Bảo vệ quyền riêng tư và giúp đỡ

Thục Quyên

Gần suốt tuần qua, tin cô Lê Thu Hà đáp máy bay về Việt Nam dấy lên làn sóng báo động, báo tin, cắt nghĩa, buộc tội, bênh vực, lại còn thêm dõng dạc chẩn bệnh, rồi luôn tiện phô trương hiểu biết về cách chữa trị và thời gian cần chữa trị. Nhiều người  nhân đó quay ra cãi cọ, trách cứ, rồi đả kích nhau, nếu không thì đưa ý kiến cho người khác làm, thí dụ như đề nghị bà con Việt Nam ở Đức nhất là LS Đài cùng vợ nên lo chăm sóc cô Thu Hà. Ấy là chưa kể có người còn rủa toàn bộ cộng đồng VN tại hải ngoại là nhỏ nhen, kèn cựa nhau v.v. nên cô Thu Hà cô đơn, khó sống (lẽ dĩ nhiên đây có thể lả dư luận viên nhưng liệu mọi người đọc có đủ tinh tế để nhận ra?)

Ngày 27/11/2018, khi không còn ai nhắc nhở gì tới cô Thu Hà nữa, những người thích lên tiếng theo "sự kiện" đã có những sự kiện khác để chú ý, thì chính cô đã post lên  FB của mình một bài viết kết tội LS Nguyễn văn Đài, người cô đã hợp tác làm việc trong Hội Anh em Dân chủ, là:

"phao tin đồn nhảm rằng tôi bị tâm thần, cố tình hạ uy tín của tôi để nhằm bảo vệ mình" Trong một Stt trả lời một người khác, cô Thu Hà viết

Cô Thu Hà có lý khi giận dữ vì người ngoài (ngay cả nếu là người trong gia đình) đưa tin cô bị tâm thần, bất kể điều này đúng hay sai, vì vấn đề sức khỏe thuộc quyền riêng tư của cô.

Mặt khác, không thấy cô Thu Hà đưa bằng chứng là LS Đài đã làm điều cô bắt tội. Nếu không đúng, LS Đài có thể kiện cô về tội sỉ vả ông là: "lưu manh, bỉ ổi, ti tiện". Nhưng trong khi chờ đợi thì những người nào viết bài đưa tin quả quyết là cô Hà bị bệnh mà không hề được LS Đài "mớm" (như cô Hà bắt tội) thì hãy can đảm chịu trách nhiệm, lên tiếng cải chính, không để LS Đài chịu oan.

Quan trọng: bảo vệ quyền riêng tư

Theo điều 17 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị

1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Cô Lê Thu Hà đang sống chính thức tại Cộng hoà Liên bang Đức, có phương tiện liên lạc với gia đình và bạn bè, thí dụ bằng điện thoại (theo tin do bà Minh, mẹ cô, cung cấp. Ngay cả khi bay về Việt Nam, Thu Hà đã điện thoại khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài, và khi đã trở về Đức, Thu Hà cũng lại gọi báo tin và nói cúp điện thoại vì mệt).

Đọc Facebook của Thu Hà suốt nhiều tháng sau này, Thu Hà làm thơ, viết và trưng ảnh với áo quần đúng mốt, trang điểm đẹp đẽ, đi du lịch nhiều thành phố Đức và Âu châu, đi học…, than là nhớ mẹ nhưng cũng khoe với mẹ là hội nhập nhanh hơn người khác…

***

Dù tất cả là thực hay có hoàn toàn đầy đủ hay không, điều chính yếu, đó là những gì Thu Hà muốn cho người khác biết về mình. Mọi suy luận và kết luận rồi phổ biến là Thu Hà sống trong khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, mà không có sự đồng ý của Thu Hà là vi phạm quyền riêng tư của cô ta.

Bộ Ngoại giao Đức và nhiều người / tổ chức đã kết hợp làm việc tận tụy với nhau tranh đấu trong suốt hơn 2 năm để đi đến kết quả là vợ chồng LS Đài và cô Thu Hà được sống tự do tại Đức. Họ còn tiếp tục giúp đỡ bảo trợ cho vợ chồng LS Đài và Thu Hà về mọi mặt để bước vào một cuộc sống bình thường, trong khi tuyệt đối bảo vệ quyền riêng tư và không bao giờ tiết lộ tin tức, dành quyền cho LS Đài và Thu Hà tự quyết định, cho người khác biết về mình bao nhiêu và vào thời điểm nào.

Chính phủ Đức trong buổi họp báo ngày 8/6/2018, cũng chỉ vỏn vẹn báo tin LS Đài và vợ cùng nữ cộng sự viên Lê Thu Hà đã được rời nhà tù qua tới Đức, và đồng thời ngỏ lời khen nhà nước VN đã có một hành động nhân đạo đáng chú ý.

