Minh Quân
Sau 5 năm hoạt động (2013 – 2018), trái ngược với thông tin mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thường báo cáo và công bố là đã xử lý từ 250.000 – 300.000 tỷ đồng nợ xấu, tổng giá trị những khoản nợ xấu mà VAMC đã mua đạt chỉ vào khoảng 40.000 tỷ đồng.
Nhưng không phải tất cả nợ đã mua đều được ‘xử lý’, mà với những khoản không xử lý được, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn và ngân hàng phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán. Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, hiện không rõ trong 40.000 tỷ đồng nợ xấu trên đã xử lý được bao nhiêu và phần đáo hạn trong năm 2018 này là bao nhiêu. Trong thời gian qua, một số ngân hàng mà trước đó đã bán nợ xấu cho VAMC như như Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, VietinBank… đã phải tất toán lượng nợ xấu đã bán sang VAMC trước đây.
Một cách chắc chắn, từ thời điểm này và dự báo sẽ dần thể hiện trên báo cáo tài chính nhiều tổ chức tín dụng quý IV năm 2018 và sang năm 2019, nợ xấu đang và sẽ có chiều hướng tăng lên.
Nợ xấu cũ vẫn dồn tích
Bản báo cáo của Ngân hàng nhà nước vào tháng Tám năm 2018 vẫn ‘phát huy thắng lợi’ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% của thời thống đốc cũ là Nguyễn Văn Bình, trong đó liệt kê chủ yếu công trạng của VAMC khi đã ‘xử lý’ được vài trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu và lời trấn an của một số chuyên gia nhà nước về ‘nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và chưa có gì đáng lo’.
Nhưng thực tế đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao và có tới 12/17 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm trước. Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính của 15 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng nợ xấu tăng 9,8% về quy mô so với thời điểm đầu năm.
Đặc biệt, tổng số nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn, tăng đến 17,9%, chiếm 54% tổng dư nợ, tăng gần 2 phần trăm so với hồi đầu năm 2018. Ở nhóm các ngân hàng niêm yết, VPBank hiện là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, chiếm gần 4,07% trên tổng cho vay, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức gần 3,4%.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), tỉ lệ nợ xấu chiếm đến 6,48% tổng dư nợ, với quy mô 897 tỉ đồng. Với ở một ngân hàng có quy mô nhỏ như SCB, quy mô nợ xấu này về tuyệt đối cũng không lớn trên thị trường, nhưng lại quá cao về tỉ lệ tuyệt đối.
Diễn biến cũng tương tự ở các ngân hàng Techcombank, SHB, ACB…
Trong số hàng chục ngân hàng hoặc hơn thế đang vướng vòng ‘lao lý nợ xấu’, có những cái tên mà từ năm 2016 đến nay đã bị không ít dư luận cho rằng có thể rơi vào cảnh phá sản vào một ngày đẹp trời nào đó, sau những cái tên đi tiên phong là Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu.
Cũng cần chú ý là tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại hiện thời – tuy vượt trên ngưỡng 3% nhưng vẫn chỉ ở mức 5 – 6%, tức chỉ là ‘nợ xấu nội bảng’, theo một thuật ngữ đặc thù của ngành tài chính Việt Nam. Trong thực tế, số nợ xấu này chưa tính đến phần nợ xấu mà ngân hàng đã ‘bán’ cho VAMC, tức bán trên giấy tờ, cũng vào khoảng 3-6% nữa.
Trong khi đó, VAMC lại chẳng giúp gì được cho các ngân hàng trong các chiến dịch bán đấu giá tài sản nợ, nếu không muốn nói rằng tổ chức này sinh ra để… ăn hại.
Chẳng ma nào thèm quan tâm
Từ vài năm qua, VAMC và các ngân hàng thương mại đã rao bán hàng loạt món nợ xấu, chủ yếu là bất động sản với trị giá tài sản khủng từ cả chục tới cả trăm tỉ đồng.
Chẳng hạn khoản nợ xấu của Cty TNHH thành phố Vàng của Ngân hàng Agribank đã bán nợ sang VAMC là quyền sử dụng 7.851 m2 đất, khoản nợ của Cty TNHH Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân bao gồm các khoản dư nợ gốc kèm dư nợ lãi của công ty và khách hàng này lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Một vụ đấu giá khác đặc biệt gây chú ý là Ngân hàng Sacombank rao bán hàng loạt khu đất, dự án bất động sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng để thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong số những lô bất động sản được rao bán này có nhiều khu đất trị giá tại trung tâm TPHCM như lô số 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) có diện tích 800 m2. Giá khởi điểm lên tới 811 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2.
Agribank và Agribank AMC còn có hơn 10 đợt đấu giá tài sản, giá chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tài sản giá trị như 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM với giá khởi điểm 96 tỷ đồng; quyền sử dụng đất tại số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 69 tỷ đồng…
Nhưng trong thực tế, nhiều phiên đấu giá đã bị ế vì không có người mua. Có tài sản VAMC đấu giá 7-8 lần, thậm chí là 10 lần vẫn chưa có người mua. Thị trường mua bán nợ hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng khoản nợ, giá cả chào bán, nhưng mức giá mà VAMC và các ngân hàng thương mại đưa ra lại thường quá cao nên đã dẫn đến hậu quả ‘chẳng ma nào thèm quan tâm’.
Vụ đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng vào năm 2018 đã phải tổ chức đến ba lần nhưng vẫn không có người tham gia. Khoản nợ của Công ty TNHH Thành Phố Vàng cũng phải đấu giá nhiều lần nhưng cũng không bán được dù lần sau giá đã giảm hơn lần đấu giá trước. Hay dự án phức hợp Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa (34 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM), đã hơn 1 năm trôi qua nhưng khoản nợ này vẫn chưa được xử lý khi mức đấu giá lên tới 6.110 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc lẫn lãi lên hơn 7.000 tỷ đồng).
