Dân vùng có đường sắt cao tốc đi qua phản ứng gay gắt với “chiếc xe ngựa quý tộc”, giá vé cao khiến việc đầu tư đường sắt cao tốc lỗ nặng và mất giá trước máy bay, đó là những vấn đề mà các cường quốc Nhật, Pháp, Nga gặp phải.
Nhật: Lỗ nặng vì Shinkansen
Từ trước tháng 10/1964, khi tuyến đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen khai trương, Cơ quan Đường sắt quốc gia Nhật (JNR) chưa bao giờ bị lỗ. Từ năm 1957-1963, JNR tận hưởng bảy năm lợi nhuận cao liên tục. Tuy nhiên, sau khi tuyến Tokaido Shinkansen ra đời, JNR lập tức bị lỗ suốt 23 năm.
Một trong những nguyên nhân là do tuyến Tokaido Shinkansen lỗ nặng, trong khi chính quyền Nhật quyết tâm giữ giá vé tàu ở mức thấp. Đến năm 1971, tổng số nợ của JNR do đầu tư và điều hành hệ thống Shinkansen đã lên đến 28.000 tỉ yen (280 tỉ USD theo tỉ giá USD/yen năm 2009).
Đến năm 1975, khi đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, JNR được phép tăng giá vé. Tuy nhiên, tình trạng đầu tư quá tay tiếp tục, và đến đầu thập niên 1980 Chính phủ Nhật buộc phải thừa nhận JNR đã ở trong tình trạng nguy hiểm không thể cứu. Giải pháp duy nhất là giải thể và tư nhân hóa JNR. Tháng 4/1987, Quốc hội Nhật thông qua việc tư nhân hóa JNR. Một nhóm công ty mang tên Tập đoàn Đường sắt Nhật (JR Group) ra đời.
Khi đó, Chính phủ Nhật thành lập Công ty JNR Settlement Corporation để giải quyết tình trạng nợ nần của JNR. Tháng 10/1998, JNR Settlement Corporation bị giải thể, và toàn bộ số nợ được chuyển sang Công ty Japan Railway Construction Public Corporation. Khi đó, tổng số nợ đã vọt lên đến 30.000 tỉ yen (310 tỉ USD theo tỉ giá USD/yen năm 2009). Số nợ này sau đó được đưa vào tổng nợ công của Nhật.
Pháp: Đường sắt cao tốc ngày càng mất giá trước máy bay
Tuyến tàu cao tốc TGV từ Paris tới Marseille có chiều dài 770km, đi mất 3h20 phút. Giá vé là 90 Euro/chiều (nếu mua vé trước một tháng sẽ rẻ được gần 2/3 nhưng không được đổi vé, đổi giờ. Đi và về mất 108 Euro, tương đương 16% lương tối thiểu ở Pháp. (Xét về giá cả thì hiện ở châu Âu các hãng hàng không giá rẻ đã khiến các công ty đường sắt phải méo mặt. Có thể kiếm vé từ Paris đi xuống miền Nam với giá chỉ độ 25-30 euro).
Xét theo tiền đầu tư cho đường tàu sắt hiện đại này thì khá tốn kém: khoảng 1,7-2 tỉ euro cho mỗi 100 km, cao gấp ba lần chi phí làm đường xa lộ bốn làn xe hữu ích cho các địa phương vùng sâu, vùng xa. Nếu là vùng địa hình đồi núi nhiều thì chi phí có thể lên gấp đôi vì với tàu cao tốc không có chuyện đi vòng. Chi phí bảo trì, duy tu cũng không nhỏ: khoảng 1 triệu euro/km/năm.
Vì vậy, ngoài tuyến đường Paris – Lyon – Marseille có lãi khoảng 4,2%, các tuyến đường TGV khác của Pháp đang là gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Tuyến đường miền đông mới mở đang lỗ ròng 100 triệu euro mỗi năm, sau khi trừ ra mọi khoản trợ giúp của chính phủ.
Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) chọn giải pháp tăng giá vé: tăng thêm hơn 30% từ năm 2010. Điều đó càng làm cho TGV mất giá trước máy bay.
Nga: Dân phản ứng tiêu cực với đường sắt cao tốc
Tháng 12/2009, dân Nga có tàu lửa siêu tốc đầu tiên. Từ đó đến nay, con tàu đã bị dân chúng căm ghét, ném đá, bắn không biết bao nhiêu lần.
Trong số tàu siêu tốc, chạy nhanh nhất là tàu Sapsan. Sapsan do công ty Đức Siemens chế tạo, nối liền Moscow với Saint Petersburg (687 km) trong 3 giờ 45, thay vì 8 giờ như trước đây, nên rất được các nhà kinh doanh và các quan chức cao cấp ưa thích. Mỗi ngày có năm chuyến tàu Sapsan với giá hạng nhì là 3.432 rúp (khoảng hơn 100 USD), đắt gấp 10 lần so với tàu rẻ nhất là Iounost.
Tuy nhiên, Sapsan lại bị dân chúng sống ở hai bên đường sắt chống đối kịch liệt. Chỉ trong 6 tháng lưu thông, chiếc tàu của tương lai này đã bị không ít hơn 14 hành động phá hoại như ném đá, bắn súng, phá hoại dây cáp điện…
Lý do là khi tàu Sapsan hoạt động, rất nhiều chuyến tàu chợ bị bỏ. Đối với người đi bộ, họ không thể băng qua đường ray bằng các lối đi riêng. Hiện nay, do tàu Sapsan dùng tuyến đường ray duy nhất, nên hầu hết các lối đi riêng đó đều bị bỏ. Rất nhiều làng bị cắt làm đôi, khiến cho việc đi từ bên này sang bên kia trở thành vô cùng nguy hiểm.
Để giải quyết tình hình đó, đáng ra nên xây những cầu đi bộ bên trên đường ray, nhưng các địa phương lại thiếu tiền. Thế mà công ty đường sắt của Nga lại không bị bắt phải làm các công trình đó.
Theo lời than thở của ông Tseren Tserenov – Giám đốc Sở Vận tải vùng Tver – với tuần báo Rousski Reportior, Sở này nhận được rất nhiều thư phản đối và ngay cả những “thư đe doạ”. Các quan chức cho rằng dân chúng khó chấp nhận sự kiện Sapsan là con tàu của những người giàu. Nhưng theo ông Lioubov Arbouzov, dân làng Tchoutrianovka nằm ven tuyến đường sắt: “Dân làng chúng tôi không cần quan tâm việc họ đi trên một con tàu làm bằng vàng, nếu nó không làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi”.
P.V (tổng hợp từ báo SGTT, Tuổi trẻ TP HCM)
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1983/201006/Cac-cuong-quoc-kho-vi-duong-sat-cao-toc-1756552/