2010-06-14
Vụ Securency vừa có thêm sự xuất hiện của một nhân vật mới. Đó là ông Đỗ Minh Thương, làm việc cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam.
Sau cha con ông Lê Đức Thúy – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Lương Ngọc Anh – cựu Tổng Giám đốc Công ty CFTD liên quan trong vụ Securency (doanh nghiệp có 50% vốn thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Úc) đưa hối lộ cho Việt Nam, để Việt Nam thay tiền giấy thành tiền polymer, nay có thêm sự dính líu của ông Đỗ Minh Thương.
Trần Văn có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh, một nhà báo tự do sống tại Úc, người đã và đang theo dõi rất sát diễn biến của vụ Securency, về những diễn biến mới nhất liên quan tới vụ tai tiếng này…
Xuất hiện nhân vật mới
Trần Văn: Thưa anh Lê Minh, chúng tôi được biết, Viện Công tố Úc vừa yêu cầu Cảnh sát Úc xem xét các bằng chứng để truy tố một số lãnh đạo một số công ty thuộc Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc (RBA) về tội đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu in tiền polymer cho một số quốc gia.
Anh có thể cho biết thêm rằng, công luận Úc nhận định như thế nào về sự kiện đó không?
Lê Minh: Thưa anh, cho đến hôm nay thì báo chí Úc đã đưa năm, sáu đợt bài bình luận về vụ này. Những chi tiết mà báo chí Úc có chắc chắn chỉ là một phần nhỏ của cuộc điều tra do cảnh sát liên bang đang tiến hành.
Ông Thương là Tùy viên của phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc và cũng là thành viên trong phái đoàn Việt Nam tại tổ chức WTO đóng tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Ô. Lê Minh
Những diễn biến mới nhất là các quan chức của hai công ty là Công ty Securency và Công ty in tiền NPR (Note Printing Australia), thuộc RBA dính rất sâu vào vụ tham nhũng này.
Đó là lý do tại sao mới đây, Viện Công tố Liên bang Úc yêu cầu Cảnh sát Liên bang Úc phải sớm tiến hành truy tố hàng ngũ lãnh đạo của hai công ty này.
Trân Văn: Vụ tai tiếng xảy ra ở Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc có liên quan đến Việt Nam, báo chí Úc đã từng tiết lộ một số thông tin về việc quan chức Việt Nam nhận hối lộ và được nhờ môi giới hối lộ ở Venezuela.
Ngoài sự dính líu của ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy – Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam vào thời điểm Việt Nam quyết định đổi tiền giấy thành tiền polymer, rồi ông Lương Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty CFTD, người được cho là cán bộ Bộ Công an Việt Nam, công luận Úc còn tiết lộ thêm thông tin nào khác về các cá nhân, cơ quan của Việt Nam có dính líu đến vụ đưa – nhận hối lộ này?
Lê Minh: Thưa anh, những thông tin mà công chúng được biết chính xác thì nhân vật chính làm trung gian trong vụ này là ông Lương Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty CFTD.
Ngoài ra còn hai nhân vật chính khác là cha con ông Lê Đức Thúy, Lê Đức Minh. Ông Lê Đức Thúy là cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Còn có thêm một nhân vật nữa là ông Đỗ Minh Thương. Ông Đỗ Minh Thương này là Giám đốc đại diện Công ty CFTD tại Úc Châu. Văn phòng đặt tại Melbourne, tiểu bang Victoria.
Ông Thương là Tùy viên của phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc và cũng là thành viên trong phái đoàn Việt Nam tại tổ chức WTO đóng tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Chuyển ngành để làm gì?
Trần Văn: Thông tin về việc ông Thương là Tùy viên Thương mại của phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc, rồi là thành viên của phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới là do công luận Úc công bố hay do anh tự tìm hiểu?
Lê Minh: Thưa anh, thông tin này đăng tải rõ ràng trên báo The Age của Úc.
Theo hồ sơ mở công ty ở Úc thì văn phòng Công ty CFTD tại Melbourne được thành lập vào tháng 7 năm 2005. Tức là khoảng một năm sau khi Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền polymer.
Những thông tin mới nhất cho thấy, ít nhất ông Thương có liên hệ tới Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương của Việt Nam.
Đó là những nhân vật về mặt nổi. Trong thời gian sắp tới, khi Úc đưa các quan chức của Úc ra tòa thì chắc chắn, những thông tin chi tiết, kể cả danh tánh những người liên quan ở các cấp bậc khác nhau phía Việt Nam sẽ được tiết lộ ít nhất là trong tòa.
Như vậy là sắp tới, chúng ta sẽ được biết những ai có dính chàm trong vụ này.
Trần Văn: Khi loan báo về sự dính líu của ông Đỗ Minh Thương, Giám đốc chi nhánh tại Úc của Công ty CFTD, báo chí Úc có tiết lộ thêm thông tin nào liên quan đến chi nhánh đó không?
Lê Minh: Giai đoạn này là giai đoạn điều tra, họ chỉ mới tiết lộ như vậy và theo hồ sơ thành lập công ty tại cơ quan quản trị các công ty và thị trường chứng khoán của Úc thì Công ty CFTD tại Úc được thành lập vào tháng 7 năm 2005, văn phòng đặt tại Frankston – một vùng ven biển của thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria.
Tháng 10 năm ngoái, tờ An ninh Thủ đô có một bài ca ngợi ông Lương Ngọc Anh nhưng hai tháng sau, ông Nguyễn Minh Quang đã xuất hiện như TGĐ mới. Điều này cho thấy có chủ trương thay đổi nhân sự để tránh sự dòm ngó của báo chí.
Ô. Lê Minh
Văn phòng này là văn phòng đại diện và cũng chỉ làm công việc giao dịch, nói nôm na theo tiếng Việt là làm những phi vụ giới thiệu,…
Những nhân vật này cũng chỉ là những nhân vật đại diện và chắc chắn đằng sau những nhân vật này còn nhiều nhân vật khác nữa.
Trở lại với ông Lương Ngọc Anh là Tổng Giám đốc Công ty CFTD. Bây giờ chúng ta phải nói là ông cựu Tổng Giám đốc. Tại vì tháng 10 năm ngoái, tờ An ninh Thủ đô có một bài ca ngợi ông Lương Ngọc Anh nhưng hai tháng sau, khoảng tháng 12 năm ngoái, ông Nguyễn Minh Quang đã xuất hiện như Tổng Giám đốc mới.
Điều này cho chúng ta thấy rằng là, ở đâu đó có chủ trương thay đổi nhân sự để tránh sự dòm ngó của báo chí.
Nguồn: RFA, 14-6-2010