‘Mày cần đất hay cần mạng?’

Mặc Lâm

Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q2 ngày 22/11/2018.

Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q2 ngày 22/11/2018.

Hai chữ Thủ Thiêm đã trở thành biểu tượng của người dân oan mất đất, cho dù mai này nó có là một khu đô thị trù phú, hay một ốc đảo của phồn hoa thì cái oan khuất của nó vĩnh viễn không bao giờ được gột rửa trong lòng người dân cả nước, và nhất là người dân ngay tại nơi mà cái khu đô thị mới ấy mọc lên.

Thủ Thiêm nhắc nhở bao điều đắng cay khổ ải của hơn 16 ngàn con người. Những con người cần cù với ruộng đồng mặc dù ánh đèn Sài gòn hằng đêm hào nhoáng bên kia con sông, chỉ một cuốc xe ngắn là tới nhưng nào họ có màng mỏi gì, bởi đời sống chật vật không cho phép họ sống như một thị dân đúng nghĩa.

Và sự khổ nạn ập tới như giông gió sấm sét. Giông gió vì sức cưỡng chiếm vũ bão của nó, sấm sét vì sự tàn nhẫn, vô tình đến lạnh lùng khi từng vuông đất bị san bằng để dùng vào việc khác, việc của những kẻ có tiền nhưng không hề có lương tâm. Người dân Thủ Thiêm từ đó bắt đầu trôi dạt trên chính quê hương mình, họ có miệng nhưng nói không thành lời vì sức ép của cường quyền đè nặng lên báo chí cộng với bạo lực đi kèm sẵn sàng đáp trả mọi cố gắng mưu tìm công lý của những con người khốn khổ.

Nhưng rồi một ngày, họ được nói, được bày tỏ uất hận của mình qua chiếc giày của chị Thùy Dương ném vào bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, gián tiếp ném vào hệ thống cầm quyền đã và đang bao che, đồng lõa cho một tập đoàn cướp đất mà Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải cùng một loạt những quan chức nhũng lạm khác đã thao túng và làm giàu bất chính.

Dư luận hồi hộp theo dõi những phát biểu của bà con trong những dịp gặp gỡ cử tri của bà Quyết Tâm, cũng là đại biểu Quốc hội đơn vị TP HCM, là người gặp gỡ dân oan Thủ Thiêm và hứng chịu biết bao lời oán trách xót xa.

Người dân cả nước tưởng sự phàn ứng của người dân Thủ Thiêm chỉ giới hạn trong các căn phòng kín mít của Quận Hai. Nhưng không, mỗi lời nói, mỗi phản ứng đã được ghi lại và lan tỏa đi khắp nơi, nhất là lời phát biểu của người dân mới đây cũng tại nơi gặp gỡ cử tri vào ngày 22 tháng 11.

Ngồi ghế chủ tọa cũng là những gương mặt cũ, trả lời câu hỏi của người dân cũng là những câu trả lời cũ nhưng phản ứng gay gắt của dân oan Thủ Thiêm ngày hôm đó đã tạo một cơn sóng gió thật sự. Lần này người dân không kiến nghị, không yêu cầu mà họ chỉ thẳng vào bàn của chủ tọa, nêu lên những câu hỏi và lồng trong đó là sự lên án, kết tội từng con người, tập thể của cả hệ thống chính quyền thành phố.

Một video clip chia sẻ trên mạng cho thấy những uất hận biến thành phán xét của người dân Thủ Thiêm, Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, người ném chiếc giày vào bà Tâm vài tuần trước nay trở lại với những câu hỏi hóc búa và đầy căm phẫn. Chị hỏi chủ tọa đoàn: “Tại sao UBND quận Hai tự tiện lấy đất của 11 hộ dân cấp cho Quân cảng và Quân cảng lấy quyền lực của mình là quyền lực Bộ quốc phòng để mà áp giá trả cho người dân 70 ngàn một mét vuông đất? Pháp luật nào cho phép lấy đất của người dân cấp cho người nhà của cán bộ?”

