Bài trí thức ở Việt Nam: Trường hợp Giáo sư Chu Hảo

Cù Huy Hà Vũ

29-11-2018

Ngày 15 tháng 11 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam, đã ra thông cáo báo chí về việc khai trừ khỏi Đảng Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

Trước đó, vào ngày 26 tháng 10, ông Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng, một ngày sau khi Ủy ban này thông báo sẽ kỷ luật ông do ông đã xuất bản một số cuốn sách và có những bài viết và phát ngôn “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”. Trong số những cuốn sách này có Bàn về tự do của John Stuart Mill, Khảo luận thứ hai về Chính quyền của John Locke, Nền Dân trị Mỹ của Alexis De Tocqueville, Đường về nô lệ của Friedrich A. Hayek.

Ông Hảo cũng ký các kiến nghị, thư ngỏ phê phán Đảng như Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 và Thư Ngỏ gửi Ban chấp hành trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiến nghị đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp (qui định về sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN), đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; Thư ngỏ cho rằng Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ủy ban cũng lên án ông Hảo đã sáng lập, tham gia các hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ và các tổ chức khác có các hoạt động truyền bá tư tưởng quan điểm trái với quan điểm của Đảng, như Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và “Quỹ Phan Chu Trinh”, quỹ này đã “trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”.

Ảnh hưởng của ông Trọng

Trong chương trình nghị sự của Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, một nhà lý luận Mác-Lênin, tham nhũng và “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” trong Đảng, tức là dần từ bỏ dần niềm tin và các tiêu chuẩn cộng sản, là hai vấn đề then chốt phải được giải quyết để duy trì chế độ độc đảng ở Việt Nam.

Sau khi hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – dưới sự cầm quyền của ông này tham nhũng đã trở thành đại họa -, tại Đại hội Đảng lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 1 năm 2016, ông Trọng đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng có qui mô nhất trong lịch sử Đảng. Chiến dịch này được gọi là “Đốt Lò”, dựa trên tuyên bố nổi tiếng của ông Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Cho đến nay, hàng chục quan chức cao cấp, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị và một tá tướng lĩnh cả công an lẫn quân đội đã bị truy tố và bỏ tù. Kết quả là uy tín của ông Trọng đã tăng mạnh. Ngày 23 tháng 10 vừa qua, Quốc hội đã bầu ông Trọng làm Chủ tịch nước với gần 100% số phiếu, điều này đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Hào quang do thành công của chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng mang lại, chắc chắn đã củng cố niềm tin của ông rằng ông sẽ thành công trong việc chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, nhất là với các quy định của Đảng được làm ra dưới ảnh hưởng của ông.

Vào tháng 11 năm 2011, mười tháng sau khi ông Trọng được bầu làm người đứng đầu Đảng nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Ban chấp hành trung ương Đảng ban hành Quy định số 47 về ‘Những điều đảng viên không được làm’. Theo quy định này, đảng viên không được “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng”, “tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng”.

Sáu năm sau, vào tháng 11 năm 2017, Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu đã ban hành Quy định số 102 về xử lý đảng viên vi phạm các qui định của Đảng. Quy định này nêu rõ sẽ xử lý bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng nếu đảng viên “cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng”, “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ”, “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, “đòi hỏi phải thực hiện tam quyền phân lập”,”xã hội dân sự”,”đa nguyên chính trị”,”hệ thống đa đảng”hoặc”thành lập và / hoặc tham gia các hiệp hội trái luật”.

Mâu thuẫn với Hiến pháp và thực hành của Đảng

Theo các quy định của Đảng nói trên, việc khai trừ ông Chu Hảo ra khỏi Đảng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, bản thân các quy định ấy lại có vấn đề khi xem xét dưới góc độ Hiến pháp và thực hành của Đảng.

Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp qui định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Vẫn bộ luật tối cao này quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Do đó, bất cứ quy định nào của bất kể tổ chức nào của ĐCSVN, kể cả Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, loại bỏ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người cơ bản khác, là trái với Hiến pháp và vì vậy phải bị bãi bỏ.

Ngoài ra, những quy định cấm đoán này mâu thuẫn với thực hành của ĐCSVN, đó là chưa kể đến nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” được quy định trong Điều lệ Đảng. Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin mà ĐCSVN theo đuổi chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa này đồng nhất với khu vực tư nhân và nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ĐCSVN trên thực tế đã từ bỏ học thuyết Mác-Lênin. Đại hội lần thứ 6 của Đảng họp vào năm 1986 đã phát động một chương trình cải cách kinh tế gọi là “Đổi mới”, không chỉ công nhận mà còn phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường, đặc biệt với việc cho phép đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo học thuyết Mác-Lênin, đảng viên một khi làm chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ là “những kẻ bóc lột” hay “những kẻ thù giai cấp” của đảng cộng sản. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội mà ĐCSVN tuyên bố tiếp tục theo đuổi là “chủ nghĩa xã hội bị rút lõi”.

Chu Hảo và các đảng viên khác cùng quan điểm chỉ là những công dân tuân thủ Hiến pháp. Cũng như vậy, họ chỉ tiếp tục công việc xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin và các vấn đề liên quan do chính Đảng khởi xướng.

