Huawei ở Việt Nam

Nguyễn Hồng Phúc

Thương hiệu Huawei ở Việt Nam không chỉ có điện thoại di động, mà còn là các thiết bị cho hạ tầng viễn thông ở Việt Nam từ những năm đầu thập niên 2000. Năm 1998, Huawei thành lập văn phòng đại điện tại Hà Nội, và đến năm 2008, hãng công nghệ này chính thức thành lập Công ty TNHH Công nghệ HuaweiViệt Nam. Huawei đã tròn 20 năm hiện diện ở Việt Nam.

Số thiết bị của Huawei và ZTE (cũng của Trung Quốc) từng chiếm tới 70-80% trên toàn hệ thống mạng của các doanh nghiệp viễn thông. Hiện nay thì nguồn tin không chính thức cho biết, tỷ lệ thiết bị của Huawei và ZTE trên hệ thống mạng chỉ chiếm khoảng 40-50%, và phần hạ tầng quan trọng nhất là hệ thống chuyển mạch thì hoàn toàn không có thiết bị của Huawei và ZTE.

Tuy nhiên các thiết đầu cuối như USB 3G, 4G, điện thoại giá rẻ, modem phát Wi-Fi, phát 3G, 4G đang bán trên thị trường Việt Nam hiện nay lại phần lớn từ Huawei và ZTE.

Các sản phẩm của Huawei đang được bày bán chính thức tại Việt Nam

Chiến lược của Huawei đơn giản chỉ về giá. Trong trận chiến cung cấp thiết bị cho các nhà mạng, Huawei đã khiến cho giá bán trạm BTS [*] giảm tới hơn 50% so với mức thấp nhất trước đó, và giảm tới gần 10 lần so với mức cao nhất, nghĩa là Huawei đã tạo ra mức giá rẻ chưa từng có.

Vì giá bỏ thầu của Huawei cạnh tranh nhất, để rồi cùng với cơ chế đấu thầu của Việt Nam là ‘rẻ thì phải thắng’, nên nếu doanh nghiệp nào không chọn họ thì sẽ bị thanh tra ngành đến ‘gõ cửa’. Khi ấy do chưa xảy ra vụ lùm xùm nào của đối tác này nên nhà mạng Việt Nam đành chào thua, không biết giải trình ra sao với bên thanh tra khi giá của Huawei là rẻ nhất; mặc dù về mặt kỹ thuật ai cũng biết tiền nào thì của đó, nếu như không ẩn tình kiểu chiêu trò Trọng Thủy – Mỵ Châu ở đây.

Nhà báo Phan Thị Việt Thu, nguyên trưởng đại diện một tạp chí tin học tại Sài Gòn, kể rằng các nhà mạng của Việt Nam ngại Huawei ngay từ ban đầu. Thế rồi với chiến lược ‘tằm ăn dâu’, Huawei tiếp thị sản phẩm bằng việc biếu không các tổng đài quà tặng cho nhà mạng cố định tại Cần Thơ, Đồng Tháp… Những món quà tặng này sau đó được phát triển dưới hình thức vừa tặng vừa bán. Tức là Huawei sẽ tặng tổng đài có khả năng phục vụ 500 số, nếu muốn 1.000 số thì khách hàng phải mua thêm.

Bên cạnh đó bằng con đường tác động ngoại giao, mời các quan chức trong ngành viễn thông ở Hà Nội du lịch Thẩm Quyến, nơi có trụ sở chính của Huawei. Nhờ những bước đi khôn khéo này mà những nền tảng ban đầu trong quan hệ giữa Huawei và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đã được thiết lập.

Sau khi giành được thị phần ở Việt Nam, Huawei tiếp tục củng cố vị trí của mình bằng các hoạt động xã hội như Chương trình CSR (Trách nhiệm Xã hội Công dân Doanh nghiệp) được triển khai trong 3 năm, từ 2017 đến 2019, trị giá 1 triệu USD, bao gồm các hoạt động: Đào tạo công nghệ ICT; tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động dành cho sinh viên Việt Nam; Chương trình Hạt giống Viễn thông Tương lai (Seeds for the Future); và các hoạt động tài trợ xã hội khác.

Tính đến tháng 10 năm nay, Huawei là nhà thầu gần như chi phối toàn bộ hoạt động của VNPT. Trong thông báo số 2783/KTM –KHKT do ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Ban khai thác mạng VNPT Net ký ngày 26-10-2018, đã chấp thuận hồ sơ đề xuất và trao hợp đồng gói thầu “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống vô tuyến Huawei mạng VNPT Net năm 2018” cho công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam. Giá gói thầu này là 14.093.211.000 đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Một nguồn tin khác cho biết còn có hàng loạt gói thầu khác trị giá hàng chục tỷ đồng cũng được VNPT Net chỉ định thầu.

Ông Đinh Hồng Quang, nguyên là Chánh Văn phòng Công đoàn Bưu điện Việt Nam, đương kim Chánh văn phòng VNPT Net giải thích với báo chí rằng, Huawei là một đối tác lớn từ Trung Quốc, vào Việt Nam từ khá lâu và cũng là đơn vị được các cơ quan, Chính phủ quan tâm nên công ty đã chủ động chọn đối tác này. Cũng theo ông Quang, lý do chọn nhà thầu này còn là để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của một lãnh đạo Chính phủ (!?).

Nhà báo Phan Thị Việt Thu nói rằng cái ngại nhất là những ‘cửa sau’ cố tình của các thiết bị mạng mà Huawei, ZTE bán tại Việt Nam. Dân chuyên môn gọi là ‘backdoor’, tức là ‘crypto backdoor’, có nghĩa là ‘cửa hậu’ hay lối vào phía sau. Trong một hệ thống máy tính, ‘cửa hậu’ được hiểu là một phương pháp vượt qua thủ tục chứng thực người dùng thông thường, hoặc để giữ đường truy nhập từ xa tới một máy tính, cố gắng không bị phát hiện bởi việc giám sát thông thường.

“Nhìn ở một góc độ nào đó thì mỗi lỗ hổng đều có thể được xem là một ‘backdoor’ do lập trình viên cố ý tạo ra. Là một quốc gia có quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc, việc hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các công ty như Huawei, ZTE cần phải được cẩn trọng gấp bội. Việt Nam đã có Luật An toàn Thông tin mạng, hiệu lực từ 1-7-2016. Cần vận dụng luật này để rà soát lại toàn bộ hạ tầng mạng viễn thông của Việt Nam”. Nhà báo Phan Thị Việt Thu đề nghị.

Chú thích:

[*] BTS: viết tắt của Base Transceiver Station là trạm thu phát gốc, được dùng trong hệ thống mạng viễn thông. Các BTS tạo nên vùng phủ sóng của tế bào (cell), vị trí của chúng quyết định dung lượng và vùng phủ của mạng.

N.H.P.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Huawei, Việt - Trung. Bookmark the permalink.