Chị Thùy Dương đã chứng minh sự xem thường pháp luật của công an khi tiếp tay cưỡng chế đất của người dân. Chị nêu trường hợp cụ thể của một người đang có mặt trong phòng họp, chị nói với báo chí: “Các anh chị báo chí lưu ý phía bên kia là một bà tóc bạc, UBND quận Hai đã lấy đất người dân xây trụ sở cho mình, hôm đó chính lực lượng công an nhân dân đã kề súng vào đầu con trai của cô đó và nói rằng “mày cần đất hay cần mạng?” vậy công an nhân dân để làm gì, bảo vệ cái gì?”

Sự thật qua lời phát biểu của chị Thùy Dương không ai ngạc nhiên, người ta chỉ ngạc nhiên khi sự thật ấy lại bày ra công khai trước dư luận. Công an là lá chắn là thanh kiếm của đảng thì ai cũng biết nhưng công an công khai kề súng vào đầu người dân để cướp đất thì ít ai được thấy.

Và bây giờ người dân cả nước đã thấy. Thấy và uất theo gia đình nạn nhân như sự việc của chính mình.

Quân đội đã ăn theo chính quyền để chiếm những phần đất béo bở là một ung nhọt khác của Thủ Thiêm được chị Thùy Dương công khai tố cáo trước dư luận. Họng súng nào chỉa vào dân cũng đáng bị lên án như nhau khi họng súng ấy bảo vệ lợi ích những tập đoàn bất chính và chia chát mồ hôi nước mắt đồng bào đói khổ. Chị Thùy Dương đã lên tiếng thay cho nhiều người, những người khốn khó và bị bách hại như nhau.

Bà Nguyễn Thị Tám, phường Bình Khánh đã nêu lên những giả hình khác của bàn chủ tọa. Nói với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bà Tám nhẹ nhàng lên án sự im lặng của bà ta trước các kỳ họp Quốc Hội, trong khi mỗi lần gặp gỡ cử tri là một lần bà Tâm hứa sẽ trình bày chuyện này trước các kỳ họp kế tiếp. Bà xem người dân như những kẻ ngu si đần độn bởi bà tin họng súng sẽ vĩnh viễn khiến họ im lặng, có lên tiếng cũng chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường của phòng họp mà thôi.

Bà Tám vừa hỏi vừa nhiếc móc: “Chị Tâm đã hai nhiệm kỳ ứng cử ở đây, chưa thấy chị ra Quốc hội nói cho bà con một tiếng. Các vị biết sự cực khổ, nhà bị đập, bao nhiêu máy may, vải mùng nằm ngoài sân, ông chủ tọa đều biết và thấy tôi khóc. Những dự án triển khai phải trình qua HĐND TP, vậy vụ bán đất ở Phước Kiển do ông Tất Thành Cang ký, chị có biết không? Tôi đề nghị trả lời vì sao những vụ việc này HĐND TPHCM, Đoàn ĐBQH không biết? Ông Tất Thành Cang làm khổ hàng nghìn người, tại sao chỉ bị kỷ luật? Một đứa bé ăn cắp hai ổ bánh mỳ ở tù 9 tháng, làm khổ dân như vậy mà chỉ kỷ luật?”

Câu hỏi treo lơ lửng trên đầu bà Quyết Tâm cùng những người trách nhiệm. Hỏi nhưng hình như người dân Thủ Thiêm không chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng vì họ biết chắc rằng sẽ không ai có thể trả lời cho họ khi đồng tiền đã bít kín mọi ngã vào trên con đường mang tên Công lý.

Lên tiếng công khai và phán xét cả hệ thống khiến cho cả nước phấn khởi vì cảm thấy họ nói giúp cho mình. Bởi, có nơi nào trên đất nước này mà người dân cảm thấy an toàn trước vòng vây của mọi thứ đáng sợ, nhất là những họng súng sẵn sàng chỉa thẳng vào mình để bảo vệ vùng đất trù phú mang tên tập đoàn tư bản đỏ?

M.L.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/thu-thiem-nguyen-thuy-duong-quyet-tam/4675716.html

This entry was posted in Thủ Thiêm. Bookmark the permalink.