Cần hiểu khi dùng chữ nhân đạo, phát ngôn viên của Chính phủ Đức chỉ nói đến việc nhà nước VN chấp thuận để vợ chồng LS Đài và cô Thu Hà ra khỏi tù, còn việc nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp, bắt, xử, và giam cầm bất công LS Đài và cô Thu Hà thì đã bị Quốc hội và Chính phủ Đức lên án ròng rã hơn hai năm trời và là lý do tại sao Đức chấp nhận cho hai người nhập cảnh Đức để được ra khỏi tù Việt Nam (người thứ 3 là bà Khánh được theo chồng).

Quyền riêng tư của vợ chồng LS Đài và của cô Hà được tiếp tục bảo vệ tuyệt đối khi họ đặt chân xuống Đức. Không thấy họ phải đối diện ngay với những náo động, không phải tuyên bố hay chọn lựa gì cả. Mãi gần một tuần sau mới thấy LS Đài và cô Hà xuất hiện trong buổi thăm viếng và cám ơn Liên đoàn Thẩm phán Đức và bà dân biểu ML Dött đã từng bảo trợ cho LS Đài.

Những ngày sau đó LS Đài đã chọn lựa làm truyền thông trên FB, tuyên bố những hoạt động của mình cùng với HAEDC hải ngoại. Cô Thu Hà cũng xuất hiện trên FB công khai, để viết về mình và liên lạc với gia đình cũng như bè bạn, được nghe những lời tán tụng của các fans.

Không có lý do nhân đạo nào, lá bài nhân quyền nào…

Đó là những câu cô Lê Thu Hà viết trong bài đăng trên FB Hà Lê ngày 27/11/2018 . Bài đã biến mất nhưng vẫn còn có thể đọc trên trang Tiếng Dân

https://baotiengdan.com/2018/11/27/chuyen-tro-ve-viet-nam-va-cuoc-thu-nghiem/

Thu Hà hứa hẹn trong tương lai sẽ cho biết chi tiết:

Tôi cũng xin đính chính rằng, không có một lý do nhân đạo nào từ phía Đức trong cuộc dàn xếp trao đổi lợi ích, giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa hai chính phủ. Việc chính quyền Việt Nam tìm cách đưa tôi sang Đức, cũng như tiến hành bắt bớ, đàn áp hàng loạt các nhà hoạt động trong nước là để tìm kiếm cơ hội thỏa thuận với tôi và nhằm hạn chế ở mức thấp nhất khả năng bị tôi kiện tụng, nếu không những cá nhân đã ra lệnh bắt tạm giữ, tạm giam… và phê chuẩn các lệnh đó sẽ phải vào tù bóc lịch thay tôi

Trong khi chờ đợi được nghe những lời cắt nghĩa, chứng minh sự thật của cô Thu Hà, người viết rất phân vân về chuyện cô Hà tuyên bố nhà nước Việt Nam muốn tìm "thỏa thuận" với cô, rằng cô có khả năng thưa kiện (ở đâu vả như thế nào thì chưa biết) để những cá nhân "đã tạm giữ, tạm giam … và phê chuẩn các lệnh đó" sẽ phải vào tù thay cô. Cô cũng viết cho LS Miếng cô chỉ thỏa thuận vì nghĩ thương ông Trần Huỳnh Duy Thức. Ít ra cô cũng nhận rằng mình đã thỏa thuận chứ chẳng ai ép buộc gì cô. Còn tại sao trong khi ông TH Duy Thức cương quyết không đi nước ngoài mà cô Thu Hà lại vì thương ông này mà đi ra nước ngoài, thì thực khó hiểu.

Rồi lại bay về Việt Nam để làm một cuộc thử nghiệm? Thử nghiệm cái gì?

Tất cả còn là một bí ẩn cô Thu Hà chưa chứng minh nên nghe có vẻ rất không bình thường.

Nước Đức và người Đức có tấm lòng nhân đạo, quảng đại…

là ý kiến của blogger Người Buôn Gió ngày 28/11/2018 trong bài viết của ông

http://nguoibuongio1972.blogspot.com/

Những người Đức giúp tôi đi họ không yêu cầu tôi làm gì cả, hơn 5 năm qua họ không hề nhắc đến tôi, họ còn phải tập trung để giúp những người khác.

Có lẽ nhận định:

Đôi khi trong cuộc đời, vô tình chúng ta rơi vào một sự kiện lớn, điều đó không có nghĩa ta là nhân vật lớn, cần phải được đối xử đúng tầm của nhân vật lớn hay có một âm mưu lớn nào đó mà ta là mắt xích quan trọng làm nên lịch sử… ta phải để cho đời biết.

là cứu cánh cho ông [NBG] để vững vàng sống, đơn giản nhưng hữu hiệu.

Không phải ai cũng suy nghĩ được như Người Buôn Gió, nhưng đây chính là điều có lẽ mọi người chúng ta nên nhắc nhở nhau.

Học hỏi để tránh xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

LS Nguyễn văn Đài, người đang bị cô Thu Hà buộc tội, theo tôi, nên lên tiếng xin lỗi cô Hà nếu đã lỡ xâm phạm quyền riêng tư của cô ta với cái mà ông gọi là

Thông tin chính thức về chị Lê Thu Hà.

