có một lời nào tố giác hay phản biện công khai mà lại chờ khi sắp xuống lỗ mới cung cấp thông tin, tài liệu cho đám học trò hay nhà báo đánh ông Nguyễn Huệ Chi? Ông Nguyễn Huệ Chi từng là quan to với quyền sinh quyền sát lớn đến mức làm cho mấy ngài khoa bảng kia khiếp sợ vậy sao?
Tôi chịu khó đọc hết loạt bài trả lời của GS. Nguyễn Huệ Chi mà lòng đau nhói. Dài nhưng khúc chiết, rõ ràng, không né tránh bất cứ điều gì. Thật thuyết phục. Nó giải tỏa những hoang mang, nghi vấn của tôi. Nhưng đau nhói vì tôi hình dung ông phải bỏ ra rất nhiều thời gian để truy lại ngọn nguồn sự việc và tư liệu đã chìm lấp sau hơn nửa thế kỷ. Thế mới thấy danh dự, tự trọng của một nhân sĩ trí thức cao hơn núi.
Khổ thân ông. Lẽ ra ông phải dành thời gian và tâm huyết cho những việc lớn hơn. Tôi nghĩ đây là bài trả lời cuối cùng, ông không cần phải trao đổi thêm gì nữa.
Bây giờ thì tôi đặt câu hỏi ngược lại cho những người đánh ông Nguyễn Huệ Chi, mà lại đánh trên trang Văn nghệ TP Hồ Chí Minh với danh nghĩa văn nghệ nhưng khét tiếng nhân danh chính trị. Rằng sự cố tình tấn công uy tín Nguyễn Huệ Chi chỉ vì đám giặc già khoa bảng trước khi xuống lỗ không ai nhớ mặt đặt tên hay vì bảo vệ đám quan tham đang ngứa ngáy khó chịu bởi trang Bauxite Việt Nam phản biện xã hội do ông Nguyễn Huệ Chi chủ trương?
Trích vài ba bình luận trên Facebook về
bài viết này
Bất lợi của GS Nguyễn Huệ Chi là không có diễn đàn chính thống để đối thoại lại với những người tham gia đánh ông. Tờ VN TPHCM lâu nay là nơi để đám hồng vệ binh sử dụng làm công cụ để công kích không chỉ GS Nguyễn Huệ Chi mà còn nhiều trí thức chân chính khác. Thầy CML lên tiếng như vầy chắc chắn sẽ là lời động viên tinh thần rất lớn với GS NHC.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cùng với nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, khởi xướng trang mạng Bauxite Việt Nam (https://boxitvn.blogspot.com), tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức. Đây chính là nguyên nhân khiến lũ bồi bút (con hoang) tìm mọi cách hạ thấp uy tín của ông.
Tôi phục nhân cách khoa học của GS Nguyễn Huệ Chi. Trước là lần ông viết bài thuật lại cho mọi người biết "nỗi lòng" của cụ thân sinh trong một bài viết "đánh" Phan Khôi hồi nhân văn – giai phẩm. Lần khác là lần ông viết sai một chữ Hán trong một bài tứ tuyệt của Phan Khôi. Khi tôi nhắc ông, ông đã không giận, nhận ngay, sau đó còn vài lần giúp tôi nữa.
Từ những bài thơ phiên âm có lời dịch mà tái lập chữ Hán đã cực khó. Nếu lại không có lời dịch mà chuyển sang chữ Hán là vô cùng khó bạn Phan Nam Sinh ơi. Làm xong chỉ lo ngay ngáy. Được ai chỉ ra cho chữ nào chuyển sai thì mừng chứ ai mà giận được. Tâm lý người làm việc ấy là thế đấy. Mà xưa nay cũng rất ít người dám làm cái việc chuyển ngược như vậy. Cách đây 2 năm nể người bạn thơ cũng là dịch giả cừ khôi bên Mỹ nhờ chuyển 36 bài, tôi phải hỳ hục làm nhưng sau 2 tuần được 16 bài thì kiệt lực, đành phải ngừng. Chắc anh ấy có giận, nhưng anh ấy không thể biết đó là việc bắc thang lên trời. Bài thơ cụ Phan chỉ là một bài tứ tuyệt nên dễ hơn rất nhiều. Sai là do tôi.
Tôi kính trọng cái tầm và cái tâm nghề của GS. Huệ Chi. Ông vừa là người trí lực thực sự lại vừa là người thẳng thắn và trung thực, luôn mang trong mình tinh thần ái quốc, dấn thân và tận hiến những điều mình có mình biết về khoa học. Tiếc thay, cả cuộc đời lam lũ cày xới trên cánh đồng khoa học của ông cứ hết kẻ này đến kẻ khác, thế lực này đến thế lực khác đã cản trở thậm chí như ngăn chặn con đường khao khát đóng góp sức mình để cho những kho báu kiến thức Việt Nam ngày càng hoàn mỹ. Song trâu buộc thì ghét trâu ăn… Trong những kẻ nhiễu nhương ấy không hiếm những kẻ bồi bút, đê tiện đã tìm mọi cách để làm hại ông nhằm làm giảm uy tín của ông trên con đường học thuật. Nhưng cây ngay không sợ chết đứng. Tấm lòng trung thực của ông, trí tuệ uyên bác của ông đã chạm động đến được trái tim của nhiều người. Họ đã đọc, cảm nhận và công tâm trong đánh giá. Những công việc ông làm, sức ông đóng góp, tiếng giãi bày trung thực,… của ông đã lay động lòng người. Khg những nhà ng/cứu Chu Mộng Long, giảng viên Đại học Đặng Tiến, TS. Đặng Hảo, TS. Hoàng Dũng, nhà Hán học Nguyễn Xuân Diện và hàng trăm độc giả khác trong nước và ở nước ngoài rất ái mộ và kính trọng. Giá như khg có sự hùa bè ganh ghét, đố kị trong học thuật thì chắc chắn khg có chuyện rêu rao bôi xấu mặt nhau mà làm ảnh hưởng đến thanh danh các nhà khoa học như thế này. Tiếc thay, thương thay.