Không chỉ dự án ngàn tỷ, các khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn nhưng không phải bất động sản càng khó. Chẳng hạn VietinBank chi nhánh Hà Nội vừa có thông báo bán tài sản bảo đảm nợ vay của Công ty CP thương mại NEM để thu hồi khoản nợ hơn 110,8 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 61 tỷ đồng…
Bóng ma phá sản ngân hàng đang hiện hình từng ngày là đáp số đích đáng nhất cho báo cáo “GDP Việt Nam tăng hơn 6%” của giới lãnh đạo trơn tuột trong cái nội các chính phủ đã trôi hơn nửa khóa…
Kẻ… ăn hại
Vào năm 2014, Thống đốc Bình đã phát ra một sáng kiến là chỉ đạo cho VAMC gửi đến 500 bộ hồ sơ chào bán nợ xấu Việt Nam cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Thế nhưng từ đó đến nay vẫn không có bất kỳ hồi âm chính thức nào từ các ‘đối tác tiềm năng’ về tư thế sẵn sàng ôm lại núi nợ xấu ấy, vô hình trung cũng làm tan hoang phong cách tuyên giáo ‘các đối tác nước ngoài phải xếp hàng để được mua nợ xấu của VAMC’.
Thay cho các ‘đối tác nước ngoài’, chính các ngân hàng thương mại trong nước đã nhận được mệnh lệnh từ Ngân hàng nhà nước phải bán nợ xấu cho VAMC… trên giấy. Cho đến gần đây, tổng số nợ xấu được bán như thế là khoảng từ 250.000 – 300.000 tỷ đồng, đủ để VAMC lập báo cáo thành tích đầy ấn tượng, còn lãnh đạo Ngân hàng nhà nước thì báo cáo ra các kỳ họp Quốc hội là đã giảm được đến 600.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.
Đến nay, các phương án “xử lý nợ xấu” của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu “giảm nợ xấu về 3%” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất – theo nhiều chuyên gia phản biện.
Phá sản ngân hàng!
Tình trạng VAMC bất lực trong việc xử lý nợ xấu và phải tìm cách đẩy lại nợ xấu về cho các chủ cũ của nó đã góp một bàn tay tạo ra một nghịch lý rất lớn: khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng, nhưng không ít nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu tăng vọt.
Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
Tâm lý của một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
Nếu vào năm 2019 và những năm sau đó, ngành ngân hàng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng, dù chỉ ở quy mô vừa phải, cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng và khiến phát sinh nợ xấu trầm trọng. Khi đó, sẽ không thể còn bài ca nghịch lý ‘Ngân hàng lãi lớn, nợ xấu vẫn tăng’.
Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu đang tăng mạnh một cách không thể cưỡng lại, bắt nguồn từ con sóng đầu cơ bất động sản ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành ở Việt Nam vào hai năm 2017 và 2018. Trong năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ‘nóng’ đã lên đến 37%, cao gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng bình quân là 18%, mà rất có thể số tín dụng này đã được tuồn cho giới đầu cơ bất động sản, tái hiện quy trình tín dụng – nợ – nợ xấu hậu giai đoạn giá bất động tăng gấp ba lần vào năm 2007.
Hiển nhiên, việc các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được nợ xấu đã khiến Ngân hàng nhà nước không thu được nợ và dĩ nhiên không thể bù đắp cho bầu sữa ngân sách đã bị các nhóm lợi ích xâu xé gần như cạn kiệt.
Tình trạng nợ xấu tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới – không khác mấy trường hợp của Argentina trong hai lần vào năm 2001 và năm 2014.
Đó là lý do để chưa đầy hai tháng sau khi ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN lại phải có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 07/11/2018 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD – trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Đáng chú ý, động thái ban hành văn bản của Chính phủ và NHNN về ‘quyết liệt xử lý nợ xấu’ cứ đều đặn diễn ra vào quý tư mỗi năm, lần nào cũng như lần nào đều thúc bách các ngân hàng thương mại cổ phần và chính quyền các địa phương phải gia tăng tiến độ xử lý nợ xấu, trong khi các báo cáo của NHNN vẫn luôn khoe khoang thành tích ‘nợ xấu giảm về dưới 3%”.
Sự bất lực hay thực chất là thất bại của cơ chế VAMC đang đẩy khối ngân hàng ‘mùa vàng lợi nhuận’ vào tình thế phải tự giải quyết núi nợ xấu, nhưng lại không biết làm cách nào.
Trong bối cảnh ‘tang gia bối rối’ ấy, nỗi nguy biến có ít nhất 1/3 trong tổng số hơn ba chục ngân hàng bị rơi vào cảnh phá sản lại đang ập đến. Những cái tên ngân hàng thương mại loại nhỏ và cả loại trung bắt đầu xuất hiện.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi vụ Công ty ALC II của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia – Agribank – bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.
Mặc dù chưa thực sự bị cho phá sản, nhưng Agribank lại là quán quân về mức độ tham nhũng, thất thoát cùng số cán bộ bị xử án trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Bóng ma phá sản ngân hàng đang hiện hình từng ngày là đáp số đích đáng nhất cho báo cáo “GDP Việt Nam tăng hơn 6%” của giới lãnh đạo trơn tuột trong cái nội các chính phủ đã trôi hơn nửa khóa, đang và sẽ đẩy nền kinh tế cùng xã hội Việt Nam vào một cơn khủng hoảng vô phương tránh thoát.
M.Q.
VNTB gửi BVN