Từ khi sang Đức chị Lê Thu Hà đã có nguyện vọng trở lại VN. Nhưng lúc ban đầu mọi người và gia đình khuyên nên chị ở lại. Nay chị Hà hoàn toàn tự do để thực hiện nguyện vọng của mình.

Chị đã không nhận giấy thông hành, giấy phép cư trú và giấy phép lao động do chính phủ Đức cấp.

Khi về tới sân bay Nội Bài, chị Hà đã bị an ninh giữ lại và chờ chuyến bay tiếp theo đưa chị Hà trở lại Đức.

Tôi đã nhận được tin chị Hà đã tới Bangkok, Thai Lan.

Hiện nay, khi chị Hà về tới sân bay của Đức sẽ rất phức tạp, vì các giấy tờ chị Hà có đã gần hết hạn.

Anh em bên Đức đang cố gắng can thiệp với các cơ quan hữu quan của Đức về việc của chị Hà.

Chúng tôi sẽ thông báo tới quí vị sau.

Nếu cô Thu Hà không hề nhờ ông và ông không thật tình có khả năng làm được những điều ông viết.

Bù lại LS Đài sẽ đóng góp rất nhiều cho sự hiểu biết của mọi người nếu ông có thể cho biết những gì đang xảy ra cho chính bản thân ông. Thí dụ ông nói về những sự giúp đỡ của Chính phủ Đức mà ông và vợ được hưởng từ lúc còn trong tù cho tới nay, từ mặt giấy tờ, thông dịch, thời gian nghỉ để lấy lại thăng bằng sau khi ra tù, vấn đề vật chất nhà cửa, tài chánh, tự do đi lại qua các nước châu Âu gặp đồng hương…..

Cộng đồng người Việt tại Đức đối xử với ông ra sao?

Chỉ có LS Đài mới có quyền kể lại chuyện riêng của ông, hiện nay chính ông đang được hưởng an sinh xã hội ra sao, tự do di chuyển, hành động… như thế nào.

Giúp đỡ

Vấn đề giúp đỡ luôn đặt ra bên giúp và bên nhận. Cả hai bên giúp và nhận đều tự do làm hay không làm.

Bên giúp chỉ có thể giúp đỡ đứng đắn, đúng cách và hữu hiệu, nếu cẩn thận tìm hiểu nhu cầu của người mà mình đánh giá đang cần giúp đỡ. Nếu không cẩn thận thì sự giúp đỡ của mình không những không mang lợi lạc mà còn có thể mang họa đến cho người đang cần giúp đỡ.

Rất là tắc trách nếu tuyên bố giúp bằng những phương cách chính mình không có khả năng làm hay làm càn rồi sau một thời gian ngắn, bỏ người ta trong một tình trạng tuyệt vọng hơn.

Chiều ngày 28/11/2019 nhà báo Lê Trung Khoa đã lifestream buổi gặp gỡ với cô Thu Hà và đã báo tin sẽ giúp đỡ mẹ Thu Hà sang Đức thăm con.

Mừng cho cả hai mẹ con nhưng, nếu thực tình được, thì phải nói rằng cô Thu Hà có quá nhiều may mắn.

Ba mươi, bốn mươi năm trước, những người đi tỵ nạn cộng sản chúng tôi nếu thoát chết vì biển cả hay hải tặc mà đến được bờ tự do, thì nhớ quay quắt gia đình và quê hương cũng ráng chịu, làm gì được điện thoại hay FB với người ở nhà. Mà người ở nhà thì cha, anh, chồng… còn trong trại cải tạo, sống chết ra sao cũng không biết. Thương cho những người vì hoàn cảnh quá khắc nghiệt mắc phải bệnh tâm thần, nhưng may mắn thay, đa số đã nương dựa vào nhau, và nhờ ở sự giúp đỡ nhân đạo của các nước đón nhận, mà ngày nay có thể tạo thành một tập thể vững mạnh, tranh đấu bảo vệ nhân quyền cho những đồng bào trong nước. Gộp những người Việt sống tại nước ngoài vì không chấp nhận cộng sản độc tài với thành phần chỉ muốn kiếm lợi bản thân, để kết luận là cộng đồng người Việt tranh chấp, kèn cựa, là điều thiển cận.

Xin kết thúc bài này với lời chúc mẹ cô Thu Hà khéo léo, đừng chờ phải qua được tới Đức thì mới trùng phùng với con. Một người có ý chí như Thu Hà, và một người mẹ có lòng thương con vô bờ bến, thì sẽ cùng nhau biết cách sử dụng những phương tiện tân tiến để mỗi ngày hai mẹ con có thể tâm sự chia sẻ vui buồn với nhau, tạo điều kiện tâm lý cho Thu Hà tiến nhanh trên con đường xây dựng một cuộc sống mới.

Th. Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.