Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (Bài 4)

Nguyễn Vũ Bình

     Câu hỏi:

Phong trào Dân chủ Việt Nam hiện nay bao gồm những phương diện đấu tranh nào?

     Trả lời:

Phong trào Dân chủ hiện này bao gồm 6 phương diện đấu tranh.

– Thứ nhất là nâng cao nhận thức của người dân;

– Thứ hai là tố cáo và lên án chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam;

– Thứ ba là liên kết, kết nối trong Phong trào dân chủ để tạo ra sức mạnh cho phong trào;

– Thứ tư, là những hoạt động phản kháng của phong trào dân chủ;

– Thứ năm là kết nối với người dân để dẫn dắt cuộc đấu tranh;

– Thứ sáu là mặt trận quốc tế vận và mối liên hệ với người Việt hải ngoại và phong trào dân chủ hải ngoại.

Như vậy, có 6 nội dung chính trong những hoạt động của Phong trào dân chủ.

     Câu hỏi:

Xin cho biết, phương diện nâng cao nhận thức của người dân bao gồm những vấn đề gì?

     Trả lời:

Phương diện này trước hết phải làm sao cho người dân biết được, hiểu được các quyền con người của mình. Các quyền tự do cơ bản và quyền tự do dân sự.

­– Tự do cơ bản là việc con người được tự do đi lại, sinh sống, sinh hoạt…

– Tự do dân sự là các quyền tự ứng cử, bầu cử, v.v.

Vấn đề thứ hai của việc nâng cao nhận thức của người dân là chúng ta phải làm cho người dân hiểu bản chất của chế độ này, chế độ chúng ta đang sống, chế độ cộng sản.

Vấn đề thứ ba của việc nâng cao nhận thức con người là chúng ta cần tìm được mối liên hệ giữa việc mất tự do của con người với hoàn cảnh khổ cực của người dân. Từ việc chúng ta không có các quyền con người tới việc nhà nước họ áp đặt, họ làm ra những vấn đề mà nó dẫn đến cuộc sống của người dân lầm than khổ sở như hiện nay…

     Câu hỏi:

Xin cho biết về vấn đề tố cáo và lên án chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam?

    Trả lời:

Nội dung đầu tiên là tố cáo tội ác trong quá khứ, trong lịch sử của chế độ. Chế độ này có rất nhiều tội ác, có nhiều góc khuất mà cần phải làm rõ, ví dụ: cải cách ruộng đất, đánh tư sản, v.v. Tố cáo lên án chính sách hiện hành, những chính sách hiện hành đang gây đau khổ cho người dân. Ví dụ, vấn đề “dân oan”, vấn đề cướp đất… Tố cáo những chính sách kinh tế sai lầm, ví dụ như việc để doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 60-70% nguồn lực của đất nước nhưng lại làm ra chỉ 20-30% giá trị sản phẩm cho đất nước. Đó là chính sách về phát triển kinh tế sai lầm, đã có rất nhiều người phê phán chính sách phát triển kinh tế. Tố cáo lên án việc vi phạm quyền con người. Việc vi phạm quyền con người rất nhiều và nghiêm trọng trên đất nước này, ví dụ, người dân tới đồn công an, sau đó bị đánh và bị chết; tố cáo những việc đàn áp người đấu tranh. Những người đấu tranh bị đánh, bị câu lưu, rồi bắt giam bởi những điều luật rất mơ hồ. Cuối cùng là tố cáo tham nhũng.

     Câu hỏi:

Liên kết, kết nối giữa những người đấu tranh để làm gì, và như thế nào?

     Trả lời:

Chúng ta biết là, nếu đấu tranh đơn lẻ thì sức mạnh của chúng ta không được là bao, nhưng nếu kết hợp lại với nhau, chúng ta đấu tranh trong một tổ chức thì sức mạnh sẽ nâng lên cấp số nhân. Cho nên việc kết nối lại, liên kết trong Phong trào Dân chủ là một yêu cầu thường trực, tuyệt đối. Tuy nhiên, việc kết nối này, hình thành và hoạt động theo tổ chức là việc đại kỵ đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng dù đại kỵ thế nào chúng ta cũng phải làm, vì nó là yêu cầu để tăng thêm sức mạnh cho Phong trào Dân chủ. Hoạt động liên kết, kết nối này để hình thành các tổ chức, có tổ chức chính trị đó là các đảng phái, các nghiệp đoàn, v.v. Về xã hội, có các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm thiện nguyện, v.v.

     Câu hỏi:

Có thể nói gì về các hoạt động phản kháng của Phong trào Dân chủ?

     Trả lời:

Đó là những việc ký kết các thư phản đối, tố cáo, phản kháng trên không gian mạng, trên facebook, ví dụ, có những bức ảnh chúng ta chụp để phản đối việc bắt bớ, Free Nguyễn Văn Đài, v.v. Chúng ta có những phản kháng ở ngoài đời, đó là việc biểu tình, biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ môi trường cây xanh, biểu tình bảo vệ môi trường biển chống Formosa; hoạt động phản kháng chống việc lạm thu các trạm thu phí đường bộ, còn gọi là đánh BOT. Hoạt động đòi người khi một số người bị câu lưu, mà anh em biết thì đến trụ sở công an đòi người…

     Câu hỏi:

Việc kết nối với người dân được thực hiện ra sao?

    Trả lời:

Hoạt động này có hai khía cạnh, trên không gian mạng xã hội, chúng ta kết nối với rất nhiều người dân, sự kết nối này rất có giá trị, nó làm được rất nhiều việc. Từ việc nâng cao nhận thức người dân, đến tố cáo chế độ… đặc biệt, kết nối với người dân đã bảo vệ được nhiều người dân bi oan khuất khi có đầy đủ hình ảnh và bằng chứng. Thứ hai là kết nối ngoài đời, chúng ta có những tổ chức thiện nguyện, đi cứu trợ thiên tai, lũ lụt… những hội nhóm về bảo vệ môi trường, người dân tham gia rất đông, hoặc chúng ta kết nối với “dân oan”.

    Câu hỏi:

Xin cho biết mối liên hệ của Phong trào Dân chủ với người Việt hải ngoại và mặt trận quốc tế vận?

     Trả lời:

Việc tố cáo lên án chế độ, tất nhiên ở trong nước là cần thiết, nhưng với quốc tế quan trọng hơn. Bởi vì, Việt Nam đã hội nhập, đã vào sân chơi chung của thế giới, nên cần cho thế giới biết được bản chất của nhà nước Việt Nam. Muốn kết nối với quốc tế, chúng ta phải có kênh dẫn truyền, đó là người Việt hải ngoại và Phong trào dân chủ hải ngoại, chúng ta trong nước hầu như không đi ra ngoài được, không quen biết ai. Chúng ta phải kết nối với người Việt hải ngoại và chúng ta hình thành lên một mặt trận quốc tế, để quốc tế hiểu được bản chất của nhà cầm quyền, bản chất chế độ; hiểu được người dân trong nước lầm than, bị vi phạm các quyền con người như thế nào.

Hà Nội, ngày 24/11/2018

N.V.B.

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4850

This entry was posted in Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.