Tạm giam điều tra: sự tàn phá thể xác và hủy hoại lương tâm con người

Phạm Lê Vương Các

Xem qua hình ảnh biến đổi kinh hoàng của một người phụ nữ chỉ sau một năm bị tạm giam để điều tra, đã giúp tôi khẳng định một niềm tin mạnh mẽ rằng, việc tạm giam kéo dài để phục vụ cho công tác điều tra cần phải được loại bỏ ra khỏi hệ thống luật pháp Việt Nam.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, cận cảnh

Ảnh: sự biến đổi của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến trước và sau khi bị bắt tạm giam một năm.

Người phụ nữ có khả năng “biến hình” được cộng đồng mạng nhắc đến là bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt tạm giam vào năm ngoái vì các sai phạm trong quản lý ngân hàng.

Khi ra tòa, bà đã biến đổi tàn tạ đến mức làm những người thân quen trước đây cũng không thể nhận ra. Hình ảnh của bà đã không thể giấu được sự thống khổ mà bà đã trải qua trong suốt thời gian bị tạm giam.

Chúng ta không thể biết được chuyện gì đã xảy ra đối với bà ở bên trong những bức tường kín đáo của trại giam, nhưng hình ảnh biến đổi của bà cho chúng ta biết được, hệ thống tạm giam hiện nay đã tàn phá khủng khiếp đến thể xác lẫn tinh thần của một con người như thế đó.

Đây là điều mà trước đây chúng ta đã đặt ra một quy tắc được gọi là Luật cũng không muốn hướng đến việc cải tạo ra một con người như vậy ngay cả khi họ bị tuyên án là có tội.

Trong hoàn cảnh, tôi xin nhắc lại quan điểm của một chuyên gia trong Uỷ ban Chống tra tấn Liên Hợp Quốc đã nhận định về tình trạng giam giữ ở Việt Nam rằng, “những người tự sát hay rối loạn thần kinh trong các trại giam giữ không phải vì lo sợ trong khi chờ đợi đối diện với hình phạt theo pháp luật, mà vì sự thống khổ mà họ phải chịu đựng bởi sự ngược đãi trong các trại giam”.

Thật vậy, đánh giá tình trạng biến hình đến mức không thể nhận ra của bà Xuyến buộc những người có lương tâm phải đặt ra câu hỏi dành cho những người có trách nhiệm rằng: “Thật sự điều gì đang xảy ra trong các trại giam giữ tại Việt Nam? Làm cách nào để biết được người đang bị giam giữ đang chịu cảnh ngược đãi và bị đối xử vô nhân?”

Lưu ý rằng, việc tạm giam kéo dài theo Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành của Việt Nam là hoàn toàn trái với chuẩn mực theo luật quốc tế. Việc tạm giam có thể kéo dài đến 16 tháng để phục vụ công tác điều tra như hiện nay là cấu thành hành vi “giam giữ độc đoán” theo luật nhân quyền quốc tế.

Luật quốc tế yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, trong vòng 48h phải đưa người bị bắt giữ ra trước một thẩm phán ở một phiên toà có luật sư biện hộ, để xem xét tội danh cáo buộc và bằng chứng bắt giữ nghi phạm.

Trong các trường hợp này, hầu hết các nghi phạm đều được thẩm phán cho phép tại ngoại hầu tra. Việc áp dụng biện pháp tạm giam chỉ là ngoại lệ dành những trường hợp đặc biệt cần thiết như khủng bố, giết người, hay phát hiện ra nghi phạm đang tiêu hủy chứng cứ, chuẩn bị bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Việc tước bỏ quyền được tại ngoại hầu tra của nghi phạm chỉ có thể được thực hiện với điều kiện cơ quan chức năng buộc phải chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể, chứ viện dẫn lý do nhằm mục đích “phòng ngừa” hay “đảm bảo cho công tác điều tra” đều không được chấp nhận.

Trong khi đó nguyên tắc chuẩn mực pháp lý này lại bị đảo ngược hoàn toàn tại Việt Nam, khi tạm giam lại được áp dụng phổ biến, còn tại ngoại điều tra chỉ là những ngoại lệ do đặc quyền bên công an quyết định.

Một nền luật pháp tiến bộ, văn minh luôn ưu tiên cho việc tại ngoại điều tra bởi nguyên tắc “suy đoán vô tội”, cũng như khi áp dụng hình thức tại ngoại điều tra sẽ giúp cho nhà nước tránh khỏi việc phải bồi thường cho người bị tạm giam trong trường hợp toà án tuyên họ vô tội.

Hơn hết, việc cho tại ngoại điều tra sẽ ngăn chặn tình trạng tra tấn, ép cung hay nhạ nhục con người, từ đó có thể dẫn đến việc kết án tù oan sai cho người vô tội.

Chuẩn mực pháp lý đã có, nhưng đáng tiếc, hệ thống giam giữ đã đối xử với người bị giam giữ với một cách hoang dại. Đến một ông tướng như Phan Văn Vĩnh cũng phải bật khóc trước toà khi được tháo còng tay, hay một người đầy quyền lực kinh tế như Bầu Kiên cũng phải đeo xích chân khi ra toà. Đó là biểu hiện của nền pháp lý hoang dại sẽ không buông bỏ bất kỳ ai, cho dù họ đã từng ở trên đỉnh cao của quyền lực chính trị hay kinh tế.

Còng tay và xích chân ngay trong phiên xử để ngăn họ trốn chạy, quấy rối hay nhằm hạ nhục con người họ? Hạ nhục con người diễn ra ngay tại nơi xét xử, các định kiến phạm tội đã được thể hiện công khai khi vừa mở phiên toà, thì giữa bốn bức tường kín đáo người bị giam giữ còn phải chịu đựng những gì?

Đã đến lúc chúng ta cần viết lại các điều luật về tạm giam đang hủy hoại thể xác và lương tâm con người từ các trại giam giữ. Cần chuyển chức năng quản lý trại giam từ bên công an sang một cơ quan độc lập khác không có thẩm quyền điều tra, và cho phép các tổ chức nhân quyền được thăm viếng và giám sát các trại giam giữ.

Hãy lên tiếng trước khi quá muộn. Bảo vệ quyền con người không chỉ cho riêng tôi, hay cho riêng bạn, mà cho tất cả chúng ta.

P.L.V.C.

Nguồn: FB Phạm Lê Vương Các

This entry was posted in Pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.