Một phản ứng dữ dội bắt đầu

Chỉ hai ngày sau khi ông Trọng giữ chức Chủ tịch nước, việc kỷ luật của ông Hảo được công bố. Mới đây, trong một cuộc họp với các cử tri vào ngày 24 tháng 11, ông Trọng với tư cách là đại biểu Quốc hội cho biết: “ông Chu Hảo bị xử lí kỉ luật khai trừ khỏi Đảng, không phải là do tham nhũng, mà do quá trình ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’… kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Ít nhất một chục đảng viên, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc, đã công khai tuyên bố bỏ Đảng để ủng hộ ông Hảo. Một số trong những người này tin rằng, hành động của họ sẽ mở đầu cho một phong trào bỏ Đảng. Bản thân tôi không đồng ý với ý kiến này vì số lượng đảng viên có quan điểm dân chủ là không đáng kể. Tóm lại, việc khai trừ ông Hảo khỏi Đảng không thể làm suy yếu Đảng về mặt tổ chức. Ngược lại, việc này làm suy yếu các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và có thể được coi là một cuộc tấn công vào giới trí thức.

Do tham nhũng ở Việt Nam có tính thể chế, chống lại đại họa này không thể là một công việc ngắn hạn. Phải có sự tham gia của toàn xã hội thay vì chỉ dựa vào ý chí chính trị của những người không tham nhũng, gồm cả ông Trọng, trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, một khi được xã hội hóa, chương trình chống tham nhũng sẽ giúp ông Trọng tránh khỏi bị nghi ngờ rằng ông đã sử dụng chống tham nhũng như một cái cớ để thanh trừng các đối thủ chính trị của mình. Rõ ràng, một sự tham gia như vậy của toàn xã hội chỉ có thể xảy ra nếu người dân được trang bị kiến thức chính trị và xã hội cần thiết. Điều này lại chỉ có thể có được nếu giới trí thức nhập cuộc.

Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu để thành công trong công cuộc chống tham nhũng là sự tồn tại của một hệ thống luật pháp công bằng và hiệu quả. Với tư cách là những người phản biện khách quan và khoa học, giới trí thức chắc chắn sẽ lấp đầy các khoảng trống của hệ thống pháp luật hiện hành được xây dựng trên cơ sở tham nhũng có tính hệ thống. Ví dụ, luật đất đai cho phép chính quyền tùy tiện lấy đất của người dân để giao cho các doanh nghiệp tư nhân cánh hẩu của họ, một phương thức được giới chức chính quyền khai thác nhằm trục lợi.

Hiện tại, uy tín của chính quyền Việt Nam có được là nhờ sự liêm khiết nổi tiếng của Chủ tịch, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta không thể loại trừ khả năng tham nhũng sẽ trỗi dậy, thậm chí với cường độ mạnh hơn trước, sau khi ông Trọng nghỉ hưu. Nếu ĐCSVN tiếp tục chủ trương bài trí thức, coi những trí thức phản biện là “các thế lực thù địch”, những kết quả đáng ngưỡng mộ của chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ chỉ là những lâu đài trên cát.

Trong một hành động khác ủng hộ Giáo sư Chu Hảo, hơn 200 đảng viên và trí thức đã ký một “Thư ngỏ” yêu cầu lãnh đạo Đảng rút lại quyết định kỷ luật ông. Liên kết với những người ký Thư ngỏ, một nhóm 81 học giả, giảng viên và nghiên cứu viên đã gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam một bức thư bày tỏ “sự không đồng ý và thất vọng sâu sắc trước những cáo buộc nhằm vào Giáo sư Chu Hảo”. Bức thư có đoạn: “Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị rằng chính phủ nên khuyến khích việc thảo luận tri thức rộng rãi về tất cả các chủ đề ở Việt Nam, và chúng tôi mạnh mẽ thúc giục chính phủ từ bỏ mọi nỗ lực quấy rối, đe doạ hoặc trừng phạt những người đã thể hiện quan điểm hoặc ý kiến ​​của họ một cách ôn hòa”.

Bản thân tôi quen biết Giáo sư Chu Hảo. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, phụ thân của Chu Hảo và phụ thân tôi đều có mặt trên khán đài được dựng lên tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, nơi Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố Việt Nam độc lập, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của Pháp rồi Nhật Bản.

Cha ông, Chu Đình Xương, Giám đốc Công an Bắc Bộ, đứng ngay sau Hồ Chí Minh để bảo vệ ông. K kỹ sư và thi sĩ Cù Huy Cận, lúc đó mới 26 tuổi, đã tham gia sự kiện này với tư cách là Bộ trưởng Chính phủ và là người ký Tuyên ngôn Độc lập cùng với Hồ Chí Minh và các thành viên khác của Chính phủ. Chính phủ đầu tiên của Việt Nam độc lập có nhiều trí thức nổi tiếng hơn bất kỳ chính phủ nào khác do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Sáu thập niên sau, cùng với gần 3.000 người khác, ông Hảo đã ký “Kiến nghị trả tự do cho Công dân Cù Huy Hà Vũ” sau khi phiên tòa ngày 4 tháng 4 năm 2011 của Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án tôi 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong thời gian tôi bị cầm tù, vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đã chuyển cho tôi một số sách được xuất bản dưới sự chỉ đạo của Chu Hảo, trong đó có cuốn Nền dân trị Mỹ của Alexis De Tocqueville, do nhà giáo dục Phạm Toàn dịch từ bản gốc tiếng Pháp. Đến lượt mình, tôi đã ký vào Thư ngỏ nói trên để phản đối sự trấn áp của Đảng nhằm vào ông.

Thật không sai khi nói rằng Giáo sư Chu Hảo và tôi ủng hộ lẫn nhau vì thân phụ của chúng tôi đã là bạn chiến đấu của nhau. Bất luận thế nào, chúng tôi đã hành động với tư cách những người trí thức.

C.H.H.V.

——

Cù Huy Hà Vũ có bằng Tiến sĩ Luật của Đại học Panthéon-Sorbonne, Pháp. Trước khi trở thành một nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, ông là quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/11/30/bai-tri-thuc-o-viet-nam-truong-hop-giao-su-chu-hao/

This entry was posted in Chu Hảo. Bookmark the permalink.